Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

NHÀ TỰ ĐƯỜNG

Từ đường (hay còn gọi là nhà thờ họ) từ lâu cùng với gốc đa, mái đình, giếng nước đã trở thành hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Trải qua thời gian, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng đi lên, thiết kế từ đường cũng từ đó mà có nhiều thay đổi.
 
Từ đường là công trình kiến trúc tín ngưỡng dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay chi họ tính theo phụ hệ. Đối với người Việt ta, từ đường là nơi linh thiêng và cổ kính. Hằng năm, con cháu bốn phương xa xứ quay về quê cha đất tổ, ắt phải đến từ đường thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành kính.
 
Từ đường đã xuất hiện từ thời xa xưa tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ; có lẽ là khi con người bắt đầu tục thờ phụng tổ tiên. Từ việc quan sát, tìm hiểu các mẫu thiết kế nhà từ đường cổ, ta có thể thấy được một số đặc điểm nổi bật trong thiết kế từ đường của ông cha ta ngày xưa:
  • Nhà từ đường
nha-tu-duong
Nhà từ đường nằm ngay trung tâm, thường được xây bằng gạch. Các mẫu thiết kế nhà từ đường được mô phỏng theo kiến trúc của các miếu, đình, chùa. Một nhà từ đường điển hình là ngôi nhà nằm ngang hình chữ Nhất với các cột trụ, mái kèo, bộ cửa làm từ gỗ. Mái trước và mái sau thường được lợp ngói hoặc các chất liệu khác như mái tranh, mái lá. Góc mái hình lưỡi đao, được chạm trổ, trang trí hoa văn Rồng, Công, Phượng…Nhà từ đường?
  • Nội thất trong thiết kế từ đường
Người xưa thiết kế từ đường họ thường có từ 3-5 gian. Gian giữa được mở rộng ra phía sau để xây bệ thờ. Tùy thuộc vào từng mẫu thiết kế nhà từ đường để bố trí thêm phần hậu cung hay không. Gian giữa được xem là nơi linh thiêng nhất. Cho nên trong quá trình thiết kế từ đường dân tộc cần chỉn chu, cẩn thận trong việc xây dựng gian giữa là nơi đặt bàn thờ chính. Các đồ nội thất bên trong từ đường thường được sơn son thếp vàng và chạm trổ công phu.
 
  • Khuôn viên từ đường
Ngoài nhà thờ phụng, thiết kế từ đường họ xưa còn chú trọng đến khuôn viên. Phía trước là sân gạch, cổng ngõ, hàng rào; phía sau là công trình phụ và vườn tược. Trong vườn thường trồng các loại hoa như hoa trang, hoa điệp đủ màu. Một số từ đường còn có thêm vườn rau, ao cá tạo nên sức sống và không khí hài hòa.
Gần vài chục năm trở lại đây, thiết kế từ đường cũng đã có nhiều sự đổi khác. Do sự du nhập về văn hóa cũng như các loại vật liệu, kỹ thuật xây dựng, từ đường vẫn giữ được lối kiến trúc nguyên thủy nhưng cũng pha trộn các yếu tố văn hóa hiện đại.
Trải qua thời kỳ chiến tranh hàng chục, hàng trăm năm, từ đường cũng bị thời gian và bom đạn bào mòn. Đất nước hòa bình, con người có điều kiện làm ăn và thay đổi cuộc sống vất vả, cơ cực thuở xưa. Sống trong ấm no, sung túc, con cháu muốn quay về tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên âu cũng là điều dễ hiểu. Các thiết kế từ đường nhờ thế mà dần được chỉnh trang, phục dựng lại.
 
Tại các thành phố lớn với diện tích đất đai eo hẹp, chúng ta thường rất khó để tìm thấy các từ đường. Thông thường, từ đường được thu gọn vào một căn phòng trang trọng nhất trong nhà. Tuy vậy, thiết kế từ đường qua các vật dụng bài trí cần thiết vẫn được tuân thủ chuẩn mực.
Các từ đường hiện nay thường tập trung ở vùng nông thôn, nơi có nhiều đất đai, cây cối và không gian khoáng đạt. Một điều khá dễ thấy là thiết kế từ đường ngày nay thường được mở rộng về quy mô, mức độ tinh xảo và sự đa dạng về hoa văn, kiến trúc.
Nhìn chung, các thiết kế từ đường hiện nay về cơ bản là đẹp và vẫn giữ được tổng thế kiến trúc của những từ đường xưa. Tuy nhiên, rất khó để tìm được một từ đường được xây dựng tuân thủ theo các luật phong thủy nghiêm ngặt như trước. Bởi chi phí cho các thiết kế từ đường này thường rất tốn kém ,từ đường không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên. Đó còn là nơi tiến hành các nghi lễ quan trọng và họp mặt con cháu trong dòng họ. Một số thiết kế từ đường cổ còn giữ được đến ngày nay đã trở thành di tích lịch sử của địa phương. Từ đường là biểu hiện của văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt; là nét văn hóa nhân văn cần được gìn giữ và phát huy.








Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Khói nhang ngày Tết nguyên đán

Khói nhang ngày Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ của Phật giáo, hoặc các dịp chạp giỗ, lễ Tết. Nén nhang như chiếc cầu nối thiêng liêng hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất.

Có thể khẳng định, nhang đã len lỏi vào tận hang cùng ngõ ngách của đời sống và có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam, thậm chí còn lan rộng đến một số nước ở châu Á.
Ngày cuối năm, khi đi mua sắm các thứ để chuẩn bị cho ngày Tết, không ai không mua vài ba hộp nhang về cúng Phật, cúng ông bà Tổ tiên của mình.Ở chúng ta, khó ai diễn tả nỗi xúc động khi vào khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp trên bàn thờ vài nén nhang thơm để cùng tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người kính yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan tỏa, làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau nhiều hơn.
Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam đều tin tưởng ở thế giới bên kia, trong khoảng không gian vô định, có những hình ảnh, những con người đang hướng về chúng ta, đang ở bên chúng ta hằng ngày. Và khi thắp nén nhang lên, ta có thể tâm sự với họ, sưởi ấm với cả thế giới này và cả với thế giới vô hình kia nữa.
Chưa rõ nguồn gốc tục lệ thắp nhang có từ đâu và do ai sáng lập, chỉ biết qua lịch sử, vuaTrần Nhân Tông là vị vua trong lịch sử Việt xuất gia, cũng đã thừa hưởng và dùng nhang rất nhiều trong mỗi lần đến chùa lễ Phật.
Nhiều người có thói quen khi đi xa về, thường thắp nhang trên bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà Tổ tiên trước, rồi mới ngỏ lời thăm hỏi, mới bắt đầu làm một công việc gì đó. Với người sắp đi xe, đi tàu cũng thường thắp nhang để cầu nguyện mong khi lên đường được bình an.
Rất nhiều vùng dân cư ở Nam Bộ, người ta còn thắp nhang cho từng gốc cây, ụ mối, góc nhà với quan niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh.
Triết lý nhân sinh thật đơn giản, nhưng lại mang nội hàm đa dạng, phong phú thường thấy ở các dân tộc Á đông. Ngày nay, nhang không chỉ thắp trong các gia đình theo Phật giáo, mà những tôn giáo khác cũng đều có chung nét văn hóa đặc sắc này. Đặc biệt là ở các đình chùa, miếu mạo… nhang là thứ nhất định không thể thiếu được.
Ngày Tết đi lễ Phật, hái lộc đầu năm, chúng ta luôn bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc, những ông già, bà lão, các nam nữ thanh niên… khi thắp nhang lên bàn thờ Phật, miệng thường lâm râm khấn vái, cầu nguyện một năm mới được an khang thịnh vượng, phúc lộc khương ninh… Có thể nói đây là nét văn hóa đẹp đã tồn tại lâu đời, đã đem lại cho mọi người sự thanh thản, bình an trong tâm hồn.
Đối với người Việt Nam chúng ta, dù ở thành thị hay nông thôn, mỗi lần Xuân về, Tết đến mọi người đều thắp trên bàn thờ trong nhà mình một nén nhang để tỏ lòng thành kính đối với ông bà Tổ tiên, để cầu nguyện an vui, hạnh phúc cho mọi người, đồng thời cũng tạo không khí ấm áp, vui tươi cho cả gia đình trong những ngày đầu Xuân.

Phong tục xông nhà đầu năm

Xông đất: Miền Bắc gọi là xông nhà, nhưng miền Trung dùng đúng tên cổ tục này là “đạp đất”. Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi.

Tục Xông Đất
Tục Xông Đất
Theo truyền thống, chủ nhà sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Đó phải là phải là tuổi “tam hợp” với chủ nhà, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”.
Phong tục xem tuổi xông đất và hướng xuất hành đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người, trong năm mới gặp nhiều may mắn hạnh phúc, tránh được những điều xui xẻo.
Điều quan trọng nhất khi chọn người xông nhà đầu năm là người vui vẻ, rộng rãi, hạnh phúc thì gia đình được họ “xông” sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới.
Còn nếu không, kể cả có hợp tuổi, nhưng khó tính thì chưa chắc năm mới đã gặp may. Chọn người thân nào trong nhà ngoan ngoãn, hiền lành, làm ăn tốt cũng là giải pháp.
Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm.
Tục Xông Đất
Tục Xông Đất
Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.
Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.
Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với chủ nhà.
Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều: Người được chọn xông đất phải khoẻ mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hoà thuận.
Một điều đặc biệt nữa trong Tết là phải kiêng cữ. Từng lời nói, cử chỉ không tích cực, cau có, gắt gỏng, la lối… bị tránh. Quét nhà vào sớm ngày mùng 1 cũng là điều không nên bởi làm như vậy sẽ khiến những của cải trong nhà trôi ra ngoài hết.
Nhiều người mắc tính gọn gàng, nhỡ có dọn dẹp nhà cửa đầu năm, đều phải dồn tạm rác vào một xó rồi chờ đến mùng 3 mới hốt đi.

Nghĩa anh em – Nét đẹp trong phong tục Việt

Nghĩa anh em – Anh em cùng cha cùng mẹ đẻ ra, gọi là anh em đồng bào, anh em cũng cha khác mẹ gọi là anh em dị bào, nhưng tổng chi gọi là anh em ruột cả, còn anh em cùng mẹ khác cha thì gọi là anh em đồng mẫu dị phụ, anh em ấy không thân thiết gì mấy, cũng như người ngoài mà thôi.

Anh em cùng một mẹ đẻ sinh ra, thì cứ theo thứ tự đẻ trước là anh, đẻ sau là em. Nhiều mẹ đẻ ra thì con vợ cả là anh, con vợ lẽ là em, không cứ gì nhiều tuổi ít tuổi. Cũng có nhà lấy vợ hầu trước, dù có đẻ con cũng không được là con cả, khi nào kén được người chính thất, đẻ con mới là con cả, cũng có nhà thì bất cứ vợ nào, hễ đẻ trước gọi là anh, đẻ sau gọi là em.
Nghĩa anh em, nghia anh em
Nghĩa anh em, nghia anh em
Anh em cốt lấy tình thân ái làm đầu, lá lành đùm lá rách, bênh vực giúp đỡ lẫn nhau. Ta vẫn thường cho anh em ăn chung ở lộn với nhau, hòa mục với nhau là cách vui vẻ là nhà có phúc. Nhưng thường tình thì anh em phương trưởng, phận ai người nấy lo. Nhà phong phú thì cha mẹ lập cho con một cơ nghiệp, nhà tầm thường thì ai lo thân người ấy, có tư cấp ít nhiều, chứ không mấy người ôm ấp đùm bọc lấy nhau được mãi.
Quyền lợi – Người anh cả có quyền hơn cả các người em. Cha mất rồi thì người anh là người thay mặt cho cha mà trông nom các em. Em còn thơ bé thì anh phải nuôi nấng, rồi phải lo dựng vợ, gả chồng cho em nữa, gọi là quyền huynh thế phụ. Gia sản cha mẹ để lại, cũng người anh cả được hưởng phần lợi hơn mà công việc trong nhà như là ma chay giỗ tết, người anh cả phải chịu phần nặng.
Nhưng cũng có khi người con út được hưởng phần lợi của cha mẹ để lại nhiều hơn các anh. Vì là anh trước đã đâu yên phận đó, còn em út ở với cha mẹ, rồi thì thừa hưởng cái cơ nghiệp ấy. Cho nên có câu tục ngữ rằng “Giàu con út, khó con út, trút sạch cửa nhà”.
Câu chuyện khuyên anh em thân nhau – Tục ta có một câu chuyện là gọi là chuyện giết chó khuyên chồng: Xưa có một người chồng chơi bời thân thích với một người bạn, nay chè mai chén, ngày kia thuốc phiện, chỉ chơi với bạn mà không biết em là đâu. Người vợ khuyên can mãi chồng mà không được. Mới nghĩ ra một kế: một hôm người vợ giết một con chó cạo lông cho trắng trẻo, để ở trong nhà tối. Chồng đi chơi về khuya. Vợ nói dối rằng: Hôm nay nhỡ đánh chết một đứa trẻ, để giấu trong buồng, làm thế nào bây giờ? Chồng sợ mất vía, vào xó buồng xem, quả nhiên có một đứa trẻ nằm đó. Chồng bảo gọi em để nhờ em chôn cho. Vợ nói:Xưa nay chàng chơi thiết với người bạn, không tưởng đến chú nó, bây giờ có nạn sao nó chịu giúp mình, bất nhược nhờ người anh em còn hơn. Chồng nghe lời, cho mời bạn đến, nói chuyện đầu đuôi rồi nhờ bạn chôn hộ cho. Người bạn chôn xong, sáng mai lập tức đi báo quan để lấy công. Anh ta lại chỉ dẫn cho quan về tận nơi mà khám. Quan đào lên thì là con chó. Hỏi ra thì người thuật chuyện mà nói cái mưu kế của mình cho quan nghe. Chồng từ đó chán người bạn mà thân với em. Câu chuyện tuy tầm thường, nhưng cũng làm được cái gương cho anh em.
Chị em, chị em dâu, anh em rể – Chị em ở với nhau, cũng có tình thân ái như anh em, có câu rằng: “em ngã chị nâng, chị ngã em nâng”, ấy là thường tình của người ta. Còn về phần anh em rể, chị em dâu, thì không được thương nhau mấy. Trừ ra nhà có giáo dục, biết lấy lễ nhượng ăn ở với nhau. Còn phần nhiều hay là khủng khỉnh với nhau lắm. Có câu rằng: “yêu nhau chị em gái, khái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể”, tục ấy cũng là một tục xấu.
Anh em, chị em ở trong nhà lủng củng, gọi là gia đình bất mục. Nhiều người vì một chút lợi gia sản của cha mẹ, đến nỗi xâu xé nhau đem nhau đi kiện, làm cho tàn gia bại sản. Thậm chí có nhà cha mẹ chết, quàn ma lại một chỗ để tranh hương hỏa, chờ cho quan xử đoán xong rồi mới cất ma. Tục ấy gọi là đồi phong bại tục, nhà nào suy đốn mới có anh em, chị em như thế.
*
Anh em, chị em là bát máu sẻ đôi, tình thân thiết hơn cả người khác. Trong cách ăn ở, phải yêu mến nhau. Mà muốn cho được hòa mục mãi mãi thì lại cốt lấy chữ nhẫn làm đầu, nghĩa là nhường nhịn nhau, dẫu có kẻ ngang trái, cũng nhịn đi, rồi sẽ lấy lời khôn lẽ phải mà khuyên bảo nhau thì không bao giờ đến nỗi khích bác nhau, mặt lăng mày vực với nhau, mà trong nhà vẫn được vui vẻ, cha mẹ cũng được thỏa lòng.
Nhưng cũng cho nên mong nhờ lẫn nhau, mong nhờ nhau là một thói ỷ lại, không biết quý sự tự lập, thì là làm cho hư mất nết người. Đã đành anh em nghĩa nên cứu giúp nhau, nhưng cũng phải nghĩ kế tự lập mới được. Chớ cứ ăn không ngồi rồi rượu chè cờ bạc để chắc trông cậy về anh em chị em thì là một tính cách rất đê tiện, làm hại lây cho người có chí mà thôi.

Câu Đối Tết – Nét Đẹp Văn Hóa Việt

Cùng với những bức tranh Tết trang nhã, lời chúc tốt đẹp để đón chào năm mới thì các dòng chữ, câu văn mà thi nhân gửi lời, gửi ý, gửi hoài vọng trong câu đối Tết cũng là một trong những món quà tinh thần được vật chất hóa để thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh, hạnh phúc…

Câu đối Tết
Câu đối Tết
Câu đối là một trong sáu thứ tiêu biểu nhất của ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Xưa, hầu như nhà nào cũng có dán những câu đối chào mừng năm mới ở trước cửa, hay trên bàn thờ, thân cột cái. Câu đối trở thành nhu cầu tinh thần mọi người biểu lộ sự thích chuộng chữ nghĩa, văn chương cùng cái thi vị của hồn thơ mà ai ai cũng muốn có. Do vậy, cứ mỗi độ xuân về thì người ta thấy có nhiều cụ đồ ngồi ngoài hè phố, hoặc là ở những chợ tỉnh để cắm cúi viết câu đối bán cho người qua đường thuộc giới bình dân. Còn người “văn hay chữ tốt”, những bậc khoa bảng đều tự tay viết lấy câu đối để trang trí cho nhà mình. Nhà thơ Tú Xương đã từng khai bút đầu năm:
“Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối”.
Với những dòng chữ đầu năm, văn nhân đem ý nguyện lồng vào nét mực, gửi mong mỏi trong một bài thơ, đặt tâm sự trong từng câu đối. Có nhiều câu đối nay đã được lưu truyền, tán thưởng trong dân gian từ nhiều đời qua. Chẳng hạn như:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà
(Nguyễn Công Trứ).
Hoặc:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ đói
Sáng mồng một, nới lỏng then tạo hóa, mở toác ra cho thiếu nữ rước xuân vào
(Hồ Xuân Hương).

4 bức hoành phi câu đối Tết
4 bức hoành phi câu đối Tết
Câu đối là một loại thể văn học, có tính chất bác học thuộc thể biền ngẫu: gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự việc, một hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội. Câu đối trước đây còn được gọi là Doanh liên, Đối liên hoặc Liễn (Doanh là cột, Liên là sự liên kết, Đối là đối xứng giữa hai vế, Liễn là tấm vải hoặc giấy dùng để viết hai vế đối). Xét về lịch sử, nhiều tài liệu cho rằng câu đối có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo sách Sơn hải kinh thì câu đối bắt nguồn từ tục làm Đào phù (làm bùa trên gỗ cây đào) để trừ tà ma. Người ta khắc tên hai ông thần (Thần Trà và Thần Quách) lên vách gỗ đào rồi treo ở ngoài cửa vào dịp Tết. Tết năm 959, chúa nhà Mậu Thục tên là Mạnh Xưởng đã viết lên ván đôi câu đối thay cho Đào phù:
“Tân niên nạp dư khánh, giai tiết hiệu trường xuân”
(Năm mới mang đến điều may đầy đủ, tiết tốt báo hiệu ngày xuân mãi dài).
Đây được xem là đôi liễn xuân đầu tiên cách đây trên 1.000 năm hiện còn được lưu giữ ở Bảo tàng Trung Quốc.
Đối với nước ta, câu đối Việt Nam được bắt nguồn từ đời sống thực tế xã hội Việt Nam, bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu tự nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Tính cân xứng là một đặc tính rất điển hình của tiếng Việt. Theo nguyên lý cấu trúc loại hình, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn tiết, song nó chứa một khối lượng không nhỏ các từ song tiết. Đây là cơ sở thích hợp cho việc phát triển thể loại câu đối. Hơn nữa, từ những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen thuộc hằng ngày cũng có thể hình thành những vế đối tự nhiên. Chuyện kể rằng: Có một anh đến xin cụ Nguyễn Khuyến đôi câu đối về thờ ông. Sau khi đặt cơi trầu lên bàn, anh ta lễ phép thưa:
- Cháu kiếm một cơi trầu đem biếu cụ để xin đôi câu đối thờ ông.
Nghe xong cụ vừa cười vừa bảo:
- Anh chẳng phải xin vì chính anh đã tự làm câu đối rồi đó.
Anh này ngơ ngác chẳng hiểu nên cụ bảo:
- Để tôi nhắc lại câu anh vừa nói:
“Kiếm một cơi trầu đem biếu cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông”.
Rồi cụ bảo:
“Câu này chỉnh lắm. Vừa nôm na dễ hiểu vừa thể hiện được tấm lòng chân thành của anh. Để tôi ghi nguyên văn câu anh nói rồi đem về thờ”.
Cố GS.TS Dương Thiệu Tống, đã từng xem câu đối là một phương tiện trắc nghiệm trí tuệ rất thông dụng của người xưa, và nhiều khi rất hữu hiệu của các nhà giáo thời xưa, nhằm chẩn đoán khả năng trí tuệ của người học, và tiên đoán sự thành công trong việc học tập và trong nghề nghiệp tương lai. So với khoa trắc nghiệm trí tuệ trên thế giới, đã phát triển trong vòng 100 năm nay, đã bắt đầu từ châu Âu và ngày nay được sử dụng trên khắp thế giới trong các lĩnh vực hướng học, hướng nghiệp thì các nhà giáo của ta thời xưa đã ý thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán và tiên đoán khả năng trí tuệ và tâm lý của con người rất sớm, trước các nhà trắc nghiệm trên thế giới nhiều trăm năm bằng hình thức câu đối.
Câu đối đỏ
Câu đối đỏ
Trở lại với câu đối Tết, nội dung thường luôn mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta đến điều đạo đức, như: Mơ ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và có nhiều bạn bè, ngày Tết người ta thường hay dán ở hai trụ cổng câu đối:
Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai (Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến
Nhà có người vào lắm vật vào).
Còn trên hàng cột ở hiên nhà thì thường dán câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường xuân
(Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi/ Thần tiên vui thú cảnh đời đời).
Câu đối dán, treo trong nhà mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn (dù vẫn thể hiện ước vọng chung). Có thể là câu đối cầu thọ, cầu phúc:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
(Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân đầy đất trời, phúc đầy nhà).
Hoặc câu đối cầu đức:
Phúc mãn đường, niên tăng phú quí
Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa
(Phúc đầy nhà năm thêm giàu có/ Đức ngập tràn ngày một vinh hoa).
Tục chơi câu đối tuy đã có từ xưa, nhưng cho đến nay hầu như vẫn còn giữ được tính thời sự của nó. Nhất là những gia đình mà truyền thống dân tộc vốn là “mã di truyền” khắc vào tâm khảm họ. Và đặc biệt là các báo xuân, dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, luôn có những câu đối Tết tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới. Trên Báo Giáo Dục TP.HCM xuân cũng từng có câu đối rất hay:
Hai mươi tuổi trẻ măng, các cụ cũng gọi thầy nghe mà đỏ mặt
Sáu chục xuân già cả, con trẻ tự xưng em nghĩ lại tươi đời.
Những câu đối Tết thường được viết trên giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Nó vừa nổi trội, vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai… làm tươi sáng thêm không khí Tết. Ngày Tết, bên chung trà, chén rượu cùng ngẫm nghĩ về những câu đối Tết của người xưa, khiến ta một lần nữa thêm lòng tự hào về trí thông minh, tài sáng tạo, nét tài hoa của tổ tiên đã tạo ra một loại sản phẩm văn chương đặc biệt, nó vừa công phu tỉ mỉ, lại vừa cô đúc ngắn gọn. Trong một tác phẩm “mini” ấy thể hiện đủ cả cái đẹp cân đối nhịp nhàng của hình thức và cái uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông.

Mâm cỗ đêm giao thừa – hạnh phúc khó gọi thành tên

Đêm giao thừa là thời khắc quan trọng nhất trong năm, đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Có lẽ vì thế mà nhà nào cũng chuẩn bị rất chu đáo để đón giao thừa từ trang trí nhà cửa, mâm ngũ quả đến bánh kẹo, đồ ăn thức uống để có được một cái Tết thật vui vẻ và đầm ấm.

Khi những nụ hoa đào chớm nở và vườn quất nặng trĩu qủa cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân tới. Xuân về, trăm hoa khoe sắc, cảnh vật, con người dường như cũng hoà vào sức xuân, tất cả đều bừng lên một sức sống mãnh liệt. Và thời khắc giao thừa – tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới bao giờ cũng đem lại cho mỗi người những cảm xúc thật khó tả.
Giao thừa
Khoảng 20 tháng chạp, các gia đình đã đi xem đào, quất, nhà nào cũng rất cẩn thận để chọn cho được một cây đào, một cây quất thật đẹp, có nhiều lộc hay một bình hoa thuỷ tiên mang về nhà chơi mấy ngày Tết. Điều quan trọng nhất đối với mỗi gia đình là phải có một mâm cỗ cúng đêm giao thừa thật đầy đủ để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Và bánh chưng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.
Có nhà ngoài nấu bánh chưng, vẫn quen nếp xưa: mua thịt lợn về gói giò. Và trong mâm cỗ cúng trời đất ngoài gà (nhà ai không cúng gà thì thay bằng chân giò lợn), rượu, bánh chưng, xôi gấc, còn có gạo, muối. Trên bàn thờ tổ tiên thường có mâm ngũ quả. Chiều 30 Tết cả nhà thường quây quần bên nhau ăn bữa cơm Tất niên. Đây là một phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay của người Việt.
Đầu tiên là cỗ Tết. Trong dịp Tết người Việt thường tổ chức ăn uống lớn, gọi là ăn cỗ. Các món cỗ thường gồm: canh măng, bóng bì, chân giò nấm hương, miến nấu lòng gà, nem rán, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, các món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối… Nhiều quá phải không, nhưng thế mới gọi là “ăn Tết” chứ! Ở miền Nam, bữa cơm này thường có mấy chục món, trong đó nhất định phải có đậu phụ và cá, bởi vì trong tiếng Hán hai từ này đồng âm với “khá giả”. Ở miền Bắc, bữa cơm đoàn tụ thường là ăn sủi cảo, cả gia đình cùng nhau gói, đây là món ăn vỏ bằng bột mì hình tròn được cán mỏng rồi gói nhân thịt rất thơm ngon, gói xong, luộc chín cho gia vị, cả gia đình quây quần bên mâm ăn uống vui vẻ. “sủi cảo” là tượng trưng của sự đoàn tụ.
Khoảng 10 giờ tối, mâm cỗ cúng bắt đầu được sửa soạn để đúng đến thời khắc 12 giờ đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một thành viên trong gia đình, thường là đàn ông – người trụ cột của gia đình sẽ thắp hương cúng tổ tiên, trời đất cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho cả gia đình một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc, con cái trong nhà học hành giỏi giang, nghe lời ông bà cha mẹ. Chờ cho tới khi hết hương cũng là lúc những giây phút đầu tiên của năm mới tới, cả nhà cùng nâng chén rượu, dù có ai không uống được rượu nhưng cũng cố gắng nhấp môi để cùng chúc các thành viên trong gia đình một năm mới tràng đầy hạnh phúc và may mắn.
Thông thường nhà nào có ba thế hệ cùng chung sống thì con cháu thường chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ lì xì cho các con, các cháu, mong các con hay ăn chống lớn và sống có ích cho xã hội. Thời xưa, trẻ con thường được lì xì bằng tiền màu đỏ cho may mắn. Thời nay, người lớn thường để tiền lì xì cho trẻ con vào những phong bao màu đỏ in nhiều hình rất ngộ nghĩnh.
Người Việt có thói quen lên chùa xin lộc, cầu may sau những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Những cành lộc khi đêm về thường được cho vào lọ cắm để trên bàn thờ, mong cho mọi may mắn sẽ tới với gia đình trong một năm. Bên cạnh đó mọi người còn có tục lệ xin chữ của ông đồ về treo trong nhà, thường mọi người thường hay xin chữ: Phúc, Lộc, Thọ… mong cho may mắn sẽ tới với gia đình trong năm mới.
Những người hàng xóm thường qua nhà nhau chúc Tết ngay sau giao thừa, mọi người cùng chúc nhau đón một năm mới với tất cả sự may mắn và hạnh phúc. Xưa, khi Tết đến nhà nhà được đốt pháo, giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua tiếng pháo nổ đì đùng, thời nay giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua những chùm pháo hoa sáng trên bầu trời với đủ màu sắc. Với những người ngoại quốc, được đón Tết ở Việt Nam là cả một niềm hạnh phúc và thú vị, đặc biệt hơn khi họ đón giao thừa, được cảm nhận hương vị ấm cúng của Tết Việt.
Bởi không phải ở đâu giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại được đón nhận trong không khí ấm áp và nồng nhiệt như ở Việt Nam. Có những người ngoại quốc dù chỉ đón giao thừa một lần ởViệt Nam thì cảm xúc đêm giao thừa dường như vẫn còn nguyên vẹn trong họ: đầm ấm và hạnh phúc khó tả.

Tục lễ đêm giao thừa trong tết nguyên đán ở Việt Nam

Lễ Trừ Tịch hay lễ Giao Thừa lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng. Một năm bắt đầu từ đêm giao thừa cũng kết thúc vào đêm giao thừa.

Theo Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh đêm giao thừa chính là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này, có lễ Trừ Tịch.
.


Ý nghĩa của lễ cúng đêm giao thừa  là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.
Lễ Trừ Tịch theo người Tàu còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ Tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc chín mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, do đó có danh từ Trừ Tịch. Lễ Trừ Tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ Giao Thừa.
Xưa kia người ta cúng đêm giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc thủ từ đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng cúng đêm  giao thừa ở thôn xóm nữa. Lễ giao thừa ở thôn xóm được tổ chức hoặc tại các văn chỉ nếu văn chỉ làng xây tại xóm, nếu không thì cũng tổ chức ngay ở điểm canh đầu xóm.
Ở đây vị được cử ra làm chủ lễ là vị niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn xóm. Một chiếc hương án được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thắp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.
Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm cỗ mũ của Ðại Vương hành khiển. Lễ quý hồ thành bất quý hồ đa, nhưng dù nhiều dù ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi tùy tục địa phương và nhất là không quên được rượu, vì vô tửu bất thành lễ.
Ðến giờ phút này, chuông trống vang lên, ông chủ tế ra khấn lễ, rồi dân chúng kế đó lễ theo, với tất cả sự tin tưởng ở vị tân vương hành khiển, cầu xin ngài phù hộ độ trì cho được một năm may mắn, bao nhiêu sự không may năm trước sẽ qua hết. Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ thành hoàng hoặc vị phúc thần tại vị nữa.
Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật và đồ chay, đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng Ðức Ông tại chùa. Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố không có sân, cũng một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên.
Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng lễ giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì thật là giản tiện. Có khi chỉ là chiếc bàn con với mâm lễ vật, có khi lễ vật được đặt trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương. Có nhiều gia đình hương thắp đặt ngay trên mâm lễ, hoặc cấm vào các khe nải chuối dùng làm đồ lễ.
Cúng giao thừa ở ngoài trời
Ngày xưa quan niệm rằng mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một người có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Ðược mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật…Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam…thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đây không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và Ðón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Vì cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phủ hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.
Trong Ðêm Giao Thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong, có những tục lễ riêng mà cho tới ngày nay từ thôn quê đến thành thị vẫn còn nhiều người theo giữ.
Lễ chùa, đình, đền
Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ đầu năm.
Kén hướng xuất hành
Khi đi lễ, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm. Ngày nay, người ta đi lễ nhưng ít người kén giờ và kén hướng.
Hái lộc
Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc.
Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Với tin tưởng lộc hái về trong Ðêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người Việt Nam trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn.
Về tục xuất hành cũng như tục hái lộc có nhiều người không đi trong đêm giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tốt trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể có được một năm hoàn toàn may mắn.
Hương lộc
Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà.
Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tốt lộc quanh năm.
Trong lúc mang nấm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nấm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.
Xông nhà
Thường cúng giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Gia đình có nhiều người, thường người ta kén một người dễ vía ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về.
Lúc trở về đã sang năm mới, người này đã tự xông nhà cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình.
Ði xông nhà như vậy tránh được sự phải nhờ một người tốt, vía khác đến xông nhà cho mình. Nếu không có người nhà dễ vía để xông nhà lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc Tết, để người này đem lại sự dễ dãi may mắn lại.

Cúng tất niên theo tín ngưỡng Việt Nam

Sau một năm làm ăn vất vả, ngày cuối cùng của năm âm lịch là ngày để tổng kết và nhìn lại những thăng trầm của những ngày đã qua. Ngày này được gọi là ngày tất niên.

Trong ngày tất niên, mọi người trong gia đình sẽ sửa soạn, quét dọn, trang trí lại nhà cửa, đón năm mới. Cùng với đó, mỗi gia đình người Việt sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng tất niên.
Ngày tất niên, mọi việc quan trọng chuẩn bị cho lễ Tết Nguyên Đán gần như đã hoàn tất nhưng thường thì ai cũng tất bật với rất nhiều công việc nhỏ, cố gắng chuẩn bị cho một năm mới trọn vẹn, chu đáo. Tuy vậy, những người chủ chốt trong gia đình vẫn không bao giờ sao nhãng việc cúng tất niên.
Từ sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình lo làm cơm cúng. Mâm cơm thường phải đầy đủ các vị, các hàng đại diện mặn, chay, thể hiện được sự phong phú trong đời sống hàng ngày của nhân dân ta. Người đàn ông trụ cột trong gia đình sửa soạn nơi thờ tự, thăm mộ rồi trở về làm lễ cúng tất niên.
cúng tất niên
cúng tất niên
Bữa cơm tất niên làm thịnh soạn hơn ngày thường. Trong bữa cơm tất niên, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt đông đủ, người ta nói nhiều chuyện vui vẻ đã qua, động viên nhau cố gắng, tạo nên một không khí gia đình đầm ấm trong những ngày se se lạnh.
Ngày nay, không chỉ trong gia đình mới cúng tất niên và ăn tất niên. Rất nhiều các cơ quan, các nhóm hội cũng tổ chức cúng tất niên và mở tiệc tất niên, tổng kết năm cũ. Tất niên cũng được hiểu rộng rãi hơn, ngày ăn tất niên cũng không chỉ là ngày cuối cùng của năm nữa, mà là những ngày giáp Tết, khi các cơ quan bắt đầu được nghỉ lễ.

Ý nghĩ của ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý – Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
 
Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ.
Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.
Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Mấy tiếng “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Không thế thì làm sao huỳnh Văn Nghệ có cảm hứng để lưu truyền cho hậu thế hai câu thơ bất hủ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội; tình thầy trò, bè bạn cố tri, ông mai bà mối đã tác thành cho đôi lứa.. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Các ngành, các cấp đều có kế hoạch cho ngày hội đặc biệt này. Từ thương nghiệp đến giao thông vận tải, văn hóa đến an ninh công cộng, nhất là các ngành dịch vụ thì cứ là “bận như Tết”. Các công sở, xí nghiệp, trường học cũng đều có kế hoạch tham gia Tết, đồng thời giải quyết những nhu cầu đặt ra trong nội bộ đơn vị.
 Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về…
Theo tập tục, đến ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Ngày xưa, dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức hàng tỉnh, hàng huyện đều nghỉ lễ từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày khai hạ (từ 7 tháng Giêng).
Ngày nay, trong thời kỳ hiện địa, việc tổ chức nghỉ Tết, vui Tết được quy định hợp lý, khoa học hơn – Vừa văn minh, lịch sự, không lãng phí thời gian, phù hợp nếp sống công nghiệp vừa bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc và ý nghĩa nhân sinh của ngày Tết thì không có gì thay đổi. Đó cũng là nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian cần được giữ gìn và phát huy.

Những phong tục tập quán trong ngày Tết cổ truyền

Tết Việt Nam chứa đựng và mang đậm bản sắc của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, của thời gian nhưng người Việt vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong ngày tết.

Phong tục
Phong tục
    Chợ Tết
Chợ Tết có không khí khác hẳn với những phiên chợ thường ngày trong năm. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải để “có cái ăn” mà đó là thói quen, là dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ.
Trong chợ Tết, người ta mới bày bán những thứ mà quanh năm không thấy bán. Ví dụ như lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, củ kiệu, đu đủ làm dưa. Người ta bán những chiếc tháp làm bằng bánh in bao giấy màu, những chiếc bánh ly bằng bột nếp hoặc bánh ngũ sắc dùng để chưng lên bàn thờ. Chợ còn bán những thứ không ăn được, nhưng vô cùng cần thiết cho ngày Tết như phong bao lì xì, giấy dán và bây giờ phong trào viết chữ ngày Tết đang phục hồi trở lại. Nhưng cái thú mua sắm trong ngày Tết vẫn là chuyện đương nhiên, gần như không một nhà nào lại không “đi sắm Tết”.
Dẫu rằng cách ăn, cách chơi Tết trải qua bao năm đã thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Điều độc đáo ở chỗ là dù nhà giàu hay nghèo, nhu cầu mua sắm ngày Tết là điều không thế thiếu.
    Cây nêu ngày Tết
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai… Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không mạy. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.
Câu đối tết
Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân “tồn cổ” vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.
    Hoa tết
Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng hơn, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.
Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ…; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet…Còn cây quất thường được trang trí tại phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.
Màu của ngày Tết
Chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, màu chủ lực trong ngày Tết vẫn là màu đỏ theo quan niệm màu đỏ là màu phát tài và may mắn. Ngày Tết của Việt Nam ngập tràn màu đỏ: câu đối đỏ, phong bao lì xì đỏ, ruột quả dưa hấu đỏ, hạt dưa nhuộm màu đỏ, quyển lịch đỏ. Người Việt Nam cũng thích chưng những loại hoa ánh đỏ như hồng, mãn đình hồng, hoa đào v.v… Trước đây khi pháo còn được cho phép đốt, đường xá ngập tràn trong màu đỏ của xác pháo nổ rân không ngớt kể từ giao thừa đến rạng sáng tết, rồi nổ lẻ tẻ mãi cho đến khi nào hết “mồng” mới thôi!
Trang phục có tông màu đỏ cũng được ưa chuộng để mặc Tết.
Phong tục
Phong tục
    Lễ tổ tiên ngày tết
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Nhiều người muốn được khấn vái trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Nhiều người cũng muốn thăm lại nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đối với nhiều người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với giếng nước, mảnh sân nhà. “Về quê ăn Tết” đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.
Sắp dọn bàn thờ – Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải).
Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương.
Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tùy mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…
Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ”bề trên”. Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn…
Dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp. Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo… Nấu nướng thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống ”dĩ nông vi bản” và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê hương của ông cha để lại. Đây chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền tự ngàn xưa.
Xuất hành và hái lộc ngày Tết : “Xuất hành” là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
Để gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng , làng xóm những lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công…; những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người” nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.
Chúc Tết: Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).
Lì xì
Lì xì ngày Tết (利是, phát âm theo người Quảng Đông: lishi): người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay “hồng bao”, gọi là “lì xì” với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Quốc thì trong “hồng bao” có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
Tín ngưỡng Tết
Xin chữ đầu xuân
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
(Vũ Đình Liên)
Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy.
Việc mang ý nghĩa này có ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn… ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Ta nữa.
Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin. Chưa có ai bán chữ, chỉ có người mua giấy để xin chữ. Người cho chữ vẫn có lộc nhưng tinh tế hơn. Việc tưởng như không bình thường nhưng lại thể hiện được nét thanh tao của công việc. Các thầy đồ không phải bận bịu và hệ lụy vào chuyện giá cả, tiền nong để đủ thanh thản và toàn tâm trong công việc cho chữ mang vẻ thánh thiện này.
Việc xin chữ đầu năm lâu nay đã có và ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến. Tại Hà Nội, việc này diễn ra ở nhiều nơi: trong nhà riêng của một số thầy đồ có tiếng văn hay chữ tốt, trên đường phố nơi có khoảng hè rộng rãi và nhiều người qua lại. Chỗ có vẻ ấn tượng nhất là trước sân Miếu Văn, khoảng hè phố đường Bà Triệu, đoạn giao cắt với đường Trần Hưng Đạo… Xin chữ là mộtnét đẹp văn hóa cần phát huy. .Chỉ một chữ treo trước mặt mà có ý nghĩa về đạo đức và đời sống đối với những con người cụ thể sẽ giá trị hơn nhiều những lời nói sáo rỗng.