Hai quan điểm đối nghịch về tôn giáo: Thuyết thế tục hóa và mô hình thị trường tôn giáo
Bài này trình bày hai quan điểm đối nghịch về tôn giáo chủ yếu bằng cách lược thuật một số nội dung của hai bài viết bằng tiếng Anh:
1/ Chương “The Secularization Debate” trong sách Sacred and Secular: Religion and Politics Worldwide của Pippa Norris (Đại học Harvard) và Ronald Inglehart (Đại học Michigan) (2004),
2/ “The idea of religious markets” của Rex Ahdar (Đại học Otago, New Zealand), đăng trong tạp chí International Journal of Law in Context (2006); đồng thời bài viết còn sử dụng thêm vài nguồn tài liệu khác nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan hơn về hai quan điểm nổi bật này trong nghiên cứu tôn giáo.
1. Thuyết thế tục hóa
Những nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 19 như Auguste Comte, Herbert Spencer, Émile Durkheim, Max Weber, Karl Marx, và Sigmund Freud, tất cả đều tin rằng với sự phát triển của xã hội công nghiệp, tôn giáo sẽ mất dần tầm quan trọng và sẽ không còn có ý nghĩa nữa. Trước đó, trong thời kỳ Khai sáng, những lý thuyết gia xã hội đã tiên đoán về sự ưu thắng của tư duy khoa học trong thời kỳ hiện đại đối với tư tưởng thần học. Trong phần lớn thời gian ở thế kỷ 20, niềm tin về sự suy tàn của tôn giáo cũng là ý tưởng chủ đạo trong khoa học xã hội, khi mà sự thế tục hoá được xếp ngang hàng với quá trình hành chính hóa, hợp lý hoá, và đô thị hoá như là những cuộc cách mạng chủ đạo của lịch sử làm biến đổi những xã hội nông nghiệp thời Trung đại sang những quốc gia công nghiệp hiện đại. Wright Mills trong tác phẩm The Sociological Imagination (1959) đã tóm tắt quá trình này như sau: “Đã có thời thế giới chứa đầy những cái thiêng – trong tư tưởng, thực hành, và thể chế. Sau thời kỳ Cải cách và Phục hưng, những lực lượng hiện đại hóa đã quét qua địa cầu và thế tục hóa, một quá trình lịch sử theo sau nó, đã nới lỏng sự ngự trị của cái thiêng. Đến một lúc nào đó trong tương lai, cái thiêng sẽ biến mất hoàn toàn ngoại trừ, có lẽ, trong lĩnh vực riêng tư”.
Thuyết thế tục hóa về sự suy giảm vai trò của tôn giáo đặt cơ sở trên hai luận điểm chính. Một là sự hình thành một thế giới quan duy lý dẫn đến sự xói mòn niềm tin tôn giáo. Hai là sự chuyên biệt hóa chức năng xã hội trong xã hội công nghiệp hóa dẫn đến sự suy yếu chức năng của các tổ chức tôn giáo đối với đời sống xã hội và tiếp theo sau là sự suy yếu của chính tôn giáo.
1.1. Ý tưởng cho rằng sự phát triển của thế giới quan duy lý làm suy yếu những nền tảng của niềm tin vào siêu nhiên, sự bí ẩn, và sự mầu nhiệm, là ý tưởng có trước quan niệm của Max Weber, nhưng nó được tác động mạnh bởi hai tác phẩm The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (1904) và Economics and Society (1933) của ông. Trong thập niên 1960 và 1970, nhiều nhà xã hội học hàng đầu đã thúc đẩy lập luận của quan điểm duy lý đi xa hơn nữa. Những người nổi bật trong nỗ lực này là Peter Berger, David Martin, và Bryan Wilson. Theo cái nhìn này, thời đại Khai sáng đã tạo ra một quan điểm duy lý về thế giới, được xây dựng trên những chứng cứ thực nghiệm và kiến thức khoa học về các hiện tượng thiên nhiên và trên sự làm chủ vũ trụ về mặt kỹ thuật. Tư tưởng duy lý được xem là đã khiến cho những tín điều do Giáo hội đưa ra mất đi vẻ hợp lý trong xã hội hiện đại, cuốn đi vết tích của những tín lý mê tín ở Tây Âu. Sự mất niềm tin được xem là có tác dụng phá vỡ tôn giáo, xói mòn tập quán đi nhà thờ và sự tuân thủ thực hiện những lễ thức tôn giáo, làm suy yếu ý nghĩa xã hội của những giáo phái, và làm giảm sút sự tham gia tích cực vào các tổ chức được xây dựng trên niềm tin tôn giáo cũng như sự hỗ trợ cho các đảng phái tôn giáo trong xã hội dân sự. Khoa học và tôn giáo có thể đối đầu trực tiếp với nhau trong một trận đấu chỉ có một bên thắng, trong đó những lý giải khoa học làm suy yếu sự giải thích theo nghĩa đen của Sáng thế ký, được minh chứng qua lý thuyết tiến hóa của Darwin, thách thức những quan niệm về việc Thượng đế tạo lập ra vũ trụ. Quan trọng hơn nữa, tri thức khoa học, sự ứng dụng tri thức này thông qua công nghệ và kỹ thuật, và sự mở rộng nền giáo dục đại chúng có thể sẽ mang đến một tác động xã hội sâu rộng hơn bằng cách tạo nên một kỷ nguyên văn hóa mới. Theo sau thời đại Khai sáng ở châu Âu, những tính toán duy lý được xem là đã dần dà làm suy yếu nền móng của những tín điều cốt lõi mang tính chất siêu hình. Weber cho rằng ý tưởng về cái huyền bí sẽ bị chinh phục bởi lý trí của con người và bị khống chế bởi những sản phẩm của công nghệ hiện đại, chịu sự giải thích duy lý được tìm thấy trong vật lý học, sinh học và hóa học thay vì bằng những lực lượng thần thánh bên ngoài thế giới này. Những thành tựu sáng chói của y học, kỹ thuật, và toán học – cũng như những sản phẩm vật chất được tạo ra với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nền công nghệ, và công nghiệp sản xuất trong thế kỷ 19 – đã nhấn mạnh và củng cố ý tưởng con người chinh phục thiên nhiên. Những tai ương của cá nhân, dịch bệnh truyền nhiễm, lũ lụt, và chiến tranh thế giới, một thời được quy cho những lực lượng siêu nhiên, ma thuật, và sự can thiệp của thần thánh, hay cho định mệnh mù quáng, đã được bắt đầu xem là hậu quả của những nguyên nhân có thể biết trước và tránh được. Những chức sắc tôn giáo dựa vào uy quyền của thần thánh đã trở thành một trong những nguồn tri thức của xã hội hiện đại, không nhất thiết là nguồn quan trọng nhất hay được tin tưởng nhất trong nhiều chiều kích khác nhau của cuộc sống, khi họ cạnh tranh với những giới khác nhau trong xã hội có tri thức và kỹ năng chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia kinh tế học, vật lý, v.v… Sự phân chia giữa giáo hội và nhà nước, và sự ra đời của hệ thống hành chính thế tục với đại diện là các cấp chính quyền đã thay thế vai trò của các lãnh tụ tinh thần và các thiết chế của giáo hội. Steve Bruce trong tác phẩm God is Dead: Secularization in the West (2002) tóm tắt luận điểm này như sau: “Công nghiệp hóa đã mang đến với nó một loạt những biến đổi xã hội – sự phân chia thành từng mảnh rời rạc trong thế giới cuộc sống, sự suy tàn của cộng đồng, sự xuất hiện một hệ thống hành chính, ý thức công nghệ – những thứ đó kết hợp với nhau đã làm cho tôn giáo kém hấp dẫn và kém hợp lý hơn so với trước kia trong xã hội tiền hiện đại. Đó là kết luận của đa số các nhà khoa học xã hội, các sử gia, và các lãnh tụ giáo hội ở thế giới phương Tây.”
1.2. Quan điểm về sự chuyên biệt hóa chức năng trong xã hội công nghiệp cũng đưa ra những tiên đoán về sự suy giảm vai trò của các thể chế tôn giáo trong xã hội. Lập luận theo chiều hướng chức năng này bắt nguồn từ quan điểm của Émile Durkheim trong tác phẩm The Elementary Forms of the Religious Life (1912), và đến thập niên 1950, quan điểm chức năng đã trở thành quan điểm xã hội học ưu thế. Những lý thuyết gia đương thời dùng luận điểm chức năng để giải thích vai trò của tôn giáo gồm có Steve Bruce, Thomas Luckman, và Karel Dobbelaere. Những người theo quan điểm chức năng nhấn mạnh rằng tôn giáo không chỉ là một hệ thống tín điều và quan niệm (như Weber chủ trương); nó còn là một hệ thống hành vi bao gồm những nghi thức và lễ nghi mang tính biểu tượng để đánh dấu những mốc lớn trong đời người như sinh tử và hôn nhân, cũng như những nghi lễ định kỳ theo mùa. Durkheim cho rằng những lễ thức này giữ một chức năng quan trọng đối với xã hội bằng cách duy trì sự đoàn kết và cố kết xã hội, duy trì trật tự và ổn định, do đó mang lại những lợi ích chung. Durkheim lập luận rằng ở những xã hội công nghiệp, chức năng xã hội được chuyên biệt hóa, theo đó các tổ chức và giới chức chuyên môn đảm nhận các chức năng chăm sóc y tế, giáo dục, kiểm soát xã hội, chính trị, và an sinh xã hội, thay thế phần lớn các công việc một thời chỉ do các tu viện, giáo sĩ, giáo xứ trong xã hội ở Tây Âu đảm nhận. Sự kiện này diễn ra ở châu Âu từ giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sự lớn mạnh của các nhà nước cũng đã tạo ra trường học, mạng lưới chăm sóc y tế và an sinh xã hội công cộng. Durkheim tiên đoán rằng khi bị tước mất những mục đích xã hội cốt lõi của mình, những vai trò tâm linh và luân lý còn lại của các thiết chế tôn giáo sẽ suy mòn dần trong các xã hội công nghiệp, và chỉ còn lại những nghi thức truyền thống được cử hành trong những dịp sinh, tử, hôn nhân và vào các ngày lễ đặc biệt. Lý thuyết chức năng đã trở thành lý thuyết chính thống phổ biến trong xã hội học tôn giáo vào những thập niên sau Thế chiến II. Chẳng hạn Jagodzinski và Dobbelaere, dùng cách tiếp cận chức năng để giải thích sự sút giảm về số người đi lễ nhà thờ ở Tây Âu, đã viết, “Tất cả những chứng cứ thực nghiệm trong chương sách này phù hợp với giả định rằng sự hợp lý hóa về chức năng, liên quan đến sự chuyên biệt hóa chức năng, sự thoát ly khỏi truyền thống, và tiến trình cá nhân hóa một cách vững chắc, có một tác động tích lũy đối với sự suy giảm tham gia vào giáo hội, đặc biệt là trong thế hệ sau chiến tranh”. Nghiên cứu về sự sụt giảm số người đến các cơ sở thờ tự của các tôn giáo là một trong những nghiên cứu chính về quá trình thế tục hoá, qua đó cho thấy sự suy giảm niềm tin tôn giáo hay xu hướng niềm tin tôn giáo trở thành một việc riêng tư không còn giữ một vai trò ưu thắng trong đời sống công cộng hay trong những khía cạnh khác của quá trình quyết định (“Secularization”, Wikipedia 2009: đoạn 5).
1.3. Peter Berger, một tác giả trước đây nhiệt thành ủng hộ quan điểm thế tục hóa, trong tác phẩm The Sacred Canopy (1969) chú ý đến khía cạnh đa nguyên tôn giáo ở nhiều xã hội hiện đại trong tương quan với quá trình thế tục hóa và sự suy yếu vai trò của tôn giáo trong xã hội. Ông cho rằng tình trạng đa nguyên tôn giáo làm giảm sức sống của tôn giáo vì có ảnh hưởng không tốt đến tính hợp lý của nó: xã hội càng theo một thế giới quan thế tục bao nhiêu thì tôn giáo càng có vẻ ít hợp lý bấy nhiêu và càng có ít niềm tin tôn giáo và hoạt động tôn giáo bấy nhiêu. Khi có đa nguyên tôn giáo, người ta nhận ra rằng các tôn giáo khác nhau đưa ra những cách giải thích khác nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau về chân lý trong tôn giáo. Càng lúc người ta sẽ càng nêu câu hỏi: Làm thế nào mà tất cả những cách giải thích khác nhau hoặc trái ngược nhau đều có thể đúng được? Và hậu quả là sự nghi ngờ gia tăng, sức thuyết phục của tín lý bị giảm dần, và mức độ tham gia vào tôn giáo cũng giảm theo. Kết quả cuối cùng là khi các tín lý cạnh tranh nhau tiếp cận gần gũi với nhau thì chân lý mà tôn giáo đưa ra sẽ không còn được coi như đương nhiên đúng nữa. Hiện đại hóa đem các dân tộc khác nhau với những tín lý khác nhau tiếp xúc gần gũi nhau, và như thế tình trạng đa nguyên tôn giáo đóng góp vào sự suy giảm của tôn giáo cùng với những sự việc khác đồng hành với hiện đại hóa như công nghiệp hóa, đô thị hóa, hợp lý hóa, v.v…, đã đem đến cho tôn giáo.
1.4. John Sommerville trong bài báo “Secular Society Religious Population: Our Tacit Rules for Using the Term Secularization” (1998) nêu lên 5 cách hiểu khác nhau trong các tài liệu khoa học về từ ngữ thế tục hóa (“Secularization”, Wikipedia 2009: đoạn 7).
- Khi thảo luận về cấu trúc xã hội vĩ mô, thế tục hóa chỉ cho sự chuyên biệt hóa (differentiation): một quá trình trong đó những khía cạnh khác nhau của xã hội, gồm kinh tế, chính trị, luật pháp, và luân lý càng lúc càng trở nên chuyên môn hóa và khác biệt nhau.
- Khi thảo luận về những thiết chế riêng rẽ, thế tục hóa chỉ cho sự chuyển đổi từ một thiết chế tôn giáo sang một thiết chế thế tục. Chẳng hạn sự chuyển đổi của các thiết chế như Đại học Harvard từ một thiết chế chủ yếu mang tính chất tôn giáo sang một thiết chế thế tục.
- Khi thảo luận về những hoạt động, thế tục hóa chỉ cho sự chuyển đổi các hoạt động từ những thiết chế tôn giáo sang những thiết chế thế tục, chẳng hạn như sự chuyển đổi trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội từ các giáo hội sang các chính phủ.
- Khi thảo luận về những trạng thái tâm lý, thế tục hóa chỉ cho sự chuyển đổi từ những quan tâm về các mục đích tối thượng sang những quan tâm về các vấn đề gần gũi, chẳng hạn ở phương Tây hiện nay người ta có thể điều chỉnh hành vi của mình để đáp ứng những hậu quả tức thì hơn, thay vì xuất phát từ mối quan tâm về những hậu quả sau khi chết. Đây là một sự giảm sút lòng mộ đạo của cá nhân hay là một sự chuyển đổi sang một nếp sống thế tục.
- Khi thảo luận về những cộng đồng dân cư, thế tục hóa chỉ cho những khuynh hướng chung của xã hội giảm sút về niềm tin tôn giáo, khác với xu hướng thế tục hóa ở cấp độ cá nhân vừa nêu. Cách hiểu này về thế tục hóa cũng khác với cách hiểu thứ nhất nêu trên vì nó chỉ cho sự suy giảm niềm tin tôn giáo chứ không phải là sự chuyên biệt hóa trong xã hội.
1.5. Vào thập niên cuối của thế kỷ trước, lý thuyết thế tục hóa, đặc biệt là tiên đoán của nó về sự khai tử dần dần của tôn giáo, bắt đầu bị chỉ trích mạnh mẽ. Trong thời gian gần hai thập niên qua, lý thuyết thế tục hóa trải qua một sự thách thức liên tục nhất trong lịch sử tồn tại lâu dài của nó. Chẳng hạn vào năm 1999, trong tác phẩm The Desecularization of the World, Peter L. Berger, một trong những người tán thành thuyết thế tục hóa nổi bật nhất trong thập niên 60, đã công khai rút lại ý kiến trước đó của mình: “Thế giới ngày nay, với một số ngoại lệ… cũng mộ đạo một cách dữ dội như đã từng trước đó, và tại một số nơi còn mộ đạo hơn bao giờ hết. Điều này có nghĩa là toàn bộ tài liệu công bố của các sử gia và các nhà khoa học xã hội được gọi một cách lỏng lẻo là ‘thuyết thế tục hóa’ về cơ bản là sai lầm”. Hay vào năm 2000, trong tác phẩm Acts of Faith, Rodney Stark và Roger Finke, những người chủ xướng mô hình thị trường tôn giáo sẽ được trình bày dưới đây, viết rằng đã đến lúc đem chôn luận đề thế tục hóa: “Sau gần ba thế kỷ tiên đoán hoàn toàn thất bại và đưa ra những hình ảnh sai lầm cả về hiện tại lẫn quá khứ, có vẻ như đã đến lúc mang học thuyết thế tục hóa đến nghĩa trang của những lý thuyết thất bại, và ở đó thì thầm lời nguyện cầu ‘yên nghỉ nghìn thu’”.
2. Mô hình thị trường tôn giáo
2.1. Những lý thuyết gia của mô hình thị trường tôn giáo đảo ngược hoàn toàn lập luận của thuyết thế tục hóa: các xã hội hiện đại hóa có tình trạng đa nguyên tôn giáo là những xã hội có thể chứng kiến một sự tham gia sôi động của tín đồ tôn giáo. Nền tảng cơ bản của mô hình thị trường tôn giáo là giả định về sự bất biến của nhu cầu tôn giáo. Nếu như những lý thuyết gia thế tục hóa giải thích vận mệnh của tôn giáo từ góc độ cầu, tức là từ nhu cầu của tín đồ, thì những người chủ xướng mô hình thị trường tôn giáo lý giải sự tồn tại và phát triển của tôn giáo từ góc độ cung, tức là từ phía những người điều hành các tổ chức tôn giáo. Theo họ, nhu cầu tôn giáo không thay đổi nhiều qua lịch sử hay ở các nền văn hóa và các quốc gia khác nhau: mong ước tham gia vào các hoạt động tâm linh có tổ chức lúc nào cũng nhiều và không thay đổi qua thời gian. Anthony Gill trong bài viết “Government Regulation, Social Anomie and Protestant Growth in Latin America: A Cross-National Analysis” (1999) cho rằng con người luôn luôn khao khát có câu trả lời cho những bí ẩn lớn của cuộc sống và đi tìm ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của họ. Nhu cầu có câu trả lời cho đời sống tâm linh và nguồn an ủi, nhu cầu cần được bày tỏ sự kính sợ và sùng bái đối với những điều siêu việt hay linh thiêng, và niềm tin vào một thực tại vượt lên trên thế giới trần gian – những nhu cầu này và những nhu cầu siêu hình khác có vẻ là những điều vốn có từ đầu và tồn tại mãi mãi trong tình trạng nhân sinh của con người. Chính vì vậy, sự thịnh suy của tôn giáo sẽ được lý giải tốt hơn bằng những yếu tố cung cầu chẳng hạn như số lượng và sinh lực của những người cung ứng tôn giáo và những quy định của nhà nước về nguồn cung này. Cạnh tranh có tác dụng tốt đối với tôn giáo và chính sách của chính phủ nuôi dưỡng sự cạnh tranh đó cũng làm lợi cho “người tiêu dùng tôn giáo”. Mô hình lý giải mới này trong xã hội học tôn giáo nhấn mạnh đến sự cạnh tranh và xem đây là điều mang lại sức sống cho các tôn giáo. Quan điểm này hoàn toàn ngược lại với quan điểm phổ biến trước đây là tình trạng đa nguyên tôn giáo làm xói mòn niềm tin tôn giáo. Cuộc cải cách của Tin Lành dẫn đến sự rạn nứt bên trong Kitô giáo ở phương Tây, với nhiều giáo phái khác nhau đưa ra những tín lý và học thuyết dị biệt nhau. Émile Durkheim trong tác phẩm The Elementary Forms of the Religious Life (1995 [1912], trang 159) xem quá trình này là tác nhân phá hủy quyền độc tôn của một tín điều duy nhất phổ biến, gieo rắc những hạt giống hoài nghi, như Peter L. Berger cũng đã nhấn mạnh trong tác phẩm The Sacred Canopy nêu trên.
Những học giả nổi tiếng của mô hình thị trường tôn giáo gồm có Roger Finke, Rodney Stark, Lawrence R. Iannaccone, William Sims Bainbridge, R. Stephen Warner, v.v… Lời phát biểu sau đây của các tác giả Iannaccone, Finke và Stark (1997) cho thấy luận điểm chính của lý luận thị trường tôn giáo: “Khi nói đến “thị trường tôn giáo”, chúng tôi hàm ý muốn xem tôn giáo như là một hàng hóa – một sự vật được sản xuất ra và được chọn lựa. Người tiêu dùng chọn tôn giáo (nếu có) mà họ sẽ chấp nhận và mức độ tham gia đối với nó… Con người có thể và cũng thường thay đổi tôn giáo của họ hoặc mức độ tham gia của họ. Cũng giống như đối với các loại hàng hóa khác, khả năng chọn lựa này tạo ra sức ép đối với những người sản xuất ra tôn giáo. Trong điều kiện cạnh tranh, một công ty tôn giáo nào đó sẽ hưng thịnh nếu như cung cấp được một hàng hóa ít nhất mang tính cạnh tranh bằng với những đối thủ của nó.”
Nếu các nhà khoa học trong mô hình lý giải cổ điển về tôn giáo quá hăm hở phát biểu về sự suy tàn dần của tôn giáo cùng với đà hiện đại hóa thì các tác giả trong mô hình thị trường tôn giáo tìm cách sửa đổi quan niệm đó bằng cách nhấn mạnh rằng sự suy đoán về sự khai tử của tôn giáo đã đi quá mức. Trong mô hình lý giải cổ điển, quan tâm chính của các nhà tư tưởng là tìm cách đào sâu tìm ra những nguyên nhân “thực” của hiện tượng tôn giáo, tức tìm hiểu bản chất của tôn giáo là gì. Và hiện tượng tôn giáo được truy về những vấn đề xã hội tạo ra nó. Trong mô hình cổ điển này có nhiều nhà tư tưởng khác nhau với những cái nhìn khác nhau về nguyên nhân của hiện tượng tôn giáo. Chẳng hạn, nhà phân tâm học Sigmund Freud xem tôn giáo là chứng bệnh thần kinh của quần chúng. Tôn giáo tồn tại như là một đáp ứng đối với những xung đột sâu xa và cảm xúc yếu đuối của con người. Nó là phó sản của tình trạng bất an tâm lý nên Freud cho rằng có thể loại bỏ những ảo tưởng của tôn giáo bằng cách làm vơi đi những nỗi bất an đó. Hay luận điểm nổi tiếng của Karl Marx về tôn giáo – tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng – là điều mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Marx cho rằng tôn giáo là một ảo tưởng và mục đích chính của nó là đưa ra những lý do và những cái cớ để giữ cho xã hội vận hành như cách nó đang vận hành. Và Friedrich Engels trong tác phẩm Chống Duyrinh đã viết: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang những lực lượng siêu trần thế” (Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo 2004: đoạn 8).
2.2. Lý luận thị trường tôn giáo đã được kiểm chứng theo hai cách: nghiên cứu so sánh giữa nhiều quốc gia vào cùng một thời điểm, và nghiên cứu lịch sử về những thăng trầm của tôn giáo tại một quốc gia qua thời gian. Các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả phù hợp với lý thuyết của mô hình này. Iannaccone, Finke và Stark (1997) viết: “Ít nhất là trong đạo Tin lành, cả việc đi lễ nhà thờ và niềm tin tôn giáo đều cao hơn trong những quốc gia có nhiều nhà thờ cạnh tranh với nhau so với những quốc gia chỉ có một tôn giáo duy nhất chiếm ưu thế. Sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê… Tần số đi lễ nhà thờ, số lần cầu nguyện, niềm tin vào Thượng đế, và gần như mọi số đo khác về lòng mộ đạo đều giảm sút khi sự tập trung trong thị trường tôn giáo gia tăng. Mối tương quan này vẫn giữ ở mức độ cao ngay cả khi đã kiểm soát các yếu tố thu nhập, học vấn, hay mức độ đô thị hóa… hai kết quả chính [nổi lên]. Một là, như trong các thị trường thế tục, sự điều tiết [của nhà nước - PNC] ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Thứ hai, sức sống của một thị trường tôn giáo lệ thuộc vào tính cạnh tranh của nó.”
Đối với các nhà nghiên cứu theo mô hình thị trường tôn giáo, mức độ mộ đạo rất cao của công chúng Hoa Kỳ phù hợp với sự kiện thị trường tôn giáo cạnh tranh mạnh mẽ của nước này, trong khi mức độ tham gia thấp vào tôn giáo của công chúng ở (ví dụ như) các quốc gia vùng Xcan-đi-na-vi thì ăn khớp với sự độc quyền về tôn giáo ở các nơi đó, tức là các nhà thờ của nhà nước. Sự độc quyền tôn giáo, cả trong lịch sử (châu Âu thời trung đại) lẫn thời hiện đại (một số chế độ chính trị thần quyền Hồi giáo) được cho là đi kèm với tình trạng thờ ơ đối với tôn giáo và mức độ tham gia thấp của công chúng vào tôn giáo có tổ chức.
2.3. Lý luận thị trường tôn giáo, cũng giống như nhiều lý luận khác trong khoa học xã hội, đã bị nhiều học giả phân tích và phê phán, ở nhiều mặt khác nhau. Ở đây xin nêu lên một số ít những phê phán đó. Thứ nhất, việc áp dụng mô hình kinh tế vào một hiện tượng tinh tế như tôn giáo vẫn còn là một điều không phù hợp, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô nghĩa. Liệu người ta có thể nào thảo luận một cách hợp lý đến những “công ty” tôn giáo cung ứng những “hàng hóa” đến “người tiêu dùng”? Các nhà phê bình thuyết thị trường tôn giáo chắc hẳn sẽ đồng ý với lời mỉa mai sau đây của nhà kinh tế học Franklin Fisher (1979): “Một chút đỉnh kinh tế học là một điều nguy hiểm. Còn sự thật như thế nào khi có rất nhiều kinh tế học thì tôi chẳng muốn nói gì”. Thứ hai, liệu sự chọn lựa – là một trong những luận điểm chính của lý luận thị trường tôn giáo dựa trên lý thuyết Chọn lựa hợp lý – có diễn ra trong tôn giáo không khi mà tại nhiều quốc gia, tôn giáo của một người không phải do chính cá nhân người đó lựa chọn. Vì vậy, mô hình thị trường tôn giáo có vẻ đúng ở Hoa Kỳ hơn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Thứ ba, một phê phán khác tấn công trực diện vào cơ sở lý luận của mô hình này: một số bằng chứng thu thập được qua sự đối chiếu tình hình tôn giáo giữa các vùng trên thế giới đã tỏ ra không phù hợp với lý luận của nó. Chẳng hạn, mô hình này gặp khó khăn khi giải thích sức mạnh bền bỉ của các giáo đoàn tại nhiều nước ở miền Nam châu Âu, dù ở đó có sự độc quyền của Giáo hội Thiên chúa giáo. Mark Chaves và Philip S. Gorski trong bài viết “Religious pluralism and religious participation” (2001) viết rằng tuyên bố về tình trạng đa nguyên tôn giáo và sự tham gia vào hoạt động tôn giáo có liên hệ theo tỷ lệ thuận với nhau đã không được thực tế hỗ trợ; mối tương quan đồng thuận này chỉ được tìm thấy ở một số tình huống giới hạn, trong khi chính những khái niệm của lý luận này không áp dụng được nhiều trong những khung cảnh chưa có hiện đại hóa.
Trong kết luận phần trình bày về mô hình thị trường tôn giáo, Pippa Norris và Ronald Inglehart nhận xét rằng cuộc tranh luận hiện nay tạo những nghi ngờ đáng kể đối với lý thuyết thế tục hóa theo quan điểm của trường phái Weber và trường phái Durkheim, nhưng đồng thời cơ sở hỗ trợ cho mô hình thị trường tôn giáo được xây dựng trên niềm tin hơn là trên sự kiện thực tế. Nói cách khác, mô hình thị trường tôn giáo chưa được chấp nhận rộng rãi trong khoa học xã hội. Rex Ahdar thì cho rằng cách tiếp cận thị trường tôn giáo mặc dù có những luận điểm hơi phóng đại, nó có thể chiếu rọi những ánh sáng hữu ích đối với toàn bộ chủ đề tôn giáo. Nó đã mang lại cho chúng ta những câu hỏi mới, những tư liệu mới, và một cái nhìn mới về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội; tất cả những điều này đáng được ca ngợi. Nhưng chẳng sớm thì chầy, những giới hạn của nó sẽ hiện rõ và cũng giống như những cách tiếp cận trong quá khứ, nó sẽ trở nên cũ kỹ nhàm chán.
Thay lời kết
Trong khoa học xã hội, có thể nói không một khung lý thuyết nào có thể lý giải được mọi tình huống hay hiện tượng trong đời sống xã hội vốn rất phức tạp và bị chi phối bởi những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi lý thuyết hay mô hình lý luận soi rọi ánh sáng vào một số khía cạnh nhất định trong đời sống xã hội nói chung, hay tôn giáo nói riêng. Sai lầm dễ nảy sinh khi người ta muốn áp dụng một mô hình lý luận duy nhất cho toàn bộ đời sống xã hội ở mọi nơi trên hành tinh và mọi lúc trong quá trình lịch sử của nhân loại. Theo cách nhìn này, có thể nói cả lý thuyết thế tục hóa và mô hình thị trường tôn giáo đều có những đóng góp đáng kể cho nỗ lực tìm hiểu đời sống tôn giáo của các xã hội. Những nhận xét sau đây của Ngụy Đức Đông (Trung Quốc) về mô hình thị trường tôn giáo, và của Pippa Norris và Ronald Inglehart, đồng tác giả của một trong hai nguồn tài liệu mà bài viết này sử dụng, về lý thuyết thế tục hóa cho thấy mỗi lý thuyết có những giá trị của nó.
Về mô hình thị trường tôn giáo, Ngụy Đức Đông, trong bài viết “Nhìn tôn giáo từ góc độ kinh tế”, xem lý luận thị trường tôn giáo là một “sự đột phá” trong xã hội học tôn giáo ở phương Tây sau hơn 30 năm “tìm tòi nghiên cứu gian khổ”, giúp lý giải được nhiều hiện tượng mà mô hình luận cũ về tôn giáo không lý giải được, và “nó tỏ ra có sức sống mạnh mẽ” khi các nhà tôn giáo học trên thế giới đã “rầm rộ” áp dụng mô thức lý luận mới này trong việc giải thích đời sống tôn giáo đương đại (Ngụy Đức Đông 2005).
Đồng thời, trong lúc lý thuyết tục hóa bị thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới, Pippa Norris và Ronald Inglehart đã lên tiếng bênh vực cho luận điểm chính của lý thuyết này liên quan đến vị trí của tôn giáo trong thời đại công nghiệp hóa. Hai ông đặt câu hỏi liệu Comte, Durkheim, Weber và Marx có bị sai lầm khi tin tưởng rằng tôn giáo sẽ suy yếu trong những xã hội được công nghiệp hóa không. Liệu quan điểm chủ đạo trong xã hội học ở thế kỷ 20 có hoàn toàn bị lầm lạc không? Câu trả lời của các tác giả này là “không phải vậy”. Một điều rõ ràng là lý thuyết thế tục hóa cần được điều chỉnh, vì tôn giáo đã không biến mất và cũng không có dấu hiệu gì sẽ biến mất trên thế giới. Nhưng khái niệm thế tục hóa đã nắm bắt được một phần quan trọng của một tiến trình thực sự xảy ra trên thế giới: xã hội các nước công nghiệp hóa đã và đang biến chuyển theo chiều hướng thế tục hóa thực sự. Trong các bảng hỏi, đa số người châu Âu vẫn chính thức báo rằng mình tin vào Thượng đế và tự nhận theo đạo Thiên chúa hay Tin lành. Nhưng chính trong những xã hội này, tầm quan trọng và sức mạnh của tôn giáo, cũng như ảnh hưởng thường trực của nó trong đời sống hàng ngày của người dân đã dần dần bị xói mòn. Pippa Norris và Ronald Inglehart khẳng định rằng công chúng của hầu hết các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới trong vòng năm mươi năm qua đã và đang đi theo xu hướng thế tục hóa. Hai tác giả đã xuất bản tác phẩm Sacred and Secular: Religion and Politics Worldwide (2004), dày khoảng 340 trang, so sánh mức độ mộ đạo tại nhiều vùng trên thế giới, phân tích những hậu quả xã hội và chính trị của xu hướng thế tục hóa, và đề ra một khung lý thuyết bổ sung cho thuyết thế tục hóa cổ điển. Hai ông tin rằng sự xói mòn một cách có hệ thống những tập tục, giá trị và niềm tin tôn giáo đã xảy ra rõ ràng nhất trong những bộ phận xã hội phồn vinh nhất sống trong những nước hậu công nghiệp giàu có và an toàn, trong khi đó những bộ phận dân cư trải qua nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương về môi trường vật lý, xã hội, và cá nhân thì có mức độ mộ đạo cao và niềm tin tôn giáo mạnh mẽ. Hai tác giả lập luận rằng lòng mộ đạo tồn tại dai dẳng một cách mạnh mẽ nhất trong những bộ phận dân cư dễ tổn thương, đặc biệt sống trong những quốc gia nghèo, đối diện với những nguy cơ cá nhân đe dọa đến sự sinh tồn của họ. Thiết nghĩ luận điểm này, nhìn từ góc độ cầu trong tôn giáo, đúng với thực tế nhiều nơi và nhiều lúc; nhưng đồng thời khi nhìn từ góc độ cung, mô hình thị trường tôn giáo cũng có những giá trị thực tế. Tại Việt Nam, khi lý giải về sự khởi sắc của các hoạt động tôn giáo trong thời kỳ Đổi mới, có lẽ không thể không nhìn từ góc độ cung ứng các dịch vụ tôn giáo của những chức sắc và tổ chức tôn giáo khác nhau.
Phan Ngọc Chiến lược thuật
Tài liệu trích dẫn
1. Ahdar, Rex. 2006. “The idea of religious markets”. International Journal of Law in Context, 2, trang 49-65. Cambridge University Press.
http://journals.cambridge.org/action/displayAbstract;jsessionid= 16A3F4CA86C2F1903EA126A025D69A62.tomcat1?fromPage=online&aid=440706
2. Ngụy Đức Đông. 2005. Nhìn tôn giáo từ góc độ kinh tế. Trần Nghĩa Phương dịch. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5 (35)/2005. Thứ sáu, 23/12/2005. http://www.vae.org.vn/News_print.asp?id=2486
3. Norris, Pippa và Ronald Inglehart. 2004. Chapter 1. Sacred and Secular: Religion and Politics Worldwide. Cambridge University Press.
http://ksghome.harvard.edu/~pnorris/ACROBAT/Sacred_and_Secular/Chapter%201.pdf
và
http://www.google.com/books?id=dto-P2YfWJIC&rview=1
4. Secularization.2009.Wikipedia. http://en.wikipedia.org/wiki/Secularization
Nguồn http://www.lamhong.org/?p=1134
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét