Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

ƯỚC MUỐN HẠNH PHÚC


Kinh định nghĩa “một trong những cơ sở dẫn đến khổ đau là ước muốn mà không được toại nguyện”, có nghĩa là nguyện ước diễn ra theo cách này mà thành tựu lại theo hướng hoàn toàn đối lập. Nỗi thất vọng do nỗ lực dụng công theo đuổi một lập trường, sự nghiệp lại không được đền bù trả giá đúng mức khiến con người trở nên khổ đau.
Khổ đau trước nhất là tiếc nuối những gì đã bỏ ra mà không đạt được; khổ đau thứ hai là kết quả, cái mà con người nghĩ rằng nó sẽ đáp ứng ở mức độ cuối cùng, nhưng mọi việc lại diễn ra theo cách thức riêng của nó. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra là khi ước muốn được toại nguyện, con người có thật sự được hạnh phúc không?. Câu trả lời tùy thuộc vào nội dung của từng ước muốn. Chẳng hạn sự thành tựu ước muốn trở thành tay ăn trộm chuyên nghiệp, rõ ràng không mang lại hạnh phúc mà chỉ mang lại niềm vui, niềm vui đó nuôi lớn bản ngã, còn hạnh phúc thì không có mặt thật sự. Rất tiếc có nhiều người theo đuổi khuynh hướng tiêu cực này, hoặc đánh đồng hai thành một, niềm vui là hạnh phúc. Có nhiều cách thức để truyền bá niềm vui, bao gồm cả những tiến trình rất mạo hiểm.
Hai cha con hành nghề ăn trộm. Người cha vô cùng lão luyện và người con cũng muốn không thua kém cha mình. Anh yêu cầu cha truyền nghề một cách chính tông. Một hôm vào lúc giữa khuya, người cha dẫn con lẻn vào một ngôi nhà giàu có. Sau đó cha bảo con hãy chui vào tủ quần áo ngồi đợi cha. Người con vui mừng làm theo. Sau khi con chui vào tủ, người cha hô lớn lên “trộm, trộm” rồi bỏ chạy. Sáng hôm sau, con lững thững trở về sau một đêm đối phó với các gia chủ và trốn chạy, thái độ anh hậm hực định thanh toán cha mình. Bấy giờ người cha gật gù vỗ vào vai con và chúc mừng con đã thành nghề.
Câu chuyện một mặt phản ánh chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng một mặt phản ánh ước muốn được thành tựu chưa chắc là niềm hạnh phúc thuộc về đời sống của nội tâm. Có những bài học cần tính hiện thực, đặt học trò vào một bối cảnh để tự tạo giải pháp cho riêng mình. Chủ nghĩa kinh nghiệm rập khuôn bắt thế hệ sau phải bê các giải pháp của thế hệ trước áp dụng cho các tình huống hoàn toàn khác nhau là điều mà các triết gia duy lý rất phản ứng. Họ cho rằng bê khuôn kinh nghiệm của người trước áp đặt cho những người sau là tạo khổ sở cho họ, đặt một giá trị chân lý bất di bất dịch và bắt mọi người phải theo chân lý đó đôi lúc đánh mất những khả thể có thể tiếp cận chân lý mà phải xóa bỏ những cái này mới làm chân lý hiển hiện được.
Tuy nhiên phương diện cần nêu ở đây là liệu ước muốn khi được thành tựu có mang lại niềm hạnh phúc hay không?. Công thức “Ước muốn không thành tựu =>Khổ đau” chỉ diễn ra một chiều, chiều còn lại “Ước muốn được thành tựu => Hạnh phúc” chưa chắc là chân lý. Sự thành tựu ước muốn chưa hẳn là hạnh phúc, nếu thành tựu ước muốn đó đặt trên nền tảng của đời sống vị kỷ mang lại khổ đau, đi ngược lại quy luật của đạo đức, lương tâm và luật pháp.
Nỗi buồn thành niềm vui
Khi sống trong môi trường hoàn toàn trái biệt và đi ngược lại nguyện vọng của chính mình thì phải làm thế nào để được an vui? Những nông dân chân lấm tay bùn, bằng rất nhiều nỗ lực, nhưng cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Mỗi bước chân đi trên đồng ruộng mang theo cả gánh nặng về trách nhiệm gia đình, về cuộc sống. Khi vụ mùa bị thất thu, công sức tiền bạc đổ dồn cho một năm trời nhưng cuối cùng không đủ để trả vốn. Lỗ vốn và mất công, rõ ràng khổ đau tràn ngập. Trong những tình huống này, người biết cách vẫn có thể tạo cho mình được niềm vui. Dĩ nhiên, niềm vui có thể bắt nguồn từ sự tự an ủi nào đó, theo cách nói của người phàm, bằng không thì phải biết cách nhìn, quán chiếu, để chuyển nỗi buồn thành niềm vui. Câu ca dao được các em mục đồng hát nghêu ngao trên đồng ruộng: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”. Đó là cách thức tìm kiếm giá trị hạnh phúc từ những phương tiện, những sự kiện đang diễn ra liên hệ đến cuộc sống hằng ngày của nông dân như là một số phận.
Ấn Độ là một nước nghèo khó, mặc dù sự phát triển về khoa học, vũ khí, các công nghệ hiện đại Ấn Độ đang từng bước theo kịp các nước phương Tây, nhưng đời sống của quản đại đa số quần chúng là nghèo khó, nghèo rớt mồng tơi, màn trời chiếu đất. Báo chí đưa tin, hàng năm sau mỗi mùa mưa, mùa nắng, có tối thiểu ba trăm người chết. Họ không có đủ phương tiện để điều hoà khí hậu bất thường nóng và lạnh ở Ấn Độ. Nếu quan sát cách thức con người Ấn Độ sống trong sự khổ sở đó, sẽ có nhiều điều cần học từ họ.
Hiện tượng kẹt xe trên đường kéo dài ba đến năm tiếng là rất phổ biến, nhưng trên gương mặt của tài xế và phụ lái Ấn Độ không thể hiện sự buồn rầu, bực dọc, tức tối. Anh tài xế hát nghêu ngao một đoạn nhạc thư giãn, lúc nào đi thì đi, lúc nào phải dừng thì ngồi chờ, không hề than trách, cũng không đứng trên mui xe nhìn tới phía trước xem đoàn xe này còn kẹt bao lâu nữa.
Đó là thái độ của người Ấn Độ, họ luôn tìm những cách an vui trong hoàn cảnh khó khăn hằng ngày. Như vậy, hạnh phúc liên quan rất nhiều đến cách nhìn vấn đề, cách giải quyết vấn đề hơn là bản thân của vấn đề và sự kiện đang diễn ra, dù các sự kiện đó là nghịch cảnh, khó khăn, gian truân, thử thách.
Một anh đạp xích lô Ấn Độ kiếm sống bằng sức lao động tay chân, chở khách hàng to béo vẫn không làm cho họ cảm thấy khổ đau. Mỗi người có một tiêu chí riêng, cá nhân anh đặt ra tiêu chí mỗi ngày kiếm hai mươi rupi, khi kiếm đủ tiêu chí thì anh không chạy nữa mà ngả lưng nằm trên xe xích lô thư giãn, ai gọi cũng lắc đầu không đi. Họ tìm mọi cách để an vui mà không cần phải bon chen, giàu có thế này thế nọ. Người Ấn Độ không quan niệm giàu có hoặc đầy đủ phương tiện là hạnh phúc. Vì vậy mà Ấn Độ là môi trường sản sinh ra rất nhiều tôn giáo có chiều kích tâm linh hơn các tôn giáo phương Tây.
Sự thỏa mãn một ước muốn chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đích thực. Câu chuyện nhà thi hào, nhà văn Đức nổi tiếng thế kỷ 18, Goethe, đem lòng thương Charlote Buphe, vợ của bạn ông. Mặc dù vậy, sự si tình vẫn làm ông theo đuổi ước mơ được lấy Charlote làm vợ. Đã nhiều lần ông tìm cách tiếp cận Charlote và tìm cách bày tỏ rằng: “Nếu không lấy được em anh sẽ tự tử để chứng minh tình yêu chung thủy và duy nhất”. Điều đó đã làm cho Charlote vô cùng hoảng sợ, bà đem điều đó chia sẻ với chồng mình.
Một hôm, chồng bà đến gặp Goethe và nói một cách tế nhị rằng: “Tôi nghe người ta nói Goethe đem lòng thương vợ tôi. Tôi nghĩ nếu Goethe thương vợ tôi thì Goethe không còn là Goethe nữa”. Goethe đã rất nhanh trí trả lời: “Rất tiếc tôi không phải là Goethe như anh nói, nếu là Goethe tôi sẽ cho anh chồng biết tay, có nghĩa là tôi sẽ tự tử thật”. Nói như vậy, Goethe phủ định việc ông đem lòng yêu thương Charlote.
Thế nhưng ông vẫn hun đúc ngọn lửa tình yêu cháy bỏng và cho ra đời tác phẩm mang tên “Nỗi đau của chàng Werther”. Tác phẩm phản ánh chuyện tình của Werther và Lohtéa, tương tự chuyện tình của ông và Charlote ngoài đời, nhưng cuối tác phẩm ông cho phép Werther tự tử chết, vì tấm lòng chung thủy trong tình yêu một chiều mà người kia không biết, không bao giờ đáp lại, và không thể nào đáp lại được.
Trong tác phẩm này, nhân vật Werther được nhà văn Goethe mô tả đạt được hạnh phúc tối đa trong tình yêu ảo mộng của mình. Cái chết chứng minh lòng thương yêu của ông là duy nhất, không gì thay đổi, chuyển hóa được, và quan niệm của ông cho đó là hạnh phúc. Bao nhiêu chàng trai trẻ đã chết theo Werther, vì tìm thấy sự đồng cảm trong tác phẩm. Đó là sai lầm với khuynh hướng bắt chước mà không suy nghĩ tại sao lại làm điều đó. Nhưng có một điều rất khôi hài là bản thân Goethe thì không chết, thậm chí sống đến gần trăm tuổi, trong khi rất nhiều thanh niên trẻ sau khi đọc tác phẩm đều bỏ mạng.
Các nhà văn khác đã thốt lên lời phát biểu: “Chưa bao giờ có một nhân vật nữ nào đẹp, quyến rũ, tuyệt vời như nhân vật Lohtéa, đã làm say mê biết bao con tim của các chàng trai và dẫn đến cái chết của họ nhưng tác giả của nó thì sống nhăn răng”. Ước muốn của Goethe là chết để chứng tỏ tình yêu duy nhất dành cho Charlote. Ông không thỏa mãn được trong thực tế thì thỏa mãn qua tác phẩm.
Đó là lý do tại sao kinh Phật khẳng định “tác ý, tự do ý chí, biểu hiện về đời sống nội tâm chính là một hành động, nếu đó là hành động tốt sẽ có phước báu, nếu là hành động xấu thì mang lại hậu quả tương ứng trong cuộc đời”. Theo nhân quả, Goethe đã tạo nghiệp xúi giục biết bao chàng trai trẻ hồn nhiên, vô tư, nhưng thiếu sáng suốt lao vào cái chết thoả mãn tình yêu không được đáp lại.
Như vậy, có thể khẳng định: “Hạnh phúc không nằm ở chỗ ước nguyện được hoàn tất có thể mang lại niềm vui, mà hạnh phúc là điều gì đó vượt lên trên niềm vui thông thường”.
Dù hạnh phúc của phàm tục, nó liên hệ đến các giác quan khi các giác quan được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ như mắt quan sát các hình thái sắc tướng, tai nghe âm thanh thích hợp… đều có thể tạo phản ứng hạnh phúc. Nói cách khác, hạnh phúc là sự hưởng thụ, khoái cảm của các giác quan đối với các đối tượng mà chúng tiếp xúc. Nhưng sự thỏa mãn ước muốn trong trường hợp này chưa phản ánh được bản chất của hạnh phúc đích thực. Có những sự thoả mãn chỉ đem lại khổ đau cho con người. Do đó, người Phật tử phải sáng suốt, dứt khoát, buông bỏ không tiếc nuối. Vì sự theo đuổi và đạt mục tiêu không chân chính chẳng những đánh mất giá trị hạnh phúc thật sự mà còn mang lại khổ đau cho người khác.
Trích cuốn HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY của thầy Thích Nhật Từ 

Cuộc sống bình dị của người sáng lập Apple bị lãng quên

Chỉ vì một quyết định thiếu sáng suốt, người đàn ông này đã vứt bỏ 10% số cổ phần của Apple để đổi lấy 1.500 USD. Giá trị của món tài sản này hiện ước tính vào khoảng 60 tỷ USD.
Ông Wayne, một trong ba người đồng sáng lập của Apple
Apple vừa bước sang tuổi 40 vào đầu tháng này. Để tạo nên thành công cho công ty có giá trị nhất thế giới ở tuổi 40 này không thể không kể đến một người đàn ông đã giúp xây dựng công ty từ những viên gạch đầu tiên và sau đó ra đi lặng lẽ.
Lái xe khoảng một giờ đồng hồ từ Las Vegas bạn sẽ bước chân vào sa mạc Nevada. Khi bạn cảm thấy mình đã đến nơi tận cùng của nền văn minh, hãy cứ tiếp tục đi. Miền đất xa xôi hẻo lánh đó chính là Pahrump, nơi vị đồng sáng lập của công ty có giá trị nhất thế giới đang sống.
Ngồi nhà bình dị của ông Wayne
Ông Ronald G Wayne năm nay đã 81 tuổi. Ở tuổi 41, ông làm việc tại Atari và đó chính là thời điểm ông gặp chàng trai trẻ đầy ấn tượng, Steve Jobs, người sau đó đã luôn hỏi xin lời khuyên của Wayne cho rất nhiều quyết định.
Jobs đã hỏi Wayne liệu ông có nên kinh doanh những chiếc máy điện tử xèng không và Wayne đã trả lời là không. Jobs lại hỏi liệu ông có nên đi tới Ấn Độ để tìm lại chính mình không, Wayne nói rằng hãy làm thế nếu anh buộc phải làm, nhưng phải cẩn thận.
Tới một ngày, Jobs cuối cùng đã hỏi Wayne một câu hỏi làm thay đổi lịch sử: “Anh có thể giúp tôi nói chuyện với Steve Wozniak được không?” Wayne đáp: “Hãy đưa anh ta đến nhà tôi. Chúng ta sẽ cùng ngồi xuống và trò chuyện”.
Parental Woz và Steve Jobs là hai người đồng sáng lập Apple được nhiều người biết đến
Parental Woz, hay còn được gọi với cái tên thân mật là Wozniak hoặc Woz, đã làm việc cùng Jobs từ buổi sơ khai của mảng kinh doanh máy tính và biến chúng thành những thiết bị mang tính cá nhân hơn.
Cặp đôi thường đến câu lạc bộ máy tính nổi tiếng Homebrew, nơi tụ họp những người nhiệt tình, thích nhặt nhạnh các loại mạch điện và lắp ráp chúng lại theo những cách mới với sự say mê giống như một đứa trẻ 6 tuổi giàu trí tưởng tượng ngồi mê mải lắp ráp các khối Lego. Vào thời điểm đó, Woz là người giỏi nhất. Một bảng mạch do ông lắp đã tạo nên nền tảng cơ bản cho Apple 1, chiếc máy tính đầu tiên của công ty và sau đó đã được bán đấu giá năm 2015 với giá 365.000 USD.
Jobs muốn có trí tuệ của Woz để lãnh đạo Apple. Và vì thế tại ngôi nhà của Wayne ở Mountain View, California, ba người đã ngồi lại với nhau để bàn thảo chi tiết.
Wayne nhớ lại: “Jobs cho rằng theo cách nào đó, tôi có khả năng ngoại giao hơn anh ấy. Anh ấy rất lo lắng khi nói chuyện với Steve Wozniak để lôi kéo Woz vào công việc này. Nhưng Wozniak là một người kỳ quái, mọi thứ anh ta làm chỉ thuần túy là để cho vui. Woz chẳng có khái niệm gì về việc kinh doanh hay các quy luật của cuộc chơi”. Trong cuộc nói chuyện khoảng 45 phút, Wayne đã thành công. Ông kể lại: “Anh ta tin vào điều đó, anh ta hiểu. Cuối cùng Steve Jobs nói: "Chúng tôi sẽ mở một công ty. Nó sẽ là Công ty Máy tính Apple”.
Sau đó, Wayne soạn thảo các văn bản trên một chiếc máy đánh chữ của IBM. Điều này khiến Woz rất ngạc nhiên vì ông không thể tin được Wayne lại có thể viết tới 4 trang tài liệu pháp lý hoàn toàn dựa trên trí nhớ.
Miếng “bánh táo” được chia như sau: Jobs và Wozniak mỗi người được 45%, còn Wayne được 10%. 12 ngày sau, Wayne rút tên mình ra khỏi hợp đồng. Ông nói: “Điều đó ám ảnh tôi tới tận ngày hôm nay”. 40 năm đã trôi qua và 10% cổ phần đó hiện có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 60 tỷ USD.
Thương vụ lớn đầu tiên của Apple được chính Jobs bảo đảm. Dây chuyền máy tính, Byte Shop, muốn đặt mua 50 chiếc máy. Để kiếm được món tiền bán thiết bị trong vụ này, Apple buộc phải đi vay 15.000 USD. Wayne nghe được tin từ một nguồn ông không nhớ rõ, rằng Byte Shop không phải là một công ty giỏi giữ chữ tín về khả năng thanh toán hóa đơn. Nếu tham gia vụ này, “tất cả chúng tôi đều phải chịu trách nhiệm về khoản nợ”, ông Wayne giải thích. “Jobs và Wozniak chẳng có một xu dính túi. Tôi có nhà, có tài khoản ngân hàng, có xe... và có thể bị sờ tới”. Wayne đã nói với Steves rằng ông muốn giúp đỡ nếu có thể, nhưng ông không thể tiếp tục là một phần của công ty được nữa.
Sự đóng góp cuối cùng của ông đó là vẽ nên logo đầu tiên của Apple, một hình ảnh vẽ bằng mực với biểu tượng Newton ngồi dưới gốc cây với một trái táo trên đầu. Wayne đã ký tên mình vào hình ảnh nhưng bị Jobs phát hiện ra. Jobs nói với Wayne: “Bỏ nó ra” và ông làm theo.
Logo đầu tiên của Apple
Vài tháng sau khi chính thức cắt đứt quan hệ với Apple, Wayne nhận được một lá thư. Ông nói: “Bức thư viết rằng tất cả những gì anh cần phải làm là nhượng lại bất cứ cổ phần nào của anh trong Công ty Máy tính Apple, và anh sẽ nhận được một tấm séc”. Để đổi lại, Wayne đã nhận được 1.500 USD. “Với tôi đó là một món tiền. Thế nên tôi ký vào giấy”.
Pahrump cách Cupertino 800km và là một thế giới hoàn toàn khác so với trụ sở của Apple ngày này. Ngôi nhà của Wayne rất khiêm tốn. Những đồ trang trí trong nhà phản ánh cuộc đời của một kỹ sư tò mò và điểm suốt bằng những vật dụng ông thu thập được. Cạnh cánh cửa là một chiếc máy điện tử xèng cũ màu bạc. Trên tường là một chiếc radio từ những năm 30 vẫn còn chạy.
Ngôi nhà của ông Wayne không có bất cứ món đồ của Apple nào
Ngày nay, 10% cổ phần của Apple có giá trị khoảng 60 tỷ USD. Nếu Wayne hối hận về quyết định của mình thì đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ông ngậm ngùi: “Nếu tiền là thứ duy nhất tôi từng muốn thì có rất nhiều cách để tôi có thể kiếm tiền. Nhưng điều quan trọng hơn đó là làm những gì tôi thấy hấp dẫn. Lời khyên của tôi dành cho những người trẻ luôn là: tìm thứ gì đó bạn thực sự ham thích để bạn sẵn sàng làm nó mà chẳng được gì cả... và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong đời”.
Khi nói đến Steve Jobs, ông cho biết: “Anh ta là một người đàn ông tuyệt vời. Ai là người đã khiến Apple được như hôm nay, hiển nhiên là Jobs. Jobs có phải là một người đàn ông tốt không, theo nhiều phương diện thì không. Nhưng nó chẳng phải vấn đề”.
Wayne tự coi mình là một “người cố vấn” cho các giấc mơ của Jobs, thậm chí còn là người đưa ra sự hỗ trợ ngay từ ban đầu. Wayne từng nói với Steve: “Steve, dù nó có là gì thì đó cũng là thứ anh muốn làm, anh có thể làm điều đó dễ dàng hơn nếu có tiền trong túi. Cứ tiếp tục đi và kiếm tiền, và làm bất cứ thứ gì anh muốn. Nhưng đừng quên anh muốn dùng tiền để làm gì”.
Mặc dù tỏ ra không hối hận vì đã rút khỏi Apple, Wayne lại hối hận một điều: ông đã bán bảo sao hợp đồng gốc của ông với Apple với giá 500 USD. Năm 2011, tài liệu đó đã được bán đấu giá với số tiền 1,6 triệu USD.
Bản hợp đồng gốc có chữ ký của 3 người đồng sáng lập
Nếu bạn nhìn vào ngồi nhà của Wayne, bạn sẽ không tìm thấy bất cứ sản phẩm nào của Apple. Ông thích tạo ra thứ công nghệ của riêng mình mà theo ông thì như thế thú vị hơn. Năm 2011, một người đã tặng ông một chiếc iPad 2 để làm quà nhưng ông đã cho nó đi.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Phi công Việt bắn hạ 9 máy bay Mỹ và vụ không chiến nghẹt thở

 - Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành một trong các phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam.
Phi công Việt bắn hạ 9 máy bay Mỹ và vụ không chiến nghẹt thở
Chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Miền Bắc vào tháng 12.1966. Chiến thắng đầu tiên trong trận không chiến 30.4.1967. Thành tích chiến đấu, bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành phi công hàng đầu của quân chủng Không quân Việt Nam (ace filot). Chiến thắng cuối cùng được thực hiện vào ngày 20.12.1969. Trong năm 1979 ở Việt Nam có chương trình tuyển chọn ứng viên - phi công cho chuyến bay vũ trụ quốc tế Việt Nam – Liên xô theo chương trình "Intercosmos" ông là một trong ba ứng viên được cử đến Moscow.
Phóng viên: Ông hãy kể lại một trận đánh đáng nhớ nhất.
Trong lịch sử các trận chiến đấu của Không quân Việt Nam, trận không chiến ngày 23.8.1967 được đánh giá như trận đánh đầu tiên, hiệp đồng tác chiến giữa hai phi đội máy bay MiG 21 và MiG 17 đã chặn đứng một đợt không kích ồ ạt của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội. Để người đọc có thể hiểu rõ nét hơn những sự kiện xảy ra trong trận đánh đó, Tạp chí Nghệ thuật Quân sự (Nga) trích các bút lục ghi lại từ nhật ký tác chiến của trung đoàn 921:
“Tháng 6.1967 Không quân Việt Nam thực hiện nhiều lần xuất kích và tiêu diệt nhiều máy bay địch. Thông tin trinh sát cho biết, trong giai đoạn sắp tới, địch có kế hoạch không kích quy mô lớn thành phố Hà Nội và ngoại ô thành phố, các mục tiêu trọng yếu sẽ là cầu Long Biên và cầu Đuống, nhà máy điện Yên Phụ, ga xe lửa Yên Viên.
Bộ tư lệnh lực lượng Không quân Việt Nam quyết định tập trung lực lượng không quân tiêm kích đồng thời tấn công hai lực lượng không quân chủ lực của đối phương trên hai vùng không gian gần Hà Nội và bẻ gãy đòn tấn công đường không của địch. Bộ tư lệnh dự kiến, địch đang chuẩn bị các đòn tấn công mạnh mẽ mang tính hủy diệt vào trung tần tháng 8.1967. Từ nay đến ngày dự kiến tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho hiệp đồng chiến đấu.
Nhiệm vụ chiến thuật ngày 23.8 là ngăn chặn không cho địch tấn công các mục tiêu đã lựa chọn. Lực lượng tham gia chiến đấu 2 máy bay MiG – 21 (trang bị 2 tên lửa R-3S), cất cánh từ sân bay Nội Bài. Thời gian tác chiến: ngày 23.8. Vùng tác chiến đối với MiG 21: tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, vùng tác chiến MiG 17 – không phận tỉnh Bắc Ninh.
Đặc trưng hoạt động của địch trong tháng 8.1967 là từ đầu tháng, địch tiến hành hàng nghìn lượt không kích của Không quân Mỹ và Không quân Hải quân Mỹ, ném bom Hà Nội và Hải Phòng. Các cuộc tập kích đường không chia ra thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 4-5 ngày. Mỗi ngày tiến hành từ 200 – 300 cuộc không kích, hình thành từ 2 – 3 đợt tấn công. Đến ngày 21, 22, 23 địch tập trung đánh Hà Nội.
Hướng tấn công chính là phía Tây Bắc Hà Nội. Máy bay địch bay ở độ cao thấp trên khu vực Đông Anh, địch sử dụng dãy núi Tam Đảo như bình phong ngụy trang để đột kích vào Hà Nội và sân bay Nội Bài. Đội hình chiến đấu của địch cho mỗi đợt tấn công không dưới 30 máy bay. Tỷ lệ máy bay tiêm kích và cường kích ném bom là từ 20 – 33%.
Phi đội cường kích ném bom F- 105 thường bay theo đội hình hành dọc, khoảng cách giữa các biên đội từ 8 – 12 km. Gặp máy bay tiêm kích của ta, máy bay địch sẽ trút bom bừa bãi và thoát ly không chiến, hoặc địch sẽ có hành động nghi binh kéo dài thời gian, đợi máy bay tiêm kích F-4 tiếp cận yểm trợ rút lui. Hai trận đánh trên không vào tháng 8, có sự tham chiến của máy bay siêu âm MiG - 21, không có kết quả.
Máy bay F-105 'thần sấm' của không lực Mỹ (ảnh) từng tham chiến tại Việt Nam.
Không chiến ngày 21.8 bằng lực lượng MiG -17, đòn tấn công đường không của địch bị ngăn chặn, nhưng đối phương thoát ly không tham chiến, không có kết quả.
Ngày 23.8 thời tiết rất tốt – tầm nhìn xa trên 10 km. Trên độ cao từ 500–4.000m có 2 – 5 cấp độ các cụm mây và trên độ cao từ 7.000m đến 9000m cấp độ các cụm mây là 7 – 9. Căn cứ vào các báo cáo chiến thuật và kinh nghiệm (ví dụ, hướng tập kích của các cụm máy bay cường kích chủ lực thông thường được xác định bằng hướng gây nhiễu tích cực mạnh nhất), Bộ tư lệnh Không quân Nhân dân Việt Nam quyết định lựa chọn vị trí đòn tấn công chính vào máy bay cường kích. Đó là không phận Thanh Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ - Tuyên Quang cho lực lượng máy bay tiêm kích siêu âm MiG -21. Không phận vùng Đông Anh, Yên Viên sử dụng lực lượng của MiG – 17. Trong trận đánh ở Đông Anh – Yên Viên có sự tham gia của 4 máy bay MiG-17 thuộc lực lượng không quân Bắc Triều Tiên.
Diễn biến trận đánh ngày 23.8 như sau theo lời của anh hùng Không quân Nguyễn Văn Cốc:
14h15. Bộ tư lệnh Không quân thông báo, đợt không kích của địch vào Hà Nội dự kiến vào 15:00.
14h40. trinh sát tầm xa phát hiện một cụm máy bay địch trên khoảng cách 70 km phía nam của Sầm Nưa thuộc Lào. Trung đoàn trường đoàn không quân Sao Đỏ 921 ra lệnh báo động cấp độ cao nhất.
14h52. Đài radar trinh sát tầm xa RLCP -35 khẳng định sự hiển diện của máy bay địch trên hướng Sầm Nưa vào Việt Nam.
14h54. Máy bay địch vượt qua biên giới Việt – Lào và bắt đầu gây nhiễu.
14h58. Phi công Nguyễn Nhật Chiêu số 1 và Phi công Nguyễn Văn Cốc số 2 cất cánh.
Khi máy bay đạt độ cao quy định, biên đội bẻ lái 250 độ, sau đó là 360, 20, 30 độ liên tiếp. Do đó, hướng bay đã hoàn toàn nằm về hướng mặt trời. Theo kinh nghiệm, Nguyễn Nhật Chiêu xác định địch đã bay đến vùng trời Thanh Sơn.
15h08, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu báo cáo đài chỉ huy, đã phát hiện mục tiêu, trên độ cao 5.000 m biên đội quan sát được khoảng 20 máy bay ném bom, đội hình ổn định bay ở độ cao 4.000 m. Bẻ gấp lái, phi công Nguyễn Nhật Chiêu chuẩn bị tấn công. Cũng vào thời điểm đó, khi nghiêng cánh quan sát vùng không gian bán cầu phía sau, tôi phát hiện một tốp máy bay F – 4 Phantom và khẩn cấp báo cáo “705 chú ý, phía sau có nhiều địch, A (máy bay tiêm kích địch)”. Anh Chiêu có thể nhìn thấy khoảng 20 máy bay địch đang bay phía sau chúng tôi. Xác định địch chưa phát hiện được biên đội, anh Chiêu quyết định, mục tiêu của đòn tấn công sẽ là tốp bay thứ hai sau tốp thứ nhất trong đội hình địch. Mặt đất đồng ý.
Khi tốp thứ nhất vừa bay qua, tôi theo mệnh lệnh của số 1 thả thùng dầu phụ và tăng tốc. Chớp nhoáng chúng tôi chiếm vị trí lợi thế đánh địch, vùng bán cầu phía sau, liếc mắt xem đồng hồ độ cao, tôi biết chúng tôi đang ở độ cao 4.000 m (như máy bay địch) tốc độ 1.200 km/h, tốc độ máy bay địch 800–850 km/h. Khoảng cách giữa ta và địch là 1.200–1.500 m. Chúng tôi bay với giãn cách 200 m, mỗi người chọn 1 mục tiêu từ các máy bay bay cuối trong đội hình địch. Tiếp cận và đưa mục tiêu vào kính ngắm, chúng tôi chuẩn bị phóng tên lửa.
Sau này, Đại tá Nguyễn Nhật Chiêu đã viết trong hồi ký của mình (xin trích dẫn từ cuốn sách "Kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Binh chủng Không quân." Hồi Ký, quyển 1. Nhà xuất bản QĐND, năm 2005, tr. 236-242:
“Trong chốc lát chúng tôi đã chiếm lĩnh vị trí thuận lợi cho tấn công. Vào thời điểm đó tôi nhớ lại lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Nhanh chóng nắm quyền chủ động, tấn công bí mật và bất ngờ. Chỉ tiến hành trận đánh khi đã chắc thắng”. Đám 'Con ma' F-4 tiếp tục bay ổn định theo đội hình, không ngờ đến nguy hiểm ở phía sau. Nhìn sang phải, tôi thấy số 2 đã sẵn sàng phóng tên lửa. Tôi ra lệnh: “708, công kích cùng lúc, đợi tín hiệu của tôi”, anh Cốc trả lời: “Rõ”. Mục tiêu đã nằm trong tầm phóng đạn, tôi ra lệnh “bắn” và nhấn cò. Cánh bên trái máy bay hơi nhấc lên. Trong giây lát, chiếc 'Con ma' bùng cháy.
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc kể tiếp. Một giây trước thời điểm phóng…Tôi nghe rõ tín hiệu tên lửa đã bắt được mục tiêu, nhìn sang bên trái, tôi thấy anh Chiêu gật đầu trong thời điểm ra lệnh: “Bắn”. Tên lửa của anh vẽ một đường thẳng màu xanh nối liền máy bay MiG với Phantom F-4. Tôi cũng nhấn nút phóng tên lửa và nhìn thấy rõ quỹ đạo bay của R-3S, tên lửa lao thẳng vào Phantom F-4 thứ 2 bay ở phía trước.
Mục tiêu nổ tung. Ngay lúc đó tôi cảm thấy một đợt sóng xung kích đập mạnh vào máy bay. Sau này tôi hiểu, vì tầm bắn đến mục tiêu khoảng 1.000m, máy bay của tôi rơi vào vùng sóng xung kích của vụ nổ máy bay địch bị tôi bắn rơi. Kéo mạnh cần lái về phía mình, tôi làm động tác cơ động lấy độ cao nhằm đưa máy bay thoát ly vùng chiến. Lấy thăng bằng, từ độ cao tôi nhìn thấy 3 đốm lửa cháy, 2 đốm lửa đang nhỏ dần và tiếp đất, đốm lửa thứ 3 cách tôi khoảng 2 km cho thấy, số 1 đã tiêu diệt thêm 1 máy bay của địch.
Không kiềm chế được niềm vui, tôi reo ầm lên: “Cháy rồi, máy bay địch cháy rồi”. Kiểm tra lại máy bay, tôi thấy vẫn điều khiển được nhưng tăng tốc độ khó khăn. Tôi báo cáo tình trạng kỹ thuật cho mặt đất và phát hiện một máy bay Phantom F-4 đang bay ở phía dưới và xin lệnh tấn công. Giọng nói bình tĩnh của trung đoàn trưởng với âm sắc miền Trung vang lên trong tai nghe: “708, bình tĩnh, nhanh chóng hạ cánh”. Tôi được gọi về căn cứ, vì sở chỉ huy cho rằng máy bay của tôi không đảm bảo kỹ thuật cho không chiến.
Đồng chí Trần Đức Tú thông báo, địch đang có mặt tại khu vực Tam Đảo, khoảng 20 km đến sân bay Nội Bài. Tôi được lệnh bay lên phía Bắc, sau đó vòng về căn cứ. Khi bay qua bầu trời Yên Viên, tôi nghe thấy giọng nói của Nguyễn Nhật Chiêu, đang thông báo tọa độ của mình và nhận lệnh hạ cánh. Hạ thấp độ cao, tôi thấy chiếc én bạc của anh sáng lấp lánh trên nền xanh biếc của núi rừng.
Nguyễn Nhật Chiêu kể lại việc ông hạ tiếp chiếc Phantom F-4 thứ 2: Sau khi bắn hạ chiếc Phantom thứ nhất, tôi bẻ lái xuyên qua tầng mấy và phát hiện một tốp máy bay địch khoảng 8 chiếc đang bay theo đội hình hành tiến. Lúc đầu tôi định phóng tên lửa cuối cùng vào trung tâm của đội hình để tiêu diệt được nhiều địch, nhưng trong đầu tôi lại vang lên lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…” chỉ bắt đầu trận đánh khi chắc thắng”.
Tôi chọn một mục tiêu ở phía ngoài đội hình và tiếp cận địch. Điều kiện bắn cũng tốt như lần phóng đạn thứ nhất. Khi khoảng cách giữa tôi và máy bay địch đạt 1800 km, tín hiệu bắt mục tiêu của tên lửa vang lên rõ ràng. Tôi nhấn nút phóng. Trong chớp mắt máy bay địch bùng cháy.
Trên đường về căn cứ chúng tôi gặp máy bay địch từ tốp bay đầu tiên trong đội hình chiến đấu, đang tháo chạy khỏi trận địa phục kích của MiG 17. Máy bay địch bay rất gần, có thể nhìn thấy rõ các nhãn hiệu trên thân. Nhưng trận đánh gặp địch không thể tiến hành do chúng tôi đã gần hết dầu, tôi không còn tên lửa, còn số 2 không thể tăng tốc quá 600 km/h do hỏng hóc ở động cơ. Máy bay địch nhanh chóng thoát khỏi vùng trời miền Bắc Việt Nam.
Từ nhật ký tác chiến của Trung đoàn không quân Sao đỏ 921:
“ kết quả trận không chiến ngày 23.8 cho thấy tính khả thi của thủ pháp chiến thuật “đồng thời tấn công” có nghĩa là trong điều kiện thuận lợi, an toàn, số 1 và số 2 có thể đồng loạt tấn công và nâng cao hiệu suất tác chiến của trận đánh trên không. Trận đánh này có thể trở thành chiến lệ về phương pháp “liên tục tấn công” của không quân Việt Nam.
Hai phi đội máy bay MiG -17 tiến hành đánh chặn địch ở vùng trời Đa Phúc và Yên Viên gần Hà Nội. Trong trận không chiến không cân sức đó, các phi công MiG 17 đã cận chiến và bắn hạ 1 chiếc F-105 và 2 chiếc Phantom F-4. Phi công Lê Thanh Phong, bắn hạ 1 F-4, hết dầu và đạn, bị nhiều máy bay địch bao vây tấn công, đã hy sinh trong chiến đấu. Phi đội MiG- 17 của phi công Bắc Triều Tiên không rõ các hoạt động tác chiến, chỉ biết các anh đã bắn hạ 1 trong 3 chiếc máy bay địch bị rơi.
Việc đưa hai loại máy bay tiêm kích MiG -21 và MiG -17 vào một trận không chiến với những tính năng kỹ chiến thuật khác nhau đã tạo ra hai tầng không chiến, tầng trung và tầng thấp, từ đó đã hạn chế hoạt động của máy bay địch trong các thủ đoạn sử dụng độ cao thấp tiếp cận các mục tiêu quan trọng trên miền Bắc Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Cốc kể lại: Khi còn học ở Liên xô tôi được xem bộ phim “ Bầu trời trên Baltic. Với các cảnh máy bay MiG – 3 sử dụng chiến thuật “ đồng loạt tấn công” để tiêu diệt các máy bay Đức "Focker". Cảnh phim đã gây ân tượng rất mạnh với tôi. Khi tôi chiến đấu ở Việt Nam, các hoạt động tác chiến được thực hiện theo nguyên tắc: “số 1 tấn công, số 2 cảnh giới” trong chiến đấu với máy bay địch. Nhưng ngày 23.8.1967 tôi cùng với anh Nguyễn Nhật Chiêu đã diễn lại cảnh phim Baltic ngay trên bầu trời Tổ quốc. Từ thời điểm đó, Phi công Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là “Chim cắt số 2”.
Trong tiểu đoàn của ông được biên chế chỉ có phi công Việt Nam hay có cả phi công Xô viết?
Tiểu đoàn của tôi biên chế hoàn toàn là phi công Việt Nam, cũng như các đơn vị khác trong trung đoàn. Theo chương trình huấn luyện thường xuyên chúng tôi có các huấn luyện viên bay là phi công Xô viết. Trong một thời gian có một đơn vị nhỏ các phi công Bắc Triều Tiên sang nghiên cứu thực tế chiến đấu, được biên chế máy bay MiG - 17 và 21 sản xuất tử Liên Xô. Vào giai đoạn 1966 – 1968 các bạn chiến đấu Triều tiên đã tham gia hơn năm mười trận không chiến và bắn rơi khoảng hơn 30 máy bay địch.
Ngày nay, thế hệ các máy bay tiêm kích đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, xuất hiện các máy bay thế hệ thứ 4 như F-15, Su-27, MiG – 29, thế hệ 4++ như Su –35 hoặc thế hệ máy bay thứ 5 như F – 35. Các máy bay này đều có những tính năng kỹ chiến thuật đặc trưng như tốc độ siêu âm, khả năng cơ động rất cao, mang được nhiều vũ khí trên cánh, sử dụng công nghệ stealth và có khả năng tác chiến tầm rất xa, đến hàng trăm km. Dường như có một xu hướng thống trị bầu trời bằng công nghệ máy bay hiện đại, siêu cơ động và tấn công tầm xa trong một cuộc chiến công nghệ và phi tiếp xúc.
Trong vòng xoáy chạy đua công nghệ này, nước có nhiều kinh nghiệm nhất trong không chiến tất nhiên là Mỹ - Việt Nam và Nga. Lịch sử các trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam cho thấy một điều rất rõ, chiến thắng trên bầu trời còn xa mới phụ thuộc vào công nghệ hiện đại và siêu hiện đại, cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng máy bay có trên bầu trời trong một lần xuất kích.
Mỗi lần không tập miền Bắc, không quân Mỹ thường điều động hàng trăm máy bay với tần xuất xuất kích rất cao, chưa từng có ở bất cứ cuộc chiến nào ngoại trừ Đại chiến thế giới lần thứ II, nếu nhìn về góc độ kỹ năng tác chiến, thì phi công Mỹ hoàn toàn không phải là công tử, và bản lĩnh chiến đấu của họ cũng rất cao. Điểm yếu duy nhất khiến họ mất ưu thế trên bầu trời chính là nhân tố con người và mặt đất.
Về chiến thuật, có thể nhận thấy rất rõ, mọi cuộc không chiến tầm xa đều dẫn đến cận chiến tầm gần nếu như lực lượng không quân tham chiến là lực lượng chiến đấu thật sự, chứ không phải là đơn vị diễu hành. Và trong cận chiến tầm gần, trong điều kiện vũ khí trang bị gần tương đương, ví dụ như Su – 30MK và F – 15, thì phi công và mặt đất quyết định tất cả. Đó là khả năng cơ động chiến đấu cao, chiến thuật hợp lý, kỹ thuật bay thông minh, dũng cảm và sáng tạo.
Rất nhiều lần, phi công Mỹ chỉ phát hiện được MIG khi tên lửa đã nổ tung bên cạnh cánh bay hoặc động cơ, do các phi công Việt Nam có khả năng bay thấp theo địa hình tránh radar tầm xa, đột ngột lấy độ cao ở hướng mặt trời và công kích ở tầm từ vài km trở lại. Hoặc như MiG - 17, bay ở tầm rất thấp, từ mặt ngụy trang địa hình lao vào đội hình địch quần chiến theo cách “bám thắt lưng địch mà đánh”.
Những kỹ năng tác chiến đó với những máy bay thế hệ 4 sẽ được phát huy mạnh mẽ do tính cơ động siêu việt của nó cộng với kỹ năng bay và điều khiển máy bay, sự hoàn hảo trong lựa chọn vị trí tấn công, góc tấn công và tốc độ tiếp cận mục tiêu, hơn nữa là kỹ năng phát hiện và chống bám đuổi, kỹ năng tránh tên lửa điều khiển.
Sự kiện chiếc MiG 21U huấn luyện với một phi công Việt Nam, một huấn luyện viên Nga, không mang vũ khí đã cơ động tránh đến 6 lần tên lửa không đối không hiện đại của Mỹ, cho đến khi máy bay hết dầu, phi công nhảy dù, không quân Mỹ mới bắn rơi máy bay “không người lái” là một ví dụ rõ nét nhất về yếu tố quyết định sự thành bại trên không trung.
Không chiến trong tương lai gần sẽ là cuộc chiến đấu trên bầu trời - mặt biển, kỹ năng tác chiến trên biển có nhiều điểm khác với bầu trời trên mặt đất. Nó đòi hỏi trình độ điêu luyện của người phi công, khả năng điều khiển bay hoàn hảo và hiểu biết máy bay sâu sắc, kinh nghiệm chiến đấu và lòng dũng cảm thông minh. Đó là yêu cầu cấp thiết của thế hệ phi công mới của không quân Việt Nam vì sự bình yên của tổ quốc.
Nguồn: Nghệ thuật Quân sự (Nga)

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Nợ công: 29 triệu đồng/người

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo nợ công 2016 của VN sẽ tăng ở mức 63,8% GDP, lên 64,4% vào năm tới và lên 64,7% vào 2018. Với mức trần nợ công cho phép là 65%, viễn cảnh 'đụng trần' nợ công của VN sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN đạt 4.192.900 tỉ đồng, tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 2.675.070 tỉ đồng (khoảng 120 tỉ USD). Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay.
Tận thu, DN sẽ khó vay vốn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi người dân VN đang gánh trên vai 29 triệu đồng nợ công là quá cao vì cách đây khoảng nửa năm, nợ công VN bình quân trên đầu người gần 1.000 USD, tương đương khoảng 22 triệu đồng. “Nợ công tăng lên khiến nhà nước phải tìm cách huy động thêm từ các nguồn trong xã hội, bằng cách phát hành trái phiếu để có tiền bù đắp cho đầu tư công, chi tiêu công. Nhà nước phát hành trái phiếu khiến cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng dồn tiền cho nhà nước vay, nên không có tiền cho DN vay hoặc DN không cạnh tranh được với nhà nước vì cho nhà nước vay có lãi suất cao hơn… Vì vậy, DN khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn. DN khó khăn sẽ không nộp thuế được dẫn tới hụt thu. Nhà nước hụt thu ngân sách thì chắc chắn sẽ huy động vốn thêm, cứ thế trở thành vòng luẩn quẩn”, bà Lan bình luận.
Theo bà Lan, những năm gần đây xu hướng tận thu DN, người dân là quá lớn, đáng lo ngại. Các bộ, ngành, địa phương tìm mọi cách để thu thêm từ xã hội. Những nguồn đã thu rồi thì tăng thêm, những nguồn chưa thu hết thì nghĩ ra cách mới để thu. Thành ra gánh nặng về thuế, phí đè lên người dân càng ngày càng nghiêm trọng, không giảm mà tăng lên. Đấy là những hệ quả tiêu cực tác động lên nền kinh tế”, bà Lan chỉ trích và phân tích Nhật Bản nợ công hơn 200% GDP nhưng đầu tư công của họ ít, hiệu quả đảm bảo cao, tính minh bạch cao, nên nợ công có cao cũng không thành mối lo của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế VN cho đến nay vẫn là nền kinh tế hiệu quả thấp.
TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng đây chưa hẳn là con số gây đột biến bởi thực tế cách tính nợ công của VN vẫn cho ra nhiều số liệu. “Theo báo cáo của Chính phủ mới đây thì nợ công VN vẫn đang ở mức an toàn và Chính phủ cũng khẳng định vậy. Cụ thể, tỷ lệ trả nợ trực tiếp so thu ngân sách ngưỡng cho phép là dưới 25%, ở đây là hơn 16%, nghĩa là ở mức an toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nợ công vượt quá 60% GDP phải nói đây là mức khá cao so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia...”, ông Lịch nhận xét.
PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói, ông mới nghe con số nợ công từ 22 - 24 triệu đồng/người nay vọt lên 29 triệu đồng/người là đáng lo ngại. Nếu cứ so với các nước phát triển khác như Nhật, Mỹ vẫn có nợ công cao ngất ngưỡng để tự an ủi rằng nợ công của chúng ta đang trong ngưỡng cho phép là điều không nên. Bởi các nước phát triển tuy nợ công lớn, nhưng đổi lại, tổng tài sản của họ ở nước ngoài rất lớn. Nợ công cũng cần xét đến triển vọng phát triển kinh tế, điều đó thì VN ở ngưỡng đang phát triển, triển vọng vẫn còn ở phía trước, trong khi gánh nặng nợ lại là điều hiện hữu trước mắt.
83.410 tỉ đồng, trả lãi nợ công
Thực tế, nợ công của VN tăng nhanh từ 10 năm qua, từ 22,7% GDP vào năm 2006, lên 62,2% vào cuối năm qua theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội. Đặc biệt, từ 5 năm trở lại đây, nợ công của VN tăng trung bình 20% mỗi năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào khoản nợ công này là nợ của Chính phủ, đạt mức 50,3% GDP cả nước, chiếm hơn 80% nợ công, vượt cả giới hạn an toàn cho phép 0,3%.
Nợ công tăng, dẫn đến chi trả nợ từ ngân sách cũng tăng mạnh qua mỗi năm, chiếm tỷ lệ lớn trong thu chi ngân sách. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ chiếm 16,1% tổng thu ngân sách. Một nghiên cứu về nợ công ở VN của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm 2015 cho thấy năm 2010, số tiền để trả lãi nợ công lấy từ ngân sách nhà nước là 25.400 tỉ đồng (chiếm 3,2% tổng chi), sang đến 2015, con số đó đã lên đến 83.410 tỉ đồng (chiếm 7,7% tổng chi). Đặc biệt, khoản chi trả lãi này đã lấn át nhiều khoản chi thường xuyên khác, chỉ đứng sau chi cho giáo dục, quản lý hành chính và lương hưu, an sinh xã hội.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đánh giá các con số về nợ công được công bố trong thời gian qua là chưa chính xác khi không tính hết, tính đầy đủ nợ đọng cơ bản; nợ của DN nhà nước không được bảo lãnh nhưng tiềm ẩn phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh... “Nguyên tắc của nợ công là phải tính cả nợ tiềm ẩn. Nếu tính hết thảy thì nợ công của VN phải trên 100% GDP. Nếu biết mình nợ bao nhiêu mới có đối sách, không biết thực sự bao nhiêu là cực kỳ nguy hiểm. Vấn đề quan trọng bây giờ phải tính lại nợ công”, TS Tuấn nói.
Và theo đó, TS Tuấn đề nghị để kiểm soát đà tăng quá mạnh của nợ công, cần phải siết lại kỷ cương, kỷ luật tài khóa, bằng cách quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu. Không có chuyện quy cho tập thể. Thứ hai là các bộ ngành địa phương phải lập ngân sách dựa trên kết quả, không phải dựa trên nhu cầu vốn. Thứ ba là đẩy mạnh, đẩy nhanh công tác lập ngân sách vốn trung hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn và phải kết nối hai cái này lại với nhau, chứ không phải lập ngân sách từng năm. Thứ tư là phải xử lý triệt để nợ đọng cơ bản.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, trong chi tiêu công của VN có phần lớn nguồn không vững chắc, chủ yếu là nguồn tiền vay trái phiếu, vay nước ngoài. Vay nước ngoài có lãi suất rất cao còn vay trái phiếu của dân làm cạn kiệt sức dân. Đáng lẽ phải đầu tư cho DN, thì ở đây chúng ta huy động của họ, của dân thì cạn kiệt của dân là chắc chắn. Còn vay của ngân hàng, lẽ ra tiền đó phục vụ cho sản xuất kinh doanh lại đi mua trái phiếu chính phủ. Đây là thực trạng đáng lo trong quản lý chi tiêu công của VN.
Phải giải quyết 3 vấn đề
TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá: Việc quản lý chi tiêu công phải giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất phải rà soát lại hệ thống quy hoạch, kế hoạch, có phân công phân cấp và được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, từ T.Ư trở xuống để “vít” được cái vòi phun vốn ra từ ban đầu. Thứ hai, trong quyết định triển khai dự án phải đảm bảo các cơ chế, điều kiện, chính sách đồng bộ, có sự phối hợp. Nếu không, chính sách không đồng bộ sẽ kéo dài công trình. Thứ ba, phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh lợi ích nhóm, cục bộ... Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm. Thời gian vừa qua khi phát hiện sai phạm đã không xử lý nghiêm, đánh trống bỏ dùi.
N.Trần Tâm - Nguyên Nga

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Khái niệm hợp đồng kinh tế

Khái niệm

Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất trao đổi hàng hoá dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.

Đặc điểm của hợp đồng kinh tế

  • Hợp đồng kinh tế được ký kết nhằm mục đích kinh doanh
    Mục đích này được thể hiện ở nội dung công việc mà các bên thoả thuận
  • Đặc điểm về chủ thể hợp đồng:
    Theo pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì hợp đồng kinh tế được ký kết giữa 2 chủ thể là pháp nhân hoặc ít nhất một bên là pháp nhân còn bên kia có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra pháp lệnh hợp đồng kinh tế còn quy định những người làm công tác khoa học ký thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân ngư dân cá thể, các tổ chức và cá nhân nước ngoài ở Việt Nam cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng kình tế khi họ ký kết hợp đồng với pháp nhân.
  • Đặc điểm về hình thức của hợp đồng
    Theo điều 1 và điều 11 của pháp lệnh hợp đồng kinh tế: hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản hoặc bằng tài liệu giao dịch.

Ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường

Các nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường

Nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế là những tư tưởng chỉ đạo có tính chất bắt buộc đối với các chủ thể khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế

Nguyên tắc tự nguyện

Theo nguyên tắc này 1 hợp đồng kinh tế được hình thành phải hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện thoả thuận giữa các chủ thể ( tự do ý chí) không do sự áp đặt ý chí của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Mọi sự tác động làm mất tính tự nguyện của các bên trong quá trình ký kết đều làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng.
  • Quyền tự do hợp đồng bao gồm những nội dung chính sau:
    • Tự do lựa chọn bạn hàng
    • Tự do thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng
    • Tự do lựa chọn thời điểm giao kết hợp đồng
  • Tuy nhiên quyền tự do ký kết hợp đồng bị giới hạn bởi các điều kiện sau:
    • Việc ký kết hợp đồng kinh tế phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã đăng ký.
    • Các bên không được lợi dụng quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế để hoạt động trái pháp luật.
    • Việc ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh là bắt buộc, tức là các đơn vị kinh tế được nhà nước giao cho chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh thì có nghĩa vụ ký kết hợp đồng kinh tế để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh đó.

Nguyên tắc cùng có lợi

Trong nền kinh tế thị trường mỗi bên tham gia vào quan hệ hợp đồng kinh tế đều xuất phát từ lợi ích riêng của mình. Khi ký kết hợp đồng các bên cùng nhau thoả thuận những điều khoản hợp đồng có lợi nhất cho cả hai bên, không được lừa dối chèn ép nhau

Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ

Các bên tham gia quan hệ hợp đồng hoàn toàn bình đẳng với nhau về quyền và nghía vụ. Quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể bao giờ cũng tương xứng với nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại Điều này thể hiện ở chỗ khi đàm phán để ký kết hợp đồng các bên đều có quyền đưa ra những yêu cầu của mình và đêù có quyền chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của bên kia không bên nào có quyền ép buộc bên nào. Quan hệ hợp đồng kinh tế chỉ hình thành khi các bên thống nhất ý chí với nhau về các điều khoản hợp đồng.
Khi quan hệ hợp đồng kinh tế đã hình thành, các bên đều có nghĩa vụ thực hiện đúng những điều đã cam kết trong hợp đồng. Bên nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng đều phải chịu trách nhiệm trước bên kia.

Nguyên tắc không trái pháp luật

Trong quan hệ hợp đồng kinh tế các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế có quyền tự do thoả thuận các điều khoản của hợp đồng. Pháp luật hợp đồng kinh tế tôn trọng ý chí của các bên. Tuy nhiên ý chí của các bên chỉ được tôn trọng nếu ý chí đó phù hợp với pháp luật. Điều đó có nghĩa là các bên có quyền thoả thuận nhưng mọi thoả thuận trong hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật mà phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nguyên tắc trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản

Khi tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế các bên phải dùng chính tài sản của mình để đảm bảo việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế. Các bên có thể dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp hoặc nhờ người khác bảo lãnh về tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng. Nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc đảm bảo lợi ích kinh tế của các bên trong quan hệ hợp đồng.

Chủ thể của hợp đồng kinh tế

Chủ thể của hợp đồng kinh tế là các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện, thoả thuận để xác lập và thực hiện những quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Theo quy định của pháp lênh hợp đồng kinh tế thì ít nhất một bên chủ thể của hợp đồng kinh tế phải là pháp nhân còn bên kia có thể là pháp nhân hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật
Ngoài các chủ thể kể trên theo quy định của các điều 42, 43 pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể hoặc giữa pháp nhân Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng được áp dụng các quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế.
Đại diện ký kết hợp đồng kinh tế
Khi tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế cử 1 đại diện để ký vào hợp đồng kinh tế
Theo pháp lệnh về hợp đồng kinh tế và nghị định 17- HĐBT qui định chi tiết thi hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì người ký kết hợp đồng kinh tế phải là người đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh
  • Đại diện hợp pháp
    • Đối với pháp nhân : Là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu pháp nhân đó và đương giữ chức vụ đó. Người đứng đầu pháp nhân là đại diện đương nhiên theo pháp luật của pháp nhân.
    • Đối với doanh nghiệp tư nhân:Là chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân thuê người khác làm giám đốc thì giám đốc là đại diện cho doanh nghiệp theo hợp đồng trách nhiệm giữa chủ doanh nghiệp và người được thuê làm giám đốc và theo quy định của pháp luật.
    • Đối với cá nhân có đăng ký kinh doanh: Là người đứng tên trong giấy phép kinh doanh.
    • Đối với những người làm công tác khoa học, kỹ thuật, nghệ nhân: Là người trực tiếp thực hiện công việc trong hợp đồng. Nếu nhiều người cùng làm thì người ký vào bản hợp đồng phải do những người cùng làm cử bằng văn bản trong đó có tất cả chữ ký của những người đó và phải đính kèm theo hợp đồng kinh tế
    • Đối với hộ gia đình nông dân, ngư dân, cá thể: Là chủ hộ
    • Đối với tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) thì đại diện tổ chức đó phải được uỷ quyền bằng văn bản của pháp nhân thành lập ra tổ chức tại Việt Nam.
    • Đối với cá nhân nước ngoài ở Việt Nam : Bản thân họ là người ký kết các hợp đồng kinh tế.
  • Đại diện theo uỷ quyền
    Theo quy định của pháp luật nếu người đại diện theo pháp luật không tham gia ký kết hợp đồng được có thể uỷ quyền cho người khác thay mình ký kết hợp đồng.
    Việc uỷ quyền có thể là uỷ quyền theo vụ việc hoặc uỷ quyền thường xuyên tuy nhiên phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản
    • Đối với doanh nghiệp có con dấu riêng thì việc uỷ quyền không phải công chứng hoặc chứng nhận của UBND cấp có thẩm quyền trừ trường hợp đặc biệt pháp luật có quy định hoặc hai bên có thoả thuận khác.
    • Cá nhân có đăng ký kinh doanh văn bản uỷ quyền phải có chứng thực của cơ quan công chứng nhà nước hoặc chứng nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn.
    Người được uỷ quyền chỉ được phép hoạt động trong phạm vi được uỷ quyền và không được uỷ quyền lại cho người khác.

Cách thức ký kết hợp đồng

Ký kết trực tiếp

Là cách ký kết mà các bên (đại diện hợp pháp của các bên) trực tiếp gặp nhau đàm phán với nhau để xác định từng điều khoản của hợp đồng và cùng ký vào bản hợp đồng. Hợp đồng được coi là hình thành và có hiệu lực pháp lý từ thời điểm hai bên đã ký vào văn bản hợp đồng.

Ký kết gián tiếp

Là cách ký kết mà các bên không trực tiếp gặp nhau mà thương lượng đàm phán với nhau bằng thư tín. Các bên gửi cho nhau những tài liệu giao dịch như công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng trong đó chứa đựng nội dung của công việc giao dịch. Thông thường việc ký kết tuân theo trình tự gồm 2 bước:
  • Bước1: Một bên lập dự thảo (đề nghị) hợp đồng trong đó đưa ra những yêu cầu về nội dung giao dịch gửi cho bên kia. Nội dung giao dịch trong dự thảo (đề nghị ) hợp đồng phải rõ ràng, chính xác.
  • Bước2: Bên nhận được đề nghị hợp đồng tiến hành trả lời cho bên đề nghị hợp đồng bằng văn bản trong đó ghi rõ nội dung chấp thuận, nội dung không chấp thuận, đề nghị bổ sung.
Nếu bên nhận được đề nghị chấp thuận toàn bộ các vấn đề mà bên đề nghị đưa ra thì mới được coi là chấp thuận. Nếu bên nhận được đề nghị bổ sung thay đổi một số điều khoản thì coi như bên này đưa ra đề nghị hợp đồng mới và lại trở thành bên đề nghị hợp đồng . Bên nhận được đề nghị mới này cũng phải trả lời bằng văn bản cho bên kia là có chấp thuận hay không. Hợp đồng được ký kết bằng cách gián tiếp được coi là hình thành và có giá trị pháp lý từ khi các bên nhận được tài liệu giao dịch thể hiện sự thống nhất ý chí của các bên về tất cả các điều khoản của hợp đồng.

Nội dung hợp đồng kinh tế

Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận của các bên về việc thiết lập thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong hoạt động kinh doanh. Do đó nội dung của hợp đồng kinh tế trước hết là những điều khoản do các bên thoả thuận. Những điều khoản mà các bên đã thoả thuận đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thoả thuận. Tuy nhiên nội dung của hợp đồng kinh tế không chỉ có những điều khoản mà các bên đã thoả thuận mà còn có thể bao gồm cả những điều khoản mà các bên không thoả thuận nhưng theo quy định của pháp luật các bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
Nội dung của hợp đồng kinh tế được chia thành 3 điều khoản như sau:

Điều khoản chủ yếu

Là những điều khoản căn bản nhất thiết phải có trong hợp đồng. Khi xác lập hợp đồng kinh tế bắt buộc các bên phải thoả thuận và ghi vào văn bản hợp đồng. Nếu thiếu những điều khoản này thì coi như hợp đồng kinh tế chưa được ký kết
Như vậy điều khoản chủ yếu là những điều khoản chủ yếu của một hợp đồng, chúng đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại của 1 hợp đồng.
Điều 12 pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định những điều khoản sau là điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế
  1. Ngày tháng năm ký kết hợp đồng kinh tế, tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên, họ tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh.
  2. Đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận.
  3. Chất lượng chủng loại quy cách tính đồng bộ của sản phẩm hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc.
  4. Giá cả

Điều khoản thường lệ

Là những điều khoản mà nội dung của nó đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Những điều khoản này các bên có thể đưa vào hợp đồng mà cũng có thể không cần đưa vào hợp đồng. Nếu các bên không đưa những điều khoản này vào hợp đồng thì coi như các bên đã mặc nhiên công nhận. Nếu đưa vào hợp đồng nhằm tăng tầm quan trọng hoặc cụ thể hoá thì không được trái pháp luật.

Điều khoản tuỳ nghi

Là những điều khoản do các bên tự thoả thuận với nhau khi chưa có quy định của pháp luật hoặc đã có quy định nhưng các bên được phép vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tế của các bên mà không trái với pháp luật. Những điều khoản này chỉ trở thành nội dung của hợp đồng kinh tế nếu các bên trực tiếp thoả thuận với nhau.

Thực hiện hợp đồng kinh tế

Các nguyên tắc thực hiện hợp đồng kinh tế

Nguyên tắc chấp hành hiện thực

Nguyên tắc này đòi hỏi các bên thực hiện đúng điều khoản đối tượng của hợp đồng.

Nguyên tắc chấp hành đúng

Nguyên tắc chấp hành đúng đòi hỏi các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng, tức là tất cả các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng đều phải được thực hiện đầy đủ. Cụ thể là thực hiện đúng đối tượng, đúng chất lượng, đúng thời gian, đúng số lượng, đúng phương thức thanh toán và các thoả thuận khác trong hợp đồng.

Nguyên tắc chấp hành hợp đồng kinh tế trên tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên

Nguyên tắc này đòi hỏi các bên phải hợp tác chặt chẽ với nhau, thường xuyên theo dõi và giúp đỡ nhau để thực hiện đúng và nghiêm chỉnh mọi điều khoản của hợp đồng, giúp nhau khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế.

Cách thức thực hiện

  1. Thực hiện đúng điều khoản số lượng
  2. Thực hiện đúng điều khoản chất lượng hàng hoá hoặc công việc
  3. Thực hiện đúng điều khoản về thời gian, địa điểm, phương thức giao nhận hàng hoá.
  4. Thực hiện đúng điều khoản giá cả thanh toán

Các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng kinh tế

Pháp luật về hợp đồng kinh tế có đưa ra ba biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng kinh tế. Việc áp dụng biện pháp nào là do các bên quyết định. Các bên có thể thoả thuận với nhau về việc áp dụng một trong các biện pháp đó hoặc có thể kết hợp nhiều biện pháp nếu một biện pháp không đủ để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng kinh tế. Nếu các bên thấy không cần thiết phải áp dụng các biện pháp đảm bảo trong hợp đồng kinh tế thì các bên có quyền không áp dụng (trừ trường hợp pháp luật bắt buộc không áp dụng đối với 1 số hợp đồng kinh tế). Các biện pháp đó là:

Thế chấp tài sản

Thế chấp tài sản là việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản (động sản, bất động sản) hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Trong trường hợp các bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, bên có quyền sẽ xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo quyền lợi của mình.
Việc thế chấp phải được lập thành văn bản và phải được cơ quan công chứng nhà nước chứng thực hoặc có sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi chưa có công chứng. Trong văn bản thế chấp phải ghi rõ tài sản thế chấp là tài sản nào? Giá trị của tài sản thế chấp, tình trạng tài sản thế chấp, cách xử lý tài sản thế chấp.
Thông thường khi thế chấp tài sản, bên thế chấp vẫn giữ tài sản thế chấp. Bên nhận thế chấp giữ toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp. Trong thời gian văn bản thế chấp có hiệu lực bên thế chấp phải đảm bảo giữ nguyên giá trị tài sản thế chấp, không được bán, tặng, cho thuê, cho mượn, chuyển đổi tài sản thế chấp và không được dùng tài sản đã thế chấp để thế chấp cho một nghĩa vụ khác trong thời gian văn bản thế chấp còn hiệu lực.

Cầm cố tài sản

Cầm cố là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên có quyền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết.
Việc cầm cố phải lập thành văn bản và phải được cơ quan công chứng chứng thực. Trong văn bản cầm cố phải ghi rõ tài sản cầm cố, giá trị của tài sản cầm cố, quyền và nghĩa vụ của bên giữ tài sản cầm cố, phương thức xử lý tài sản cầm cố, thời hạn cầm cố.
Người giữ vật cầm cố có nghĩa vụ đảm bảo giữ nguyên giá trị của vật cầm cố và không được chuyển giao vật cầm cố cho người khác trong thời gian văn bản cầm cố còn hiệu lực.

Bảo lãnh tài sản

Bảo lãnh tài sản là một biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng, trong đó cá nhân hay tổ chức (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền trong hợp đồng là sẽ dùng tài sản của mình chịu trách nhiệm thay cho người có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) khi người này không thực hiện được nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký.
Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Trong văn bản bảo lãnh phải xác định rõ phạm vi của sự bảo lãnh.
* Trên đây là 3 biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng kinh tế mà pháp luật về hợp đồng kinh tế đã ghi nhận để các bên thoả thuận với nhau. Sự thoả thuận về các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng chỉ là những điều khoản tuỳ nghi. Nếu các bên có thoả thuận với nhau và ghi vào hợp đồng thì đó mới là nội dung của hợp đồng và các bên mới phải thực hiện.

Hợp đồng kinh tế vô hiệu

Hợp đồng kinh tế vô hiệu

Là hợp đồng được ký kết trái với quy định của pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng này đều không có giá trị thực hiện.

Các loại hợp đồng kinh tế vô hiệu

Hợp đồng kinh tế vô hiệu toàn bộ

  • Là hợp đồng kinh tế được ký kết khi có các dấu hiệu sau:
    • Nội dung của hợp đồng kinh tế đó vi phạm các điều cấm của pháp luật. VD nội dung hợp đồng kinh tế được thoả thuận sản xuất, tiêu thụ hàng cấm.
    • Một trong các bên ký hợp đồng không có giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng.
    • Người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc có hành vi lừa đảo. Người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền tức là người đó không phải là đại diện theo pháp luật, đại diện theo uỷ quyền hoặc là đại diện theo uỷ quyền nhưng ký kết vượt quá phạm vi uỷ quyền mà nội dung ký hợp đồng nằm toàn bộ trong phạm vi vượt quá uỷ quyền đó
    • Người ký kết có hành vi lừa đảo là người có hành vi như giả danh, giả mạo giấy tờ, chữ ký, con dấu
  • Xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu toàn bộ:
    Về nguyên tắc các hợp đồng này dù các bên chưa thực hiện, đã thực hiện hay đã thực hiện xong đều phải xử lý theo pháp luật. Cụ thể:
    • Nếu nội dung công việc trong hợp đồng chưa thực hiện thì các bên không được phép thực hiện.
    • Nếu nội dung công việc trong hợp đồng đã được thực hiện một phần thì các bên phải chấm dứt việc thực hiện và bị xử lý về tài sản
    • Nếu nội dung công việc trong hợp đồng đã được thực hiện xong thì các bên bị xử lý về tài sản.
  • Việc tiến hành xử lý tài sản phải theo các nguyên tắc sau:
    • Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể hoàn trả bằng hiện vậtthì phải bằng tiền, nếu tài sản đó không bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
    • Thu nhập bất hợp pháp phải nộp vào ngân sách nhà nước
    • Thiệt hại phát sinh do các bên gánh chịu.

Hợp đồng kinh tế vô hiệu từng phần

  • Hợp đồng kinh tế vô hiệu từng phần là hợp đồng kinh tế có một phần nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến nội dung các phần còn lại của hợp đồng hoặc có phần nội dung do người được uỷ quyền ký hợp đồng vượt quá phạm vi uỷ quyền có nghĩa là chỉ có phần thoả thuận trái pháp luật và phần nội dung ký vượt phạm vi uỷ quyền bị vô hiệu các phần còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật và vẫn được thực hiện bình thường.
  • Xử lý hợp đồng vô hiệu từng phần
    Các bên phải sửa đổi điều khoản trái pháp luật, khôi phục các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên đồng thời bị xử lý theo quy định của pháp luật đối với phần vô hiệu đó.
    Nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu từng phần giống như nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

Thay đổi, đình chỉ và thanh lý hợp đồng kinh tế

Thay đổi hợp đồng kinh tế

Thay đổi hợp đồng kinh tế là việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của nội dung hợp đồng kinh tế cho phù hợp với nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của các bên hoặc là sự thay đổi chủ thể hợp đồng khi có sự chuyển giao một phần hoặc toàn bộ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh từ một chủ thể hợp đồng kinh tế sang một pháp nhân hay một cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Hợp đồng kinh tế chỉ được thay đổi khi đã được các bên thống nhất ý chí bằng văn bản.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế

  • Đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế là sự chấm dứt nửa chừng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau trong hợp đồng đã ký.
  • Hợp đồng kinh tế có thể bị đình chỉ khi:
    • Bên bị vi phạm hợp đồng đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế nếu thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng và đã thừa nhận sự vi phạm đó hoặc đã được cơ quan toà án có thẩm quyền kết luận là có vi phạm.
    • Các bên thoả thuận với nhau bằng văn bản
    • Hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ. Một hợp đồng bị coi là vô hiệu toàn bộ thì đương nhiên bị đình chỉ theo kết luận của toà án kinh tế có thẩm quyền hoặc tổ chức trọng tài kinh tế đã được các bên chọn.

Thanh lý hợp đồng kinh tế

  • Thanh lý hợp đồng kinh tế là hành vi của các chủ thể hợp đồng kinh tế nhằm kết thúc một quan hệ hợp đồng kinh tế.
  • Các bên phải cùng nhau tiến hành thanh lý hợp đồng trong các trường hợp - Hợp đồng kinh tế đã thực hiện xong
    • Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó.
    • Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ.
    • Hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện khi thay đổi chủ thể mà không có sự chuyển giao thực hiện hợp đồng cho chủ thể mới.
    • chủ thể hợp đồng kinh tế là doanh nghiệp bị giải thể.
  • Thời hạn quy định để các bên thanh lý hợp đồng là 10 ngày kể từ ngày phát sinh các sự kiện nói trên. Quá thời hạn đó mà hợp đồng không được thanh lý các bên có quyền yêu cầu toà án kinh tế có thẩm quyền hoặc tổ chức trọng tài kinh tế giải quyết.
  • Nội dung của việc thanh lý hợp đồng kinh tế gồm các công việc sau:
    • Xác minh rõ mức độ thực hiện nội dung công việc đã thoả thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng.
    • Xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lý của các bên trong quan hệ hợp đồng (nếu có) do phải thanh lý trước khi hợp đồng hết hiệu lực.
    Tất cả các nội dung đó phải được ghi nhận bằng văn bản và các bên cùng ký vào văn bản đó. Kể từ thời điểm đó quan hệ hợp đồng coi như chấm dứt nhưng riêng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong văn bản thanh lý hợp đồng vẫn còn hiệu lực pháp luật cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Trách nhiệm tài sản trong quan hệ hợp đồng kinh tế

Khái niệm trách nhiệm tài sản (trách nhiệm vật chất)

Là biện pháp pháp lý áp dụng cho các hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế đã được quy định sẵn trong pháp lệnh hợp đồng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh.
Trách nhiệm vật chất được hiểu là sự gánh chịu những hậu quả vật chất bất lợi của bên vi phạm hợp đồng kinh tế mà đã được pháp luật quy định thể hiện dưới 2 hình thức phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
Quy định chế độ trách nhiệm vật chất trong quan hệ hợp đồng kinh tế có tác dụng rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng kinh tế nhằm đảm bảo ổn định các quan hệ hợp đồng kinh tế đảm bảo trật tự trong quản lý kinh tế, khôi phục lợi ích của bên bị vi phạm, giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa các vi phạm pháp luật vê hợp đồng kinh tế

Căn cứ phát sinh trách nhiệm vật chất

Có hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế

Hành vi vi phạm là hành vi của một bên đã xử sự trái với những quy định của pháp luật hoặc trái với nội dung đã cam kết. Đó là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng

Có thiệt hại thực tế xảy ra

Để đòi bồi thường thiệt hại bên bị vi phạm phải chứng minh được bên vi phạm đã gây ra thiệt hại cho mình. Những thiệt hại đó phải là thiệt hại vật chất và thực tế, tính toán được. Mọi thiệt hại phi vật chất và không tính toán được đều không là cơ sở đòi bồi thường.

Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế được hiểu là mối quan hệ biện chứng, mối quan hệ nội tại, tất yếu giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm này và hành vi vi phạm này tất yếu làm phát sinh thiệt hại đó. Muốn đòi bên vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình, bên bị vi phạm phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra.

Có lỗi

Bên vi phạm phải có lỗi trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Lỗi để áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất khi vi phạm hợp đồng kinh tế là lỗi suy đoán, nghĩa là khi một bên không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ hợp đồng trong khi có điều kiện để thực hiện được thì đương nhiên bị coi là có lỗi. Như vậy phía bên kia không cần phải chứng minh lỗi mà chỉ cần chứng minh là bên đương sự đã không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ hợp đồng.
Khi có đầy đủ những căn cứ trên, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vật chất. Bên vi phạm hợp đồng được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp sau đây:
  • Gặp thiên tai địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp để khắc phục
  • Phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do thủ tướng chính phủ, trưởng ban chống lụt bão Trung ương, chủ tịch UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương ký.
  • Do bên thứ 3 vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm, nhưng bên thứ 3 không phải chịu trách nhiệm tài sản trong 2 trường hợp trên.
  • Do vi phạm hợp đồng kinh tế của 1 bên là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng kinh tế của bên kia

Các hình thức trách nhiệm vật chất

Phạt vi phạm hợp đồng

Là một chế tài tiền tệ mà bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm. Chế tài phạt hợp đồng có thể được áp dụng đối với tất cả các hành vi vi phạm hợp đồng mà không cần tính đến việc vi phạm đó đã gây ra thiệt hại hay chưa.
Hình thức chế tài này chỉ cần 2 điều kiện là có hành vi vi phạm và có lỗi.
Tiền phạt hợp đồng do 2 bên thoả thuận trong khung hình phạt đối với từng loại vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo điều 29 pháp lệnh hợp đồng kinh tế, mức phạt chung đối với các loại vi phạm hợp đồng kinh tế là từ 2%- 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Theo pháp lệnh hợp đồng kinh tế và nghị định số 17 -HĐBT ngày 16/1/1990 việc thoả thuận về mức phạt trong hợp đồng phải phù hợp với khung phạt của từng loại hợp đồng kinh tế và từng loại vi phạm hợp đồng kinh tế. Riêng vi phạm nghĩa vụ thanh toán không áp dụng các khung phạt trên mà áp dụng mức lãi suất tín dụng quá hạn của ngân hàng và không hạn chế mức tối đa.
Cụ thể :
  • Nếu vi phạm về chất lượng phạt từ 3% đến 12% giá trị hợp đồng kinh tế bị vi phạm về chất lượng.
  • Vi phạm về thời gian thực hiện hợp đồng phạt 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm từ 0,5% đến 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên. Trong trường hợp hoàn toàn không thực hiện hợp đồng đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng.
  • Vi phạm nghĩa vụ tiếp nhận sản phẩm hàng hoá, công việc đã hoàn thành theo hợp đồng phạt 4% giá trị hợp đồng đã hoàn thành mà không được tiếp nhận cho 10 ngày lịch đầu tiên và phạt thêm 1 % cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo, cho đến khi tổng số các lần phạt không quá 12% giá trị phần hợp đồng đã hoàn thành và không được tiếp nhận ở thời điể 10 ngày lịch đầu tiên,
  • Vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì áp dụng mức phạt bằng lãi suất tín dụng quá hạn của ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính từ ngày hết thời hạn thanh toán.
Trong trường hợp pháp luật chưa có quy điịnh mức phạt, các bên có quyền thoả thuận về mức phạt bằng tỷ lệ % giá trị hợp đồng bị vi phạm hoặc bằng 1 số tiền tuyệt đối.
Trong trường hợp hợp đồng không ghi mức phạt thì áp dụng theo khung phạt mà pháp luật quy định.

Bồi thường thiệt hại

Là chế tài tài sản dùng để bù đắp những thiệt hại thực tế về tài sản cho bên bị thiệt hại.
Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại đòi hỏi phải đầy đủ 4 yếu tố :
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng
  • Có thiệt hại thực tế xảy ra
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế và thiệt hại thực tế
  • Có lỗi của bên vi phạm.
Trong đó thiệt hại thực tế xảy ra không thể thiếu được.
Mức bồi thường thiệt hại không được quy định sẵn mà theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu.
Những thiệt hại thực tế mà bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường cho bên bị thiệt hại gồm:
  • Giá trị tài sản bị mất mát, hư hỏng bao gồm cả tiền lãi phải trả cho ngân hàng; Các khoản thu nhập mà lẽ ra trong điều kiện bình thường bên bị vi phạm cũng sẽ thu được.
  • Các chi phí để hạn chế thiệt hại, do vi phạm hợp đồng gây ra mà bên vi phạm phải chịu.
  • Tiền phạt và bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm phải trả cho người khác do lỗi của bên vi phạm hợp đồng gây ra.