MARCEL DUCHAMP
(1887-1968)
Marcel Duchamp [Blainville, 1887 -
Neuilly-sur-Seine, 1968] là một hoạ sĩ Pháp nổi tiếng có ảnh hưởng lan
rộng trong nghệ thuật thế giới ở thế kỷ XX. Ông sinh ngày 28.07.1887,
trong một gia đình có ba anh em đều làm nghệ thuật: anh trai Jacques
Villon [sinh 1875] là hoạ sĩ, người anh kế Raymond Duchamp-Villon [sinh
1876] là nhà điêu khắc, cả hai đều là những tên tuổi lớn trong giới nghệ
thuật Pháp.
Marcel Duchamp lên Paris năm 17 tuổi và bắt
đầu vẽ. Khởi từ khuynh hướng dã thú, rồi lập thể, một thứ lập thể tương
đối “phức tạp” hơn nhiều hoạ sĩ lập thể đương thời, ông dần dà đến gần
đường lối vị lai khi sáng tác bức “Khoả thân bước xuống cầu thang” [“Nu
descendant un escalier”, 1912] với động tác phân rã thành từng giai đoạn
tiếp nối diễn đạt tuyệt với thời gian và không gian – tác phẩm khi
trưng bày tại Armory Show ở New York năm 1913 đã gây náo động, nếu làm
kinh ngạc giới thưởng ngoạn quen nhìn bằng con mắt lập thể, thì đồng
thời cũng đã hứng chịu một trận bão phê phán nặng nề. Nhưng Duchamp mau
chóng đi xa hơn, làm một bước ngoặt triệt để ngoạn mục cả trong cuộc
sống cũng như trong nghệ thuật của mình : đồng hội đồng thuyền với nhà
thơ Guillaume Apollinaire và hoạ sĩ Francis Picabia, ông khởi sự phát
động một khái niệm nghệ thuật độc đáo và có tính giễu cợt cao cấp. Có
thể nói là ông đã xa rời hội hoạ, khi ký tên trên những tác phẩm làm sẵn
[readymades] đầu tiên của mình kể từ năm 1913, sử dụng kết hợp những đồ
vật nguyên si, và gọi là tác phẩm nghệ thuật – trong số đó ít ai quên
cái bồn tiểu mang tên “Đài nước” [“Fontaine”, 1917]. Ông tìm ra những
phương pháp làm nghệ thuật trong đó công việc của bàn tay chỉ là thứ
yếu, tạo hình trước tiên dựa trên những động tác tình cờ và có tính máy
móc. Là một hoạ sĩ vẽ sơn dầu và chất liệu hỗn hợp, thường được gắn liền
với trường phái Lập thể, Dada và Siêu thực [mặc dù ông liên tục khước
từ mọi thứ nhãn hiệu], Duchamp cho ra đời những tác phẩm có tính trí
tuệ, trước tiên, nhưng không vì thế mà không toát ra những nét giễu cợt,
và không ngừng tìm kiếm những biên giới xa của nghệ thuật.
Marcel Duchamp ra đời, khởi sự sáng tác,
tham gia hoạt động nghệ thuật ở Pháp, rồi qua đời ở Pháp, nhưng ông
chính là con người của thế giới: những năm nổ ra những thay đổi triệt để
nhất trong nghệ thuật toàn cầu, ông có mặt ở New York và tham gia trưng
bày, có mặt trên những diễn đàn quốc tế vang động nhất – kể cả thời
gian cái bóng đồ sộ của Picasso đổ xuống trái đất này, và bên cạnh những
đường nét và màu sắc rực rỡ vinh quang của cả một đội ngũ lập thể phần
lớn là tĩnh, nhiêu nghệ sĩ và nhà phê bình đương thời đã cuốn theo vòng
quay của cái bánh xe đạp, chọn lựa cái động của Marcel Duchamp.
_____________
VỀ NHỮNG TÁC PHẨM ‘READYMADES’[*]
Năm 1913, tôi có sáng kiến hay là đem gắn một cái bánh xe đạp vào một cái ghế đẩu nhà bếp và nhìn bánh xe quay.
Mấy tháng sau tôi mua rẻ một phiên bản phong cảnh một đêm
mùa đông, mà tôi gọi là “Nhà thuốc” sau khi cho thêm lên tranh hai chấm
nhỏ, một chấm màu đỏ, một chấm màu vàng, ở chân trời.
Năm 1815 ở New York tôi mua một cái xẻng xúc tuyết trong
một cửa hàng ngũ kim, trên xẻng tôi viết: “Dự kiến cánh tay bị gãy” (In
advance of the broken arm)[1]
Chính vào khoảng thời gian ấy tôi nghĩ ra trong đầu từ “readymade”[*] để chỉ hình thức biểu hiện ấy.
Có một điểm mà tôi rất muốn minh bạch, ấy là việc chọn
những tác phẩm làm sẵn này của tôi chưa bao giờ bị áp đặt bởi một cảm
giác thích thú có tính mỹ học. Sự chọn lựa ấy đặt nền tảng trên một phản
ứng thị giác vô tình, kèm theo cùng lúc với phản ứng ấy hoàn toàn không
có chuyện thẩm thức hay hay dở... có nghĩa là một sự mất cảm giác toàn
diện.
Có một đặc điểm quan trọng: ấy là cái câu ngắn mà khi có
dịp tôi vẫn ghi lên tác phẩm làm sẵn. Câu ấy, thay vì mô tả đối tượng
như một cái tên đặt ra cho tác phẩm, thì ở đây lại chủ tâm đưa sự suy
nghĩ của người thưởng ngoạn tới những miền khác nói nhiều lời hơn.
Đôi khi tôi thích đưa thêm vào một chi tiết trình bày
bằng hình, và nhằm thoả mãn cái thèm muốn sử dụng kiểu láy phụ âm của
tôi, nó sẽ được gọi là “readymade được hỗ trợ”.[2]
Vào một lúc khác, muốn nhấn mạnh sự tương phản cơ bản
giữa nghệ thuật và những tác phẩm “readymades”, tôi tưởng tượng ra một
kiểu “readymade hỗ tương”[3]: sử dụng một bức tranh của Rembrandt làm mặt bàn ủi quần áo!
Rất sớm sau đó tôi nhận ra ngay nguy cơ có thể có khi ta
cứ lặp lại mà không suy xét thấu đáo hình thức biểu hiện ấy và tôi đã
quyết định giới hạn sản xuất những tác phẩm “readymades” xuống một số
lượng nhỏ mỗi năm. Hồi ấy tôi nhận ra là, đối với người thưởng ngoạn còn
hơn cả đối với người hoạ sĩ, nghệ thuật là một thứ ma túy người ta ghiền và tôi muốn bảo vệ những tác phẩm “readymades” của mình để khỏi bị lây lan như thế.
Một mặt khác của tác phẩm làm sẵn ấy là nó thiếu tính đơn
nhất… Bản sao một tác phẩm làm sẵn chuyển tải cùng một thứ thông điệp;
thật ra tất cả những tác phẩm làm sẵn hiện hữu ngày nay không phải là
những bản gốc hiểu theo nghĩa thông thường của từ này.
Một nhận xét sau cùng để kết luận bài nói của con người tự ám[4]
này: bởi lẽ những ống màu mà người hoạ sĩ dùng để vẽ đều được sản xuất
từ các nhà máy và là những sản phẩm làm sẵn, chúng ta phải kết luận là
tất cả những bức tranh trên thế giới đều là những tác phẩm “readymades
được hỗ trợ” và cũng đều là những tác phẩm lắp ghép.[5]
_________________________
Chú thích của người dịch:
[*][Tác phẩm] làm sẵn.
[1]Tiếng Pháp của Marcel Duchamp: “En prévision du bras cassé”.
[2]Assisted readymades, cũng có khi người ta gọi là Altered readymades, hay Readymades aided.
[3]Reciprocal readymades.
[4]Egomaniac: có lẽ là từ do Marcel Duchamp phát minh? Dịch thành “tự ám” tất nhiên chỉ là một “đề nghị”.
[5]Assemblage: trong tiếng Việt, từ “ráp nối” có thể ít quen, nhưng cũng chấp nhận được.
------------------
“Về những tác phẩm ‘Readymades’” (“Apropos
of ‘Readymades’”) là bài Marcel Duchamp đọc nhân một cuộc hội thảo tại
Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại, New York, 19 tháng 10, năm 1961 – bản
tiếng Anh từng xuất hiện trên ART AND ARTISTS, số 1-4 / tháng 7, 1966.
Bản Việt ngữ dựa trên cả hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp.
“Khoả thân bước xuống cầu thang” [“Nu descendant un escalier”, 1912] & “Đài nước” [“Fontaine”, 1917].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét