Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Thiên đường thuế quan và trốn thuế

 - Hiệp hội Báo điều tra quốc tế (ICIJ) mới đây tiết lộ 2,5 triệu hồ sơ mật của hệ thống trốn thuế được toàn cầu hóa liên quan đến hơn 120.000 doanh nghiệp ma. Vậy thiên đường thuế quan là gì? Những ai thường tìm tới nơi này và làm cách nào để chống lại những thiên đường trốn thuế?...

Thiên đường thuế quan là gì?
Trên thế giới không tồn tại một định nghĩa nào mang tính luật pháp về các thiên đường thuế quan. Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) đưa ra 4 tiêu chuẩn để xác định các thiên đường thuế quan: không đánh thuế hoặc thuế gần như bằng không, thiếu minh bạch, những quy định ngăn cản việc trao đổi thông tin và cuối cùng là dễ dàng tha thứ cho các công ty bề nổi, hay nói theo cách của ta là “công ty ma”.
Chủ yếu là những ông chủ của các quỹ đầu tư, các công ty lớn (họ đặt chi nhánh ở các thiên đường thuế quan) và những cá nhân giàu có. Mục đích của họ là nhằm trốn mức thuế phải đóng nặng hơn ở nước họ kinh doanh hay sinh sống.
Ngoài ra, các thiên đường trốn thuế còn là điểm đến của một lượng tiền hoặc công phiếu không thể đánh giá hết được với mục đích rửa tiền bẩn xuất phát từ nạn tham nhũng hay các đường dây buôn lậu ma túy.
Trốn thuế và kinh tế thế giới?
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 50% lượng giao dịch trên toàn thế giới đi qua các thiên đường thuế quan. Theo ước lượng có khoảng 4.000 ngân hàng, 2/3 quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu và khoảng 2 triệu công ty ma đóng tại các thiên đường trốn thuế. Khoảng 7.000 tỉ USD nằm chết trong những tài khoản ở các thiên đường thuế quan, tương đương gấp 3 lần GDP của nước Pháp. Theo Gabriel Zucman, Giáo sư kinh tế của Trường đại học Kinh tế Paris, thì tổng số tiền các cá nhân nắm giữ ở các thiên đường thuế quan chiếm tới 8% tổng lượng tài chính của cả thế giới.
Ngoài số lượng tiền trốn thuế khổng lồ, sự thiếu minh bạch của các tổ chức ngân hàng tài chính ở những thiên đường thuế quan đã làm sai lệch những đánh giá về kinh tế cũng như những luật lệ cạnh tranh giữa các nước.
Các thiên đường thuế quan ở đâu?
“Nhãn mác” về một thiên đường thuế chính thức không có mà thay đổi tùy theo các tổ chức chuyên tìm kiếm những nơi trốn thuế. OCDE sắp xếp các thiên đường thuế quan theo 3 danh sách. Đen là các quốc gia không hợp tác với OCDE về thuế quan. Xám là những nước hứa sẽ tuân thủ những luật lệ về khai báo thuế nhưng không áp dụng hoặc chỉ làm cho có. Cuối cùng, trắng là danh sách những quốc gia hay vùng lãnh thổ có những cố gắng thật sự trong việc áp dụng các nguyên tắc đánh thuế theo tiêu của quốc tế được OCDE đưa ra.
Việc xếp loại này được ra đời sau hội nghị của nhóm G20 tại London hồi tháng 8/2009. Tại đây, các đại biểu đã cam kết chống lại những tổ chức, chính quyền nào không hợp tác về minh bạch thuế quan, trong đó có những thiên đường trốn thuế. Tuy nhiên, danh sách này gây nhiều tranh cãi. Hiện nay không có quốc gia hay vùng lãnh thổ nào nằm trong danh sách đen của OCDE. Còn danh sách xám thì cũng chỉ gần như có cho lấy lệ vì từ khi được lập cho đến nay, danh sách này chỉ liệt kê được 7 tổ chức tài chính hoặc vùng lãnh thổ.
Tổ chức Tax Justice Network (TJN) chỉ trích kiểu xếp loại này và cho rằng nó không đáng tin cậy và rằng những yêu cầu của OCDE là chưa đủ. Dựa trên bản đánh giá về mức độ minh bạch của các tổ chức tài chính, TJN cho rằng, trên thế giới có 10 thiên đường thuế quan chính, đó là bang Delaware ở Mỹ, Luxembourg, Thụy Sĩ, quần đảo Caimans, City ở London, Ai Len, Bermudes, Singapore, Bỉ và Hongkong.
Pháp thì đưa ra danh sách của riêng mình dựa trên những tiêu của của OCDE. Năm 2011, Paris đưa ra bản danh sách 19 nước không hợp tác về thuế quan quốc tế, trong đó có Costa Rica, Liberia, Panama hay Philippines.
Danh sách được nhiều người công nhận nhất được Diễn đàn Ổn định tài chính (giờ đổi tên là Hội đồng Ổn định tài chính Quốc tế) công bố năm 2000. Danh sách này chia 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ra thành 3 nhóm thiên đường thuế theo mức độ minh bạch tài chính và sự hợp tác về thuế quan với các tổ chức nước ngoài. Những quốc gia bị đánh giá tồi tệ nhất phần lớn là các đảo quốc Caribe, rồi Công quốc Liechtenstein hay đảo Síp hoặc quần đảo Marshall.
Ai chống lại những thiên đường thuế quan?
Ở cấp độ toàn cầu, OCDE là tổ chức phối hợp những chính sách chống lại các thiên đường trốn thuế. Tổ chức này dựa vào nhóm hành động tài chính quốc tế, một cơ quan do nhóm G7 thành lập vào năm 1987 nhằm thiết lập các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tháng 8/2009, Hội nghị G20 đã tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế quan khi tuyên bố xóa bỏ quy định bí mật ngân hàng.
Điều tra chống trốn thuế
“Chiến dịch OffshoreLeaks” là tên một vụ điều tra về các hoạt động trốn thuế mà các phóng viên điều tra của ICIJ đặt cho. ICIJ sở hữu một “kho” thông tin bảo mật. Số thông tin đó được thu thập từ các cựu nhân viên của hai doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế: Portcullis TrustNet và Commonwealth Trust Limited. Đây là nơi lưu trữ các nguồn tin tài chính mật của hàng trăm nghìn tập đoàn được thành lập vào cuối thập niên 90 và trong suốt thập niên 2000 tại các thiên đường thuế.
Thường các thông tin đến được các chính phủ hay các cơ quan thuế chỉ là những “mẩu tin vụn vặt”. Các dấu hiệu cho thấy việc truy tìm các tài khoản không kê khai ở nước ngoài thường vấp phải luật bảo mật ngân hàng. Chiến dịch “OffshoreLeaks” có quy mô gấp 162 lần so với vụ rò rỉ thông tin ngoại giao của WikiLeaks. Lượng thông tin thu thập được lưu trữ trong máy tính chiếm đến 260Gb. Các phóng viên điều tra phải mày mò tìm kiếm các thông tin chính xác, thường được mã hóa, về nhân thân các nhà quản lý và các cổ đông của các tập đoàn được thiết lập trên các thiên đường thuế như các quần đảo Virgin, quần đảo Cayman, quần đảo Cook của Anh, hay tại Nhà nước Độc lập Samoa và đảo quốc Singapore.
Với khối lượng thông tin khổng lồ như một đám rừng rậm, các phóng viên điều tra thuộc các hãng thông tấn lớn trên toàn cầu, đồng thời cũng là cộng tác viên của ICIJ, liên tục vấp phải nhiều khó khăn. Không như Wikileaks, nhờ vào nguồn thông tin của các đại sứ quán, những mẩu thoại bằng thư điện tử, nói chung tài liệu hiển nhiên, rõ ràng, có thể khai thác ngay tức thì. Công tác điều tra ICIJ đòi hỏi rất nhiều công đoạn như phải được giải mã, so sánh, kết hợp, phân tích.
Để có thể hoàn tất kho dữ liệu khổng lồ có tên gọi là Offshore main entity tables (OMET), ICIJ đã mất hơn 15 tháng điều tra. Các hãng thông tấn có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu này nhờ vào mật mã an toàn dàng riêng cho mỗi hãng. Tại đây, giới báo chí có thể tìm thấy các dữ liệu dưới dạng Word, Excel hay PDF: các thư điện tử trao đổi giữa các doanh nghiệp Portcullis TrustNet và Commonwealth Trust Limited và các luật sư từ nhiều quốc gia khác nhau, địa chỉ liên lạc của luật sư riêng của khách hàng, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các hoạt động giao dịch và các loại giấy tờ cá nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét