Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
                  Cuống rạ
Chị bảo
             - Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
             Từ nay ta xin gọi là chồng
Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
             - đâu phải Lá Diêu bông
 Mùa đông sau 
Em tìm thấy Lá 
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy Lá 
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con 
Em  tìm thấy Lá  
Xoè tay phủ mặt
Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
Đi  đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
                           Diêu bông hời..! 
                                                      ... ới Diêu bông !...

Trò chơi đố- tìm thời con trẻ hầu dễ mấy ai không một lần trải nghiệm trong cuộc đời. Nhưng để lại một tác phẩm thi ca độc đáo và thật sự có giá trị từ trò chơi đó như bài Lá Diêu bông của cố thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm thì thật sự hiếm hoi.
Trước sự nghiệt ngã của thời gian, người ta chẳng thể nào giữ lại mãi sự vĩnh hằng của tuổi thơ- cái thời một đi không trở lại- ngoài việc ký thác nó vào tác phẩm văn chương nghệ thuật. Vâng, đúng là như vậy!

Phụ nữ Việt Nam trước đây thường mặc váy. Váy dài hay ngắn nào có can hệ gì đến ai đâu mà phải bận tâm, chạnh lòng cơ chứ. Nhưng mặc váy để buông chùng cửa võng thì chỉ thấy có ở con gái Đình Bảng, một miền quê giàu truyền thống văn hoá của tỉnh Bắc Ninh. Cần nhớ rằng từ “võng” ở đây nằm trong cụm từ “võng lọng” dùng để chỉ một loại võng sang trọng, quí phái dành cho những quan chức và những người đỗ đạt, chứ không phải là loại võng đay, võng lác (cói) thông thường mà những người dân quê ngày xưa vẫn dùng. 

Do vậy “Váy chùng cửa võng” chỉ có thể hiểu là loại váy sang trọng, mỏng, mượt và mịn bằng chất lụa tơ tằm, chứ không hẳn đã là váy dài, váy rộng. Mỗi khi mặc vào tạo cho dáng người con gái thướt tha, yểu điệu, quí phái và đáng yêu hơn. Con gái Kinh Bắc trước đây mặc váy là một cơ hội vừa để khoe với bạn bầu về tài nghệ khâu vá, ăn mặc, khoe với mọi người vẻ đẹp hình thể của cặp giò thon thẳng, bộ ngực nở nang của người con gái ở tuổi mới lớn, vừa để biểu lộ tình yêu và nhu cầu tình dục của mình trước những người khác giới. Nhưng nếu là váy phủ kín hay để hở cửa võng thì còn gì là con gái Đình Bảng vùng Kinh Bắc nữa cơ chứ! Đằng này lại váy buông chùng cửa võng, mới biết con gái ở vùng quê này thuộc vào đẳng cấp nào, mà họ dám như vậy. Nhưng cũng chính vì điều ấy mà làm khổ nhiều người, trong đó có chàng thi sĩ đa tình Hoàng Cầm, đến mức không thể kìm nổi lòng mình buộc phải buông một câu chết người đến như vậy: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”.

Đằng sau câu thơ là sự ẩn giấu một phản xạ vô thức khát vọng của con người tự nhiên, mà không một người nào không có. Nhưng có dám nói thật lòng mình hay không thì chẳng phải ai cũng có thể. Chỉ riêng điều ấy thôi, chúng ta là những người đang sống trong thời kỳ hội nhập và phát triển hôm nay cũng cần phải cám ơn nhà thơ Hoàng Cầm, người cách đây gần một nửa thế kỷ đã dũng cảm nói lên một sự thật vừa kín đáo, tế nhị lại vừa không dễ được mọi người chấp nhận, vì những ràng buộc của thói đạo đức giả phong kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của con người hàng bao đời nay. Nhưng biết đâu đấy chẳng là nguyên nhân sâu xa khơi gợi trò chơi đố- tìm giữa hai chị em, để rồi nó vĩnh viễn trở thành bài thơ bất hủ trong lịch sử văn học Việt Nam.

Theo tập quán của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung, thì con trai thường yêu con gái kém tuổi mình và cùng lắm là hai người bằng tuổi nhau, rất hiếm khi con trai yêu con gái hơn tuổi mình. Nhưng điều thú vị ở đây không chỉ là tình yêu giữa chị và em, mà hơn thế tình yêu ấy lại đến từ trò chơi đố- tìm thuở ấu thơ cách đây gần hơn nửa thế kỷ, khi mà những luật tục cấm kỵ, kiêng khem (taboo custums) phong kiến ở các vùng nông thôn nước ta còn rất nặng nề. Điều đó chứng tỏ tình yêu trong lòng cậu bé- thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm và cô chị hàng xóm từ thuở nhỏ đã mãnh liệt đến mức không một thứ đạo đức phong kiến nào có thể cản được. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi của một trò chơi đố- tìm thông thường của con trẻ. Chuyện tình này đã diễn ra trước lúc bài thơ ra đời (1959) chừng 30 năm. Ký ức của tình yêu đầu đời đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm tưởng nhà thơ như một định mệnh, bám riết và day dứt suốt cuộc đời nghệ sĩ của ông: Từ thuở ấy. Em cầm chiếc lá. Đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi. Diêu bông hời...!...ới Diêu bông!...

 Toàn bộ cảm hứng của bài thơ đều xoay quanh việc tìm chiếc Lá Diêu bông, một thứ không có thực trên đời này. Vậy mà khi được chị đố: Đứa nào tìm được Lá Diêu bông. Từ nay ta xin gọi là chồng thì cậu em băng băng đi tìm, những mong được chị gọi là chồng, chỉ thế thôi! Nhưng sự trớ trêu của cuộc đời là dù em có tìm được hay không thì chị vẫn phải xe chỉ ấm trôn kim, còn em mãi vẫn là cậu bé chưa kịp lớn. Để rồi suốt đời em cầm trong tay chiếc Lá Diêu bông như ôm một lá bùa định mệnh của tình yêu thuở ban đầu đi khắp thế gian này mà ngẩn ngơ, ngậm ngùi và tiếc nuối. Hóa ra tìm một cái không có thực như chiếc Lá Diêu bông còn dễ hơn trăm lần tìm một tình yêu đích thực (?!). Nếu không có sức mạnh của một tình yêu trong sáng như pha lê không mảy may gợn chút toan tính, sợ mất công, tốn sức, thì chẳng ai hoài công mà lại đi tìm một thứ không có như vậy. Phải chăng với sự nhiệm màu và sức mạnh của mình, tình yêu đã biến Cái không thể thành Cái có thể.

Câu chuyện về chiếc Lá Diêu bông gắn liền với nỗi đam mê thanh cao mà tục lụy của thi sĩ Hoàng Cầm. Chiếc Lá Diêu bông không chỉ là biểu tượng chung cho những tình yêu đầy trắc ẩn và trái ngang cuả bao lứa đôi trên thế gian này, mà còn là cội nguồn của mọi cảm hứng thi ca của chính nhà thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét