Từ
Hà Nội, xuôi theo quốc lộ 18, đến ngã tư Đông Triều (Quảng Ninh), rẽ trái và đi
khoảng 3,5 km nữa, du khách sẽ đến một trong những di tích Phật giáo một thời
vang bóng: chùa Quỳnh Lâm.
Chùa Quỳnh Lâm nằm trên
đồi trong dãy núi vòng cung Đông Triều, thuộc xã Tràng An, huỵện Đông Triều,
tỉnh Quảng Ninh. Chùa nằm ở trung tâm ba xóm Thượng, Hạ, Sinh. Phía trước cửa
chùa là hồ nước lớn, ba phía còn lại là đồi núi bao bọc. Thế đất này được gọi
là thế ngai vàng, hay thế "Rồng chầu hổ phục".
Chùa được khởi dựng từ
thời Lý. Vào thời này, khi Quốc Sư Minh Không trụ trì, ngài đã đã cho đúc một
pho tượng Di Lặc bằng đồng cao 6 trượng 6 thước, được coi là một trong "An
Nam tứ đại khí" (bốn báu vật lớn của Việt Nam) và một tấm bia đá lớn cao
2,43 m, ngang 1,54 m, khắc chữ ở hai mặt với hoa văn hình rồng uốn lượn mềm
mại. Hiện tấm bia này vẫn còn được lưu lại tại Chùa.
Chùa Quỳnh Lâm
trở thành một trung tâm Phật giáo của cả nước từ lúc Thiền sư Pháp Loa – đệ nhị
Tổ Thiền phái Trúc Lâm lập Viện Quỳnh Lâm vào năm 1316. Viện Quỳnh Lâm có kiến
trúc đồ sộ và được hoàn chỉnh vào năm 1329. Khi đó, Quỳnh Lâm trở thành "Đệ
nhất danh lam cổ tích của nước An Nam". Đây là nơi trung tâm truyền kinh
giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật. Tương truyền chùa rộng đến
nỗi các chiến mã chạy một vòng quanh chùa cũng mệt đổ mồ hôi.
Năm 1319, Thiền sư Pháp
Loa đã kêu gọi tăng nhân và Phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng
cất giữ ở Quỳnh Lâm viện. Năm 1328 Ngài lại cho đúc một pho tượng Di Lặc. Sau
đó Ngài tâu xin nhà vua cho được kéo tượng từ nền điện lên bảo toạ để dát vàng.
Năm 1329, Thiền sư Pháp Loa cho đem theo một phần tro hài cốt của vua Nhân Tông
(vị tổ thứ nhất của thiền Trúc Lâm) về đặt trong tháp đá của ở Quỳnh Lâm.
Có một câu chuyện thú
vị và hy hữu xảy ra dưới thời vua Trần Minh Tông, một nhà nho đã làm giám tự
chùa Quỳnh Lâm. Số là thấy nhà Nho Trư¬ơng Hán Siêu là ng¬ười hăng hái bài
Phật, nhà vua liền cử ông đến làm Giám tự chùa Quỳnh Lâm (khoảng sau 1342). Và
có lẽ những ảnh hưởng sâu sắc của sinh hoạt Phật giáo tại chùa này đã làm cho
tư tưởng Trương Hán Siêu vào cuối đời thay đổi hẳn :
Đời
lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
Sang đầu thế kỷ 15 chùa
bị phá huỷ nặng nề, phải trùng tu rất nhiều lần. Đến thế kỷ 18 (1727), chùa
dựng tháp Tịch Quang bằng đá xanh (tháp mộ của nhà sư Chân Nguyên - một nhà sư
có công lớn đối với chùa), tháp gồm 7 tầng cao 10 m, đỉnh tháp hình búp đa,
trên tháp có gắn tấm bia ghi lại tiểu sử của sư Chân Nguyên. Đến giữa thế kỷ
18, chùa được trùng tu lớn, có cả chuông đồng, khánh đá.
Kiến trúc nổi bật của
chùa Quỳnh Lâm hiện nay là tháp chuông ba tầng, với ba quả chuông từ lớn đến
nhỏ được treo ở ba gác mái. Từ lầu chuông có thể nhìn ra một không gian rộng
lớn và nên thơ.
Tiếp theo tháp chuông
là chính điện. Giống như chính điện của các ngôi chùa theo Thiền phái Trúc Lâm,
phía ngoài cùng là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tiếp theo là
các lớp tượng truyền thống như Phật Thích ca niêm hoa, hai bên là tôn giả
Ca-diếp và Anan, Phật A Di Đà, hai bên là Bồ Tát Đại Thế Chí và Bồ Tát
Quán Thế Âm, lớp tượng trên cùng là Tam thế Phật.
Hai gian hai bên của
chính điện thờ Đức Ông và Tam tòa thánh mẫu.
Nối tiếp gian chính
điện là nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm, giữa là tượng đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông, bên
trái là Đệ nhị Tổ Pháp Loa, bên phải là đệ tam Tổ Huyền Quang
Chùa đã được Bộ Văn hóa
Thông tin cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991.
Tại chùa Quỳnh Lâm, các
nhà khảo cổ tiến hành đào thám sát 8 hố, đã cho kết quả xuất lộ dấu vết
nền móng kiến trúc, đường đi, gạch, ngói múi lá, cánh sen, loại hình dị vật,
gồm đồ sành sứ, gốm sứ (trong đó có tìm thấy 4 chiếc bát vẽ lam chân cao còn
men sống) và vật liệu kiến trúc... thời Trần; ngoài ra còn phát hiện 1 con
đường lát gạch vuông được dẫn thẳng vào chùa, 2 lan can đá chạm rồng thời Lý,
cùng dấu tích lò nung ngói hình chữ nhật ở khu vực trước cửa (có niên đại
khoảng thời Lê - Trịnh).
Đến với chùa Quỳnh Lâm
hôm nay, du khách không khỏi ngậm ngùi về một thời huy hoàng của Phật giáo đã
xa. Chùa Quỳnh Lâm hiện nay giống như một phế tích hoang tàn. Việc trùng tu,
xây dựng chùa còn ngổn ngang, bừa bộn và chậm chạp. Cột gỗ tháp chuông còn bị
bôi vẽ, khắc tên khắp nơi. Trong khi Yên Tử được đầu tư rất nhiều thì một di
tích khác cùng thời, cách đó không xa lại ít được quan tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét