Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Du Thuyết Nan (Hàn Phi Tử)

Khi xem đến chương này trong bộ Hàn Phi tử toàn tập ,tôi hết sức kinh ngạc không ngờ nguời xưa trí tuệ thâm sâu mà tâm lý lại tuờng tận hết lẽ .Đất nươc Trung Hoa vĩ đại vì đã sản sinh ra những nhân vật huyền thoại thế này .Ông nói về cái khó của thuyết khách và những lắt léo trong tâm lý con nguời ,bao nhiêu năm đọc lại vẫn thấy mới lạ ,vẫn thấy còn một cái gì đó cần học hỏi .Quyển sách lừng lẫy Châu Âu -Ông Hoàng - của Machiaveli đứng bên cạnh bộ này chỉ là những lời chú giải rời rạc đầy thiếu sót 
Tôi yêu mến và khâm phục các số phận thiên tài nhưng bất hạnh như Hàn Phi , Tư Mã Thiên ,Vuơng Bột .Càng đọc họ càng thấy số phận vô cùng nghiệt ngã 
Ông Trời đúng là chẳng cho không ai cái gì 


Du thuyết khó, nhưng không khó ở chỗ trí thức của ta đủ thuyết phục được vua chúa hay không, cũng không khó ở chỗ khẩu tài của ta phát biểu được rõ ý của ta hay không, cũng không khó ở chỗ ta dám tung hoành phóng dật diễn hết ý của ta hay không, mà khó ở chỗ hiểu được tâm lí đối phương để cho lời chúng ta hợp với tình ý của họ. Như đối phương nghĩ tới danh dự thanh cao mà ta đem tài lợi ra thuyết thì tất họ cho ta là bỉ lậu, tư cách đê hèn mà không dùng ta, xa lánh ta. Nếu đối phương nghĩ tới tài lợi mà ta đem danh dự thanh cao thuyết thì họ cho ta là không biết thời thế, không hiểu sát sự tình, tất không thu dụng ta. Đối phương trong lòng thích tài lợi mà ngoài mặt bộ thích danh dự cao, nếu ta đem danh dự thanh cao ra thuyết thì bề ngoài họ thu dụng ta mà thực tâm xa lánh ta; nếu ta đem tài lợi ra thuyết thì bề trong họ dùng lời ta mà bề ngoài xa lánh ta. Những điều đó không thể không xét được.


Điều cốt yếu của phép du thuyết là biết tô điểm cái mà đối phương khoe khoang tự phụ và che giấu cái đối phương lấy làm hổ thẹn. Họ gấp muốn làm một việc thì phải thuyết sao cho việc riêng đó thành ra nghĩa chung mà khuyến khích họ làm. Trong ý họ, họ cho việc đó là đê hèn nhưng không thể không làm được thì kẻ du thuyết phải tô điểm sao cho việc đó hóa ra đẹp đẽ, nếu không làm thì đáng tiếc. Trong lòng họ cho việc đó là cao thượng nhưng thực tế họ không làm được, kẻ du thuyết phải vạch rõ chỗ hỏng của việc (cho?) họ thấy nó xấu, rồi khen rằng không làm là sáng suốt. Họ muốn khoe trí thì kể cho họ nghe nhiều việc khác đồng loại với việc họ định làm để họ tham khảo được rộng, khiến cho họ dùng kiến nghị của ta mà ta cứ giả đò như không biết, để họ không ngờ rằng mình đã mở trí cho họ. Muốn dâng cái ý rằng đôi bên (họ và người khác) nên chung sống với nhau thì phải khen rằng hành động như vậy sẽ được tiếng tốt mà đồng thời ám chỉ rằng cũng hợp với tư lợi của họ nữa; muốn bày tỏ sự nguy hại thì cho họ thấy rằng như vậy sẽ bị phỉ báng mà đồng thời ám chỉ rằng có hại riêng cho họ nữa. Nên khen những người hành vi giống hành vi của họ, mưu tính những việc giống việc của họ. Nếu có kẻ nào cũng dơ dáy như họ thì nên tô điểm cho là không có gì thương phong bại tục; có kẻ nào cũng thất loại như họ thì nên tỏ rõ rằng kẻ đó không hề lầm lẫn. Nếu họ tự nhận rằng năng lực dồi dào thì đừng đem những nỗi khó khăn ra làm nhụt chí của họ;[2] nếu họ tự cho là quyết đoán hơn người thì đừng vạch những lầm lẫn của họ cho họ giận, nếu họ cho rằng mưu tính sáng suốt thì đừng đem sự thất bại ra nén lòng họ. Đừng trái với chủ ý của họ, đừng xung đột trong lời nói với họ, như vậy rồi mới đem hết tài trí ra trần thuyết. Đó là cái phép làm cho họ thân cận, không hoài nghi, rồi mới có thể hết lời thuyết phục họ được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét