TS TRẦN CÔNG TRỤC
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận nóng của ông xung quanh kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và một số tác động dự kiến đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông.
Tít bài do Tòa soạn đặt, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Vậy là sự kiện chính trị hấp dẫn, kịch tính nhất thế giới của năm đã khép lại với chủ nhân mới của Nhà Trắng, Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã xuất hiện, ngài tỉ phú Donald Trump.
Với vai trò siêu cường số 1 toàn cầu, tất cả các cuộc bầu cử Mỹ đều gay cấn, hấp dẫn, kịch tính. Nhưng cuộc bầu cử năm nay dường như đặc biệt hơn cả và cũng gây tranh cãi, thậm chí chia rẽ xã hội Mỹ và dư luận truyền thông quốc tế hơn cả.
Sự xuất hiện của tỉ phú Donald Trump ngay từ đầu đã dự báo một mùa bầu cử sôi động, nhưng càng về cuối việc ông tiến sâu vào vòng trong, càng gây ra nhiều đồn đoán, tranh cãi. Cuối cùng người dân Mỹ chọn Donald Trump.
Donald Trump là đại diện của một xu thế chính trị mới
Trước khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tỉ phú Donald Trump gây nhiều tranh cãi với những phát ngôn khá sốc của ông và phong cách khác hoàn toàn các chính trị gia truyền thống, lịch lãm không tì vết.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Truyền thông Hoa Kỳ cũng như truyền thông quốc tế trong đó có Việt Nam dành nhiều cảm tình và hy vọng cho bà cựu Ngoại trưởng, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton hơn, trong đó có cá nhân người viết.
Nhưng sự đảo ngược ngoạn mục của Donald Trump và kết quả cuối cùng cho thấy, rõ ràng ông đang đại diện cho một xu thế chính trị mới mà có thể trước đó người ta chưa nhận ra được.
Bà Hillary Clinton, giống như chồng mình - cựu Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama, là một chính trị gia truyền thống xuất sắc.
Chỉ tiếc rằng, người dân nước Mỹ đang cần một nhà lãnh đạo mới vực dậy nội lực cho Hoa Kỳ sau 8 năm ông Obama đã tập trung quá nhiều vào chiến lược đối ngoại mà quên củng cố thực lực, để Trung Quốc vượt lên ngoạn mục, đe dọa vị trí thống soái của Hoa Kỳ.
Chỉ trong vòng hơn một năm qua, Trung Quốc đã tung ra những định chế tài chính cạnh tranh lại với IMF, WB vốn do Mỹ cầm trịch, đó là Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và thâu tóm hàng loạt thương hiệu đình đám của Mỹ và thế giới.
Về mặt quân sự, dù chưa thể sánh vai với Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc đang từng bước đẩy Mỹ vào thế bị động ở Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi phát hiện ra Mỹ chẳng làm được gì khi Nga "sáp nhập" Crimea năm 2014.
Trong khi chính sách tranh cử của bà Hillary Clinton vẫn chỉ là bảo vệ những di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, người Mỹ cần chủ nhân mới của tòa Bạch Ốc phải nghĩ khác đi, làm khác đi, củng cố sức mạnh và giữ vững vị thế vốn có của mình.
Họ lựa chọn Donald Trump có lẽ là vì thấy ông đủ tố chất và bản lĩnh làm điều này.
Xã hội Mỹ chấp nhận sự khác biệt như đã từng chấp nhận người da màu đầu tiên làm Tổng thống, việc họ chọn một doanh nhân thành đạt "phi chính trị truyền thống" như Donald Trump cũng không có gì lạ.
Hiện tượng Donald Trump ở Hoa Kỳ, vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu hay sự xuất hiện của ông Rodrigo Duterte ở Philippines, theo cá nhân người viết, là phản ánh của một xu thế chính trị mới, là một bước vận động của quy luật chính trị, xã hội.
Số phận của TPP và tình hình Biển Đông, khu vực sẽ diễn biến ra sao dưới thời Donald Trump?
Cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều phản đối TPP trong quá trình vận động tranh cử. Thực tế Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương này đang gặp khó khăn tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Donald Trump, ảnh: True Pundit. |
Nhiều nhà phân tích quốc tế tin rằng, nếu Donald Trump thành chủ nhân Nhà Trắng, TPP sẽ không còn hy vọng. Tuy nhiên cá nhân tôi lại có niềm tin ngược lại.
Tổng thống Mỹ thứ 45 dù là ai cũng sẽ thúc đẩy thông qua TPP, vì đó vừa là lợi ích chiến lược, vừa là uy tín và danh dự của Hoa Kỳ.
Đành rằng củng cố nội lực là ưu tiên Donald Trump đặt ra và có lẽ cũng là lý do để dân Mỹ chọn ông làm Tổng thống, nhưng củng cố bằng cách nào là câu chuyện hoàn toàn khác.
Trước đây, Trump đã từng nói rằng Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico đã "cướp" việc làm của người Mỹ, và ông sẽ lấy lại chúng nếu dân Mỹ bầu ông làm Tổng thống. [1]
Nhưng trên thực tế, đối thủ của Mỹ, kẻ cướp công ăn việc làm của dân Mỹ không phải là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, mà theo cá nhân người viết chính là cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, còn gọi là cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Một khi rô-bốt thay con người ở những ngành công nghiệp và dịch vụ trọng yếu mang lại nhiều việc làm như may mặc, chế biến thủy hải sản, chuỗi nhà hàng khách sạn, sản xuất và lắp ráp ô tô...thì không chỉ Mỹ bị đe dọa, mà cả nền kinh tế toàn cầu.
Bởi vậy những phát biểu của Donald Trump theo tôi chỉ là một thủ thuật chính trị vận động tranh cử. Việc chính phủ mới ở Mỹ sẽ làm gì sau bầu cử phụ thuộc vào các lợi ích chiến lược thực sự của họ.
Vì vậy cá nhân tôi tin rằng, TPP vẫn có cơ hội rất lớn được thông qua và đi vào thực tế vận hành khi Donald Trump lên nắm quyền.
Trong khi nhiều người trong số chúng ta còn đang băn khoăn, lo lắng liệu TPP có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không thì trên thực tế, Trung Quốc đã chuẩn bị cho việc này bằng cách ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để lấy nhãn mác Việt Nam cho hàng hóa của họ vào thị trường TPP. [2], [3]
Donald Trump khởi đầu cho một sự đổi thay? |
Còn trên Biển Đông, Donald Trump cũng đã thể hiện khá rõ lập trường của mình trong chiến dịch tranh cử:
Tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ và triển khai nó một cách thích hợp ở Biển Đông và Hoa Đông để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc. [4]
Người viết cho rằng, thúc đẩy TPP cũng là một trong những giải pháp chủ yếu để Nhà Trắng dưới thời Donald Trump duy trì, bảo vệ chỗ đứng và vị thế của mình ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng.
Trong 2 nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama đã làm rất tốt vai trò sứ giả hòa giải khi tìm cách rút khỏi vũng lầy Iraq, Afghanistan, bình thường hóa quan hệ với Cuba và đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Rất có thể Donald Trump sẽ kế tục chính sách ấy của ông bằng cách đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên để tháo ngòi nổ căng thẳng ở Đông Bắc Á. Đó là suy nghĩ và cũng là hy vọng của cá nhân người viết.
Tất cả các cuộc chiến tranh, xung đột khu vực hay toàn cầu xưa này đều là hậu quả tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa các siêu cường thông qua đối đầu thay vì đối thoại.
Tuy nhiên với xu hướng chính trị muốn đối thoại với Nga, Trung Quốc thay vì đối đầu, nhiều khả năng Donald Trump sẽ đóng vai trò tháo ngòi nổ xung đột, chiến tranh với 2 siêu cường Nga - Trung Quốc khi ông lên nắm quyền Tổng thống.
Chiến thắng của Donald Trump cũng cho thấy, tư duy chính trị và các học thuyết chính trị truyền thống trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ đã bộc lộ những bất cập, không giải quyết được các mâu thuẫn thời đại đặt ra trong thực tiễn.
Barack Obama đã có những nhận xét không mấy tốt đẹp về Donald Trump trong quá trình vận động tranh cử, vì trách nhiệm của một thành viên đảng Dân chủ với ứng viên đảng mình Hillary Clinton. Đó là việc thường tình.
Nhưng trong sáng hôm nay, khi có dự cảm "chẳng lành" về khả năng cựu Ngoại trưởng khó có thể vượt qua tỉ phú Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông đã lên tiếng trấn an người dân Mỹ đang chia rẽ vì kết quả bầu cử:
"Không có vấn đề gì, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Mặt Trời vẫn sẽ mọc vào buổi sáng, và Mỹ vẫn sẽ luôn là cường quốc số một trên thế giới." [5]
Câu nói này của ông Obama để lại trong lòng người viết rất nhiều cảm xúc sau khi ông đã "chạm đến trái tim" hàng triệu người dân Việt Nam trong chuyến thăm chính thức nước ta.
Vậy là Nhà Trắng đã có chủ nhân mới và người đó không phải là người Barack Obama mong muốn, nhưng ông đã làm tất cả những gì tốt đẹp có thể làm cho nước Mỹ và cho người kế nhiệm.
Dù bùi ngùi, nhưng bữa tiệc nào chẳng đến lúc phải chia ly? Nhưng có gì đáng lo khi biết rằng, ngày nào Mặt Trời cũng vẫn mọc vào buổi sáng?
Tài liệu tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét