Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Câu Đối Tết – Nét Đẹp Văn Hóa Việt

Cùng với những bức tranh Tết trang nhã, lời chúc tốt đẹp để đón chào năm mới thì các dòng chữ, câu văn mà thi nhân gửi lời, gửi ý, gửi hoài vọng trong câu đối Tết cũng là một trong những món quà tinh thần được vật chất hóa để thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, khỏe mạnh, hạnh phúc…

Câu đối Tết
Câu đối Tết
Câu đối là một trong sáu thứ tiêu biểu nhất của ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Xưa, hầu như nhà nào cũng có dán những câu đối chào mừng năm mới ở trước cửa, hay trên bàn thờ, thân cột cái. Câu đối trở thành nhu cầu tinh thần mọi người biểu lộ sự thích chuộng chữ nghĩa, văn chương cùng cái thi vị của hồn thơ mà ai ai cũng muốn có. Do vậy, cứ mỗi độ xuân về thì người ta thấy có nhiều cụ đồ ngồi ngoài hè phố, hoặc là ở những chợ tỉnh để cắm cúi viết câu đối bán cho người qua đường thuộc giới bình dân. Còn người “văn hay chữ tốt”, những bậc khoa bảng đều tự tay viết lấy câu đối để trang trí cho nhà mình. Nhà thơ Tú Xương đã từng khai bút đầu năm:
“Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối”.
Với những dòng chữ đầu năm, văn nhân đem ý nguyện lồng vào nét mực, gửi mong mỏi trong một bài thơ, đặt tâm sự trong từng câu đối. Có nhiều câu đối nay đã được lưu truyền, tán thưởng trong dân gian từ nhiều đời qua. Chẳng hạn như:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà
(Nguyễn Công Trứ).
Hoặc:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ đói
Sáng mồng một, nới lỏng then tạo hóa, mở toác ra cho thiếu nữ rước xuân vào
(Hồ Xuân Hương).

4 bức hoành phi câu đối Tết
4 bức hoành phi câu đối Tết
Câu đối là một loại thể văn học, có tính chất bác học thuộc thể biền ngẫu: gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự việc, một hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội. Câu đối trước đây còn được gọi là Doanh liên, Đối liên hoặc Liễn (Doanh là cột, Liên là sự liên kết, Đối là đối xứng giữa hai vế, Liễn là tấm vải hoặc giấy dùng để viết hai vế đối). Xét về lịch sử, nhiều tài liệu cho rằng câu đối có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo sách Sơn hải kinh thì câu đối bắt nguồn từ tục làm Đào phù (làm bùa trên gỗ cây đào) để trừ tà ma. Người ta khắc tên hai ông thần (Thần Trà và Thần Quách) lên vách gỗ đào rồi treo ở ngoài cửa vào dịp Tết. Tết năm 959, chúa nhà Mậu Thục tên là Mạnh Xưởng đã viết lên ván đôi câu đối thay cho Đào phù:
“Tân niên nạp dư khánh, giai tiết hiệu trường xuân”
(Năm mới mang đến điều may đầy đủ, tiết tốt báo hiệu ngày xuân mãi dài).
Đây được xem là đôi liễn xuân đầu tiên cách đây trên 1.000 năm hiện còn được lưu giữ ở Bảo tàng Trung Quốc.
Đối với nước ta, câu đối Việt Nam được bắt nguồn từ đời sống thực tế xã hội Việt Nam, bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu tự nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Tính cân xứng là một đặc tính rất điển hình của tiếng Việt. Theo nguyên lý cấu trúc loại hình, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn tiết, song nó chứa một khối lượng không nhỏ các từ song tiết. Đây là cơ sở thích hợp cho việc phát triển thể loại câu đối. Hơn nữa, từ những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen thuộc hằng ngày cũng có thể hình thành những vế đối tự nhiên. Chuyện kể rằng: Có một anh đến xin cụ Nguyễn Khuyến đôi câu đối về thờ ông. Sau khi đặt cơi trầu lên bàn, anh ta lễ phép thưa:
- Cháu kiếm một cơi trầu đem biếu cụ để xin đôi câu đối thờ ông.
Nghe xong cụ vừa cười vừa bảo:
- Anh chẳng phải xin vì chính anh đã tự làm câu đối rồi đó.
Anh này ngơ ngác chẳng hiểu nên cụ bảo:
- Để tôi nhắc lại câu anh vừa nói:
“Kiếm một cơi trầu đem biếu cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông”.
Rồi cụ bảo:
“Câu này chỉnh lắm. Vừa nôm na dễ hiểu vừa thể hiện được tấm lòng chân thành của anh. Để tôi ghi nguyên văn câu anh nói rồi đem về thờ”.
Cố GS.TS Dương Thiệu Tống, đã từng xem câu đối là một phương tiện trắc nghiệm trí tuệ rất thông dụng của người xưa, và nhiều khi rất hữu hiệu của các nhà giáo thời xưa, nhằm chẩn đoán khả năng trí tuệ của người học, và tiên đoán sự thành công trong việc học tập và trong nghề nghiệp tương lai. So với khoa trắc nghiệm trí tuệ trên thế giới, đã phát triển trong vòng 100 năm nay, đã bắt đầu từ châu Âu và ngày nay được sử dụng trên khắp thế giới trong các lĩnh vực hướng học, hướng nghiệp thì các nhà giáo của ta thời xưa đã ý thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán và tiên đoán khả năng trí tuệ và tâm lý của con người rất sớm, trước các nhà trắc nghiệm trên thế giới nhiều trăm năm bằng hình thức câu đối.
Câu đối đỏ
Câu đối đỏ
Trở lại với câu đối Tết, nội dung thường luôn mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta đến điều đạo đức, như: Mơ ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và có nhiều bạn bè, ngày Tết người ta thường hay dán ở hai trụ cổng câu đối:
Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai (Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến
Nhà có người vào lắm vật vào).
Còn trên hàng cột ở hiên nhà thì thường dán câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường xuân
(Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi/ Thần tiên vui thú cảnh đời đời).
Câu đối dán, treo trong nhà mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn (dù vẫn thể hiện ước vọng chung). Có thể là câu đối cầu thọ, cầu phúc:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
(Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân đầy đất trời, phúc đầy nhà).
Hoặc câu đối cầu đức:
Phúc mãn đường, niên tăng phú quí
Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa
(Phúc đầy nhà năm thêm giàu có/ Đức ngập tràn ngày một vinh hoa).
Tục chơi câu đối tuy đã có từ xưa, nhưng cho đến nay hầu như vẫn còn giữ được tính thời sự của nó. Nhất là những gia đình mà truyền thống dân tộc vốn là “mã di truyền” khắc vào tâm khảm họ. Và đặc biệt là các báo xuân, dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, luôn có những câu đối Tết tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới. Trên Báo Giáo Dục TP.HCM xuân cũng từng có câu đối rất hay:
Hai mươi tuổi trẻ măng, các cụ cũng gọi thầy nghe mà đỏ mặt
Sáu chục xuân già cả, con trẻ tự xưng em nghĩ lại tươi đời.
Những câu đối Tết thường được viết trên giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Nó vừa nổi trội, vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai… làm tươi sáng thêm không khí Tết. Ngày Tết, bên chung trà, chén rượu cùng ngẫm nghĩ về những câu đối Tết của người xưa, khiến ta một lần nữa thêm lòng tự hào về trí thông minh, tài sáng tạo, nét tài hoa của tổ tiên đã tạo ra một loại sản phẩm văn chương đặc biệt, nó vừa công phu tỉ mỉ, lại vừa cô đúc ngắn gọn. Trong một tác phẩm “mini” ấy thể hiện đủ cả cái đẹp cân đối nhịp nhàng của hình thức và cái uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét