Trong khi những quan niệm thông thường cho rằng sự lạc quan giúp cho chúng ta làm việc hiệu quả hơn thì một nghiên cứu gần đây đã chứng minh điều ngược lại. Đôi khi lạc quan có thể dẫn đến sự tự tin thái quá hay những phán đoán sai lầm khiến bạn nhanh chóng thất bại.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bath, Trường Kinh tế London và Đại học Cardiff đã theo dõi thu nhập của các doanh nhân từ khi họ còn là nhân viên làm thuê cho đến khi bắt đầu kinh doanh riêng. Kết quả cho thấy những người lạc quan kiếm được ít hơn 30% so với các chủ doanh nghiệp bi quan.
Trong một bài báo trên Telegraph, các nhà nghiên cứu cũng nói rằng các chương trình truyền hình như Dragon's Den của Anh hay Shark Tank ở Mỹ có xu hướng thêm yếu tố lạc quan và tự tin của người chơi vào để tăng tính hấp dẫn. Nhưng điều này hoàn toàn trái với thực tế khốc liệt của môi trường kinh doanh.
Trong khi bi quan có thể được coi là một đặc điểm không tốt theo quan niệm thông thường thì các chuyên gia lại cho rằng đó là dấu hiệu tích cực trong kinh doanh: Một người ít lạc quan thường có suy nghĩ thực tế và khả năng đánh giá tình hình tốt hơn.
Một doanh nhân có kinh nghiệm sẽ không bao giờ khuyến khích mọi người suy nghĩ tiêu cực, tuy nhiên họ thường nhắc nhở mọi người đừng trở nên lạc quan quá mức cần thiết. Và dưới đây là ba cách để giữ cho sự lạc quan của bạn luôn nằm trong tầm kiểm soát khi bắt đầu công việc kinh doanh:
1. Luôn chuẩn bị tâm thế để thất bại
Theo các nhà nghiên cứu trong dự án nói trên, rất nhiều doanh nhân khi bắt đầu công việc kinh doanh đều mong muốn sẽ kiếm được thật nhiều tiền ngay trong năm đầu tiên. Nhưng trên thực tế, thay vì có thể kiếm lời họ gần như chắc chắn sẽ mất tiền trong giai đoạn đầu đầy khó khăn này.
Cú sốc về sự thất bại và những rủi ro tiềm ẩn trong những ngày đầu có thể hạ gục các doanh nhân trẻ thiếu kinh nghiệm. Để đối phó với cú sốc này, người đứng đầu dự án cần có óc thực tế để không trở nên lạc quan quá mức. Bạn cần đặt ra giới hạn cho số lượng tiền bạc mà bạn sẽ đầu tư vào các dự án. Số tiền này được gọi là “giới hạn mất mát” – một khi dự án đạt đến giới hạn này thì bạn nên dừng lại để ngăn ngừa thiệt hại.
2. Lắng nghe ý kiến của những người xung quanh
Khi bạn quá yêu thích ý tưởng kinh doanh của mình, bạn sẽ khó lòng lắng nghe bất kỳ phản hồi tiêu cực nào mà bạn gặp phải về nó. Thậm chí bạn có thể cho rằng những người không cùng quan điểm với mình là bảo thủ, thiếu sáng tạo và cố gắng chứng minh họ đã sai. Nhưng đôi khi ai đó nói với bạn rằng ý tưởng của bạn là một ý tưởng tồi, hãy cân nhắc điều đó. Có thể đó chính là sự thật mà bạn không nhận ra chỉ vì bạn quá tự tin.
Mặc dù những ý tưởng lớn ban đầu thường vấp phải sự phản đối của những người xung quanh nhưng bạn cũng phải nhớ rằng ý tưởng lớn và sự “điên rồ” chỉ cách nhau một khoảng cách rất ngắn. Vì thế nếu có ai đó đưa ra phản hồi về dự án của bạn, hãy trân trọng nó và xem xét lại dự án của mình để có những điều chỉnh hợp lí.
3. Hãy suy nghĩ về kịch bản xấu nhất có thể xảy ra
Bạn không cần phải tự ti hay lo lắng quá nhiều nhưng luôn luôn nghĩ về trường hợp xấu nhất. Bởi vì trong kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi như trong kế hoạch. Bất kể thị trường đang hoạt động tốt như thế nào hoặc bạn có bao nhiêu vốn liếng thì những rủi ro vẫn có thể ập đến một cách bất ngờ.
Nghĩ về những kịch bản xấu giúp bạn kiểm soát tình hình tốt hơn. Bởi vì giờ đây thay vì chờ đợi những điều tồi tệ có thể xảy ra thì bạn chủ động lên kế hoạch để phòng ngừa nó. Như một tác giả nổi tiếng, Thomas Fuller, từng nói: “Khi trời đẹp, hãy chuẩn bị cho những ngày thời tiết xấu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét