Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

TÂY THIÊN CÁI NÔI CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Tây Thiên cái nôi của Phật giáo Việt Nam
previousnext
TÂY THIÊN CÁI NÔI CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Tây Thiên nguyên nghĩa là “bầu trời Tây”, chỉ riêng nơi phát tích của Đức Phật và đạo Phật. Bởi vậy, nhà Phật gọi Tây Thiên là thế giới cực lạc, nơi sung sướng đến cực độ, nơi con người thoát khỏi mọi sự đau khổ và hoàn toàn sung sướng, một thế giới của sự tưởng tượng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, theo giáo lý đạo Thiền, tu hành thành Phật cách nay đã 2.549 năm theo Phật lịch, tính từ năm ngài xuất gia khi mới 19 tuổi.
“Thiền” là một phương pháp tu lấy thanh tịnh làm gốc, lấy việc ngồi yên lặng (tọa thiền) để ngẫm nghĩ đạo lý (thiền định) làm nền. Bởi vậy, cảnh quan nơi núi cao rừng sâu được chọn làm nơi tu hành là hợp lẽ.
Với Phật giáo, Tây Thiên (hay Tây Trúc) là miền núi cao, rừng thẳm trong dãy Hymalaya vùng đông bắc ấn Độ cổ đại. Ở Việt Nam, Tây Thiên lại là nơi núi cao, rừng sâu của ngọn Thạch Bàn thuộc sơn hệ Tam Đảo.
Cũng như Tây Thiên ấn Độ, Tây Thiên ở Vĩnh Phúc, Việt Nam là một địa chỉ Phật giáo.
Bằng cứ, không biết tự bao giờ, nay còn ba ngôi mộ cổ, có danh hiệu các vị thiền sư: Giác Linh Ngã, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư.
Ba chữ “Giác Linh Ngã” nghĩa là sự khẳng định: Ta là người hiểu rõ (hay giác ngộ) được sự thiêng liêng. Phải chăng, ngài là vị thành đạo đầu tiên ở Tây Thiên.
Còn hai vị thiền sư sau, một vị là lấy hiệu “Núi”, một vị lấy hiệu là “Khe”, đều do tự nhiên đặt ra, tưởng tượng cho sự thiêng liêng giác ngộ: có Núi, có Khe (Nước), có Dương và có âm.
Vậy các vị là người ở đâu đến thiền định ở Tây Thiên? Có hai cách lý giải.
Một, các vị là người bản địa. Trong sách Thiền Sư Việt Nam của Hoà thượng Thích Thanh Từ không có tên ba vị kể trên. Có thể là các ngài đã viên tịch quá xa thời các sách về Phật giáo và lịch sử Việt Nam chưa một lần ghi chép tới. Điều này phù hợp với tích 18 thời đại Hùng Vương đã có “Tây Thiên Cổ Tự” trước khi vua Hùng thứ VII lên núi cầu “Tiên tử”. Theo phả hệ Hùng Vương, đó là năm 1595 trước Công nguyên, ngang với giai đoạn Văn hoá Phùng Nguyên, theo phân kỳ của khảo cổ học Việt Nam. Khi ấy, trên địa bàn Vĩnh Phúc đã phát lộ 18 di chỉ thuộc giai đoạn này, thuộc các huyện Lập Thạch, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Tam Đảo (có di chỉ suối Trại, xã Đại Đồng, công cụ có rìu tứ giác và gốm thô).
Theo thống kê của giáo sư Hoàng Xuân Chinh, Phùng Nguyên là giai đoạn mở đầu của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, định cư nông nghiệp. Sự xuất hiện của các cộng đồng dân cư ổn định mà sau đó là các công xã, các xóm, làng, chạ đã có tín ngưỡng (thờ cúng các hiện tượng tự nhiên liên quan tới mùa màng), tuy hiện chưa chứng minh được là thời kì có văn bản.
Có thể đây là một thông tin về “cổ tự” Tây Thiên. Song các văn bản về Hùng Vương đều chép như thế, mặc dầu hiện nay, hầu hết sự đánh giá nghiêng về nhận định đó là một thiết chế ảo.
Hai, các vị là người nước ngoài. Thường thì các nhà truyền giáo cổ xưa, đều theo hành trình của các thương gia, đi cùng đoàn các thương gia. Kinh đô các nước là nơi đô hội, do vậy là chốn các thương gia tìm đến trước hết.

Thời quốc gia Văn Lang của các Vua Hùng, kinh đô đóng ở vùng ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì. Chưa có bằng chứng để biết được con đường bộ từ kinh đô này với Trung Hoa vì đến đời Thành Vương nhà Chu (1063-1026 trước Công nguyên), hai quốc gia chưa từng thông hiếu.
Vậy, chỉ còn hai con đường thuận lợi đến vùng Việt Trì là:
- Con đường sông từ biển vào đất liền, mà từ thời Lạc Long Quân, vị con cả trong số 50 người con theo cha xuống biển là Hùng Lang trở về đất liền qua cửa bể Thần Phù, men theo sông Lô (sông Hồng ngày nay) ngược lên tới bến Phúc Lộc (Sơn Tây cũ) để lên núi Tản Viên lập điện ở động An Uyên để nghỉ ngơi. Con đường ấy thẳng lên ngã ba sông Bạch Hạc - Việt Trì không xa.
 - Con đường sông Thao, con sông bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc), vào Việt Nam đến hội tụ ở sông Lô, sông Đáy tại ngã ba Việt Trì.
Miền đất Vân Nam - Tây Tạng thông với Myanmar, từ đó qua ấn Độ. Nên có thể, Phật giáo từ ấn Độ, theo chân các thương gia truyền bá đến kinh đô Văn Lang qua vùng đất Tam giác vàng. Từ kinh đô Văn Lang, Phật giáo được truyền bá lên Tam Đảo qua sông Đáy (nay đang gọi lầm là Phó Đáy) là mạch lộ dẫn vào núi Thạch Bàn qua phụ lưu là sông Đình Cả, tới chân đền Thõng ngày nay.
Hệ thống Cáp treo Tây Thiên mới được đưa vào sử dụng là nét mới trong Lễ hội Tây Thiên 2012
Tóm lại, đây chỉ là một ý tưởng để lý giải về sự xuất hiện của thuật ngữ “Tây Thiên” và sự xuất hiện của Phật giáo ở Tây Thiên. Nhưng dù sao, trải qua các triều đại phong kiến cường thịnh như Lý, Trần, Lê, Tây Thiên là một trung tâm của Phật giáo Việt Nam với quần thể các chùa: Tây Thiên, Phù Nghì, Thiên ân cùng trong một quả núi. Kết quả các lần khai quật khảo cổ những năm qua cũng chứng minh điều này. Bởi vậy, bia chùa Tây Thiên lập năm Chính Hoà thứ 24 đời vua Lê Hy Tông (năm 1704) mới có câu: “Tam Đảo sơn, Tây Thiên thiền tự, An Nam đệ nhất cổ tích danh lam, quốc đảo dân kỳ nẫm trứ linh ứng”. (Thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số hiệu 14742).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét