Trong ý thức thờ cúng tổ tiên của cả nước đã được khắc sâu hàng trăm năm, hình thành nên thế song hành với thờ cúng tổ tiên của gia tộc, của từng gia đình, cái này nương tựa vào cái kia không thể tách rời nhau được.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chim có tổ, người có tông” đã nói lên đạo lý hết sức bền vững của dân tộc. Để rồi trên cơ sở đó việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một nghi thức, một tập tục truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá tinh thần.
Trong gia đình người Việt bất cứ ở đâu, theo tôn giáo nào hoặc làm gì nhưng không thể thiếu bàn thờ tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ được đặt ở nơi trang trọng nhất. Các chi của dòng họ đều có nhà thờ, cả dòng họ có nhà thờ chính gọi là nhà thờ đại tôn. Cứ đầu năm vào ngày rằm tháng giêng, con cháu bất kể xa gần đều phải về cúng tế tại các nhà thờ (gọi là tế tổ). Trước đây, thời kỳ phong kiến ruộng đất thuộc tư nhân, tộc trưởng cai quản dòng họ được thừa hưởng một số ruộng đất hương hoả để có nguồn kinh phí trang trải cho việc mua sắm lễ vật ngày tế tổ tại nhà thờ. Ngày nay, một số dòng họ quy định mức đóng góp theo số lượng con trai trong gia đình, trai càng đông thì mức đóng hàng năm càng nhiều. Cũng có dòng họ, tộc trưởng quy định mỗi gia đình rằm tháng giêng tế tổ phải bắt con cháu mang tới nhà thờ cỗ xôi, con gà hoặc đầu heo đã luộc chín để cúng. Sau khi cúng xong các gia chủ chia ra một phần để ngồi lại cùng ăn, uống với nhau, thăm hỏi sức khoẻ, việc làm, học hành, tạo ra sự gần gũi, thân mật trong dòng họ. Phần còn lại mang về nhà cho người vắng mặt. Việc sắp xếp ngồi vào bàn ăn uống cũng có thứ tự theo phả hệ chứ không theo tuổi tác. Có khi lớn tuổi nhưng vai thứ, đàn em phải ngồi mâm dưới, tuy tuổi còn trẻ nhưng là đàn anh lại được sắp xếp ngồi bàn trên.
Tuy nhiên, có người nhận xét nếu vẫn giữ như vậy là còn phong kiến quá, không bình đẳng, cứ sắp xếp đủ mâm như kiểu đám cưới là được. Song đa số thì ủng hộ và xem đây là nét đẹp văn hoá của gia tộc, dòng họ, là biểu hiện tôn ti, trật tự, có như vậy ở ngoài xã hội con cháu mới biết kính trên nhường dưới, tôn trọng người trên, tôn trọng pháp luật. Mà muốn được cộng đồng, họ đoàn tôn trọng thì lớp trên cũng phải biết tự đều chỉnh mình trong cách sống, cách ứng xử để làm gương cho mọi người noi theo. Gia đình giữ được gia phong thì con cháu được giáo dục lễ phép, có hiếu với ông, bà, cha, mẹ. Đất nước giữ được kỷ cương phải thượng tôn pháp luật. Tục ngữ Việt Nam chỉ rõ “nhà dột từ nóc dột xuống” nhằm răn dạy bậc trên luôn gìn giữ đạo đức, phẩm chất tốt, là tấm gương phản chiếu soi rọi cho lớp trẻ noi theo. Trong triết học cũng đã nói: “Nhân nào quả đó”.
Sự thờ cúng tổ tiên có một nét rất đặc thù là tổ tiên gia đình và tổ tiên cả nước gắn rất chặt với nhau trong việc tưởng niệm và thờ cúng. Các vua Hùng được coi là tổ tiên của người Việt. “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Trong nhiều thế kỷ liền, hết thế hệ này đến thế hệ khác, năm nào cũng về dự lễ hội Đền Hùng để tưởng nhớ và thờ cúng tổ tiên của mình. Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, là điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Cả nước tôn thờ một vị Quốc Tổ, đó là truyền thống độc đáo, là nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh. Trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại phong kiến đã luôn khẳng định và tôn vinh các Vua Hùng, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, vai trò, vị trí của Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được đề cao xứng đáng với tầm vóc của Quốc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương như ngày nay.
Theo một thống kê của Bộ Văn hoá – Thông tin năm 2005 (nay là Bộ VH-TT và Du lịch) cho biết cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Kể từ năm Canh Thìn 2000, Chính phủ quyết định nâng lên thành Quốc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các địa phương hằng năm đều cử các đoàn đại biểu đại diện cho các dân tộc về vùng đất thiêng Phú Thọ cung tiến sản vật do bàn tay nhân dân lao động làm ra để được tri ân công đức tổ tiên. Người dân ở các địa phương xa không có điều kiện về đất Tổ thì đến bái vọng ở các di tích thờ Vua Hùng gần nhất. Sau khi có chủ trương tổ chức Quốc Lễ, nhiều xã, phường ở Lâm Đồng cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm lập bàn thờ Giỗ Tổ ngay tại trụ sở làm việc để cán bộ và nhân nhân địa phương có điều kiện thắp nén nhang vái lạy tổ tiên.
Trong ý thức thờ cúng tổ tiên của cả nước đã được khắc sâu hàng trăm năm, hình thành nên thế song hành với thờ cúng tổ tiên của gia tộc, của từng gia đình, cái này nương tựa vào cái kia không thể tách rời nhau được. Sự thờ cúng tổ tiên không chỉ biểu hiện ở hai cấp nước và nhà như vừa nói mà còn thấy sự thờ cúng tổ tiên của cộng đồng làng xã những vị tiền khai khẩn vùng đất (Thành Hoàng)… Sự thờ cúng tổ tiên trung gian này cũng hết sức quan trọng để tăng cố kết cộng đồng làng xã. Sự gắn bó cá nhân – gia đình – dòng họ – làng, xã – đất nước là một nét cố hữu của đời sống tinh thần.
Như vậy, thờ cúng tổ tiên rõ ràng là một tín ngưỡng truyền thống sâu sắc, một nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam được củng cố và duy trì khá bền vững. Thông qua việc thờ cúng tổ tiên ai cũng tin rằng tổ tiên gia đình, dòng tộc của mình là linh thiêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, họ phù hộ cho con cháu khi gặp rủi ro, ân thưởng cho con cháu khi làm điều thiện và cũng quở trách con cháu khi làm điều ác. Chính vì vậy làm cho sự thờ cúng này tồn tại lâu bền. Hai yếu tố đạo lý và tín ngưỡng đã xây dựng nền tảng cho sự thờ cúng tổ tiên đã và đang làm cho nó trở thành nét sâu đậm văn hoá trong đời sống tâm linh của mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét