Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Cách xác định nguyên quán

Khái niệm nguyên quán và quê quán chưa được định nghĩa chính thức trong bất kỳ văn bản pháp luật nào nên có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng trong một số trường hợp còn chưa thống nhất. 
Hiện nay trong các loại giấy tờ của cá nhân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh đều có mục ghi “nguyên quán” hoặc “quê quán”. Về cơ bản, những giấy tờ theo mẫu cũ được ghi là nguyên quán còn những giấy tờ theo mẫu mới được ghi là quê quán.
Đối với sổ hộ khẩu, hướng dẫn thi hành Luật Cư trú năm 2006 và các nghị định của Chính phủ, ngày 30/11/2010 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 52/2010/TT-BCA. Theo đó, trên sổ hộ khẩu gia đình mục nguyên quán được thay bằng quê quán.
Đối với chứng minh nhân dân, hướng dẫn thi hành Nghị định số 05/1999/NĐ-CP và Nghị định số 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chứng minh nhân dân, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BCA. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2012 trên mẫu chứng minh nhân dân mới (giống như thẻ ATM) sẽ không còn ghi nguyên quán mà được thay bằng quê quán.
Đối với Giấy khai sinh, hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2008/TT-BTP. Theo đó, khi đăng ký khai sinh, quê quán của con được xác định theo quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Tuy nhiên quê quán của cha được xác định thế nào thì Thông tư lại không quy định.
Mặc dù có sự thay đổi nguyên quán thành quê quán trên chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu nhưng tất cả những giấy tờ theo mẫu cũ có ghi nguyên quán vẫn có giá trị pháp lý (trừ trường hợp CMND hết hạn sử dụng), công dân vẫn được sử dụng bình thường trong các giao dịch dân sự, kinh tế.
Tuy nhiên, trên thực tế do khái niệm nguyên quán và quê quán chưa được định nghĩa một cách chính thức trong bất kỳ văn bản pháp luật nào nên có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng trong một số trường hợp còn chưa thống nhất.
Thực tiễn áp dụng mang tính phổ biến thì nguyên quán của một người là nơi sinh của cha người đó và không phụ thuộc người cha có lớn lên ở đó hay không còn quê quán của một người là nơi sinh ra và lớn lên (sinh trưởng) của cha người đó. Đối với trường hợp một người không xác định được cha thì nguyên quán, quê quán được xác định theo mẹ.
Với cách hiểu và áp dụng như trên thì với trường hợp bạn hỏi do ông nội của bạn sinh trưởng ở Hà Nội nên cha bạn có quê quán là Hà Nội. Cha bạn sinh ra ở Hà Nam nên bạn có nguyên quán ở Hà Nam nhưng quê quán của bạn có ở Hà Nam hay không lại phụ thuộc cha bạn có lớn lên ở Hà Nam hay không. Nếu cha bạn chỉ sinh ra ở Hà Nam mà không lớn lên ở Hà Nam thì quê quán của bạn không thể là Hà Nam. Trường hợp này quê quán của bạn là Hà Nội. Còn quê quán của con bạn thì được xác định theo quê quán của bạn. Nếu quê quán của bạn là Hà Nội thì quê quán của con bạn cũng là Hà Nội.
Về trường hợp có sự khác biệt giữa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của một cá nhân về một thông tin nào đó như họ, tên, dân tộc, quốc tịch, quê quán… thì pháp luật quy định như sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”.
Như vậy, với quy định này thì mục “quê quán” của bạn trong chứng minh nhân dân và trong sổ hộ khẩu phải phù hợp với Giấy khai sinh của bạn. Nếu giấy tờ nào không phù hợp thì phải điều chỉnh lại theo Giấy khai sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét