Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

THUẬT DÙNG NGƯỜI CỦA HÀN PHI TỬ-2 THIÊN NIÊN KỶ SAU VẪN CÒN THỜI SỰ

 Do có kẻ đố kị, ghen ghét tài năng, Hàn Phi Tử bị giết khi chưa đầy 50 tuổi. Đời ông chưa đi hết nửa thế kỷ, nhưng tinh thần của ông đã vượt qua 2 thiên niên kỷ và cống hiến của ông mãi còn với nhân loại (Đọc tiếp dưới đây, bài này đăng Văn nghệ đất Tổ, số 312 (2012)
                      alt

          “Khiến cho kẻ  mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thỏa lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành, biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, cha con giữ gìn cho nhau”- ước mong về một xã hội tươi đẹp này là của một triết gia phương đông cổ đại- Hàn Phi Tử (280-232 trước công nguyên).
          Trước khi chết, Hàn Phi Tử đã để lại bộ sách mà đến nay, hơn 2.300 năm sau, thuật dùng người của ông vẫn còn nguyên tính thời sự.             
           Theo Hàn Phi Tử, sở dĩ có nước này mạnh, nước kia yếu, thời kỳ này cường thịnh, thời kỳ kia suy đồi là bởi một lý do rất đơn giản: dùng người. Thời Xuân Thu- Chiến Quốc, nước Hàn yếu bởi những người nhà vua cần dựa vào là người tài giỏi, trung chính thì bị vứt bỏ, còn bọn lừa dối, hại nước thì lại được tin dùng. Nước Hàn mất vì không nghe đề xuất của Hàn Phi Tử. Nước Tần diệt nước Hàn và các nước, thống nhất Trung Quốc bởi Tần Thủy Hoàng dùng thuyết của Hàn Phi Tử. (Sau này, tài giỏi như Gia Cát Lượng mà đã phải 3 lần chép sách của Hàn Phi Tử để dạy con của Lưu Bị học cách trị nước).
          Để hiểu thêm cống hiến của Hàn Phi Tử vào lịch sử triết học phương Đông và thế giới, trước hết hãy sơ lược nói về 2 trường phái tiêu biểu của triết học Trung Quốc cổ đại. Thời bấy giờ, Nho gia của Khổng Tử chủ trương dùng nhân trị, đức trị. Pháp gia của Hàn Phi Tử thì chủ trương dùng pháp luật, pháp trị. Trong thời buổi loạn lạc triền miên lúc đó, các nước theo nhân trị, nêu gương đạo đức của Nho gia đều mất, nước Tần theo pháp trị của Hàn Phi Tử thì thống nhất được thiên hạ. Nói Tần Thủy Hoàng "đốt sách, chôn nho", cần hiểu rằng, trong bối cảnh ngày ấy, vua Tần vốn không tán thành trường phái Nho gia. Thực chất, vua Tần không hẳn là người ghét sách vở, bạc đãi kẻ sỹ. Tần Thủy Hoàng đọc tác phẩm của Hàn Phi Tử, đã thán phục vô cùng, thốt lên: "Ta được làm bạn với con người này thì có chết cũng không uổng ! "
          Trở lại chủ trương nhân trị của Nho gia thực chất là củng cố sự phân chia đẳng cấp, thần thánh hóa người bề trên. Khổng Tử duy trì sự phân biệt quân tử - tiểu nhân, chẳng qua là duy trì sự phân biệt người sang - kẻ hèn, bắt kẻ hèn hoặc chịu ơn, hoặc sợ hãi uy lực người sang. Thuyết "chính danh" của Khổng Tử là để củng cố sự phân chia xã hội thành những tầng lớp khác nhau, mỗi tầng lớp làm theo cương vị của mình; kẻ tiểu nhân có học, có cố gắng đến mấy thì cũng không thể so với người quân tử. Còn thuyết "hình danh" của Hàn Phi Tử, trái lại, là xóa bỏ đẳng cấp. "Hình" là xét cái thực sự đã làm có hợp với "danh" là tên gọi của công việc hay không. " Bậc làm vua muốn cấm chuyện gian tà thì phải xét kỹ tên gọi và việc làm xem có hợp nhau không, việc làm có khác lời nói không. Bầy tôi trình bày lời nói của mình, nhà vua căn cứ vào lời nói mà giao việc, rồi căn cứ vào công việc mà xét kết quả. Nếu kết quả phù hợp với việc làm, việc làm phù hợp với lời nói thì thưởng. Nếu kết quả không phù hợp với việc làm, việc làm không phù hợp với lời nói thì phạt" (Các dẫn chứng được trích trong cuốn Hàn Phi Tử- Nxb Văn học, Hà Nội-2001). 
           Như vậy, theo Hàn Phi Tử thì bất kể ai, nếu "hình" phù hợp với "danh" thì đều được trọng dụng, không phân biệt sang- hèn, không có quân tử- tiểu nhân, mọi người đều ngang nhau trước pháp luật.   Đây là tư tưởng rất tiến bộ từ thời cổ đại với Hàn Phi Tử làm đại diện: "Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu". Quan điểm này của Hàn Phi Tử khác hẳn với Khổng Tử cho rằng "lễ không xuống đến thứ dân, hình không lên đến đại phu". Hàn Phi Tử xét rằng những người vua dùng, có người ở nơi núi rừng, đầm ao, có người ở nơi tù ngục, xiềng xích, có người nấu bếp, chăn bò. Bậc vua sáng không xấu hổ về chỗ họ thấp hèn mà cho rằng họ có thể làm sáng tỏ pháp luật, làm lợi cho nước, làm tiện cho dân nên vua sáng nghe họ và dùng họ. Vị chúa loạn thì không thế. Họ đã không có cái quy tắc để cân nhắc bầy tôi thì thế nào cũng nghe miệng dèm pha mà quyết định sai lầm.
          Đến thời Tam Quốc, sở dĩ Tào Tháo bình được thiên hạ là vì có quan điểm tiến bộ về cách dùng người kế thừa tư tưởng của Hàn Phi Tử. Khi các viên đại tướng của liên minh chống Đổng Trác lần lượt bị chém đầu, 18 lộ chư hầu không ai dám ra nghênh địch thì Quan Vân Trường xin ra đánh. Minh chủ của liên quân là Viên Thiệu hỏi Vân Trường xuất thân là gì, Vân Trường khi ấy chỉ là một tay cung thủ, không chức tước. Viên Thiệu khinh là hèn, toan đuổi đi, không cho ra đánh. Nhưng Tào Tháo có con mắt xanh, biết kính trọng người tài, đã xin cho Vân Trường ra giao chiến, kết quả chém đầu tướng giặc, giải vây cho liên quân. Tháo cho rằng "không cứ quý hay tiện, miễn là giỏi thì được dùng". Tư tưởng coi trọng tài năng thực tế này của Trung Quốc cổ đại, đến thời hiện đại, bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình với quan điểm "mèo đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột" cũng đã làm cho Trung Quốc thoát khỏi chủ nghĩa xã hội xơ cứng để trở nên hùng mạnh ngày nay. Tư tưởng tiến bộ của Hàn Phi Tử về dùng người đã vượt ra khỏi khuôn khổ của nước Hàn chật hẹp, vượt không gian và thời gian, trở thành tài sản tinh thần mọi thời đại của nhân loại
          Là người đại diện cho trường phái Pháp gia, Hàn Phi Tử rất coi trọng pháp luật. "Bỏ pháp luật và thuật trị nước mà lấy cái tâm để cai trị thì vua Nghiêu không chỉnh đốn được một nước. Bỏ cái quy (compa), cái củ (êke) mà lấy ý để đo đạc thì Hề Trọng (quan coi xe của Hạ Vũ) không thể làm thành một bánh xe. Nhưng nếu một ông vua trung bình nắm lấy pháp luật và thuật trị nước, một người thợ vụng giữ cái quy cái củ, cái thước cái tấc, thì vạn điều không sai một điều. Kẻ làm vua chúa nếu có thể bỏ được cái điều mà người giỏi cũng không làm được để giữ lấy cái mà người vụng làm vạn điều không sai một, thì sức người dùng được hết mà công danh được xác lập.
          Dùng người, Hàn Phi Tử cho rằng: "Bậc vua sáng khiến pháp luật chọn người chứ không tự mình tiến cử; khiến cho pháp luật đo lường công lao, chứ không tự mình tính toán. Như thế kẻ có tài năng không thể bị che đậy, kẻ kém không thể tô vẽ ".
          Muốn để pháp luật đo lường được công lao thì phải đặt ra tiêu chuẩn. Hàn Phi Tử cho rằng: người thợ khéo tuy dùng ý và mắt cũng đúng dây mực, nhưng trước đó phải lấy cái quy, cái củ (compa, êke) để đo. Kẻ thượng trí tuy làm việc đúng ngay, nhưng trước đó phải lấy phép tắc tiên vương làm chuẩn. Theo Hàn Phi Tử thì ở đời này không cần thợ may, thợ mộc giỏi mà chỉ cần người thợ trung bình và có cái thước chuẩn. Trong cai trị xã hội cũng vậy, không cần ông vua giỏi, chỉ cần ông vua trung bình nhưng ông vua ấy phải có cái thước chuẩn là pháp luật. "Đặt cái đích cách xa mười bước, thì nếu không phải Bàng Mông, Hậu Nghệ ắt không thể bắn trúng mãi. Cho nên, có tiêu chuẩn thì khó mà không có tiêu chuẩn thì dễ. Đặt ra cái tiêu chuẩn và nắm lấy nó mà xét thì đến bậc trí giả cũng còn sợ sai lầm, không dám nói liều. Nay làm vua nghe lời biện thuyết mà không nắm lấy cái chuẩn để xét, chỉ thích cái tài biện luận mà không căn cứ vào công dụng thì người làm vua cứ bị lừa dối mãi".
          Trong quan niệm của Hàn Phi Tử thì chính trị cốt ở chỗ chọn người hiền tài. Bậc làm vua chỉ lo bỏ sót hiền tài mà thôi. Muốn biết hiền tài phải lấy quy tắc làm tiêu chuẩn, lấy tên gọi để tham khảo, lấy sự việc để kiểm tra. Tiêu chuẩn có rõ ràng thì kẻ bất tài không thể lừa dối được vua. Hàn Phi Tử dẫn chứng bằng câu chuyện người khách vẽ cho vua Tề. Vua Tề hỏi: "Vẽ cái gì khó nhất ?" Người khách nói: "Vẽ chó, ngựa khó nhất". Vua hỏi: "Vẽ cái gì dễ nhất ?" Khách thưa: "Vẽ ma quỷ dễ nhất. Phàm chó và ngựa, mọi người đều biết, sớm tối đều thấy trước mắt, không thể vẽ đại khái, cho nên khó. Còn ma quỷ là những vật vô hình, không thấy trước mắt cho nên dễ vẽ ".
          Thật đáng nể là cách đây hơn 2.300 năm, Hàn Phi Tử đã nói đến "thuật bổ nhiệm" mà như nói việc bổ nhiệm cán bộ ngày nay. Triết gia cổ điển này cho rằng: "dùng công việc để sử dụng người, đó là cái then chốt của sự còn hay mất, trị hay loạn. Nếu không có cái thuật để bổ nhiệm người thì dùng người nào cũng hỏng. Những người nhà vua dùng nếu như không phải là người nói giỏi khôn ngoan thì cũng là những người trau giồi thân mình và liêm khiết".
           Vị vua sáng căn cứ vào công lao mà ban tước lộc, cân nhắc tài năng mà trao nhiệm vụ; những người dùng là những người có tài, những người được đề bạt là những người giỏi. Những kẻ sĩ tài giỏi được tiến cử thì chuyện cầu xin ở cửa riêng chấm dứt.
          Trái với phái Nho gia chọn người làm quan dựa vào dòng dõi, Pháp gia chọn người làm quan chỉ dựa vào tài năng. Về điểm này, Hàn Phi Tử chịu ảnh hưởng của Quản Trọng (người đã giúp Tề Hoàn Công làm nên nghiệp bá). Trong tác phẩm của Hàn Phi Tử có trích một đoạn Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: "Chức quan thì ít mà người đòi làm quan thì nhiều. Quả nhân lo việc đó". Quản Trọng nói: "Bệ hạ chớ nghe những lời xin xỏ của những người chung quanh. Cứ căn cứ vào tài năng mà cấp bổng lộc, căn cứ vào công lao mà cho làm quan. Bệ hạ có gì phải lo ?"
          Muốn dùng người thì phải tạo cho người ta cái địa vị, Hàn Phi Tử gọi là cái thế. Thế chính là thế lực, là quyền uy do địa vị đem lại. Giữ được thế thì mới có lực, có lực thì mới dùng được người khác. Hàn Phi Tử cho rằng có tài mà không có thế thì cũng không khống chế được kẻ hư hỏng. "Dựng cái cây một thước ở trên núi cao thì nhìn được cái khe sâu ngàn dặm. Cây không phải là cao nhưng chỗ đứng của nó cao. Kiệt (hôn quân) làm thiên tử thì có thể khống chế được thiên hạ, không phải vì ông ta hiền mà cái thế của ông ta nặng. Nghiêu (vua sáng) làm kẻ thất phu thì không thể sửa được ba nhà, không phải vì ông ta hư hỏng mà vì cái địa vị của ông ta thấp. Một ngàn cân đặt trên thuyền thì nổi, một tri một thù không có thuyền thì chìm, không phải vì ngàn cân thì nhẹ mà một tri một thù thì nặng. Đó là vì có thế hay không có thế ".
          Từ những lẽ trên, vua sáng phải chọn người mà trao địa vị. Phàm trồng cây lê, cây quýt thì lúc ăn, được quả ngọt, lúc ngửi, được mùi thơm. Trồng cây chỉ cúc thì khi lớn lên gai đâm người. Cho nên, Hàn Phi Tử nhắc nhở người quân tử cẩn trọng trong việc trồng cái gì. "Phàm cấp cái thế cho kẻ hư hỏng tức là cấp cánh cho hổ. Kiệt, Trụ được cái thế mà làm chuyện ngang ngược. Ví thử Kiệt, Trụ là kẻ thất phu thì họ chưa làm được việc ngang ngược thì thân đã bị hình phạt giết rồi ".
          Chọn người phải biết phân biệt tốt, xấu, có tài, bất tài. Muốn biết người tốt, xấu phải khảo hạch (ngày nay ta nói đánh giá cán bộ phải qua kiểm tra). Hàn Phi Tử cho rằng phải kiểm tra từng lời, từng người, từng việc. Thuật kiểm tra, theo Hàn Phi Tử, nếu nghe một bên thì không thể phân biệt người ngu với người khôn. Tập hợp những người khôn để hỏi thì người không khôn sẽ thành khôn. Đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc để xét những điều mình ngờ vực thì biết được tình trạng gian dối. Hàn Phi Tử cho rằng nhà lãnh đạo, phải dựa vào pháp trị để làm cho đất nước giàu mạnh, song nếu không có cái thuật để biết kẻ gian thì chỉ lấy cái giàu mạnh của nước mà làm giàu có cho các quan đại thần mà thôi.
          Bậc vua sáng cốt sao cho kín đáo để người bị kiểm tra không biết đâu mà đối phó. Nếu nhà vua để lộ cái vui của mình thì cái đức của mình bị người ta lợi dụng. Nếu nhà vua để lộ cái giận của mình thì cái uy lực của mình đã bị người ta chia mất. Khi nghe nhiều người cùng nói thì phải căn cứ theo địa vị mỗi người mà xét, căn cứ vào thiên thời mà tính, căn cứ vào sự việc mà trắc nghiệm, căn cứ vào lòng người mà so sánh. Nếu bốn dấu hiệu này phù hợp với nhau thì có thể xem là được. Bầy tôi đã nói thì phải báo lại kết quả của việc làm. đã đưa ra cái thuyết thì phải đòi hỏi có chỗ ứng dụng. Cái đạo của bậc vua sáng là thông qua kiểm tra, những người làm được nhiệm vụ thì được dùng.
          Muốn dùng được người hiệu quả thì phải có cơ chế cho họ giám sát lẫn nhau. Người dưới bị ước thúc không xâm lấn người trên; quan tướng quốc ước thúc các quan trong triều; các quan trong triều ước thúc bọn thuộc hạ…Hàn Phi Tử gọi đó là cái đạo điều khiển.
          Nếu ngày nay ta có cơ chế để người dân giám sát lãnh đạo thì từ thời cổ, Hàn Phi Tử đã đề cập vấn đề này. Cái đạo của vị vua sáng, theo Hàn Phi Tử, là cho người hèn được phép bàn về người sang, kẻ dưới được phép nói cái sai của người trên; dùng lối tham khảo nhiều người để quyết định về sự thành thực, không phải chỉ nghe một cửa mà thôi. Tư tưởng dân chủ này của Hàn Phi Tử quả là hiếm gặp trong xã hội Trung Quốc thời cổ vốn chỉ biết tôn ti, trật tự là giường cột của xã tắc.
          Cấp trên muốn kiểm tra, đánh giá cấp dưới thì phải mắt thấy, tai nghe. Hàn Phi Tử nói các vị chua, ngọt, mặn, nhạt, nếu nhà vua không lấy miệng mình mà quyết định mà dựa vào anh đầu bếp thì những người nấu bếp sẽ coi thường nhà vua mà trọng anh đầu bếp. Việc trị nước đúng hay sai nếu không dùng thuật trị nước để quyết định mà quyết định ở những người nhà vua yêu thì bầy tôi ở dưới sẽ coi nhẹ nhà vua và coi trọng những người mà nhà vua yêu. " Ông vua nếu không tự mình nhìn và nghe, mà lại để cho người dưới quyết định thì chỉ là một kẻ ăn gửi nằm nhờ ở trong nước mà thôi ".
          Ngày nay, ta nói: lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Ngày xưa, Hàn Phi Tử nói: tính công mà ban thưởng, dựa vào khả năng mà giao việc, xét kỹ đầu cuối để xem sự sai lầm. Làm được vậy thì người ngu không giữ được chức quan, người khôn không thể lừa dối; người ngu không được phép quyết định thì công việc không thể sai lầm.
          Dùng người phải kiểm tra, để vua sáng không bị che mắt. Dùng người tránh cả tin nhưng dùng những người tài, kẻ sĩ thì cũng phải thực tâm cung kính. Hàn Phi Tử kể chuyện vua Việt Câu Tiễn thấy con ếch nổi giận bèn ngồi trên xe chào nó. Người đánh xe hỏi: "Tại sao bệ hạ lại chào nó ?". Nhà vua nói: "Con ếch có khí tiết như vậy, tại sao ta lại không chào?". Các kẻ sĩ nghe vậy nói: "Con ếch có khí tiết nhà vua còn chào, huống nữa là kẻ sĩ dũng cảm ?"
          Theo Hàn Phi Tử thì cái lo của bậc vua chúa là ở chỗ không ai hưởng ứng mình (bây giờ ta nói lãnh đạo phải có khả năng tập hợp, thu hút quần chúng). Được hay mất là do xung quanh có tập hợp được kẻ sỹ có khí tiết hay không. Cho nên có câu: "Một tay không vỗ được". Núi cao bởi có đất bồi, những người lập được công danh là nhờ dân chúng giúp sức. Do đó mới có câu: "Nước trị an cực điểm thì vua như cái dùi, bầy tôi như cái trống".
          Trong xã hội, có thực tế là cái mũ tuy xấu nhưng vẫn phải đội trên đầu, cái giày tuy sang nhưng vẫn phải đi dưới chân. Nói chung cái tốt ở dưới mà cái xấu ở trên là nguồn gốc của việc trái đạo nghĩa, Hàn Phi Tử đã đúc rút. Vì vậy, muốn người ta noi theo thì bậc vua chúa phải nêu gương. Nêu gương bằng việc làm và nêu gương bằng tín nghĩa. Điều tín nhỏ giữ được thì điều tín lớn xác lập được. Cho nên vị vua sáng chứa chất chữ tín. Vua tín thì tôi trung. Sở dĩ đời không trị yên, đó không phải là cái tội của kẻ dưới, mà là vì ở trên bỏ mất đạo. Về điểm này thì Hàn Phi Tử tán thành Khổng Tử: "Kẻ làm vua cũng như cái chén, dân cũng như nước. Cái chén vuông thì nước vuông, cái chén tròn thì nước tròn".
          Muốn nêu được gương sáng thì tự mình phải làm cho mình sạch sẽ. "Nhà sơn trắng, đồ đạc rửa thì sạch. Hạnh kiểm và thân người cũng thế, nếu không có nơi nào phải sơn và phải rửa nữa thì ít điều sai lầm". Người ta không gì yêu bằng thân mình, nhưng để làm nên đại nghiệp, phải biết tiết chế, phải biết hy sinh thân mình và phải có lượng bao dung cho người. Phàm thuốc tốt thì đắng miệng nhưng những người khôn thì lại thích uống vì biết uống vào chữa được bệnh. Lời nói ngay nghe trái tai, nhưng vị vua sáng vẫn nghe vì biết nó có thể đem đến kết quả. Hàn Phi Tử nói: "Biển Thước ngày xưa trị bệnh thì lấy dao chích vào xương, bậc thánh nhân cứu nguy cho nước dùng lời trung làm lỗ tai nghe khó chịu. Chích vào xương thì thân thể đau một chút nhưng nước được phúc lâu dài".
          Hàn Phi Tử cho rằng phàm cái nhọt đau đớn không lấy cái ngòi bên trong của nó đi thì không thể chịu nổi sự đau khổ. Những bọn tôi làm loạn là những kẻ được vua trọng nhất, những người được chúa yêu nhất. Trong kiệt tác Tây Du Ký, thần thông quảng đại như Tôn Ngộ Không mà cũng chịu không thể hàng phục được các loài yêu quái có nguồn gốc trên trời, bởi chúng có cái thế tối cao (ngày nay quần chúng vẫn gọi hạng người này thuộc tiêu chuẩn 10C- Con Cháu Các Cụ Cả Cần Chăm Chút Chiều Chuộng). Khi Hàn Phi Tử viết bộ sách lưu lại cho hậu thế thì bộ tiểu thuyết Tây Du Ký chưa ra đời. Phải chăng, sự trùng hợp trên đây chứng tỏ nhân loại cổ kim đều khiếp sợ cái loạn từ trong mà ra ?
          Vì vậy, Hàn Phi Tử cho rằng, muốn giữ sạch thân mình thì trước hết phải cảnh giác với người thân của mình. Người thân, người được vua yêu thì thường lợi dụng địa vị của vua để làm lợi cho mình. Hàn Phi Tử chỉ ra các loại người làm cho cái loạn sinh ra. Đó là: mẹ của vua, hậu phi, con cháu, anh em, quan đại thần… Đạo của bậc vua chúa là phải phân biệt rõ ràng giữa việc chung với việc riêng, nêu cao pháp chế, gạt bỏ ơn riêng. Pháp bất vị thân là nét nổi bật của phái Pháp gia. Hàn Phi Tử chép truyện vua Trang Vương nước Sở đặt ra phép tắc về cửa khuyết: "Các quan đại phu và công tử vào triều, nếu ngựa đi vào đường cấm thì quan chấp pháp chặt bánh xe, giết người đánh xe". Một hôm, thái tử vào chầu, con ngựa đi vào đường cấm. Quan chấp pháp chém càng xe, giết người đánh xe. Thái tử giận, vào khóc nói với vua: "Xin vì con mà giết viên pháp quan". Nhà vua nói: "Phép tắc là cái để kính trọng tôn miếu, đề cao xã tắc, cho nên kẻ có thể lập phép tắc, tôn kính xã tắc là bầy tôi của xã tắc, làm sao có thể giết được ?"
          Thân hay sơ, không quan trọng bằng đúng hay sai. Hàn Phi Tử cho rằng chọn quan bên trong không tránh người thân, bên ngoài không tránh kẻ thù. Cái đúng ở đâu thì cứ theo đó mà cất nhắc. Cái sai ở đâu thì cứ theo đó mà trừng phạt. Kết quả là những người hiền tài đều tiến, còn những kẻ gian tà đều phải lui. Dùng người có công thì dân ít bàn tán, dùng người mình thân thì dân hay nói. Pháp luật và mệnh lệnh là để gạt bỏ điều riêng tư. "Pháp luật và mệnh lệnh được thi hành thì con đường riêng tư bị bỏ. Cái riêng tư là cái làm rối loạn pháp luật ".
          Dùng người làm quan thì đúng năng lực, thưởng phạt của nhà vua thì không riêng tư. Vua khiến cho kẻ sĩ và dân chúng thấy rõ nếu dốc sức liều chết thì có thể lập được công và có thể có được tước lộc. Thưởng phạt công minh là vì thế. Thưởng phạt phân minh cũng tạo động lực để hun đúc hiền đức. Bậc vua sáng không khen thưởng bừa, không tha trừng phạt. Phạt nhẹ không phải là nhân từ, phạt nặng không phải là độc ác, cứ phù hợp theo tục mà làm. Nếu người ta quả thực có công thì dù là người xa và hèn hạ cũng cứ thưởng. Nếu người ta quả thực sai lầm thì dù là người gần và yêu cũng cứ trị tội. Quan điểm này của Hàn Phi Tử được ông viết qua câu chuyện sau đây.        
          Chuyện kể rằng Tấn Văn Công hỏi Hồ Yển kế làm cho dân chúng quyết chiến đấu. Hồ thưa: "Thưởng chắc chắn, phạt dứt khoát thì đủ khiến cho họ chiến đấu". Văn Công hỏi: " Hình phạt đến đâu là cao nhất ?" Hồ thưa: "Không tránh người thân, người sang; pháp luật thi hành với những người mình yêu". Mấy hôm sau, Văn Công đi săn, hẹn kỳ hạn là lúc mặt tời đứng bóng, ai đến sai thì thi hành quân pháp. Có người Văn Công rất yêu tên là Điền Hiệt đến sai hẹn, viên lại xin trị tội. Văn Công chảy nước mắt lo lắng. Viên lại nói: "xin thi hành pháp luật" bèn chém Điền Hiệt ngang lưng để nêu gương. Trăm họ đều sợ nói: "Nhà vua quý Điền Hiệt như thế mà còn thi hành pháp luật, huống nữa với chúng ta ?" Cả nước từ đó lo giữ gìn kỷ cương. Văn Công thấy dân có thể chiến đấu được bèn dấy binh đánh đất Nguyên và lấy được đất ấy.
          Về chống tham nhũng, vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay đã được Hàn Phi Tử nói rõ từ ngày xửa ngày xưa. Hàn Phi Tử bàn về chống tham nhũng rất sinh động. Chỉ những kẻ có quyền, có thế thì mới có thể tham nhũng, hống hách. Sách chép chuyện nước Tống có người bán rượu, đong rượu rất đúng, tiếp khách rất trọng, rượu làm rất ngon, nhưng vẫn rất ít khách mua. Hỏi Dương Sảnh, ông ta bảo: con chó nhà anh dữ quá, khách sợ không dám đến. Một chuyện nữa, Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: "Trị nước thì điều gì đáng lo nhất ?" Quản Trọng đáp: " Đáng lo nhất là lũ chuột nhà thờ xã ". Như thế, nếu các quan đại thần làm con chó dữ cắn chặn kẻ sĩ, che dấu hiền tài; những người chung quanh nhà vua làm lũ chuột nền xã đục khoét của công mà nhà vua không biết thì làm sao nước khỏi mất ?
          Chuyện tham nhũng, mỗi người một ít, mỗi chỗ một chút, lúc đầu tưởng nhỏ nhưng nếu không trị điều nhỏ thì cái loạn lớn sẽ nảy sinh. Phàm bậc làm vua nếu không bịt các lỗ hổng mà chỉ dốc sức vào việc sơn ở bên ngoài, thì khi gặp mưa to gió lớn thế nào nhà cũng sụp đổ. "Nếu không cẩn thận về cái họa ở nơi tường vách mà lo củng cố cái thành vàng ở nơi biên giới xa xôi, thì họa không gì lớn bằng".
          Hàn Phi Tử vốn thuộc dòng dõi vua chúa, nhưng ông đã không ngần ngại chỉ ra rằng, sự thành bại của nước nhà, làm cho dân ghét hay dân thương, dân ủng hộ hay quay lưng chủ yếu phụ thuộc vào đám quan lại được giao phó điều hành chính sự. "Chỉ nghe có quan lại tuy làm loạn nhưng dân vẫn cứ tốt, chứ không nghe có dân làm loạn nhưng quan lại vẫn cứ trị an một mình. Cho nên bậc vua sáng trị quan lại mà không trị dân".
          Muốn sạch thì không chỉ tắm từ vai trở xuống, mà phải gội từ đỉnh đầu. Muốn chống tham nhũng, phải chống từ những người đứng đầu. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết TW4 mà Đảng ta đang triển khai. Nói tư tưởng Hàn Phi Tử tiến bộ và hiện đại là vì thế.       
          Khi dịch và giới thiệu về Hàn Phi Tử, Giáo sư Phan Ngọc khẳng định, Hàn Phi Tử là "một đầu óc lỗi lạc nhất của Trung Hoa và của loài người, con người Trung Quốc đầu tiên dám nhìn thẳng vào sự thật với tất cả cái tàn nhẫn của nó để tìm cách đưa đến một cuộc sống yên ổn cho người dân thường".
          Chỉ riêng với quan điểm hết sức tiến bộ, hiện đại về cách dùng người như đã trình bày trên đây, Hàn Phi Tử xứng đáng là người lỗi lạc nhất trong những người lỗi lạc, là " người xưa của hôm nay ".
          Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một nhà Hán học uyên thâm. Người đã tiếp thu sâu sắc tinh hoa trong đức trị của Khổng Tử và trong pháp trị của Hàn Phi Tử. Sinh thời, về công tác cán bộ, Người nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
          Ở cả Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, chỉnh đốn Đảng, cốt lõi là chống tham nhũng. Chống tham nhũng, cốt lõi là chỉnh đốn cán bộ.
          Trong bối cảnh ấy, tư tưởng Hàn Phi Tử về cách dùng người từ thời cổ đại, đến nay vẫn mang tính thời sự.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét