Tuy mưu đồ lợi dụng Chiêm Thành đã bị đập tan và tuy phần tiềm lực xâm lăng chuẩn bị công phu ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm cũng đã bị triệt hạ, nhưng nhà Tống vẫn quyết chí đánh nước ta. Nhà Tống sai Quách Quỳ là một võ quan cao cấp, người từng dày dạn trận mạc trong cuộc chiến tranh với Tây Hạ, làm tổng chỉ huy quân xâm lăng. Phó tướng của Quách Quỳ là Triệu Tiết, cũng là một trong những người từng trải trong các trận đánh với Tây Hạ. Vua Tống Thần Tông giao cho Quách Quỳ và Triệu Tiết 100.000 bộ binh tinh nhuệ, 10.000 ngựa chiến cùng 200.000 dân phu. Ngoài ra, nhà Tống còn cho thêm một đạo thủy binh nhỏ, tiến vào nước ta qua ngả vịnh Hạ Long, nhằm hiệp đồng ứng phó với bộ binh. Vua Tống cẩn thận dặn dò Quách Quỳ và Triệu Tiết rằng, đây là cuộc tấn công mà bốn phương sẽ nhìn vào, cho nên, nếu như không thu được toàn thắng thì sẽ rất bất lợi cho nhà Tống. Cuối năm 1076, bộ binh và kị binh của nhà Tống từ Châu Ung, thủy binh của nhà Tống từ Châu Khâm, cùng xuất phát và ồ ạt tiến vào nước ta. Cuộc chiến đấu chống quân Tống trên lãnh thổ nước ta bắt đầu. Trước đó, quân đội Đại Việt đã sẵn sàng đóng giữ ở những vị trí chiến lược quan trọng nhất. Lý Thường Kiệt sắp đặt cụ thể như sau: - Thủy binh Đại Việt được chia làm hai bộ phận. Bộ phận chính do hai vị Hoàng Tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy, gồm trên 400 chiến thuyền và trên 20.000 quân, đóng ở Vạn Xuân là cực đông của chiến tuyến, nơi có thể dễ dàng phối hợp với bộ binh dọc theo chiến tuyến. Bộ phận thứ hai do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, chốt giữ ở vùng cửa sông Bạch Đằng, sẵn sàng ứng chiến với đạo thuỷ binh qua quân Tống. - Bộ binh Đại Việt cũng được chia làm hai bộ phận. Bộ phân thứ nhất đóng rải rác dọc theo chiến tuyến, gồm nhiều binh trại khác nhau, mỗi binh trại trấn giữ một vị trí xung yếu của chiến tuyến. Bộ phận thứ hai là đại binh do đích thân Lý Thường Kiệt cầm đầu, đóng ở khu vực Yên Phụ - một địa điểm nằm ở phía nam chiến tuyến và cách chiến tuyến khoảng 5 cây số. Từ địa điểm này, Lý Thường Kiệt có thể dễ dàng theo dõi và đối phó một cách linh hoạt với mọi tình hình diễn ra dọc chiến tuyến. Nhiều nhà sử học có uy tín của nước ta đoán định rằng toàn bộ thủy binh và bộ binh của triều Lý bố trí dọc theo chiến tuyến sông Cầu có thể đông tới khoảng 60.000 người1. Ngoài quân chủ lực của triều đình, các đội dân binh cũng được huy động vào cuộc chiến đấu này. Ngày 8 tháng 1 năm 1077, đại quân của nhà Tống do Quách Quỳ chỉ huy bắt đầu vượt cửa ải Lạng Sơn để tiến vào nước ta. Dọc đường hành quân của giặc từ Lạng Sơn đến bờ bắc sông Cầu, triều Lý chỉ bố trí những đội quân nhỏ, liên tiếp tổ chức những trận đánh chặn để cản bước tiến của chúng. Ngày 18 tháng 1 năm 1077, quân Tống tiến đến bờ bắc sông Cầu. Chúng lúng túng vì trước mặt là sông Cầu và bên kia bờ sông Cầu là cả một chiến tuyến rất kiên cố. Bấy giờ, thủy binh của giặc bị Lý Kế Nguyên chặn đánh liên tiếp 10 trận liền ở vùng duyên hải Đông Bắc, khiến cho không thể nào tiến sâu vào để hỗ trợ cho bộ binh và kỵ binh giặc vượt sông, cho nên, Quách Quỳ và Triệu Tiết đành phải hạ trại ở bờ bắc sông Cầu để tính kế. Thuộc tướng của Quách Quỳ và Triệu Tiết là Miêu Lý xin bắc cầu phao để vượt sông. Quách Quỳ và Triệu Tiết chấp thuận, đồng thời, giao cho tướng Vương Tiến chỉ huy việc bắc cầu phao, còn Miêu Lý thì dẫn khoảng 2.000 quân, bất ngờ mở cuộc tấn công đột phá đầu tiên vào chiến tuyến sông Cầu. Cuộc đột phá bất ngờ của Miêu Lý quả là rất nguy hiểm. Miêu Lý đã chọc thủng được một đoạn của chiến tuyến sông Cầu và tiến gấp xuống phía nam. Một số ít các trại binh của ta đóng dọc theo chiến tuyến bị nao núng. Vấn đề thiết yếu lúc này là phải nhanh chóng chặt đứt cầu phao của giặc, nhanh chóng hàn đoạn chiến tuyến đã bị giặc chọc thủng. Nhưng, công việc thiết yếu này chỉ có thể kịp thời hoàn tất, chừng nào niềm tin vào thắng lợi của quân sĩ được củng cố và nâng cao. Trong tình thế hiểm nghèo này, Lý Thường Kiệt đã xuất hiện như một thiên tài về nghệ thuật động viên binh sĩ. Ông đã viết bài Nam quốc sơn hà và bí mật sai người vào đền thờ Trương Hống và Trương Hát2 đọc to lên trong đêm tối, khiến cho quân sĩ ngỡ rằng đó là lời của thần nhân sông núi, cho nên, đã liều mình chiến đấu đập tan hoàn toàn đạo quân hung hãn của Miêu Lý. Chiến tuyến được củng cố, cầu phao của giặc bị chặt đứt, sĩ khí của quân đội Đại Việt bừng lên mạnh mẽ. Nam quốc sơn hà quả là một kiệt tác, cho dẫu là nhìn từ bất cứ góc độ nào: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. (Sông núi nước Nam, Nam đế ở, Rành rành ghi rõ ở sách trời Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời) Được tin thất bại này, Quách Quỳ tức giận trút mọi tội lỗi cho Miêu Lý và định xử tử viên tướng mà hắn cho là kiêu ngạo này. Tuy nhiên, cũng nhờ thất bại của Miêu Lý mà Quách Quỳ và Triệu Tiết không thể coi thường khả năng đề kháng của quân ta. Sau thất bại của Miêu Lý, chờ đợi mãi vẫn không thấy thủy quân đến để chở quân vượt sông, Quách Quỳ và Triệu Tiết bèn hạ lệnh đóng bè để cho quân tràn sang bờ nam sông Cầu. Bè không phải là một phương tiện vận chuyển tốt, cho nên, chính quyết định của Quách Quỳ và Triệu Tiết đã tạo điều kiện cho quân đội của Lý Thường Kiệt ứng phó một cách rất ung dung. Bấy giờ, mỗi chuyến bè chỉ chở được tối đa là 500 quân sĩ mà thời gian vận chuyển lại rất lâu, do vậy, chuyến sau chưa kịp sang thì binh sĩ qua chuyến trước đã bị tiêu diệt hết. Quách Quỳ và Triệu Tiết đành phải hạ lệnh đình chỉ kế hoạch dùng bè để vượt sông. Quân Tống buộc phải đóng lại ở bờ bắc sông Cầu. Chúng chia làm hai khối lớn. Khối thứ nhất do đích thân Quách Quỳ cầm đầu. Khối thứ hai do Triệu Tiết cầm đầu. Hai khối cùng án binh bất động, quyết chờ thủy binh tới. Quách Quỳ đã buộc phải ra lệnh. “Bây giờ, ai bàn tới tấn công sẽ bị chém đầu”3. Mùa xuân dần dần trôi qua. Ở bờ bắc sông Cầu, quân Tống càng ngày càng lún sâu vào thế bị động và lúng túng, khủng hoảng. Chúng muốn vượt sông Cầu nhưng không sao vượt được Chúng chờ thủy binh nhưng thủy binh lại bị chặn đứng ở vùng duyên hải Đông Bắc. Chúng muốn đánh một trận quyết định với quân đội Đại Việt nhưng quân đội Đại Việt đã khôn khéo trấn giữ ở bờ nam, chưa vội xuất đầu lộ diện. Trong khi đó, khí hậu cuối xuân dần dần trở nên nóng bức, bệnh dịch bắt đầu hoành hành, đồng thời, lương thực của kẻ thù cũng đã bắt đầu cạn. Kẻ thù nham hiểm bàn tính với nhau rằng: “Nhử người tới đất mình lợi hơn mình tới đất người. Vậy, nên giả cách không phòng bị, chúng nó (chỉ quân ta - T.G.) ắt tới đánh”4. Tướng giặc quả là rất thông minh. Chỉ tiếc cho chúng là danh tướng Lý Thường Kiệt còn thông minh hơn mà thôi. Đúng vào lúc quân đội nhà Tống đang bị dồn vào tình thế khốn quẫn nhất, Lý Thường Kiệt hạ lệnh tấn công. Đó là một ngày cuối xuân năm 1077. Trước hết, hai vị Hoàng Tử là Hoàng Chân và Chiêu Văn dùng đoàn chiến thuyền 400 chiếc, bất ngờ đánh mạnh vào khu vực đóng quân của Quách Quỳ. Hoằng Chân và Chiêu Văn vừa đánh vừa phô trương thanh thế, cốt thu hút toàn bộ sự chú ý của quân xâm lăng. Quách Quỳ và Triệu Tiết rất hí hửng, vì chúng muốn vượt sông để tìm quân chủ lực của triều Lý nhưng không sao vượt được, chúng muốn có một trận giao tranh để khích lệ tinh thần tướng sĩ nhưng không sao có được, vậy mà giờ đây, trước mắt chúng, ngay trên bờ bắc sông Cầu là đất chúng đang đóng quân, bỗng dưng quân đội triều Lý lại xuất hiên. Một trận ác chiến đã diễn ra. Và, trong trận ác chiến này, hai vị Hoàng Tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn đều anh dũng hi sinh. Nhưng, đúng lúc Quách Quỳ và Triệu Tiết dồn hết sự chú ý vào cánh quân của Hoằng Chân và Chiêu Văn. thì đại quân của triều Lý do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy đã bất ngờ vượt bến đò Như Nguyệt5, đánh ồ ạt vào khu vực đóng quân của Triệu Tiết6. Đại bộ phận quân Tống ở đây đã bị tiêu diệt. Chỉ trong vòng một đêm, tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn Quách Quỳ và Triệu Tiết vội vã ra lệnh rút quân tháo chạy về Trung Quốc. H1. Sơ đồ khu vực bến Như Nguyệt (vẽ lại theo sách Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Sách đã dẫn). Enlarge this image H2. Sơ đồ hình thái trận phản công Như Nguyệt (vẽ lại theo sách Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Sách đã dẫn) Như Nguyệt là trận quyết định số phận của quân Tống xâm lăng Như Nguyệt cũng là một trong những trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời của lịch sử dân tộc. Chỉ huy thắng lợi trận đánh có tầm vóc rất lớn này, Lý Thường Kiệt thực sự là một thiên tài. Từ đây, tên tuổi và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt mãi mãi tỏa sáng trong sử sách và trong niềm tự tôn dân tộc mãnh liệt của các thế hệ nhân dân ta. Ngay khi đang thắng lợi dồn dập, Lý Thường Kiệt vẫn tỏ rõ là người tỉnh táo và có bản lĩnh cao cường một cách kì lạ. Sử cũ của ta và của Trung Quốc đều chép rằng, đúng lúc Quách Quỳ và Triệu Tiết đang hoảng loạn tháo chạy, quân sĩ khủng khiếp dày xéo lên nhau, thì bỗng dưng Lý Thường Kiệt lại dâng thư... xin hàng! Thực ra, đó chỉ là một đòn tấn công đặc biệt, nhằm thiết thực chuẩn bị cho việc tái lập mối quan hệ bang giao hữu hảo, tránh họa binh đao lâu dài cho cả hai dân tộc. Về sau, hai triết gia nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống là Trình Di và Trình Hạo đã có lời bình rất hài hước nhưng cũng rất chí lí rằng: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó mà xin giảng hòa!”7 Với cuộc phiêu lưu này quân xâm lăng chẳng những không cứu vãn nỗi tình hình khó khăn trong nước, không vớt vát được cái gọi là “uy danh thiên triều” mà còn phải tiêu hao một khoản kinh phí khổng lổ. Tất cả, nếu quy ra vàng thì tổng chi phí lên tới 5.190.000 lạng! Cũng với cuộc phiêu lưu này, non tám vạn trong tổng số mười vạn quân tinh nhuệ của nhà Tống đã bị thiệt mạng ở nước ta, non tám vạn trong tổng số hai mươi vạn dân phu của nhà Tống bị giết. Nếu tính cả quân số của nhà Tống bị tiêu diệt ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm, tổng số quân Tống bị giết lên tới khoảng ba chục vạn. Với võ công đại phá quân Tống, Lý Thường Kiệt đã đóng góp cho kho tàng nghệ thuật chống xâm lăng của dân tộc ta những kinh nghiệm vô giá. Một là phải luôn luôn chủ động phòng ngự một cách tích cực. Trong một số trường hợp cụ thế, cách phòng ngự tốt nhất, chính là phản công. Hai là phải tận dụng yếu tố địa lợi trong chiến tranh. Chiến tuyến sông Cầu thật sự là một sáng tạo rất độc đáo của Lý Thường Kiệt. Ở đây, thiên tạo (sông Cầu) và nhân tạo (chiến tuyến ở bờ nam) được kết hợp hài hòa với nhau, tạo ra chỗ dựa vững chắc khi phòng ngự và bàn đạp thuận tiện khi phản công. Ba là phải triệt để phát huy vai trò của nhân tố tinh thần trong chiến tranh. Nếu biết sử dụng đúng lúc, nhân tố này sẽ lập tức tạo ra sức mạnh vật chất to lớn đến độ khó có thể tính trước được. Bốn là phải biết tạo ra sự hợp đồng tác chiến nhịp nhàng và sắc bén giữa các lực lượng, các binh chủng khác nhau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời nhận định rất sâu sắc rằng: “Như vậy là lúc đó đã xuất hiện sự phối hợp chiến đấu của đại quân với các lực lượng ở địa phương, tạo nên thế chiến lược đánh địch cả trước mặt và sau lưng. Hình thái phối hợp chiến đấu này thật là một nét độc đáo về nghệ thuật quân sự của dân tộc nhỏ để chống lại chiến tranh xâm lược của quân thù mạnh”8. Năm là phải biết tỉnh táo và chuẩn bị một cách thông minh cho việc thiết lập mối quan hệ bang giao ngay khi quân dân ta đã và đang thắng lớn. |
Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015
Lý thường kiệt với trận quyết chiến chiến lược như nguyệt (mùa xuân năm 1077).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét