Mối quan hệ tam giáo trong thời Lý
Từ ngàn xưa, nước ta tuy là một nước bé nhỏ nghèo nàn,lại chịu nhiều cực khổ lầm than trước sự xâm lăng,đô hộ của phương Bắc, nhưng dân tộc ta luôn tôn trọng đạo lý,một thứ đạo mà tổ tiên ta gọi là " đạo làm người", dù sống chết cũng không xa rời. Bởi thế nên ngay từ thế kỷ thứ II, thứ III, khi đất nước còn nội thuộc nhà Hán, đã có đến 3 tôn giáo lớn được du nhập và truyền bá ở nước ta, được nhiều tầng lớp dân ta đón nhận, từ vua quan cho đến thứ dân. Đó là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo.
Thông thường, tôn giáo nào cũng có những điểm ưu việt, nhưng bên cạnh đó không tránh khỏi những điểm dị biệt hay thái quá bất cập, khó hòa hợp. Thế nhưng tổ tiên ta đã khéo léo điều hợp và chọn lọc ra những điểm ưu việt để vận dụng vào đời sống xã hội, văn hóa, chính trị, thậm chí còn đưa vào quốc sách qua nhiều triều đại đã đưa đất nước tới một vị trí tự chủ vững vàng mà đỉnh cao là ở thời Lý.
Để tìm hiểu sự điều hợp tuyệt vời giữa ba tôn giáo Nho, Phật, Lão mà tổ tiên ta đã khéo léo thực hiện, trước hết ta hãy tìm hiểu riêng từng tôn giáo:
1. Nho giáo : hay đạo Nho do đức Khổng tử (551-479 tr TL), người nước Lỗ sáng lập bằng cách gom góp những bài học đạo đức của người xưa, tóm tắt thành những cương lãnh tôn chỉ cho người đời noi theo và rèn luyện để thành những con người hoàn thiện hữu ích.
Tôn chỉ của đạo Nho là: Tam cương (Quân, Sư, Phụ) và ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ ,Trí, Tín) dành cho nam giới để hướng tới một mẫu người "quân tử" cao đẹp vượt hẳn trên hạng người tầm thường nhỏ nhen gọi là "tiểu nhân". Điều đáng nhấn mạnh ở đây là trong tam cương, Vua được đặt lên vị trí hàng đầu trên cả Thầy và Cha. Tư tưởng Trung Quân Ái Quốc này có phần máy móc thái quá, cần được xét lại trong từng trường hợp. Riêng đối với phụ nữ thì tôn chỉ là: Tam tòng (tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và Tứ đức (Công, Dung, Ngôn, Hạnh) .Quan niệm tứ đức này cũng chưa hẳn là hợp lý, còn có những ngoại lệ tốt đẹp (sẽ bàn sau).
Giáo lý cơ bản của đạo Nho được tóm tắt và diễn giải trong bộ sách Tứ Thư dịch ra quốc ngữ lưu hành ở Việt Nam gồm 4 cuốn:
1) Đại học : dạy đạo của người quân tử từng bước phải theo là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
2) Trung dung : người quân tử luôn phải giữ đúng mực, không thái quá, không bất cập trong mọi hành động và thái độ xử thế.
3) Luận ngữ : Kể và bình luận những mẩu chuyện Khổng tử đối thoại với học trò thể hiện đạo người quân tử ứng dụng vào thực tiễn.
4) Mạnh tử : là cuốn sách do một học giả đời sau lấy tên là Mạnh tử (372_289 tr. TL) về đời chiến quốc, học trò Tử Tư cháu đích tôn của Khổng tử, thừa kế và phát huy đạo của Khổng tử viết nên cuốn sách này với nhiều tư tưởng sáng tạo của ông để dạy học trò và phổ biến lại cho người đời. Ông cũng được coi là bậc á Thánh.
· Đạo Nho được truyền sang nước ta cùng với chữ Nho ngay từ thời nhà Hán xâm chiếm và đô hộ nước ta. Dân ta thời ấy chưa có chữ viết chính thức nên được học chữ Nho cùng với đạo lý của thánh hiền do các quan Tàu và các vị thiền sư người Tàu dạy cho là điều rất quý - Không những con cháu vua quan, giới qúy tộc mà cả thường dân ai có khả năng và điều kiện cũng có thể học. Nhưng chúng chỉ dạy đến một trình độ nào đó đủ để sử dụng người học làm quan lại hay tay sai cho chúng. Ai có chí lớn muốn học cao hơn thì phải xin sang du học ở nước Tàu. Trong số này có nhiều người hiển đạt trở về giúp nước.
2. Phật giáo : Do đức Thích Ca hay Tất Đạt Đa (Siddhartha) họ Cồ Đàm (Gotama) (563_483 tr .TL) người Ấn Độ sáng lập nên. Xuất thân là một thái tử đã trưởng thành, ngày ngày sống trong cung điện nguy nga, giao thiệp với toàn hàng quý tộc, một hôm Ngài lẻn ra ngoài thành để tìm hiểu cuộc sống ngoài dân gian. Nhìn thấy những cảnh khổ sở điêu đứng của kiếp người mà không ai có thể tránh khỏi qua sinh, già, bệnh, chết cùng bao nổi lo âu phiền não khác, Ngài bức xúc quyết đi tìm một con đường thoát khổ cho kiếp người. Thế rồi 29 tuổi đời, một đêm, ngài quyết dứt bỏ cả ngai vàng cung điện cùng vợ đẹp con xinh, sai người đánh xe ngựa đưa ra tận ven rừng, Ngài xuống xe bảo người đánh xe dẫn xe ngựa về rồi một mình đi lang thang len lỏi vào rừng sâu, chịu cảnh nằm gai nếm mật, tu hành xác đến 6 năm trời mà chưa tìm được chút gì gọi là chân lý. Sau cùng bằng cách ngồi thiền định dưới cội bồ đề sau 49 ngày Ngài hoạt nhiên giác ngộ hoàn toàn, thấu suốt được chân lý vi diệu của vạn vật. Ngài thấy được đời người là bể khổ trầm luân hết kiếp này qua kiếp khác đọa đầy bởi quy luật nhân quả không bao giờ thoát ra được. Nguyên nhân của sự khổ là lòng tham ái sở hữu đối với những sự vật vô thường kể cả thân xác mình. Và ngài đã tìm ra con đường thoát khổ là phép Tứ Diệu Đế gồm 4 bước:
1/ Nhận ra đời là bể khổ trầm luân qua nhiều kiếp.
2/ Nguyên nhân sự khổ là lòng tham ái.
3/ Đoạn diệt với nguyên nhân.
4/ Thực hành bát chánh đạo.
Con đường tu hành rất cam go nhưng nếu tin tưởng và quyết tâm sẽ dẫn tới giải thoát khỏi luân hồi để đến niết bàn hay cõi cực lạc. Giáo lý của đạo Phật còn gồm cả lòng từ bi hỷ xả, thương xót đồng loại và cả chúng sinh và mục đích của người tu hành không phải chỉ để giải thoát cho chính mình mà còn là tự giác giác tha. Sau khi chứng đạo rồi Ngài đã đi chu du khắp nơi để thuyết pháp và truyền đạo. Đến đâu cũng được nhà vua và hàng quý tộc trọng vọng và hàng ngàn người phát tâm theo đạo. Ngài nhập diệt ở tuổi 80.
· Phật giáo được truyền vào nước ta từ cuối thế kỷ thứ II khi còn nội thuộc nhà Hán, bằng hai con đường:
1) Từ các vị sư Tàu sang lánh nạn ở miền Bắc nước ta khi Hán triều có nội loạn ở TK II-III.
2) Từ các thiền sư từ Ấn Độ trực tiếp sang truyền đạo và lập nên các thiền phái ở nước ta từ TK II-III kéo dài nhiều đời.
Phật giáo được lan truyền trong dân gian qua nhiều triều đại liên tiếp không những thứ dân mà cả vua quan cũng tôn sùng. Tới đây thì phật giáo đã đương nhiên trở thành quốc giáo. Ở các triều Đinh và Lê, khi nền độc lập còn non trẻ, các vị vua tuổi đời và trình độ học thức cũng không cao đã mời các Thiền sư Nho học uyên bác, đạo pháp cao thâm vào triều làm cố vấn chính trị và ngoại giao. Thiền sư Ngô Chân Lưu đã được vua Đinh Tiên Hoàng phong tặng danh hiệu Khuông Việt (hàm ý tích cực giúp nước Việt) và được phong chức Tăng Thống. Thiền sư Vạn Hạnh, người quán triệt cả tam giáo Phật, Lão, Khổng cũng được vua Lê Đại Hành mời làm cố vấn quân sự khi phải đối đầu với giặc Tống. Nhờ thế mà cả hai triều Đinh và Lê đã giữ vững được thế lực và được vua quan nhà Tống kính nể hơn.
3.Đạo giáo : hay Lão giáo do Lão Tử, một triết gia nổi tiếng người Trung Hoa sáng lập nên, không rõ ngày sinh và mất, nhưng nhiều học giả Tàu cho rằng ông cùng thời với Khổng Tử và hơn Khổng Tử vài chục tuổi nghĩa là vào khoảng 570 đến 490 tr. Tây lịch. Khổng Tử đã có lần tìm đến yết kiến ông để hỏi đôi điều. Ông đã viết nên cuốn Đạo Đức Kinh được nhiều triết gia Tây phương ngưỡng mộ , như René Bertrand đã viết: "Ông chỉ viết có một cuốn sách rất vắn tắt "Đạ o Đức Kinh" -vài dòng chữ hợp thành cuốn sách ấy chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên trái đất này"(sagesse perdue) và E.V Zenker đã viết "Lão Tử đâu phải chỉ sống cho nước Trung Hoa và thời buổi của ông mà thôi; ông là một bậc thầy thuần túy nhất và sâu sắc nhất của nhân loại" (Histoire de la Philosophie Chinoise).
Triết lý của Lão tử được xoáy sâu vào một chữ ĐẠO. Ông quan niệm Đạo là Mẹ của vũ trụ và vạn vật, một khái niệm không thể mô phỏng hay hính dung bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm linh. Đạo là một khoảng hư không rộng lớn vô biên, tồn tại trong thời gian vô thủy vô chung, từ đó phát sinh ra hai khí âm dương đối lập và vạn vật trong vũ trụ được chuyển động theo một số quy luật đại thể, như "vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản", "âm dương hổ tương song hành", "trong âm có dương trong dương có âm"... Những quy luật này cũng là nền tảng của triết lý Đông Phương.
Ông coi Đạo là một chân lý tuyệt đối, người ta có thể hiểu bằng suy tưởng, bằng tâm linh và một khi đã hiểu thì không thể dùng ngôn ngữ để nói ra chỉ dạy cho người khác hiểu. Bởi thế nên có câu: "Đạo khả đạo phi thường đạo"- Nghĩa là: Đạo mà có thể nói ra hay chỉ dẫn cho người ta hiểu thì không phải đúng nghĩa cái đạo mà ta muốn nói, chỉ là mô phỏng thôi. Trong câu trên chữ " đạo" thứ nhất và thứ hai được viết bằng cùng một chữ Nho nhưng nghĩa khác nhau: chữ đạo thứ nhất là cái đạo mà ta muốn nói (danh từ) chữ đạo thứ hai nghĩa là nói hay chỉ dẫn (động từ). Đây cũng là một cách chơi chữ. Ngoài ra cái tên mà ta thường gọi hay đặt cho một sự vật nào đó cũng không nói lên được ý nghĩa thực của sự vật đó, chỉ là quy ước hay mô phỏng thôi. Bởi vậy có câu: "Danh khả danh phi thường danh". Điều này cho thấy triết học của Lão Tử đề cao cái biết bằng suy tưởng bằng tâm linh hơn là bằng lý trí qua lời nói hay sách vở .Đó mới là cái biết sâu sắc nhất, nhất là đối với những vấn đề lớn trừu tượng mơ hồ nhưng sâu sắc, chỉ có suy tưởng và tâm linh mới đạt được.
· Về thái độ xử thế và hành động, Lão tử chủ trương "thanh tịnh,vô vi"- Mọi sự việc biến cố trên trái đất này là do sự vận hành của Đạo. Con người chỉ là một hạt bụi trong cái đạo lớn vô biên ấy, có quay cuồng đến mấy cũng không biết cách nào mà can thiệp vào hướng đi của đạo: vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản, thái cực bĩ lai, bĩ cực thái lai… Được mất, thành bại, sống chết cũng chỉ là nhất thời. Vả lại trong họa có phúc trong phúc có họa - chết cũng chỉ là một sự chuyển đổi, có thể đến một cõi tốt đẹp hơn hay xấu hơn chưa biết, có xấu thì cũng sẽ có lúc tốt, cho ta hay cho con cháu. Câu chuyện Tái Ông mất ngựa trong Cổ Học Tinh Hoa đã cho thấy được hay mất chưa biết là tốt hay xấu. Bài thơ tự thuật của Nguyễn Trãi: "Danh chẳng chuốc, lộc chẳng cầu. Được ắt chẳng mừng, mất chẳng âu…" cũng nói lên tư tưởng của Lão Tử. Vậy ta cứ sống ung dung tự tại, phấn đấu vừa đủ để sinh tồn hài hòa cùng đồng loại, và biết tri túc tri chỉ, đừng để thái cực bĩ lai cũng đừng hăng say phấn đấu mong thay đổi một tình thế. Một hạt cát nhỏ không thể ngăn cản hay làm đổi hướng bánh xe vận hành của Đạo.
Đạo giáo được truyền qua nước ta từ thời Bắc thuộc, nhưng không có môn phái hệ thống gì. Cũng như Phật giáo nó làm giảm đi lòng tham muốn của con người và chế bớt sự hăng say của những nhà Nho cầu danh ham lợi, mang đến cuộc sống an lành cho xã hội.
Những điểm tương đồng và dị biệt giữa 3 tôn giáo:
Nho, Phật, Lão :
· Điểm tương đồng:
1) Cả ba tôn giáo đều mang tính nhân bản rất đậm nét nên được lòng người đón nhận như một chỗ dựa, một niềm tin. Nó vừa gần gũi cho người ta với tới lại vừa cao xa để người ta ngưỡng vọng.
2) Cả ba đều mang tính vị tha, bao dung, độ lượng, xóa bỏ được cái ta vị kỷ, nhỏ bé và những tư lợi nhỏ nhen. Những giá trị tinh thần được đề cao.
3) Một điểm tương đồng rõ nét nhất ở Phật giáo và Lão giáo là giá trị tâm linh được đề cao và đây cũng là bản sắc chung của cả hai tôn giáo, nó mang tính triết học hơn là tôn giáo, gần gũi với quy luật thiên nhiên và giúp ta hướng về đại ngã, quên đi cái ta tầm thường nhỏ bé. Ở đây không có cái mà người ta gọi là Thượng Đế như ở đạo Thiên Chúa, nhưng vẫn có những quy luật thiên nhiên đại thể rất gần với khoa học tự nhiên, như là luật nhân quả, luật bảo tồn vật chất và năng lượng (loi de conservation de la matière et de l'énergie) "Không có gì tự mất, không có gì tự tạo" (Rien ne se perd, rien ne se creé). Dựa vào những quy luật này con người không còn sợ mất mát, cũng không còn sợ chết và trở nên dũng cảm khi làm những việc ích lợi cho cộng đồng.
· Điểm dị biệt:
So với Phật giáo và Lão giáo thì Nho giáo có phần tích cực năng động hơn .Bởi đây là đạo của người quân tử phải tự rèn luyện phấn đấu để thành người hoàn thiện có khả năng ra giúp ích cho đời. Đỉnh cao của mục đích là trị quốc, bình thiên hạ. Còn Phật giáo và Lão giáo thì chủ trương ôn hòa, trầm tỉnh và hướng nội.Tuy nhiên dù dị biệt nhưng không có mâu thuẫn mà lại có thể dung hòa hay bổ sung cho nhau - cũng như một bài thuốc hay phải được phối hợp một cách hợp lý - Bài thuốc bổ dương không bao giờ thuần dương mà phải có vị âm. Có vị cương thì phải có vị nhu. Có vị cấp phải có vị hòa hoãn, vị an thần vv… Điều đáng kể là ở liều lượng phối hợp, tùy theo từng trường hợp mà gia giảm. Và đây cũng chính là bài thuốc mà nhà Lý đã phối hợp khi sử dụng Tam giáo trong việc giữ gìn độc lập, trị nước an dân.
Sự điều hợp Tam giáo của nhà Lý:
Người đầu tiên đặt nền móng dựng nên triều Lý là Lý Công Uẩn. Xuất thân từ một cậu bé mồ côi từ khi mới lọt lòng, cậu bé được một ngôi chùa nuôi nấng và khi đến tuổi đi học lại được Thiền sư Vạn Hạnh, một vị cao tăng uyên bác cả Tam giáo chăm nom dạy dỗ thật chu đáo. Lớn lên cậu tỏ ra một chàng trai thông minh mẫn tiệp và có chí lớn. Trong một dịp về kinh thành Hoa Lư, Công Uẩn được vua Lê Đại Hành biết đến và cho giữ một chức quan trong triều đình. Đến đời vua Lê Ngọa Triều Long Đĩnh, nhìn thấy rõ sự suy vong của nhà Lê và nhắm trước thời cơ, Thiền sư Vạn Hạnh đã có ý đồ đưa Lý Công Uẩn ra gánh vác giang sơn khi nền độc lập còn non trẻ trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống. Và quả đúng như ý đồ tốt của Thiền sư Vạn Hạnh, khi vua Lê Ngọa Triều tàn ác Long Đĩnh mất, vị quan nhân hậu đĩnh đạc ở tuổi 36 Lý Công Uẩn đã được triều đình tôn lên làm vua mở ra cơ ngiệp nhà Lý. Sẵn vốn kiến thức Nho học, đức độ khoan dung và tư tưởng Tam giáo do thiền sư Vạn Hạnh truyền cho, cùng kinh nghiệm nhiều năm làm quan trong triều Lê, Lý Công Uẩn đường đường lên ngôi với danh hiệu Lý Thái Tổ. Một bầu trời mới đầy hứa hẹn đã mở ra cho nước Đại Việt với kinh đô mới là Thăng Long do chính Ngài chọn. Với sự cộng tác và cố vấn của các thiền sư đạo cao đức trọng, nền văn hóa, kinh tế và xã hội dần dần phát triển qua các đời vua liên tiếp đi đến đỉnh cao của sự cường thịnh.
Đặc biệt ở triều Lý đã có những điểm son nổi bật.
1/ Về Nho giáo:
· Năm 1070, vua Lý Thánh Tôn cho dựng Văn Miếu ở Thăng Long để thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền.
· Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn đặt ra Quốc tử giám, chọn các quan có văn học cử vào đây coi việc giảng dạy.
· Năm 1076, vua Lý Nhân Tôn mở khoa thi Tam Trường để kén người minh kinh bác học (rõ về kinh sách và học rộng) và cũng bắt đầu từ đấy nước ta có chế độ khoa cử.
· Năm 1195, vua Lý Cao Tôn bắt đầu mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão). Điều này chứng tỏ các nhân tài được tuyển chọn để ra giúp nước phải am hiểu cả 3 tôn giáo này và sự kết hợp nhuần nhuyễn của nó trong việc trị nước an dân.
2/ Về Phật giáo: Các chùa chiền lớn nhỏ được dựng lên rất nhiều. Đặc biệt nhất phải kể đến chùa Một Cột tức chùa Diên Hựu, một di tích ngàn năm cho Thăng Long. Chùa được xây như một bông sen lớn mọc trên một hồ nước trên có Phật Quan Âm ngồi như hình trong giấc mơ của vua Lý Thánh Tôn đã được nhà sư Thiền Tuệ đoán mộng và gợi ý cho vua xây năm 1049.
. Năm 1056 dựng chùa Sùng Khánh và Tháp Báo Thiên 12 tầng cao 80m tại Thăng Long với quả chuông lớn nặng 1254kg đồng.. Năm 1100 Xây chùa Vĩnh Phúc ở núi Tiên Du, Hà Bắc.. Năm 1114 Xây chùa Thắng Nghiêm, đặt pháp đường ở 4 phía với lầu Thiên Phật chứa được 1000 pho tượng.. Năm 1118 Khánh thành chùa Sùng Nghiêm ở Thanh Hóa được khởi công từ 1116.. Năm 1121 Dựng chùa Quảng Giác ở núi Tiên Du.. Năm 1122 Khánh thành bảo tháp Sùng Thiện ở núi Dọi, Hà Nam Ninh. Tháp cao 13 tầng (khởi công từ 1118) tầng trên để Xá Lợi Phật.. Năm 1123 khánh thành chùa Quảng Giác ở núi Tiên Du.
Ngoài ra còn hàng trăm chùa khác. Các chùa trong nước được chia làm 3 hạng: Đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Mỗi chùa có điền nô và quan văn cấp cao được cử đến để quản lý chùa.
- Các nhà vua sùng đạo Phật tôn cao tăng làm quốc sư để bàn việc nước.
- Các vua Lý Thánh Tôn, Lý Anh Tôn và Lý Cao Tôn tu theo Thiền phái của Thiền sư Thảo Đường. Riêng vua Lý Thái Tôn theo Thiền phái của thiền sư Vô Ngôn Thông.
Nói chung thời Lý đạo Phật đã ở vào đỉnh cao được coi như quốc giáo.
3/ Về Lão giáo: tuy không lập đền thờ nhưng các nho sĩ và tăng sĩ đều biết rõ về triết lý sâu xa của đạo giáo.
Một nét nổi bật nữa ở triều Lý cũng như các triều Đinh, Lê, Trần là sự tham gia chính trị của các tăng sĩ để giúp triều đình trong các việc quốc sự. Họ phá chấp chăng? Điều này đúng hay sai? Trong giáo lý nhà Phật không thấy nói đến chính trị. Và trong nhiều thời đại người đời thường không hoan nghênh các nhà sư tham gia chính trị mà còn cho rằng đây không phải phạm vi trách nhiệm của họ, ngoại trừ một vài trường hợp quyết tử vì nước hay vì đạo. Thế nhưng suy nghĩ sâu hơn,với lòng từ bi thương xót chúng sinh, trước cảnh điêu đứng gian nan của đồng bào dưới ách đô hộ của ngoại bang, thử hỏi có vị tăng nào có thể ngồi yên trong chùa tu hành tinh tấn đợi ngày chứng quả rồi sẽ trở lại độ thoát cho đồng bào? Cho nên họ đã phá chấp đón lấy thời cơ, đem lòng từ bi kết hợp với trí tuệ, đem tri thức chuyển sang hành động để mà ứng phó với thời cuộc. Vả lại khi giúp nhàvua trong các vấn đề quốc sự, dù ở địa vị quốc sư, họ chỉ giữ vai trò cố vấn không tham gia trực tiếp vào việc chính trị. Xong việc rồi họ lại trở về với ngôi chùa của họ để làm Phật sự hay tiếp tục tu hành, không mong được một danh lợi gì cả.
· Một nét son tuyệt đẹp nữa là sự phá chấp của Nguyên Phi Ỷ Lan. Xuất thân từ một thôn nữ nghèo, nhưng có chút ít kiến thức của đạo Nho, khi được tuyển vào cung, bà đã không trau chuốt dung nhan để được vua yêu mà ra công tự học để thông tỏ việc nước, việc triều đình và dũng cảm bước ra khỏi bức tường Công, Dung, Ngôn, Hạnh của Nho giáo để đảm đương lo việc nhiếp chính trong khi vua lo dẹp loạn ngoài biên cương. Năm ấy nước ta có nạn lụt và mất mùa, dân đói nổi loạn khắp nơi. Ỷ Lan đã cho mở kho cứu đói, loạn lạc được dẹp yên. Nhờ kế sách trị nước đúng đắn của bà, dân trở lại yên bình và tôn vinh bà là Quan Âm nữ, lập bàn thờ tạ ơn bà. Vua đánh giặc lâu ngày không thắng, nghe tin nhà bất an liền giao quân cho Lý Thường Kiệt, trở về thăm tin tức nhà. Về gần tới nhà thì nghe tin Ỷ Lan đã thay vua vượt ngàn dặm giải tỏa được muôn vàn khó khăn. Vua hổ thẹn liền quay lại quyết đánh giặc cho đến thắng mới trở về. Thật là một vết son tuyệt đẹp của giới nữ nhi mà thời Lý đã để lại cho ngàn đời sau.
Nói chung, ở thời Lý cả 3 tôn giáo Nho, Phật, Lão luôn được kết hợp và vận dụng một cách thích nghi với mọi tình huống. Nhờ thế triều Lý đã đưa đất nước từ một nền độc lập còn non trẻ bấp bênh tới một vị trí cường thịnh lâu bền sáng chói trong lịch sử.
Nhìn lại quá khứ của lịch sử với 1000 năm Thăng Long, chúng ta nghiêng mình trước các vị anh quân thời Lý, với niềm tự hào về một triều đại huy hoàng của nước Đại Việt. Ước sao mối quan hệ Tam giáo, nền tảng của truyền thống đạo đức dân tộc mà triều Lý đã khéo léo vận dụng sẽ còn tồn tại ít nhiều trong lòng dân tộc để được điều chỉnh và phát huy sao cho thích ứng với thời đại mới ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét