Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Xu hướng thế tục hóa và hiện đại hóa của tín ngưỡng, tôn giáo ở Tư Nghĩa

Hiện nay, huyện Tư Nghĩa đã và đang chịu sự ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra sự tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là nền văn hóa. Tính đa dạng của nó được quy định bởi tính chất dân tộc, sự giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã in sâu trong tư tưởng, tình cảm và trở thành tiềm thức của cộng đồng dân cư ở Tư Nghĩa.


Nền kinh tế thị trường và xu hướng giao lưu, mở cửa đã tạo điều kiện tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương với nhau. Tình hình ấy trực tiếp hay gián tiếp tác động mạnh mẽ liên tục, sâu sắc đến văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của huyện Tư Nghĩa.
Tuy nhiên, với tư cách là hình thái ý thức xã hội thì tín ngưỡng, tôn giáo ở huyện Tư Nghĩa sẽ biến đổi theo hoàn cảnh lịch sử mới, trong đó có sự đan xen giữa tốt - xấu, tiêu cực - tích cực, cơ hội - thách thức. Đặc biệt, trong đó, xu hướng thế tục và hiện đại hóa của tín ngưỡng, tôn giáo ở Tư Nghĩa thể hiện khá cụ thể như sau:
1. Thế tục hóa: là quá trình thích nghi của tổ chức tôn giáo với những điều kiện đang thay đổi của thế giới đương đại. Thế tục hóa có thể hiểu theo 2 ý nghĩa:
- Một là, thế tục hóa tức là “phi thần thánh”. Điều đó có nghĩa là tín ngưỡng, tôn giáo giải thích các hiện tượng trong tự nhiên, xã hội một cách huyền bí, viễn vông qua ý tưởng đã được thay thế bằng các lời giải thích có lý tính, gần với hiện thực hơn; nhưng về mặt bản chất thì hệ thống những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo vẫn được bảo lưu.
- Hai là, thế tục hóa là việc tôn giáo đang tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội, trở về với hiện thực cuộc sống và cố gắng giải quyết những vấn đề của nhân gian.
Tuy trong từng tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo, nhiều kênh thông tin đa chiều, phong phú như hiện nay đã làm cho niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo có tính viễn vông, huyền bí có phần phai nhạt dần, thay vào đó là niềm tin gần với thực tế đời sống.
2. Hiện đại hóa: là những chuyển biến của tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thích ứng đối với tiến trình dân chủ và hiện đại hóa xã hội. Mặc dù quá trình “hiện đại hóa” cảu tín ngưỡng, tôn giáo là một quá trình lâu dài và phức tạp nhưng xu hướng hiện đại hóa này đã bắt đầu thể hiện rõ rệt ở Tư Nghĩa.
Hiện nay, các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Tư Nghĩa đã và đang xóa bỏ dần tính độc đoán, thần quyền của xã hội cũ, làm cho tôn giáo ngày càng có “tính dân chủ” hơn, “thông thoáng” hơn. Điều đó biểu hiện qua các đặc điểm sau:
- Về nhận thức, tư tưởng: hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo đều đã thúc đẩy sự chuyển biến từ “thần bản” sang “nhân bản”, ủng hộ cho những tư tưởng như bình đẳng, tự do, dân chủ, hiện đại.
- Về tổ chức: với kết cấu “đẳng cấp” sẵn có, các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đang tự cải cách để thích ứng.
Tín ngưỡng, tôn giáo bắt đầu có thái độ thừa nhận sự phát triển của khoa học kỹ thuật với những thành quả vượt bậc của nó; không ngăn cản, cấm đoán mà trái lại còn tích cực theo dõi, quan sát và áp dụng nó để phục vụ cho sự phát triển của mình. Như vậy, trong tiến trình hiện đại hóa, tôn giáo không ngừng cố gắng bổ sung, điều chỉnh để tự hoàn thiện mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét