Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

LỄ HỘI LÀNG PHÙ CHẨN

Phù Chẩn là tên xã cũng chính là tên làng còn có tên là làng Cháy, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Địa danh làng Cháy gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng. Trên đường đánh đuổi giặc Ân, ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương đã phun lửa thiêu cháy cả một làng. Làng ấy mang tên là làng Cháy - tức làng Phù Chẩn.
          Làng Phù Chẩn xưa gồm 4 thôn (cũng gọi là xã) là Phù Chẩn, Phù Lộc, Phù Luân, Phù Tảo hợp thành xã Phù Chẩn ngày nay, xưa thuộc huyện Đông Ngàn nổi tiếng thông minh, hiếu học và khoa bảng.
          Từ xưa, người dân Phù Chẩn sống bằng nghề làm ruộng, cấy lúa, đánh bắt tôm cá và săn bắt chim thú. Xưa làng có hẳn "phường mồng két" và nghề đánh bắt tôm cá, cua ốc chiếm vị trí quan trọng đến nỗi có vị đỗ Tiến sĩ nhưng dân làng vẫn quen gọi là quan Nghè tát để gợi nhớ về thuở quan Nghè sống bằng nghề bắt cua, tát cá ngoài đồng. Và câu ca "Cá rô đồng Cháy, cá gáy đồng Chờ" đã cho thấy đặc sản và cảnh quan của làng Phù Chẩm khi xưa.
          Tuy sống rất nghèo khổ, lam lũ nhưng những người Phù Chẩn rất hiếu học và thành đạt trong khoa cử. Thống kê bước đầu thời phong kiến, Phù Chẩn đã có 10 vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ) trong đó có một Trạng nguyên là Nguyễn Xuân Chính (dân gian quen gọi là Trạng Cháy). Các vị đại khoa gồm:
          1. Nguyễn Khao: đỗ Tiến sĩ (Hội nguyên) năm 1490
          2. Nguyễn Thời Phùng: đỗ Tiến sĩ năm 1508
          3. Nguyễn Hiên: đỗ Tiến sĩ năm 1535
          4. Nguyễn Niệm: đỗ Tiến sĩ năm 1538
          5. Nguyễn Xuân Chính: đỗ Trạng Nguyên năm 1637
          6. Nguyễn Đình Bảnh: đỗ Tiến sĩ năm 1670
          7. Nguyễn Xuân Đỉnh: đỗ Tiến sĩ năm 1676
          8. Nguyễn Công Hãng: đỗ Tiến sĩ năm 1700
          9. Nguyễn Đức Minh: đỗ Tiến sĩ năm 1710
          10. Nguyễn Đình Thiều: đỗ Tiến sĩ năm 1779
          Các vị đại khoa ở Phù Chẩn đều ra làm quan, cống hiến tài đức cho đất nước và quê hương, nhiều vị trở thành những danh nhân lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quê hương và dân tộc như Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Công Hãng.
          Nguyễn Xuân Chính đỗ Trạng Nguyên năm Đinh Sửu (1637), lúc đó đã 50 tuổi là một học trò thông minh từ nhỏ đã từng có câu đối nổi tiếng đối lại  quan huyện như sau:
          Quan huyện ra câu đối "Chàng màng, chàng màng, thấy dọn đàng thì lần như Cuốc". Xuân Chính đối lại: “Hục hặc, hục hặc, nghe có giặc đã run như cầy" vừa hoàn chỉnh về câu chữ, con vật, vật dụng nhưng hiểm ở chỗ quan huyện bị Xuân Chính chửi lại là đồ "hèn nhát" mà phải chịu "ngậm bồ hòn".
          Nguyễn Công Hãng đỗ Tiến Sĩ năm Canh Thìn (1700), làm tới chức Thượng thư. Truyền rằng ông đi xứ nhà Thanh đã xóa bỏ được vạ "chém đầu Liễu Thăng" phải nộp cống "Tượng người vàng và giếng nước Cổ Loa" từ thời Lê Lợi khi thắng quân Minh có giảng hòa cho Lê Lợi cho đúc "người vàng" để thay thế cho người thật Liễu Thăng bị chém.
          Truyền thống lịch sử văn hóa của Phù Chẩn được thể hiện tập trung và tiêu biểu trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng, đặc biệt trong lễ truyền thống của làng Phù Chẩn.
          Từ xưa, người Phù Chẩn tôn thờ "Tứ thánh nhất tâm" đó là:
          - Tuấn vương, phong Bộc Xạ đại vương, thờ ở đình Phù Chẩn.
          - Dược vương, phong Dược Thánh đại vương, thờ ở đình Phù Luân.
          - Bất Lự vương, phong Bất Lự đại vương, thờ ở đình Phù Lộc.
          - Ngọ vương, phong Tứ Ngọ đại vương. thờ ở đình Phù Tảo.
          Theo thần tích, truyền thuyết thờ phụng của nhân dân Phù Chẩn, tứ Thánh là 4 vị tướng đã có công giúp vua An Dương Vương đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nhà nước Âu Lạc. Các vị tướng trong chiến đấu phò vua giúp nước đã coi nhau như anh em, sau khi hóa được nhà vua ghi công, ban sắc cho dân Phù Chẩn thờ làm thần hoàng với mỹ tự "Tứ thánh nhất tâm" nhằm ca ngợi mối quan hệ cao đẹp của 4 vị thánh. Chính vì vậy, nhân dân 4 thôn của Phù Chẩn từ xưa đến nay vẫn coi nhau như anh em. Bốn thôn cùng lập một đình chung gọi là đình hàng để tôn thờ "Tứ thánh" và tổ chức lễ hội hàng năm. Đặc biệt là các bậc hiền tài khoa bảng của Phù Chẩn cũng được phối thờ ở đình thể hiện truyền thống hiếu học, khoa bảng của nhân dân Phù Chẩn.
          Đình Chung - tức đình hàng xã là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của Phù Chẩn diễn ra từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch hàng năm. Hội Phù Chẩn là lễ hội lớn ở trong vùng, được nhân dân Phù Chẩn chuẩn bị chu đáo và tổ chức thật trang nghiêm, sôi động theo trình tự sau:
          - Ngày mùng 5: lễ nhập tịch (vào hội). Các quan viên, kỳ mục, lý dịch ở các thôn tiến hành bao sái (tắm rửa) tượng đức thánh, các đồ thờ tự, sắm sửa lễ vật, tiến hành tế lễ nhập tịch ở Nghè. Chuẩn bị lễ rước.
          - Ngày mùng 6: ngày chính hội. Các giáp ở các thôn đem lễ vật ra đình chung tế lễ. Các thôn tổ chức rước bài vị thánh về đình chung tế lễ "Tứ thánh". Lễ rước thật uy nghiêm với ngai, tàn, lọng, cờ, biển, các đồ thần khí, lễ vật... từ 4 thôn kéo ra đình chung với sự tham gia của hàng nghìn người làm cho cuộc rước oai linh, hùng tráng. Sau lễ rước là tế "Tứ thánh" do các thôn tiến hành gọi là tế hàng tổng.
          - Ngày mùng 7: tiếp tục tế lễ ở đình chung. Các thông tổ chức ăn uống chung. Các cụ bà dâng hương hoa cúng phật ở chùa.
          - Ngày mùng 8: Các thôn tổ chức cúng Hậu nhằm nhớ ơn những người đã đóng góp cho dân xây dựng, tu bổ đình, chùa, nghè, miếu, mở mang tập tục, xây dựng văn hiến quê hương. Trong ngày này, các phường, các hội như hội vật, bát âm, môn sinh, tuồng, chèo, tư văn, tổ chức tế lễ ở đình và ăn uống chung, bàn bạc việc xây dựng củng cố tổ chức, tiến hành các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ đông hội như đấu vật, đu tiên, cờ người, tổ tôm điếm, hát chèo, diễn tuồng, hát quan họ...
          - Ngày mùng 10: các quan viên hương lão của 4 thôn cùng nhau tế lễ ăn uống ở đình chung. Tiến hành tế giã.
          - Ngày 11: tiến hành rước các đức thánh về an vị ở nghè của 4 thôn. Lễ rước uy nghiêm, sôi động như lễ rước lên đình chung. Sau đó các thôn tổ chức các cuộc vui thể thao và hát xướng.
          Đặc sắc trong lễ hội Phù Chẩn là Tuyên đọc bản "Mục lục văn tế đình". Bài văn tế này do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn. Truyền rằng, khi Trạng nguyên vinh quy bái tổ, dân làng đã mời quan Trạng viết bài văn tế đình để một mặt "Thử tài quan Trạng", đồng thời có được bài văn tế nêu rõ được truyền thống văn hiến của quê hương nhằm khuyến khích các thế hệ tiếp nối giữ gìn và phát huy. Trạng nguyên đã soạn bài văn tế với tất cả tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc cùng niềm tự hào về truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương Phù Chẩn.
          Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, Phù Chẩn đã có những bước phát triển vượt bậc trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trở thành xã Phù Chẩn trù phú của thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh.
          Nhưng những giá trị lịch sử và truyền thống văn hóa của quê hương Phù Chẩn vẫn được bảo tồn và phát huy. Đình làng Phù Chẩn, nhà thờ gia tộc và quan Trạng Nguyễn Xuân Chính được tu bổ, tôn tạo, tôn nghiêm được Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
          Lễ hội truyền thống Phù Chẩn vẫn được duy trì tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa, thể thao phong phú, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc văn hóa làng Phù Chẩn giàu truyền thống lịch sử, văn hiến cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét