Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

LÝ GIẢI CÁC NGUỒN THƯ TỊCH HÁN NÔM ĐỂ TÌM HIỂU NGUỒN GỐC NHÀ LÝ


PGS. CHU QUANG TRỨ
Viện Mỹ thuật
Một loạt thư tịch Hán Nôm cổ gồm cả quốc sử, dã sử, địa lý và Phật giáo như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Thiên Nam ngữ lục, Thiền uyển tập anh và một số bia đá, chuông đồng, bằng sắc, hoành phi, câu đối... viết về nguồn gốc nhà Lý đều thống nhất cho biết: Vua Lý Thái Tổ người châu Cổ Pháp, mẹ là Phạm Thị đi chùa Tiêu ngủ với thần rồi sinh ra vua, cho làm con nuôi Lý Khánh Văn, sau theo học sư chùa Lục Tổ. Thuở ấy hương Diên Uẩn có cây gạo bị sét đánh để lại bài sấm thi: "Thụ căn diểu diểu..." được Thiền sư Vạn Hạnh giải thích là sự báo hiệu nhà Lý sắp thay nhà Lê, và sau đấy thiền sư tìm mọi cách vun vén để Lý Công Uẩn lên ngôi thật thuận lợi.
Nhưng về chi tiết, giữa các tài liệu có xuất nhập, chúng rải ra tản mạn, nếu khéo lần mối nối mạng sẽ cho mảng gấm đẹp, ngược lại sẽ làm cho lịch sử bị phủ hỏa mù dày hơn. Dưới góc độ tư liệu Hán Nôm về chủ đề này, tôi xin góp bàn mấy vấn đề:
- Châu Cổ Pháp, hương Cổ Pháp và chùa Cổ Pháp.
- Chùa Minh Châu với cây gạo và bài kệ của La Quý An.
- Hương Diên Uẩn với cây gạo bị sét đánh.
- Bia Lý gia linh thạch chùa Tiêu và quê bà Phạm Thị.
- Quan hệ của Thiền sư Vạn Hạnh với Lý Công Uẩn.
1 - Châu Cổ Pháp, hương Cổ Pháp và chùa Cổ Pháp
Người dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chú giải: "Cổ Pháp: Tên châu, từ đời Đinh về trước gọi là châu Cổ Lãm; Triều Lê Đại Hành cho đến năm 994 vẫn còn gọi tên ấy (BK1, tờ 21a), sau đổi gọi là Cổ Pháp, Lý Thái Tổ lên ngôi đổi làm phủ Thiên Đức. Nay là đất huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc". (Bản in năm 1983, tập I, trang 240). Nội dung lời chú trên, từ thế kỷ XIX các tác giả sách Việt sử thông giám cương mục đã viết ở Lời chua rồi, còn nói rõ hơn: "Nhà Trần đổi làm huyện Đông Ngàn. Về sau nhà Lê vẫn theo tên cũ. Bấy giờ là huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh" (Bản in năm 1967, tập III, trang 39).
Nếu dựa vào chuyện Thiền sư Vạn Hạnh ban đêm nghe từ mộ Hiển Khánh vương ở châu Cổ Pháp có tiếng ngâm thơ cho biết: Phía nam có đất Phù Ninh, phía bắc có đất Phú Cầm, phía đông có núi Khánh Vạn, phía tây nhìn thấy núi cao như cột chống trời, thì có thể xác định một vùng đất rộng từ Nành (Phù Ninh) đến bến Gấm (Phù Cẩm) mà nay vẫn còn mang tên cũ - theo chiều Nam - Bắc, và phía đông là dãy núi Bát Vạn, nhìn về phía tây thấy núi Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng về trời, hay dãy Tam Đảo cao nhất.
Nếu sự khảo hứu của Quốc sử quán nhà Nguyễn là đúng, thì đất huyện Đông Ngàn sang đầu thế kỷ XX cơ bản trở thành huyện Từ Sơn, năm 1962 phải thêm huyện Tiên Du nữa mới thành đất huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc. Vì thế không thể đồng nhất huyện Đông Ngàn xưa với huyện Tiên Sơn nay.
Còn về hưong Cổ Pháp, chính sử không nói tới. Theo truyện Thiền sư Định Không (? - 808) trong sách Thiền uyển tập anh thì nguyên tên xưa là hương Diên Uẩn, nhân chuyện đào đất xây chùa tìm được 10 chiếc khánh nhưng khi mang ra sông rửa bị rơi 1 chiếc xuống đáy sông, mới đổi ra là hương Cổ Pháp: Tuy thế, gần 200 năm sau, chính sử vẫn ghi nhận tên hương Diên Uẩn là nơi có cây gạo bị sét đánh để lại bài thơ sấm.
Chính sử không nói tới hương Cổ Pháp, nhưng trong sách Thiền uyển tập anh, ở nhiều truyện có nhắc đến. Chẳng hạn Thiền sư Định Không người hương Cổ Pháp nhưng tu ở chùa Thiện Chúng hương Dịch Bảng. Như vậy Cổ Pháp và Dịch Bảng là hai hương khác nhau. Nếu xác địh được chùa Lục Tổ thì biết hương Dịch Bảng ở đâu, xác định được chùa Lục Tổ thì biết hương Dịch Bảng ở đâu, xác định được cây gạo bị sét đánh thì biết hương Diên Uẩn tức hương Cổ Pháp ở đâu. Ngày nay không ít người lầm tưởng Cổ Pháp = Dịch Bảng = Đình Bảng, không hề chứng minh gì cả.
Điều nhầm lẫn này, có lẽ bắt đầu từ các tác giả sách Đại Nam nhất thông chí, và Việt sử thông giám cương mục ở thời Nguyễn. Lúc đầu còn ít, sau này những người dịch thư tịch Hán Nôm đã chú giải tùy tiện càng làm cái sai lan rộng.
Chính sử thời Trần và thời Lê chẳng những không nói đến hương Cổ Pháp mà cũng không nói đến chùa Cổ Pháp. Tài liệu thuộc loại sớm nhất nói về Lý Khánh Văn gắn với "Cổ Pháp sơn" hay với "Ngàn Cổ Pháp" là Thiên Nam ngữ lục diễn ca lịch sử ở thế kỷ XVII, có thể ngầm chỉ đó là chùa Cổ Pháp. Phải đến thời Nguyễn, chùa Cổ Pháp mới vào chính sử. Sách Việt sử thông giám cương mục viết: "sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn" và chùa"Chùa Cổ Pháp ở xã Đình Bảng huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh" (Bản in năm 1975, tập III, trang 37). Sách Đại Nam nhất thống chí (phần tỉnh Bắc Ninh) cũng ghi tương tự: "Chùa Cổ Pháp ở xã Đình Bảng huyện Đông Ngàn..." (Bản in 1971, tập IV, trang 107). Trên thực địa, xã Đình Bảng không hề có chùa Cổ Pháp. Trong khi đó, thôn Đại Đình thuộc xã Tân Hồng liền kề vẫn còn nền chùa Cổ Pháp với bia đá "Cổ Pháp tự bi trùng tu di tích" và chuông đồng "Cổ Pháp tự chung" ghi rõ đây lầ ngôi chùa danh tiếng. Thôn Đại Đình từ nhiều thế kỷ trước Cách mạng vẫn được ghi trong danh mục hành chính là xã Đại Đình, ngang cấp với xã Đình Bảng cùng thuộc tổng Phù Lưu. Bia Hậu Thần của làng dựng năm Chính Hòa 21 (1700) đã ghi rõ điều này. Vậy mà gần 200 năm sau các sử quan nhà Nguyễn vẫn nhầm.
Về chùa Lục Tổ thì Đại Nam nhất thống chí viết đúng:"Chùa Lục Tổ: tức chùa Trường Liêu. Sử chép sư Vạn Hạnh trụ trì ở chùa này" (Bản in 1971, tập IV, trang 108). Đọan ngay trước, sách cũng ghi đúng:"Chùa Thiên Tâm:ở trên núi thuộc xã Tiên Sơn thuyên Yên Phong. Theo Sử ký thì chùa này là chỗ sinh Lý Thái Tổ, bên cạnh chùa có viện Cảm Tuyền, lại có chùa Trăng Liêu, sư Vạn Hạnh từng trụ trì ở đây". Đấy là một nhóm chùa cạnh nhau ở trên núi Tiêu nên được gọi chung là chua Tiêu: Lục Tổ = Trường (hay Tràng) Liêu= Thiên Tâm = Cảm Tuyền, nơi Vạn Hạnh trụ trì.
Người dịch sách Đại Viết sử ký toàn thư, có 2 chú thích liền nhau, chú thích trên đúng: "Chùa Tiêu Sơn: tức chùa Trường Liêu trên núi Tiêu ở xã Tương Giang huyện Tiên Sơn, Hà Bắc", thì chú thích dưới lại sai: "Chùa Lục Tổ, cũng gọi là chùa Cổ Pháp, ở xã Đình Bảng huyện Tiên Sơn, Hà Bắc" (Bản in 1983, tập I, trang 240). Điều sai này lại được lặp lại vào năm 1990 các dịch giả sách Thiền uyển tập anh thấy người xưa viết "chùa Lục Tổ ở hương Dịch Bảng" liền chú thích: "Cũng gọi là chùa Cổ Pháp ở xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, thỉnh Hà Bắc ngày nay" (Bản in 1990, trang 148). Có thể người chú thích sách Hán Nôm ngày nay đã nhầm lẫn chùa Lục Tổ có ít nhất từ thế kỷ X với miếu Lục Tổ ở Đình Bảng có sớm nhất cũng từ giữa thế kỷ XV thờ 6 vị Tổ sư đã dẫn con cháu về đây lập lại làng.
Hương Diên Uẩn xưa với cây gạo bị sét đánh thì ký ức người dân xã Tân Hồng (xã có chùa Cổ Pháp) mách có lý: Do cây gạo bị sét đánh để lại bài sấm thi mà trở nên thiêng, và để ghi nhớ sự kiện này, làng đổi là Dương Lôi, là Đình Sấm cả 2 tên này vẫn song tồn; còn cây gạo mới bị chết cỗi mười năm nay mà cả vùng trước đây đều nhìn thấy, nay mới trồng lại cây gạo con.
Vậy thì thôn Dương Lôi - Đình Sấm ngày nay chính là xóm hạt nhân của hương Diên Uẩn - Cổ Pháp xưa. Cái sai của chúng ta là lâu nay thường dịch hương ra làng. Làng nay nhỏ thôi, dù có làng cũng là xã (như làng/ xã Đình Bảng) thì vẫn nhỏ nhiều so với hương xưa. Hương Cổ Pháp phải là một vùng rộng, trong đó có xã Tân Hồng và xã Đình Bảng, Tân Hồng còn nhiều di tích về sự ra đời huyền kỳ của Lý Công Uẩn, Đình Bảng có lăng tẩm gắn với sự "ra đi" của các vua nhà Lý.
2 - Chùa Minh Châu với cây gạo và bài kệ của La Quý An.
Truyện Thiền sư La Quý An trong sách Thiền uyển tập anh ngữ lục chép truyện trước khi tịch, sư dặn đệ tử rằng: "Trước đây, Cao Biền ... biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả, bèn... cắt yểm long mạch tất cả 19 nơi. Ta đã ... lấp như cũ, lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch.. khi trồng cây gạo, sư có đọc bài kệ như sau:
Đại Sơn long đầu khởi
Cù vĩ ẩn Chu Minh
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thố, kê, thử nguyệt nội
Đinh kiến nhật xuất thanh.
(Bản in 1990, trang 178). Ở đây có 2 điểm cần bàn: Chùa Minh Châu và bài kệ.
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng trong tiểu luận Nhà Lý và văn minh Đại Việt thì câu thứ 2 của bài kệ là xà vĩ ẩn minh châu. Châu hay Chu là một thôi, song đảo từ sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Cù vĩ ẩn Chu Minh được Thơ văn Lý - Trần dịch là "Đuôi rồng giất sự thịnh vượng" chưa ổn lắm, Thiền uyển tập anh dịch là "Đuôi dài náu chu minh" thì không rõ nghĩa, song cả phiên âm và dịch nghĩa, dịch giả Thiền uyển tập anh đều viết hoa cả 2 ch đã ngầm mách đấy là danh từ riêng. Xà vĩ ẩn minh châu được giáo sư Trần Quốc Vượng dịch là "Đuôi rắn ẩn minh châu", có ý chỉ viên ngọc sáng chăng? Nếu đã có ý cho Chu Minh là danh từ riêng, lại đảo thành Minh Châu thì đó chính là tên ngôi chùa đã trồng cây gạo.
Chùa Minh châu này gợi chúng ta nhớ đến "chùa kẻ Gia Châu" trong sách Thiên Nam ngữ lục là nơi Phạm Thị sinh ra vua Lý Thái Tổ. Đây là "địa linh" tất sinh "nhân kiệt". Nhân dân ở Dương Lôi - Đình Sấm vẫn chỉ ra nền chùa Minh Châu ở dìa làng, sau chuyển vào trong làng gọi làchùa Cha Lư. Giáo sư Trần Quốc Vượng mách "Cha Lư " là phiên âm tiếng Chàm có nghĩa là Thần Sấm, vậy nó gợi chúng ta nghĩ đến Thiên Lôi đánh sét vào cây gạo và do đó đổi hương Diên Uẩn ra Dương Lôi - Đình Sấm. Còn về ngữ nghĩa và ngữ âm học lịch sử, việc chuyển dịch Minh Châu - Gia Châu - Cha lư cũng đáng tin.
Cây gạo ở chùa Minh Châu gắn với bài kệ của La Quý An cũng là cây gạo ở trước chùa Cha lư có bài sấm thi do sét đánh tạo nên.
Trở lại bài kệ, câu đầu Đại sơn long đầu khởi các tác giả Thơ văn Lý - Trần dịch là " Đầu rồng khởi lên ở núi lớn " có vẻ chung chung, không rõ ý, dịch giả Thiền uyển tập anh dịch là " Đại sơn đầu rồng ngước " như có ý nói " Đại sơn " là danh từ riêng nhưng lại không viết hoa. Trồng cây gạo để phá phép trấn yểm của Cao Biền bài kệ phải gắn với thuyết phong thủy. Minh Châu đã là danh từ riêng, thì Đại Sơn cũng phải là danh từ riêng, chính là tên quả núi trong dãy Vạn Sơn, thuộc xã Việt Đoàn nay cùng huyện Tiên Sơn.
Biết Đại Sơn là tên núi trong vùng và Minh Châu là tên chùa trồng cây gạo thì bài kệ dễ hiểu hơn. Câu thứ 4 Miên thu hiện long hình đều được mọi người dịch chung ý và chúng ta hiểu hai câu 3+4 là " khi nào thân cay gạo có vết sét đánh như hình rồng leo thì nhà Lý sẽ thành lập được vương triều của mình".
Riêng câu 5 Thố kê thử nguyệt nội, điều mọi người thống nhất hiểu " Thố - kê - thử " là chỉ thời gian gắn với 3 con vật: Thỏ - gà - chuột, nhưng giáo sư Trần Quốc Vượng dịch là " Trong tháng chuột - ngày gà - giờ thỏ", dịch giả Thiền uyển tập anh dịch là " Thỏ - gà trong tháng chuột " và chú thích là " ngày thỏ - tháng chuột - năm gà" thì liệu có thuận thứ tự từ trong câu ? Cả câu chỉ có một từ chỉ thời gian là tháng đứng sau 3 từ chỉ thời gian gắn với 3 con vật, có lẽ vì thế Thơ văn Lý - Trần dịch là: " Trong tháng thỏ, tháng gà, tháng chuột" để nói một sự dự báo với 3 khả năng vào các tháng 11- 2 - 8 sẽ thấy vua mới chăng?
Đối chiếu với sự thật lịch sử đã xảy ra thì ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỷ Dậu vua Lê Ngọa Triều băng, cách một hôm sang ngày Sửu thì Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Phó giáo sư Lê Thành lân đã tính ra ngày ấy là mồng 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu ( ứng với dương lịch là 21 - 11 - 1009 ).
Năm Kỷ Dậu là năm Gà, tháng 11 là tháng Chuột rất khớp với dự báo. Riêng ngày mồng 2 ấy là ngày Quý Sửu (con trâu), song nếu không tính theo hội (chu kỳ 60) mà chỉ tính theo giáp (chu kỳ 12) thì 2 lại ứng cới con Thỏ (là tháng Mão). Vậy "Thỏ - Gà - Chuột" trong bài kệ có thể xem là ứng nghiệm của sự dự báo tuyệt đối chính xác.
Chùa Minh Châu ở làng Diên Uẩn, cây gạo được Thiền sư La Quý An trồng và đọc bài kệ trên cũng là cây gạo ở thời Tiền Lê bị sét đánh để lại bài sấm thi. Cả hai bài kệ và bài sấm thi đều có câu "Thập - bát - tử (định ) thành" khẳng định nhà Lý ( thập + bát + tử = Lý) sẽ thành nghiệp lớn.
Như vậy, vấn đề hương Diên Uẩn với cây gọ bi sét đánh cũng đã được giải quyết.
3 - Bia "Lý gia linh thạch" ở chùa Tiêu và quê bà Phạm Thị.
Chùa Tiêu như trên đã nói, là chùa Thiên Tâm (tức Ứng Đại Thiên Tâm, cũng là chùa Lục Tổ, chùa Tràng Liêu) ở lưng chừng núi Tiêu, ngay ở sân chùa có bia nhỏ trong có tấm bia Lý gia linh thạch dựng năm đầu đời cảnh Thịnh. Chữ Cảnh bị mờ nhiều, một số bài viết về tấm bia này đều ỏ trống, song phí tiến sĩ Cung Khắc Lược đã đọc được - và toi đã xem lại kỹ hoàn toàn nhất trí.
Năm 1990 nhà Hán học Hoàng Lê đi cùng với một nhà báo và 2 cán bộ người ở Thái Đường (xã Mai Lâm - Đông Anh - Hà Nội) đã đến chùa Tiêu đọc tấm bia này, trong đó có đoạn: Chùa Thiên Tâm do thiền sư Vạn Hạnh người hương Cổ Pháp trụ trì. Đặc biệt có bà Phạm Mẫu người ở Hoa Lâm thuộc phía đông, trên tả ngạn chùa, khi lên chùa đèn nhang, thường thấy một vị thần đứng cạnh cột chùa. Người này bảo bà vào hang núi lấy của... Bà thường ngồi trên hòn đá thiêng ngẫm sự việc, ngẫu nhiên có thai, sinh ra ngường con họ Lý..."
Do Thái Đường vốn tên là Hoa Lâm nên đoàn nghiên cứu trên đã cho quê bà Phạm Mẫu là Thái Đường. Năm 1992 ông Hoàng Lê về Dương Lôi, biết nơi đây xưa cũng có khu đất Hoa Lâm, lại đúng là ở phía đông và tả ngận chùa Tiêu (trong khi đó, Thái Đường ở phía Nam và phía trước mặt chùa Tiêu), mới vỡ nhẽ năm trước mình nhầm. Điều này, đầu năm 1994, tại Hội thảo khoa học Dương Lôi và Vương Triều Lý, ông Hoàng Lê đã chính thức cải chính rồi.
Bà Phạm Mẫu người Dương Lôi còn được khẳng định bằng nhiều tư liệu khác: Cạnh chùa Cha Lư ở Dương Lôi vốn có đền thờ bà, nay rước bà vào thờ trong chùa. Bài văn chuông chùa cũng xác nhận: "Dương Lôi là ấp thang mộc của Thánh Mẫu triều Lý". Đình Dương Lôi thờ bà Thánh Mẫu Tuyên Bảo thái hậu làm thành hoàng cùng với vua nhà Lý có đủ bằng sắc được các Nhà nước xưa giao trách nhiệm "tòng tiền phụng sự". Đình Dương Lôi mang tính chất đền thờ các vua nhà Lý, ngoài bài vị và ngai cũ còn đầy đủ, từ Nghi nóm cho đến trước cung thờ có cả một hệ thống các câu đối tập trung ca ngợi vương triều Lý với cá ý Dương Lôi là đất thiêng sẽ mở nghiệp Đế, thế đất phát 8 đời vua làm cho nước vững dân yên, đây là nơi ngự của các vua Lý để cả nước hướng về và nước ngoài triều cống... lại thêm nhều hành phi khẳng định nơi đây ánh sáng tỏa chiếu khắp toàn dân, là chỗ có đủ 4 điều mẫu mực.
4 - Quan hệ của thiền sư Vạn Hạnh với Lý Công Uẩn
Sách Thiền uyển tập anh cho biết thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, gia đình nhiều đời thờ Phật, trụ trì ở nhóm chùa quanh núi Tiêu nên gọi chung là chùa Tiêu. Như thế chúng ta có thể hiểu thền sư vốn họ Lý. Một số tài liệu cho hay thiền sư Vạn Hạnh và thiền sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp là hai anh em.
Chính sử chỉ cho biết Vạn Hạnh ra sức nuôi dạy Lý Công Uẩn thành tai, đưa dần vào chính thường hoạt động, tạo mọi dư luận điềm trời bái trước nhà Lý sẽ thay nhà Lê và thúc đẩy việc Lý Công Uẩn khẩn trương lên ngôi hoàng đế.
Đông cơ nào thôi thúc Vạn Hạnh làm những điều trên? Đúng là Vạn Hạnh thông hiểu thời thế, nắm được cơ trời vận nước, nên mọi việc làm đều thuận lợi và thành công tốt đẹp. Nhưng để hăng hái làm việc tầy đình ấy, có thể còn một nguyên nhân về quan hệ cá nhân.
Các tài liệu chính sử, dã sử và bia ký đều thống nhất cho biết bà Phạm Thị đi ở chùa Tiêu, ngủ với người thần rồi có mang. Vậy người thần ở chùa Tiêu là ai? Điều này, dã sử không cần tô son điểm phấn, nói thẳng đó là nhà sư trụ trì chùa Tiêu (Ứng Đại = Ứng Thiên với tên đầy dủ là Ứng Đại Thiên Tâm, nói tắt là Thiên Tâm, tức chùa Lục Tổ, chùa Trường Liêu). Thiên Nam ngữ lục diễn ca lịch sử, khẳng định không chỉ một lần nội dung này. Doạn trước tả (theo bản AB.315) rất cụ thể:
4375
Tháng tư năm Giáp Tuất này,
Gữa ngày mồng Tám là ngày Bụt sinh
Đêm khuya Thày dạy tụng kinh,
Nàng dạy một mình ngồi bếp thổi xôi.
Ngùi ngùi nhớ sự khúc nhôi,
4380
Lim dim ngủ mát nằm ngoài táo môn.
Thấy lâu Thày mới hỏi dồn,
Tắt đèn vạc lửa, thày liền bước qua.
Tự nhiên mới giấc hồn hoa,
Ngỡ ai đã đến giao hòa cùng ai.
4385
Âm dương thăng giáng một hôi,
Thủy liêm mở động ngọc lơi dề dề.
Máy trời co nhiệm ai hay,
Thác lấy khí Thày cho nàng thụ thai.
Đoạn dau là lời bà Phạm Thị trả lời Thiền sư trụ trì chùa này:
4395
"Sáng ngày mồng Chín ấy rày,
Tôi nằm ngủ mát, tối Thày chạm chân.
Thấy nên chuyển động tâm thần,
Có phân ngây ngất, có phân kinh lòng.
Tôi ngỡ mà quỷ hãi hùng,
4400
Chẳng ngờ một tháng hay lòng có thai".
Thày tức Thiền sư trụ trì chùa này là Vạn Hạnh rồi.
Nhưng nói thẳng thì không thiêng, nên phải núp danh "Người Thần", mà như thế đứa trẻ sẽ không có họ và quê nội. Vậy phải dàn dựng lớp kịch tiếp theo: Đưa đứa trẻ đến làm con nuôi thiền sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp thuộc hương Cổ Pháp tức hương Diên Uẩn cũng là quê bà Phạm Thị, và khi dứa trẻ được mang tên Lý Công Uẩn thì đã khẳng định với lịch sử người này thuộc dòng huyết tộc họ Lý ở hương Diên Uẩn của mình, rõ ràng mà vẫn kín đáo.
Câu chuyện thụ thai này giống hệt chuyện khi phật giáo mới vào Việt Nam, nàng Man Nương ở chùa Dâu nằm ngủ, sư Khâu Đà La bước qua rồi có thai sinh đứa trẻ sau thành Thạch Quang, thành Tứ Pháp. Phải chăng đấy là một mô típ văn hóa về sự giao tiếp của văn hóa dân gian với văn hóa Phật giáo, của văn hóa bản địa với văn hóa bên ngoài, nó hồn nhiên, nhuần nhuyễn để dẫn đến một cấu trúc mới cao sang, thánh thiện, đẹp đẽ.
*
**
Thư tịch Hán Nôm là những tư liệu lịch sử rất quý. Song lịch sử có chính sử và dã sử, có tư liệu của sử quán ở tàng thư và tư liệu của dân gian ở các di tích. Coi trọng tất cả các nguồn thư tịch Hán Nôm, khai thác kết hợp nó có thể phá nhiễu để tiếp cận chân lý. Trên hướng này, tôi muốn tìm hiểu nguồn gốc nhà Lý, mong được các chuyên gia Hán Nôm hợp lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét