Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Quan lại nhẫn chi tấn kỳ vị

nhanQuan lại nhẫn chi tấn kỳ vị,” nghĩa là làm quan mà nhẫn lên chức vị, nhẫn để giữ đức thanh liêm chánh trực không dua mỵ, nhẫn để ích nước lợi dân, không độc tài, không vì danh lợi riêng tư, mà chỉ mưu cầu ích nước lợi dân.
LỜI TIỄN NGƯỜI ĐI LÀM QUAN


Tiết Tôn Nghĩa người Hà Đông sắp đi làm quan, ông Liễu Tân Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tôn Nghĩa mà nói rằng:
- Phàm ra làm quan ở Hạt nào phải biết chức phận mình là người làm việc cho dân, chớ không phải khiến dân làm việc cho mình. Dân ở trong địa hạt đã chịu nạp thuế là tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân mà ngán thay! Thiên hạ ra làm quan, tiền thuê của dân thì biết lấy cả, còn công việc của dân thì trễ biến, thường khi lợi dụng ăn trộm của dân nữa . Giả như ta đây thuê người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà làm biếng không làm việc, mà còn ăn cắp đồ thập vật trong nhà, thì ắt ta giận trách phạt mà đuổi nó đi . Bây giờ kẻ làm quan như thế nhiều mà dân không dám nổi giận trách phạt mà đuổi đi là tại sao? Chỉ vì tại thế lực không làm được mà thôi. Thế lực dầu có khác mà lý vẫn có một. Kẻ làm quan nếu còn biết công lý, thì ai mà không chịu giữ gìn cố làm cho đáng đồng tiền thuê của nhân dân.
Này Tôn Nghĩa, ngươi đã làm quan ở huyện Linh Lăng hai năm, ngày ngày dậy sớm, đêm đêm suy nghĩ, chính sự siêng năng, xử kiện công bằng, thu thuế phải chăng, già trẻ không ai đem lòng thù ghét, người thật là biết sợ mà giữ gìn lắm, cho nên người lấy tiền thuê của dân là đáng vậy.
Lời của Liễu Tôn Nguyên thật là chí lý cho việc làm quan, cần phải nhẫn nại làm được việc công bình cho nhân dân. Làm quan mà thanh liêm chính trực là phải nhẫn nại chịu vui thanh bần, chớ bao giờ giàu có dư dã được. Nhưng đa số hễ làm quan là làm giàu, mà giàu thì được làm quan, thì không còn có sao được, và tai hại cho nhân dân cũng không lường được.
*****

CÔNG TÔN HOÀNG
Tôn Hoàng làm quan Thượng Thư thời vua Quang Võ, Quang Võ có người chị gái sớm góa chồng là Hồ Vương công chúa. Quang Võ định gả cho Tôn Hoàng, liền ướm thử lời rằng:
- Trẫm nghe thiên hạ thường nói “Phú dịch giao, quới dịch thê” (giàu đổi bạn, sang đổi vợ) có phải vậy không?
Tôn Hoàng tâu:
- Đó là thánh nhân nói kẻ tiểu nhân, còn dạy là: “Tào khang chi thê bất khả hạ đằng” (tình nghĩa tấm mẵng cùng nhau chẳng nên bỏ xuống, thuở nghèo hèn cùng ước giao chẳng nên quên).
Quang Võ biết lòng chung thủy của Tôn Hoàng không thể ép được.
Tôn Hoàng làm quan Thượng Thư mà thường mặc vải bố ta, Cấp Âm kiếm lời dèm xiểm với vua Quang Võ rằng:
- Tôn Hoàng làm ra vẻ khác thường để khoe danh.
Quang Võ nghe vậy lại càng kính nể Tôn Hoàng hơn.
Bị người dèm pha mà cam chịu là “nại oán hại nhẫn“, không ham sắc đẹp công chúa mà phụ vợ nhà và tiết kiệm ăn mặc thô sơ là “An thọ khổ nhẫn”. Nhẫn như thế là “Nhu nhược thắng cang cường” như Tôn Hoàng được Quang Võ kính nể mà kẻ ganh ghét là Cấp Âm phải sợ hơn nữa .
*****

Nhẫn nhục không phải vì bảo vệ tính mạng cá nhân tư kỹ mà nhẫn, lại kiên cường đúng lúc chịu kham nhẫn hy sinh cho việc lớn. Hãy xem LẠN TƯƠNG NHƯ:
Liêm Pha có sức khỏe lại giỏi việc binh làm tướng nước Triệu, các nước chư hầu đều sợ. Duy có nước Tần cũng đủ binh hùng tướng mạnh nên không sợ Triệu thường cho quân đánh cướp luôn. Liêm Pha đánh quân Tần thắng luôn mấy trận, nên Tần mới giao hòa với Triệu.
Vua Triệu có người nội thị tên là Mục Hiền cho làm chức hoạn gia được dự bàn quốc sự .
Có người lạ mặt đem bán viên ngọc, Mục Hiền thấy đẹp bỏ ra năm trăm lượng vàng mua viên ngọc rồi kêu thợ ngọc đến xem, thợ ngọc ngạc nhiên nói:
- Tôi được biết đây là viên ngọc bích họ Hòa, trước kia vua Sở thường cho Chiêu Vương. Sau buổi tiệc, Chiêu Vương bị mất viên ngọc đó, lại nghi cho Trương Nghi lấy trộm. Trương Nghi bị đòn oan nên bỏ Sở sang Tần. Không biết ai trộm mà nay viên ngọc quí này về tay Ngài. Ngài nên cẩn thận chớ để người khác biết mà có hại.
Mục Hiền nói:
- Cái quí của viên ngọc như thế nào?
- Viên ngọc có khả năng đuổi ma quỷ, band dêm chiếu hơn đèn nên gọi là ngọc dạ quang. Mùa đông thì ngọc nóng như lò sưởi, mùa hè thì ngọc mát như sương, hay khử uế ruồi lằn không dám bu.
Mục Hiền thử thấy quả như vậy lấy làm mừng, nhưng không bao lâu thấu tai vua Triệu. Vua Triệu hỏi nhưng Mục Hiền không đem dâng, nhân lúc đi săn ghé vào nhà Mục Hiền lục soát, vua Triệu gặp được viên ngọc liền lấy đi.
Mục Hiền sợ tội toan trốn sang nước Yên. Có tên xá nhân của Mục Hiền tên là Lạn Tương Như thấy thế hỏi:
- Ngài định đi đâu?
Mục Hiền nói:
- Khi vua Triệu đi hội chư hầu, ta có đi theo gặp vua Yên, người rất mến nói với ta rằng: “Ta muốn cùng ngài kết giao” giờ đây ta định sang Yên lánh nạn.
Tương Như nói:
- Không phải thế đâu, vì khi đó nước Triệu mạnh mà ngài được vua Triệu trọng dụng nên nói theo vậy thôi . Nay mà ngài trốn sang đó, vua Yên vẫn sợ Triệu sẽ bắt ngài mà nạp để lập công thì sao?
Mục Hiền cả sợ hỏi:
- Vậy ta phải làm sao?
- Ngài có tội chưa kịp dâng ngọc cho vua thôi, vậy ngài nên đến vua cầu xin tạ tội chắc đặng dung thứ.
Mục Hiền nghe theo, quả được dung thứ, nhờ đó Lạn Tương Như được Mục Hiền trọng dụng như thượng khách.
Người thợ ngọc nước Triệu lại sang nước Tần, nhân khi sửa ngọc cho vua Tần, người thợ ngọc lại đem viên ngọc của họ Hòa kể cho vua Tần nghe. Vua Tần lại muốn được viên ngọc ấy, người cận thần là Ngụy Nhiễm nói:
- Nếu đại vương muốn viên ngọc thì nên sai xứ sang xin đổi mười lăm thành mà lấy ngọc.
Vua Tần nói:
- Dầu ngọc quí cũng không đổi mười lăm thành được.
Ngụy Nhiễm nói:
- Đại vương đem thành đổi ngọc, Triệu vốn sợ Tần phải đem ngọc đến và đổi lấy luôn, còn chuyện không giao thành thì thôi.
Vua Tần liền nghe theo, viết thơ sai xứ sang Triệu xin đổi ngọc.
Vua Triệu được thơ lấy làm lo ngại, hỏi quần thần.
Liêm Pha nói: – Nay mà nghe lời giao ngọc ắt bị lừa.
Lý Khắc nói: – Vậy thì đại vương chọn một dũng sĩ đem ngọc đến đó, nếu như sự trao đổi thuận thảo thì thôi, bằng không cương quyết đem ngọc về.
Vua Triệu hỏi Liêm Pha không có ý kiến gì hết.
Mục Hiền nói: – Tôi có người tài tên là Lạn Tương Như vốn là xá nhân, người này có sức mạnh lại có nhiều rượu nếu sai người này đi xứ thì hay lắm.
Vua Triệu cho đòi Lạn Tương Như đến nghe rõ sự việc, Tương Như nói:
Tần đem mười lăm thành đổi viên ngọc quí đắt giá lắm còn gì không đổi .
Vua Triệu hỏi:
- Nếu ta giao ngọc mà Tần không giao thành thì sao?
Tương Như nói:
- Như đại vương sợ như vậy thì tôi xin lãnh xứ mạng đem đổi ngọc thành, nếu Tần có lòng man trá lấy ngọc không giao thành thì tôi xin bảo vệ viên ngọc đem về cho đại vương.
Vua Triệu đem ngọc đến Hàm Đang, vua Tần hay tin họp triều thần, cho Tương Như vào yết kiến.
Tương Như vào dâng ngọc, nhưng để cái hộp lại chỉ dâng bao gấm. Vua Tần mở bao gấm lấy viên ngọc ra thấy quả là ngọc quí sáng long lanh, chạm khắc tinh vi. Xem xong vua Tần khen ngợi chưa từng có, giao cho quần thần mỗi người xem một chút, rồi lại đưa vào hậu cung cho các phi hậu xem. Lâu lắm viên ngọc mới được đem trở ra.
Tương Như đứng chờ đợi không nghe nói gì việc giao thành liền nghĩ thầm rồi quý xuống tâu rằng:
- Viên ngọc tuy quí thật nhưng có ít tì vết, tôi xin chỉ cho đại vương xem.
Vua Tần sai lấy ngọc trao cho Tương Như. Tương Như cầm ngọc, lui ra đứng dựa vào điện, trợn mắt nói với vua Tần rằng:
- Ngọc bích họ Hòa là của quí báu trong thiên hạ không ai có, Đại vương muốn đổi mười lăm thành. Lúc tiếp được thơ quần thần nước tôi đều tâu là Tần ỷ mạnh đoạt ngọc chớ không giao thành. Nhưng riêng tôi nghĩ bọn hèn như tôi giao du với ai còn giữ tín không phụ lời huống hồ gì một ông vua cho nên tôi khuyên vua Triệu nên kính nể đại vương, lấy chữ tín làm trọng. Vua Triệu nghe theo sai tôi đem ngọc đổi thành, trước khi đi vua Triệu trai giới năm ngày, tỏ ra cung kính vì viên ngọc và tin trọng. Nay Đại vương tiếp lấy viên ngọc rất khinh thường, ngồi mà nhận ngọc, đưa cho giáp vòng quần thần xem rồi lại đem vào hậu cung như vậy quả là đại vương không có ý giao thành, cho nên tôi phải lấy viên ngọc lại, nếu đại vương làm bức, tôi sẽ đập nát viên ngọc này và đầu tôi xin để lại đây cho thiên hạ thấy rõ lòng dối gạt của đại vương.
Nói xong Tương Như giơ ngọc lên cao liệu chừng sắp đập vào cột.
Vua Tần sợ đập liền nói:
- Quan đại phu đừng nóng giận bản quốc đâu dám thất hứa với Triệu.
Liền sai các quan lấy bản đồ Tần ra chỉ chỗ địa cuộc mười lăm thành mà nói:
- Ta đã định đổi cho Triệu mười lăm thành này.
Tương Như vẫn không tin liền nghĩ ra kế quì tâu:
- Vua Triệu trai giới năm ngày rồi mới sai tôi đem dâng ngọc, nay xin đại vương cũng trai giới năm ngày rồi sẽ nhận ngọc.
Vua Tần liền chịu làm theo, sai người đưa Tương Như ra tạm nghỉ ngoài công quán, chờ xong năm ngày trai giới sẽ nhận ngọc.
Tương Như biết chắc vua Tần vẫn lừa thôi, nên khi ra ngoài công quán rồi, gọi tên hầu cận bảo ăn mặc rách rưới, bỏ ngọc bích vào túi vải buộc chặt trong mình, theo đường tắt trốn về tâu cho vua Triệu hay rằng: ” Thấy vua Tần không thật tâm đổi ngọc, nên kẻ hầu mang ngọc về trả lại cho bệ hạ, còn Tương Như liều chết với vua Tần.
Năm ngày sau, vua Tần làm tiệc lễ mời các nước chư hầu và hội đủ quần thần để khoe ngọc quí.
Đến giờ, Tương Như thong thả vào triều, vua Tần không thấy đem ngọc theo liền hỏi:
- Ta đã trai giới năm ngày, bày trọng lễ để nhận ngọc, cớ gì sứ giả không đem ngọc đến?
Tương Như nói: – “Nước Tần từ đời Mục Công kể đến nay hai mươi đời vua, đời nào cũng dùng việc dối gạt để mưu lợi như: Kỷ Tư lừa Trịnh, Mạnh Minh lừa Trần, Thương Ưởng lừa Ngụy, Trương Nghi lừa Sở, việc đó còn rành rành không giữ được tình nghĩa. Tôi nay cũng sợ bị lừa làm thất tín với vua nước tôi, nên tôi đã sai người mang ngọc về rồi.”
Vua Tần giận tái mặt nói: – Sứ giả đã bảo ta trai giới năm ngày để rồi không thực hiện lời hứa, thật khi Ta quá lắm. Tả hữu mau trói Lạn Tương Như lại.
Tương Như chẳng chút núng nao nói:
- Nếu tôi sợ chết thì tôi đã trốn đi rồi, chỉ vì tôi muốn chết tại đây. Tôi biết cái tội đánh lừa là đáng chết, nên tôi đã gởi ngọc về và tâu với vua tôi rằng đừng mong tôi về nữa. Vậy xin đại vương cứ giết. Nay chư hầu đủ mặt đã biết cái cớ Tần muốn được ngọc mà giết sứ Triệu, không còn che giấu gì nữa.
Vua Tần và quần thần đưa mắt nhìn nhau không ai có ý kiến gì. Các sứ giả chư hầu đứng xem ai cũng kể tính mạng của Tương Như như đèn treo trước gió. Bọn đao phủ sẳn sàng chờ lệnh là chém đầu.
Nhưng vua Tần ra lệnh bảo thôi và nói với quần thần rằng:
- Giết Lạn Tương Như cũng không lấy được ngọc, lại mang tiếng bất nghĩa, chi bằng liệu cách khác.
Nói xong tiếp đãi Tương Như rất hậu rồi cho về nước.
Tương Như về nước, vua Triệu rất mừng cho la bực người hiền liền phong cho làm Đại Thượng Phu.
Vua Tần không lấy được ngọc, nên sai sứ đến ước hẹn với Triệu hội tại Mãnh Trì giao hòa để thừa cơ giết vua Triệu đi. Hay được tin, vua Triệu nói:
- Trước kia, Tần dùng mưu hội để đánh lừa Sở, bắt vua Sở giam tại Hàm Đang cho đến chết, nay lại mời ta đi hội cũng âm mưu giết hại mà thôi.
Liêm Pha tâu: – Tần mời hội kiến mà ta không đi thì là hèn yếu, xin đại vương cứ đi đi.
Thấy vua Triệu e ngại, Lạn Tương Như nói:
- Tôi xin theo đại vương để bảo hộ.
Liêm Pha nói: – Tôi ở lại giúp Thái tử giữ nước.
Vua Triệu được Tương Như theo hộ giá thì rất yên lòng.
Bình Nguyên Quân nói: – Trước kia Sở Hoài Vương tin lời Tần chỉ đi một xe đến Hàm Đang, lâm biến không đỡ gạt. Nay tuy Tương Như theo phò song đại vương cũng phải dùng năm ngàn quân tinh nhuệ đến cách Mãnh Trì ba dặm để ủng hộ mới được.
Vua Triệu nói: – Nay ta đi Liêm Pha ở nhà giữ nước còn ai làm tướng để điều khiển năm ngàn quân ấy?
Triệu Thắng tâu: – Tôi biết người có thể làm tướng được, người ấy hiện đang làm điền bộ thu thuế ruộng ký tên là Lý Mục.
Vua Triệu nói: – Tại sao người ấy lại có tài?
Triệu Thắng nói:
- Trước đây nhà tôi quá kỳ hạn không nộp thuế, Lý Mục cứ y theo pháp mà trị giết gia nhân tôi hết chín người. Tôi tức giận kêu đến quở trách. Lý Mục nói: “Nước trị là nhờ luật lệ. Nếu vị nể bề ngoài mà bao dung thì còn gì luật lệ. Nếu luật hư thì nước phải yếu, giặc sẽ thừa cơ xâm lăng thì chừng đó nược Triệu còn không giữ nổi huống vì nhà cửa của ngài.” Tôi nhận xét thấy con người như thế sẽ làm tướng được.
Vua Triệu nghe nói cho đòi Lý Mục đến phong làm Trung quân đại phu, cho quản xuất năm ngàn quân sang Tần.
Bình Nguyên Quân lại xin đem thêm đại binh phòng hờ xảy ra. Liêm Pha theo đưa tận biên giới nói với vua Triệu rằng:
- Đại vương đi vào miệng cọp thật nguy hiểm lắm, nay tôi xin ước hẹn nếu quá ba mươi ngày mà đại vương không trở về, thì tôi xin noi theo nước Sở lập thái tử lên ngôi để cho tuyệt lòng dụng mưu của vua Tần.
Vua Triệu nhận lời, rồi cùng Tương Như đến Mãnh Trì. Lúc đó vua Tần cũng đến cùng nhau trú nơi quán dịch.
Vài ngày sau hai vua làm lễ hội kiến, mở tiệc ăn mừng bàn quốc sự. Trong bữa tiệc vua Tần nói:
- Tôi có nghe vua Triệu giỏi về âm nhạc nay nhân cuộc vui xin nhà vua cho tôi thưởng thức tài nghệ đó.
Nói xong sai hầu cận lấy cây đàn sắt ra để trước mặt vua Triệu. Vua Triệu không dám từ chối phải cầm đờn ra khảy bản tương linh. Vua Tần cả lời khen rồi bảo quan thái sử ghi việc ấy.
Tương Như thấy vua Tần làm nhục vua mình, liền bước ra cầm cái phễu đựng rượu nói với vua Tần rằng:
- Vua Triệu biết đại vương giỏi về âm nhạc nước Tần, yêu cầu đại vương đánh cái phẩu này làm vui.
Vua Tần giận tái mặt, Tương Như không chút sợ sệt nói tiếp:
- Đại vương cậy nước Tần mạnh chỉ muốn sai khiến nước khác, không kính nể lân bang chăng? Nếu đại vương làm nhục lân bang thì tôi xin dùng cái chết để đổi lấy cái chết của Đại vương mà rửa nhục cho lân bang.
Bọn tả hữu muốn xông lên, Tương Như trợn mắt tròn vo, dựng ngược chân mày lên hét to:
- Các ngươi bước tới một bước ta cùng vua các ngươi không còn.
Vua Tần sợ hoảng, lấy tay ra hiệu cho bọn tả hữu lui ra rồi gõ tay vào cái phẩu.
Tương Như nói: – Xin Đại vương khiến quan thái Sử phải chép vào việc này.
Vua Tần thấy không thể dùng uy chế áp bức vua Triệu được, liền ăn uống cùng vua Triệu rồi giả say mà bãi hội.
Quan khách Khanh hỏi nhỏ vua Tần:
- Sao không bắt vua Triệu và Tương Như lại?
Vua Tần nói khẽ: – Ta được tin mật báo nước Triệu phòng bị cẩn thận lắm, cho nên Tương Như mới dám ngang như vậy. Nếu ta làm không nên việc sẽ làm trò cười cho thiên hạ, chi bằng chờ dịp khác.
Vua Triệu về nước chỉ có ba mươi ngày, về triều nghĩ đến công của Tương Như, vua Triệu nói với các quan rằng:
- Ta mà được Lạn Tương Như chẳng khác nào ngồi trên tảng đá lớn, chẳng lo gì sụp đổ . Nay ta phong cho Tương Như làm chức Thượng Thơ, tưởng cũng chưa xứng đáng.
Liêm Pha thấy Tương Như đặng vượt bực như vậy lấy làm phẫn uất về nhà nghĩ: “Ta có công đánh lấy đất đem về cho Triệu, nay Tương Như chỉ dùng chót lưỡi mà ngồi bực trên Ta, hắt là tên xá nhân của hoạn quan. Ta đời nào chịu thua hắn. Nếu gặp hắn ta giết ngay.”
Lạn Tương Như nghe được, mỗi khi buổi chầu nào có Liêm Pha thì cáo bệnh không đến cho cùng gặp mặt. Bọn xá nhân cho Tương Như hèn nhát cùng nhau cười chê .
Một hôm Tương Như ra đường bỗng gặp Liêm Pha từ xa đi lại có quân sĩ rầm rộ. Tương Như liền hối tên đánh xe chạy vào nghõ hẻm cho Liêm Pha qua khỏi rồi mới đi. Bọn xá nhân tức giận không nín được bèn nói với Tương Như rằng:
- Chúng tôi bỏ làng xóm, xa họ hàng đến đây hầu ngài, coi ngài như là bực quân tử trượng phu. Ngày nay Ngài cùng Liêm Pha phò một triều, ngôi thứ của ngài cao hơn, thế mà bị Liêm Pha dọa một lời, rồi chẳng dám đến triều, lại tránh mặt ngoài đường. Tại sao mà Ngài lại sợ quá vậy? Chúng tôi xấu hổ không muốn theo ngài nữa.
Tương Như ôn tồn nói: – Cái uy lực vua Tần trong thiên hạ ai mà không sợ thế mà Ta dám đương nhiên mắng vào mặt, làm nhục cả quần thần nước Tần nữa. Ta đâu há sợ gì Liêm Pha hay sao? Nhưng ta nghĩ sở dĩ nước Tần sợ nước Triệu không dám đánh là vì nước Triệu có Ta và Liêm Pha. Nếu ta cùng Liêm Pha giết hại lẫn nhau, ắt Tần sẽ thừa cơ đánh Triệu. Cho nên ta xem nước trọng hơn thù vậy.
Bọn xá nhân nghe lấy làm kính phục.
Ít lâu sau xá nhân của Tương Như và bọn xá nhân của Liêm Pha gặp nhau nơi quán rượu. Hai bên tranh nhau chỗ ngồi, xá nhân của Lạn Tương Như cùng nói:
- Chúng ta vì nước mà nhịn Liêm tướng quân, chúng ta cũng vì ý chủ mà nhịn xá nhân của người họ Liêm vậy.
Lâu sau Liêm Pha nghe được việc ấy, xét thấy lấy làm hổ thẹn trằn trọc suốt đêm. Sáng hôm sau, Liêm Pha tự trần vai áo, bó một bó gai thẳng đến cửa Tương Như. Đến nơi Liêm Pha đội bó gai quỳ trước cửa Tương Như.
Hay tin, Tương Như chân không kịp mang giày, áo không kịp gài vội chạy ra đỡ Liêm Pha.
Liêm Pha nói: – Bỉ nhân hẹp hòi không hiểu được đức tính khoan dung của tướng quốc. Bỉ nhân này tội đáng chết.
Nói xong cứ quỳ mãi, Tương Như nói:
- Hai ta sánh vai chung phò xã tắc. Tướng quân hiểu lòng tôi là ân huệ cho tôi lắm rồi, xin chớ còn ngại buồn gì nữa.
Liêm Pha nói: – Tôi thô bạo, đội ơn tướng quân bao dung.
Tương Như nói: – Từ nay đôi ta nguyện kết tình bằng hữu cùng sanh tử có nhau dù chết không đổi lòng.
Hai người vui vẻ vào nhà mở tiệc mừng suốt đêm mới thôi.
*****


Do mẫu chuyện này, ta nhận định về đức tính của chữ “NHẪN” là giá trị chữ “NHẪN” rất cao .
NHẪN không phải luôn luôn chịu nhục, nhằm trường hợp không chịu nhục mà nhẫn thật đảo ngược rắc rối, nhưng tế nhị mà xét: Người ta thường nói: “Dại trong nhà khôn ngoài đường” theo thông thường người ta hiểu là dại trong gia đình còn hơn người ngoài, thế cho nên trong nhà người ta hay nhẫn nhịn cho yên vui hòa thuận, còn ra ngoài không hề chịu nhịn nhẫn bất cứ ai – Làm như thế rất hẹp hòi và gây tai hại tranh chấp từ xóm giềng đến nước nhà xáo trộn gây tai hại có thể nguy vong.
Ta cần hiểu thêm: – “Dại trong nhà” là nhẫn nhịn trong nước nhà để cho hoà nhà nước mạnh dân yên, đối với nước ngoài ta không thể khuất phục để cho nhục nhã quốc thể được, nhưng đó cũng là nhẫn. Ở trường hợp này, ta mới phân tách ra được là: “Nhẫn nhục là nhẫn nhịn trong nước; còn nhẫn không chịu nhục là kham nhẫn hy sinh thân mạng để che đỡ cho nước nhà.”
Ôi! Sách vở biết bao nhiêu, làm sao mô tả cái thâm thúy của chữ nhẫn cho hết được. Nhưng nếu ta dùng công thức này để thực hành chữ nhẫn là ta nắm trọn vẹn yếu lý của chữ nhẫn. Vậy công thức là:
Nhẫn để cho lợi dân ích nước, không phải nhẫn để cầu lợi tư kỷ cá nhân, như vậy mới gọi là nhẫn chi vi thượng.” Nhưng học chữ nhẫn, hành chữ nhẫn như vậy mới vào được bực “hình nhi hạ“, còn bực “hình nhi thượng” là “ĐẾ SÁT PHÁP NHẪN“.

“Quân tử ở đời gốc thí ân
Dịu hiền như nước tánh trong ngần
Tôn Nguyên lời nói vàng muôn lượng
Hạnh nhẫn Tống Hoàng ngọc vạn cân
Trên đặng nể lòng vì hạnh nhẫn
Dưới hay kính dạ bởi toàn nhân.
Tương Như cương, nhược nên non nước.
Học lấy nhẫn hòa cài cánh tân.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét