Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Tiliacora triandra (Colebr.) Diels( Sương xâm, Cây sâm, Sương sâm trơn.)


Cây và lá sương sâm leo hàng rào. Ảnh: Hữu Tưởng
-Tên gọi khác: Sương xâm, Cây sâm, Sương sâm trơn.
-Tên khoa học: Tiliacora triandra (Colebr.Diels

1-Phân loại khoa học


Bộ (ordo):Mao lương (Ranunculales)
Họ (familia):Tiết dê (Menispermaceae)
Chi (genus):Sương sâm (Tiliacora)
Loài (species):Tiliacora triandra

2-Phân bố

Chi Sương sâm (Tiliacora) là một chi thực vật có hoa bao gồm 22 loài, trong đó có 19 loài tìm thấy ở Châu Phi và 3 loài tìm thấy ở vùng Đông Nam Á.
Dây sương sâm (Tiliacora triandra) là một loài đặc hữu ở vùng Đông Dương, chúng phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Dây Sương m thường mọc trong rừng, trên núi đá vôi, tới độ cao 300m.
Ở Thái Lan dây xương sâm được gọi là “bai ya nang”, “yanang” hoặc “ya nang”. Ở Lào gọi là “bai yanang”. 
Ở Việt Nam loài dây leo này mọc hoang dại hoặc được trồng ở khắp cả nước từ Nam ra Bắc và được dùng làm thạch giải khát gọi là “Sương sâm”. Do dể trồng và chế biến lá tươi dùng ngay nên được trồng và sử dụng ở khắp mọi vùng nông thôn, nhất là ở Nam Bộ. Trong khi một loài cây thân thảo khác khác được dùng thân và lá khô để chế thành một loại thạch đen gọi là cây sương sáo (Mesona chinensis Benth.). Việc chế biến sương sáo mang tính chuyên nghiệp hơn nên sản phẩm sương sáo được bán ở các chợ hơn là chế biến ở nhà.
Lưu ý! Ở Trung Quốc và vùng Đông Nam Á còn có một loài dây leo có tên khoa học là Cyclea barbata (Wall.) được gọi là sương sâm rừng hay sương xâm lông có lá hình quả tim cũng có tác dụng làm thức uống và làm thuốc như cây sương sâm trơn. Loài này phân bố rộng hơn loài xương sâm trơn.

Cây sương sâm trơn Tiliacora triandra

Cây sương sâm lông Cyclea barbata (Wall.)

3-Mô tả

Cây sương sâm là loài dây leo mảnh, dài 3-4 m.
-Thân: thân mảnh,có tua cuốn, leo bám và cây khô hoặc cây tươi.
-Lá: Lá có phiến xoan, dài 6-11cm, rộng 2-4cm, gân ở gốc 3-5, gân phụ 2-3 cặp, cuống 5-20mm.
-Hoa: Cụm hoa ở nách lá hay ở thân già, có lông mịn; hoa đực màu vàng, cánh hoa 5-6, nhị 3; hoa cái có 6 cánh hoa, 8-9 lá noãn.
-Quả: Quả hạch đỏ, dài 7-10mm, rộng 6-7mm.
Mùa hoa quả tháng 12-6.

4-Thành phần dinh dưỡng




Nước giải khát từ thạch sương sâm Ảnh: Hữu Tưởng

5-Công dụng

a-Lá cây sương sâm dược dùng chế biến thạch giải khát.
Ở các nước Đông Dương đều dùng lá sương sâm (kể cả non và già) vò nát, vắt lấy nước, lọc bỏ xác, nhựa của lá sẽ hút nước và trương lên thành một dạng thạch màu xanh lá cây, được pha với đường và nước đá làm món uống giải khát khi trời nóng bức.
Loại thức uống sương sâm này được người Thái gọi là “kaeng no mai som” hay “kaeng Lao”.Người Lào gọi là “nam yanang”.
Ở Việt Nam loại nước giải khát từ thạch lá này  gọi là “Sương sâm”.
Cách chế biến nước sương sâm chuyên nghiệp ở Việt Nam như sau:
1-Chuẩn bị: 100gr lá sương xâm sâm (có thể mua ngoài chợ hoặc tự trồng cho an toàn ) và 3 lít nước đun sôi để nguội.
2-Nang mực: miếng nang hình bầu dục dài nằm giữa con mực được lấy ra và phơi khô mài với nước.
3-Chất tạo vị: Đường, 1 ống tinh dầu chuối, nước đá đập nhỏ.
Vật liệu:
1 cái thau, cái rổ cước và 1 cái rổ lọc, vài hộp nhựa.
Cách làm:
-Lá sương sâm rửa thật sạch để ráo, rồi dùng 1 lít nước chín để ngụi rửa lại 1 lần, tráng lại thau, rổ cước bằng nước chín rồi đổ bỏ nước.
-Rửa tay thật sạch lau thật khô
-Cho lá sâm vào rổ cước lót trong cái thau, cho 2 lít nước đun sôi để nguội còn lại vào dùng tay vò cho lá bể ra và chà nhẹ lá sâm vào rổ cước (tay luôn luôn nhấn trong nước mà vò, nếu không sẽ nổi bọt sâm không mịn và không dai).
-Vò đến khi lá sâm nát nhừ ra hết chất xanh, còn nước thì lềnh lềnh, sệt sệt (càng vò kỹ, nước ra càng đậm đặc thì sâm càng dai và ngon) thì dùng rổ lọc lọc lại nước sâm và vắt sạch lá sâm đã nát, cho nước sâm đã lọc sạch vào các hộp nhựa, cho vào 3 thìa cafe nước Nang mực (Chỉ lấy phần nước trong ở trên) để tay chìm trong nước sâm đánh nhẹ nhẹ thấy sâm bắt đầu đặc thì lấy tay ra, đem sâm cho vào tủ lạnh để 1 lúc khoảng 1 tiếng hơn thì sâm đặc lại.
Cắt khối thạch sâm đã đặc cho vào ly, để 1 ít đường và 2 giọt tinh dầu chuối vào, cho đá đập lên thì được ly sương sâm  (nếu thích thì cho thêm nước cốt dừa vắt ăn cũng rất ngon).
b-Lá sương sâm dùng làm rau và thực phẩm.
Ở các nước Đông dương là sương sâm non còn được dùng làm rau để ăn sống hay luộc hoặc xào (ít thông dụng) như các loại rau ăn lá khác.
Ở Campuchia, người ta dùng lá để ăn với món lẩu bún Samlo. Lá cây xương sâm được sử dụng như là một thành phần trong món canh chua được gọi là samlar Machu.
Người dân tộc ở Lào và Đông Bắc Thái Lan dùng lá sương sâm nấu món canh chua với măng, ớt, muối, giấm và đôi khi với nấm bào ngư, nấm rơm…
c-Các bộ phận cây sương sâm được dùng làm thuốc
Theo lương y Trần Khiết, lá cây xương sâm có tính mát, có công năng nhuận tràng, hạ nhiệt, và giải độc. Người béo phì, thừa cân nên dùng sương sâm không đường. Còn với người bình thường thì sau khi sương sâm đông lại thành thạch thì cho ra đĩa, muốn vừa ngon vừa hấp dẫn thì phủ lên trên một lớp mè nấu với nước đường cô đặc hoặc một ít sữa kem làm màu. Dùng như vậy vừa thơm, vừa giúp tăng công năng nhuận tràng...
-Ở Campuchia, người ta dùng lá sương sâm phối hợp với các vị thuốc khác để chế biến thành thuốc để điều trị bệnh lỵ.
-Ở Thái Lan, người ta dùng rễ sương sâm làm thuốc chống sốt.

5-Trồng dây sương xâm

Theo chị Cao Thị Yến Linh (xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), thì mỗi ngày gia đình chị thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng từ 5.000m2 cây sương sâm. Điều đặc biệt, từ khi trồng loại cây này (từ 10 năm nay), chưa khi nào bị “ế”, mà các thương lái ở Bến Tre, Sài Gòn đặt mua hết với giá 100.000 đồng/kg sâm lông, 30.000 - 40.000 đồng/kg lá sâm trơn.
Theo KS Đỗ Văn Công -Trưởng phòng Khoa học - Kỹ thuật Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre thì sương sâm là loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh. Nhưng so với một số loại hoa màu khác thì xương sâm có giá không cao hơn nhiều. Chính vì vậy, diện tích trồng cây này không lớn, không tập trung và chỉ mang tính bột phát. Do vậy, không nên lo ngại việc người dân bùng phát trồng quá nhiều loại cây này..















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét