Cụ Hiệu giới thiệu về ngôi đình.
Là một nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt, đồng thời cũng là một danh tướng lừng lẫy có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước, ông không những làm quan to ở nước Việt mà ngay triều Tần (Trung Quốc) cũng phải nể trọng và mời sang làm quan xứ Bắc. Ông được phong là thánh và lập đền thờ ngay tại quê nhà. Không chỉ được người Việt tôn sùng mà cả những người phương Bắc khi xâm phạm lãnh thổ cũng phải cúi đầu trước ông.
Người Việt đầu tiên làm quan xứ Bắc
Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 12km là một ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại hàng nghìn năm lịch sử. Đình Chèm (còn gọi là đền Chèm) thuộc làng Chèm, xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, nơi thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước. Cho đến nay, ngôi đình vẫn còn giữ nguyên hiện trạng như những ngày đầu mới xây dựng.
Ghé thăm ngôi đình Chèm vào một buổi sáng, chúng tôi may mắn được tham dự buổi lễ tập bái của những cụ ông, cụ bà vào những ngày vọng (giữa tháng) theo tục lệ hàng năm của đình. Không khí trang nghiêm của buổi lễ cùng với sự uy nghi, cổ kính của ngôi đình khiến người tham dự cảm thấy xúc động, rộn ràng. Phía bên trong đình, hai hàng bô lão mặc khăn xếp, áo the đứng trang nghiêm và thành kính. Ở giữa, ngay ban thờ Công Đồng là người chủ trì, khấn vái theo từng hồi trống vọng. Sau 20 phút diễn ra buổi lễ bái, chúng tôi có cơ hội gặp và trao đổi với 1 trong 2 vị thủ từ là ông Lê Văn Hiệu (SN 1949) để biết thêm về lịch sử của ngôi đình cổ này.
Làng Chèm là tên Nôm của xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội - là một làng Việt cổ, có nhiều truyền thuyết gắn với sông Hồng và miền đất Từ Liêm. Ban đầu, xã được gọi là Từ Liêm sau đổi thành Thụy Uyên, đến thời Nguyễn đổi tên thành Thụy Phương. Đình Chèm là di tích lịch sử văn hóa gắn với quá trình hình thành và phát triển của ngôi làng Chèm.
Nói về vị đức thánh được người dân làng Chèm phong là thần hoàng làng hay còn gọi là Đức Thánh Chèm, cụ Hiệu cho biết: “Lý Ông Trọng nguyên là người làng Chèm, tên húy là Lý Thân. Ngài sinh ra dưới thời vua Hùng Duệ Vương, một trong 18 vị vua Hùng của dân tộc, ngay từ nhỏ đã có sức khỏe và thân hình to lớn khác người. Với trí dũng song toàn, thông minh kiệt xuất, ngài được phong chức Chỉ huy sứ thống lĩnh quân đội, giúp vua Hùng Duệ Vương dẹp yên giặc ngoại xâm. Khi vua Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán (An Dương Vương), nhà Tần đem 50 vạn quân đánh chiếm nước ta. Lý Ông Trọng đã dũng cảm chỉ huy quân Âu Lạc, đánh tan vạn đại quân Tần, giết chết tướng giặc là Đỗ Thư, giữ yên bờ cõi nước nhà. Tài của ông còn được ghi danh trong tập thơ Hồng Đức Quốc âm thi tập của vua Lê Thánh Tông: “Tầm cả, tầm cao chỉn xuất quần/ Khí thiêng quang nhạc dấu mười phần/ Phò Nam, dẹp Bắc tài văn võ/ Chắn nước, dời non sức quỷ thần…”.
Về việc Lý Ông Trọng được coi là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, cụ Hiệu - với nhiều năm làm thủ từ đình Chèm - đã giải thích một cách rõ ràng và chi tiết. Cụ cho biết: “Khi chiến thắng quân Tần, vua Tần Thủy Hoàng hết sức kinh ngạc vì tài bày binh bố trận và sức mạnh chiến đấu của Lý Ông Trọng và quân đội Âu Lạc. Lúc bấy giờ, ở biên giới phía Bắc nước Tần có quân Hung Nô luôn đánh quấy, vì vậy vua Tần Thủy Hoàng bèn gửi thư sang nước ta nhờ giúp đỡ. Để giữ vững hòa hiếu giữa hai nước, An Dương Vương bèn cử Lý Ông Trọng làm sứ giả đi sứ nhà Tần. Vua Tần phong cho ngài làm Tư Lệ Hiệu Úy và đem 10 vạn quân trấn giữ đất Lâm Thao (Trung Quốc). Với tài điều quân, bày binh bố trận, Lý Ông Trọng đã giúp nhà Tần đánh tan quân Hung Nô khiến chúng hoảng sợ không dám quấy nhiễu biên giới nước Tần nữa. Vua Tần cảm phục tài năng, phong cho ngài tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung với mong muốn giữ lại nước Tần mãi mãi.
Tuy nhiên, với tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến, Lý Ông Trọng nhiều lần dâng biểu xin về quê hương để phụng dưỡng mẹ già. Tần Thủy Hoàng cảm động tấm lòng hiếu nghĩa mà cho phép ngài về nước. Khi ông về nước, quân Hung Nô lại đến quấy nhiễu bờ cõi nước Tần. Vua Tần không chống đỡ nổi bèn nghĩ cách tạc một tượng cao lớn đúng võ dáng của Thánh Chèm đặt ở cửa trấn thành. Quân Hung Nô đánh đến nơi nhìn thấy tượng Thánh Chèm sợ hãi mất mật, bỏ chạy tán loạn.
Không chỉ là một vị tướng quân giỏi, Lý Ông Trọng còn là người có rất nhiều công lao trong việc diệt trừ thủy quái, khuyến khích người dân làm ruộng, trồng dâu, làm điều lợi, bỏ điều hại, khiến người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Sau khi mất, ngài được nhà vua ban là Thượng Đẳng Phúc Thần Duệ hiệu là Hy Khang Thiên Vương, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Chèm và dựng đền thờ ngay tại làng Chèm - nơi ông sinh ra và lớn lên.
Đình Chèm. |
Giặc ngoại xâm cũng phải cúi đầu
Danh tiếng của ông còn được lưu truyền đến nhiều đời sau, nhiều sử sách cả Nam và Bắc có ghi chép về ông. Không chỉ được người Việt phong là thánh, mà ngay cả giặc ngoài xâm phương Bắc, sau này đến đây, cũng phải cúi mình nể phục. Có nhiều câu chuyện lưu truyền xung quanh ngôi đền thờ của ông. Có câu chuyện về tướng Triệu Xương đời Đường sang cai trị nước ta. Nửa đêm còn thấy một người cao lớn đến giảng nghĩa sách Xuân Thu. Triệu Xương hỏi rõ tên tuổi và tìm hiểu ra thì mới biết là Đức Thánh Chèm, thấy linh ứng nên kiêng thờ rất trang trọng. Sau này, có tướng Cao Biền sang xâm phạm nước ta cũng đã đến đây thờ cúng và gọi ngôi đền này là “Lý Hiệu Úy”.
Trong lịch sử dân tộc Việt, Đức Thánh Chèm đứng hàng thứ ba sau Thánh Tản và Thánh Gióng. Theo thần tích tại đình Chèm, sau khi ngài mất, vua Thục Phán An Dương Vương đã lệnh cho nhân dân xã Thụy Phương lập đền thờ để hương hỏa. Có thể khẳng định rằng, ngôi đình Chèm thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng đã có niên đại lịch sử trên 2.300 năm.
Trao đổi với cụ Hiệu, chúng tôi được biết, ngôi đình Chèm có kiến trúc và bài trí thuộc hàng đặc sắc nhất trong văn hóa đình chùa của Việt Nam, với kết cấu nội công, ngoại quốc, mang dáng dấp của kiến trúc cung đình. Theo cụ Hiệu, lịch sử luôn luôn biến đổi và đình Chèm cũng đã trải qua những biến đổi khôn lường của thời gian. Cụ Hiệu cho biết, lần cuối cùng đình được trùng tu là vào thời Lê Trung Hưng. Những chi tiết được trùng tu nhiều nhất là kèo, cột, những hoa văn trên mái. Đến thời Nguyễn, đình được sửa sang thêm một chút nhưng không đáng kể. Mỗi lần trùng tu hay sửa sang đều được ghi lại trong sử sách và được cất giữ trang nghiêm trong đình.
Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc đình Chèm là những hoa văn được khắc ngay trên mái kèo chứ không phải ghép như nhiều đình khác. Hai mái kèo ở hai bên mái đình không được khắc đối xứng mà mỗi mái kèo có một hoa văn rất riêng. Trên các bộ vì ngắn, các bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá chép hóa rồng, tứ linh với các đường nét chạm mềm mại, trau chuốt. Đặc biệt là bức chạm khắc rồng cuốn nước, phượng ngậm thư có giá trị rất đặc sắc, quý hiếm.
Đình Chèm thường mở cửa đón du khách từ 8h sáng đến 21h30 tối. Du khách thập phương luôn kính cẩn, trang nghiêm khi vào đình. Theo cụ Ngô Phi Mão - thủ từ thứ 2 của đình Chèm, ban quản lý di sản văn hóa đã có hợp đồng với tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán - Nôm) nghiên cứu cuốn sách di sản văn hóa Hán - Nôm đình Chèm để dịch tất cả các bức hoàng phi của đình. Đây là một cách để lưu giữ văn hóa và bảo tồn lịch sử cho ngôi đình có niên đại hàng nghìn năm lịch sử này.
Cụ Mão cũng cho hay, khi chưa phân thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, Từ Liêm đã có những dự án tour du lịch giới thiệu khách đến tham quan để giới thiệu các di sản tại Từ Liêm nói chung và đình Chèm nói riêng. Tuy nhiên, đây là một dự án còn nhiều khó khăn bởi nếu phát triển du lịch còn cần kết hợp cả những sản phẩm lưu niệm nên phải có sự đầu tư và lên kế hoạch kĩ lưỡng. Cho đến nay, dự án này mới chỉ là ý tưởng còn việc thực hiện là cả một giai đoạn dài phía trước.
Vào ngày 14 - 16.5 âm lịch hàng năm, đình Chèm sẽ tổ chức lễ hội lớn được gọi là Pháp hội có sự tham gia của rất nhiều địa phương trong vùng. Chưa có sử sách nào ghi lại và cũng không ai rõ lễ hội đình Chèm có từ bao giờ, tuy nhiên có một câu ca dao đã ghi sâu vào tâm trí những người con dân Hà Nội: “Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ hai hội Gióng, thứ ba hội Chèm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét