1. Nếu gọi theo địa giới hành chính thì Đình Bảng đã trở thành một phường của TX. Từ Sơn năm 2009. Thế nhưng người làng cũng như khách thập phương vẫn quen với tên gọi là làng Đình Bảng. Cũng như bao phố thị khác, Đình Bảng ken kín nhà cao tầng, ô tô nhộn nhịp… Duy chỉ cốt cách cư dân làng cổ thì không thể lẫn với ai.
Khi tôi hỏi đường đến đình làng, một bà cụ bán nước gọi đứa cháu dặn trông hàng rồi dò dẫm dẫn thẳng đến sân đình. Nhiệt tình, tận tụy một cách kỳ lạ lắm.
Anh hùng lao động (AHLĐ), Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, một người con của đất Đình Bảng luôn là người phù hợp nhất để gặp mỗi khi muốn tìm hiểu về mảnh đất này. Ngoài 75 rồi nhưng ông Thìn có thể nói say sưa cả ngày không chán nếu chủ đề là Đình Bảng. Hệt như một pho sử sống, vanh vách, làu làu từng chi tiết một của ngôi làng từ thuở sơ khai cho đến tận bây giờ.
Ông là một trong hai người Đình Bảng vinh dự nhận danh hiệu AHLĐ cùng với Nguyễn Thế Tùng, kiến trúc sư của cầu Chương Dương (Hà Nội), nhưng tuyệt nhiên vị giáo già không hề nói về mình cho dù thỉnh thoảng tôi khơi chuyện.
Lý do thì giản dị, đáng quý vô cùng: Tôi là người Đình Bảng. Mà đã là người Đình Bảng thì không ai lại không nằm lòng câu "Lý nhân vi mỹ". Đó cũng là phương châm sống của người làng từ ngàn đời nay. Những gì mà làng, người làng Đình Bảng có được ngày hôm nay cũng là nhờ "Lý nhân vi mỹ" cả.
Cái tên làng Đình Bảng đặc biệt từ tên gọi cho đến địa giới hành chính lẫn văn hóa, lịch sử. Làng nằm giữa ngã ba sông. Sông Đuống, sông Tiêu Tương, sông Thiên Đức. Ở khu di tích Đồng Gio của làng, các nhà khảo cổ khai quật được những mảnh gốm có hình Thần Nông từ thời Việt Cổ.
AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn kể về làng Đình Bảng
Tự cổ, làng có tên là Kẻ Báng vì dân cư sống giữa một rừng báng rậm rạp, một thời là thắng tích xứ Đông Ngàn. Thời Bắc thuộc, tên của làng là hương Diên Uẩn rồi đổi thành hương Cổ Pháp. Nhưng nói về Đình Bảng có lẽ nên bắt đầu từ ngày 8/3/974, ở thời khắc vua Lý Thái Tổ ra đời. Thời khắc mà ông Thìn nói rằng đã gắn bó với vận mệnh ngôi làng từ bấy đến nay.
Khi nhà vua ra đời làng vẫn còn tên là Cổ Pháp, đến khi triều Lý kết thúc, triều Trần thế thay thì cái tên Đình Bảng ra đời. Khi ấy, để ngăn hậu duệ họ Lý học cao, nhà Trần đề ra thông lệ cấm người họ Lý thi cử, đổi luôn tên làng thành Đình Bảng.
Những người mang họ Lý trong làng đã đổi thành nhiều họ khác nhau vừa để duy trì dòng giống, vừa tham gia thi cử. Vì thế mới có câu: "Đình Bảng bảng vẫn ghi tên/ Nhờ lòng cả nước xây nền tam vua".
Điều đặc biệt nhất, từ xa xưa Đình Bảng đã lưu truyền câu “nhất làng, nhất xã, nhất khoảnh tre”. Có nghĩa là Đình Bảng vừa là tên làng, vừa là tên xã được bao bọc bởi những khoảnh tre trồng xung quanh.
Làng cũng là xã, không theo cách phân định hành chính thông thường. Ở 9 góc làng người ta xây 9 chiếc cổng. Trên các cổng đều đề câu “Lý nhân vi mỹ” làm lẽ sống, đi vào đi ra đều phải ngước mà nhìn. Nội dung nôm na là người làng quê vua Lý là những người làm việc thiện, sống đẹp.
Ông Thìn kể một câu chuyện đơn giản nhưng lại là minh chứng rõ ràng cho phong cách sống của người Đình Bảng: Từ xa xưa dân làng này đã rất năng động. Làm ruộng, buôn bán, làng nghề thủ công... hệt như hai câu thơ Nguyễn Khôi đã viết: "Anh về vui với cày bừa/Để em tay nải gió đưa phương trời".
Đàn ông Đình Bảng đảm việc nhà, đàn bà Đình Bảng cày bừa cũng giỏi. Người Đình Bảng nhà nào cũng nông công thương. Dân làng có nghề nhuộm vải thâm mang vào tận Nam Bộ bán cho dân trong ấy may quần áo bà ba: "Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Đình Bảng với anh thì về/ Đình Bảng có lịch có lề/ Có ao tắm mát có nghề nhuộm thâm".
Ví như mẹ tôi, mỗi tháng bà đều mang vải thâm của gia đình nhuộm, đi tàu vào tận Sài Gòn để bán. Mỗi lần bà dẫn khách buôn về nhà, bố tôi không hề ghen mà còn trầm trồ khen vợ đảm.
Người Đình Bảng là vậy. Cùng trong một ngõ, nhà này có khách đến mua hàng hóa, nhà kia chúc mừng, không hề đố kị. Họ chỉ thòng một câu, nếu các bác mua bên kia chưa đủ thì mời sang nhà em. Vải nhà em cũng tốt lắm ạ. Đó không phải là "Lý nhân vi mỹ" thì là gì?
2. Cốt cách người Đình Bảng quả thật khiến người ta phải nể trọng. Cũng theo lời kể ông Thìn, cái thời loạn lạc, giao triều, nhiều người họ Lý lưu lạc khắp mọi miền, sang tận Triều Tiên, tận các nước Châu Âu thành lập những vùng đất mới.
Quý thay, cuối cùng họ đều tìm về với làng Đình Bảng. Trong ngôi nhà lưu niệm nằm trong di tích Đền Đô, hàng ngàn bức ảnh, những di vật khắp năm châu bốn bể được con dân Đình Bảng gửi về đã nói lên điều đó.
Hoàng tử Lý Dương Côn, em trai vua Lý Thần Tông sang Triều Tiên cư trú tạo thành dòng họ Lý Tinh Thiện, có ông Lý Nghĩa Mẫn làm thừa tướng nước này tới 14 năm ở thế kỷ thứ 12. Hay như bác học Lê Quý Đôn, tương truyền cũng gốc gác họ Lý ở Đình Bảng, tổ tiên vì loạn lạc di cư xuống Thái Bình?
Phiến đá Trường Sa gửi tặng làng Đình Bảng
Người Đình Bảng tha hương nổi tiếng nhất có lẽ là Hoàng tử Lý Long Tường, đi sang Cao Ly năm 1226. Ông được Vua Kojong phong làm tướng quân, cho lập bia ghi ơn công trạng tại nơi quân Nguyên Mông đầu hàng (gọi là “Thụ hàng môn”), đổi tên ngôi làng ông sống thành Lý Hoa Sơn.
Trong gia phả dòng họ Lý ở làng Lý Hoa Sơn vẫn lưu truyền: Dù được vua sở tại trọng thị, lập chiến công hiển hách nhưng Lý Long Tường vẫn không nguôi nỗi nhớ về quê cha đất tổ. Ông cho xây dựng một ngôi đình kiểu Đại Việt để thờ các vị vua Lý.
Vào cuối đời, ông hay lên đỉnh núi Quảng Đại, ngồi nhìn về phương Nam xa xăm mà lệ tuôn trào vì nỗi nhớ quê. Chỗ đó bây giờ gọi là "Vọng quốc đàn". Hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, các hậu duệ họ Lý lại về Hoa Sơn dự lễ tế tổ, gióng lên chín tiếng trống tượng trưng cho chín đời vua triều Lý để mọi người tưởng nhớ quê hương.
Trải qua mấy trăm năm, các hậu duệ họ Lý ly hương đã có nhiều người tìm đường quay trở về cố hương. Báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đã đưa tin tổng thống Đại Hàn dân quốc lúc bấy giờ là Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) khi sang Nam Việt Nam (ngày 6/11/1958) đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt.
Năm 1994, khi Đình Bảng đang kỷ niệm ngày sinh Vua Lý Thái Tổ thì ông Lý Xương Căn, cháu đời thứ 26 của Lý Long Tường dẫn theo nhiều con cháu họ Lý ở Hàn Quốc về đây lễ úp mặt xuống điện đền khóc xin nhận tình thương dân tộc, tổ tiên.
Ông Căn đã ghi vào sổ lưu niệm tại đền Lý Bát Đế rằng: “Cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt”.
Khi dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại quảng trường Ba Đình năm ấy, được gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Lý Xương Căn đã tặng Tổng Bí thư tấm liễn có dòng chữ: “Tuy sống nơi xa vạn dặm. Nhưng lòng vẫn luôn hướng về Việt Nam”. Rồi những họ Lý lưu lạc ở Pháp, Mỹ Anh... lần lượt tìm về. Quả thật là: "Người Đình Bảng khắp chân trời góc bể/ Thì tâm hồn vẫn gửi gắm đôi quê".
3. Từ thế kỷ thứ VIII, Đình Bảng đã là đất Phật. Bây giờ vẫn vậy. Người ta nói vui rằng, ngoài bánh phu thê, bánh gio và củ mài thì đặc sản thú vị nhất của Đình Bảng phải là đền đài miếu mạo.
Đền Đô
Chiều trong khu di tích Đền Đô, người Đình Bảng thường tụ họp múa hát. Làng có CLB hát chèo, CLB quan họ, CLB hát tuồng, có phường vật, có CLB cờ người... Những điển tích, câu chuyện về làng qua từng giai đoạn được tái hiện. Các dòng họ cử người tham gia các đội văn nghệ, lấy những câu chuyện về ngôi làng để răn dạy con cháu mình. |
Thời chiến tranh, những di tích, đền đài ở Đình Bảng nhiều lần bị san phẳng, chỉ còn đống đổ nát, nhưng rồi các thế hệ dân làng Đình Bảng lầm lũi dựng lại.
“Làng quê nhất định phải có đình, đền, chùa, lễ hội mới có tiếng gọi cội nguồn, mới giữ được cốt cách con người. Mất đi những giá trị văn hóa ấy thì mất hết”, ông Thìn bảo thế.
Như thời Pháp thuộc, Đền Đô, nơi thờ tự 8 vị vua Triều Lý từng bị san phẳng để làm bãi tập, Chùa Cổ Pháp, nơi Lý Thái Tổ chào đời bị đập phá tan hoang làm đồn bốt, đến như khu rừng báng gắn bó tự ngàn đời cũng bị san bằng phẳng.
Cứ tưởng, với sức vóc của một ngôi làng thì những giá trị lịch sử ấy khó lòng mà lấy lại. Vậy mà 25 năm trước, một ngày, người làng Đình Bảng đứng lên hô hào xây lại đền chùa, xây dựng lại các di tích lịch sử.
Ban đầu chỉ là góp sức lao động, một vài viên gạch, viên đá của dân trong làng. Dần dà Nhà nước có chính sách đầu tư nhưng theo tỷ lệ "Nhà nước đầu tư 1 thì nhân dân công đức 9". Toàn bộ khu di tích lịch sử ở làng Đình Bảng, ngoài công trình Thủy đình do Bộ Tài chính đầu tư, 5 cửa rồng do Thủ đô Hà Nội xây, võ chí do Bộ Quốc phòng tài trợ thì tất tần tật nhờ vào sự đóng góp của người dân. Ít nhất cũng hơn 100 tỷ đồng.
Rồi cả rừng báng, thắng tích một thời của phủ Đông Ngàn mất dấu gần 100 năm nay cũng được người Đình Bảng tìm lại. Người tìm được là thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), con trai của nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (Nguyễn Đức Nguyện).
Phải mất mấy năm trời, thiếu tướng Bắc mới tìm được khoảng 300 cây báng từ khắp mọi miền về trồng trên quê cha đất tổ.
Bây giờ, những hàng cây báng đang xanh tươi trong khuôn viên Đền Đô vẫn được BQL di tích tận tụy trông nom, tưới bón hàng ngày cùng với sự đoàn kết, đồng lòng chung sức của các thế hệ người dân Đình Bảng, chắc chắn chẳng bao lâu nữa, một rừng báng sẽ lại xanh tốt rậm rạp trên quê hương các vua Lý...
Ông Thìn nói với tôi những câu chuyện ấy không phải để khoe cốt cách người Đình Bảng. Quả thật, khoe để làm gì khi cả ngàn năm nay ngôi làng này đã "hữu xạ tự nhiên hương" rồi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét