Giống như những lời Khổng Tử dạy “tam thập nhi lập”, 30 tuổi phải tự lập mà trưởng thành để hiểu rõ những gì nên làm, những gì cần tuyệt đối tránh xa trên đường đời sau này.
Khổng Tử từng nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”, có thể hiểu ý rằng: “Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
“Nhi lập” ở đây là lập thân, lập gia, lập nghiệp. Đó chính là độ tuổi mà ông bà ta thường nhắc “thành gia lập nghiệp”. Con người khi chạm tới giai đoạn này, cơ bản đã phải tìm ra, hoạch định được phương hướng phát triển cho tương lai của bản thân. Họ bắt đầu phải trưởng thành, phải học được bản lĩnh để gánh vác những trách nhiệm của riêng mình với gia đình, với xã hội, với cộng đồng xung quanh.
Ai cũng biết rằng, đời người bất quá trăm năm. Dù tuổi thọ con người đang ngày một được kéo dài hơn nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, các phương tiện và phương pháp y tế ngày một hiện đại, nhưng sức khỏe chúng ta lại ngày càng trở nên mong manh. Mỗi ngày trôi qua, thời gian sống lại giảm đi một phần. Do đó, bước vào giai đoạn 30 tuổi quan trọng này, chúng ta càng phải học cách trưởng thành nhanh chóng hơn, hiểu rõ những điều quan trọng nhất cho chính mình.
Đúc rút từ kinh nghiệm tự cổ chí kim, người ta nhận ra rằng, con người có 3 loại tiền không được kiếm, 3 loại bạn không nên kết giao, và 3 loại việc không nên làm để sống trưởng thành, mạnh mẽ và điềm tĩnh hơn.
1. Ba loại tiền không thể kiếm
Thứ nhất, đừng kiếm tiền đầu cơ mạo hiểm
Khi đã bước vào giai đoạn sau khi thành gia, người đàn ông cần phải biết đột phá, nhưng cũng không thể quên mất sự ổn định. Nếu còn ở thời điểm trẻ tuổi, không phải chịu trách nhiệm với ai, chúng ta có thể ôm tâm lý may mắn mà đánh liều tất cả, dù thất bại cũng còn có cơ hội và thời gian để vực lại từ đầu. Tuy nhiên, nếu đã thành gia lập nghiệp, tức là chúng ta đã có những trọng trách trên vai với gia đình, người thân, để họ không phải chịu khổ.
Thứ hai, đừng kiếm tiền bất nghĩa
Người ta có thể bán thời gian, bán công sức, bán tâm huyết, bán sản phẩm… để kiếm ra đồng tiền, nhưng tuyệt đối không bán lương tâm và nguyên tắc. Có những loại tiền không thể tiêu, càng không thể nhận vì càng cố chạm vào những gì không thật sự thuộc về mình, vận khí và tiền tài của bạn lại càng sớm ngày mất hết. Đừng để đến lúc danh tiếng lụn bại, người trong ngành đều gièm pha điều tiếng, đánh mất vị thế của mình trong giai đoạn quan trọng nhất sự nghiệp mới hối hận.
Thứ ba, đừng kiếm đồng tiền vất vả
Khi tuổi trẻ, có sức khỏe là có tất cả, chúng ta sẵn lòng làm việc nặng nhọc, khai thác hết mọi sức lực của thân thể. Thế nhưng đến giai đoạn “nhi lập”, sức khỏe không còn là quỹ tài sản dồi dào mà chúng ta có thể dễ dàng khôi phục như trước nữa. Ở thời điểm này, thay vì tìm đến những công việc tay chân, lao động vất vả, hãy tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng mà chúng ta đã tích lũy được trong suốt giai đoạn đầu đời để phát triển sự nghiệp bằng trí tuệ.
2. Ba loại bạn không kết giao thân thiết
Thứ nhất, đừng thân thiết với người chung đụng lợi ích kinh tế
Khi xây dựng quan hệ với những đối tác làm ăn có chung đụng lợi ích kinh tế, chúng ta không nên kết giao quá thân thiết, chia sẻ mọi điều vì tiền bạc rất dễ làm thay đổi tính cách con người. Gặp người chân thành, tốt bụng thì không sao, nhưng nếu gặp người ghen tị, tính toán thì sẽ đem tới rất nhiều thị phi.
Thứ hai, đừng thân thiết với người giả tạo, “thảo mai”
Trên đời sợ nhất là những người vốn quan hệ nhạt nhòa, hết sức xa lạ bỗng trở nên thân thiết, quan tâm đủ điều. Lòng tin mà thứ xây dựng trên nền tảng sự chân thành dài lâu chứ đừng đặt vào những kẻ ton hót, nịnh bợ và chỉ sẵn sàng săn đón chúng ta khi thành công. Vì chính những người này cũng có thể trở thành kẻ đầu tiên sẵn sàng bỏ rơi, coi thường mình khi gặp cảnh thất bát ê chề.
Thứ ba, đừng thân thiết với người vô nghĩa vô tình, không đáng tin cậy
Một người bạn thật sự tốt đẹp sẽ không muốn bị ràng buộc hay gắn liền với lợi ích kinh tế, nhưng khi bạn bè gặp chuyện khó khăn, họ luôn là người đầu tiên đưa tay giúp đỡ. Đó là giá trị đến từ tình nghĩa đôi bên, chứ không đến từ vật chất. Ngược lại, với những kẻ không đáng tin cậy, vô tình vô nghĩa, một khi bạn đã hết giá trị lợi dụng thì họ lập tức “đá” bạn đi ngay.
3. Ba loại việc không nên làm
Thứ nhất, đừng làm việc để thể hiện
Nhiều người muốn ra vẻ hiểu biết để thể hiện sự giỏi giang, bản lĩnh mạnh mẽ của mình, muốn vượt bậc hơn người khác nên thường rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”, thường bị nhờ vả những chuyện không thuộc trách nhiệm của mình. Do đó, họ vừa khó lòng tập trung vào công việc của bản thân, vừa phải làm việc hộ người khác một cách không công mà chưa chắc đã được biết ơn thật lòng. Người thật sự có bản lĩnh thì không cần tìm cách thể hiện. Mọi người chỉ cần nhìn vào thành tựu của họ cũng có thể nhận ra.
Thứ hai, đừng khoe khoang tài sản, vật chất
Khi bắt đầu có trong tay một số lượng tài sản nhất định, rất nhiều người thường bị cuốn vào dòng xoáy chạy đua về vật chất, khi ăn uống thì phải ra tay hào phóng, khi mua sắm thì phải chọn hàng hiệu đắt giá… Đây chỉ là hành vi tô vàng nạm bạc bề ngoài, không thể tăng lên giá trị thực sự của bản thân mà ngược lại, trong mắt những người thực sự bản lĩnh, hành động ấy chỉ như một kẻ “giàu xổi khoe của” mà thôi.
Thứ ba, không gây sự khiến gia đình bất hòa không yên
Sau khi vượt qua 30 tuổi, chúng ta đã không còn là một đứa trẻ hiếu thắng, mọi chuyện chỉ muốn giành phần hơn mà đã lột xác trở thành một người đàn ông bản lĩnh, trưởng thành. Do đó, chúng ta cũng phải học được cách nhường nhịn, chăm lo và bảo bọc cho những người thân gia đình, những người sẽ mãi mãi sát cánh cùng ta đi hết toàn bộ cuộc đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét