Bỏ lại công việc tư vấn đầy hứa hẹn, Angela Lee Duckworth trở thành giáo viên dạy toán lớp bảy ở một trường công New York. Cô nhanh chóng nhận ra rằng IQ không phải là điều duy nhất khác biệt ở những học sinh thành giỏi với những học sinh kém.
Trong bài phát biểu trên sân khấu TED vào tháng 4/2013 cô đã chỉ ra chìa khóa giúp chúng ta “giải quyết” mọi vật cản để đi tới thành công.
Cô đã nói:
“Khi tôi 27 tuổi tôi đã từ bỏ công việc đầy thách thức là tư vấn quản lí để đến với một công việc thậm chí còn gian nan hơn: Dạy học. Tôi dạy toán lớp bảy ở trường công New York City. Cũng như những giáo viên khác, tôi soạn câu hỏi và bài kiểm tra. Tôi giao bài tập về nhà cho học sinh. Sau khi thu bài, tôi chấm điểm.
Điều khiến tôi bất ngờ đó là IQ không phải là điểm khác biệt duy nhất giữa học sinh giỏi nhất và học sinh tồi nhất của tôi. Một số học sinh giỏi nhất của tôi không có chỉ số IQ cao ngất ngưởng. Một vài học sinh thông minh nhất của tôi lại không có điểm số cao.
Và điều đó khiến tôi phải suy nghĩ. Những gì bạn phải học ở môn toán lớp bảy, hẳn là rất khó: tỉ số, số thập phân, diện tích của hình bình hành. Nhưng những kiến thức này không phải không thể học được, và tôi chắc chắn mọi học sinh của tôi đều có thể học được những kiến thức đó nếu chúng đủ chăm chỉ trong thời gian dài.
Sau vài năm đi dạy tiếp theo, tôi rút ra kết luận rằng những gì chúng ta cần trong lĩnh vực giáo dục là sự thấu hiểu về học sinh và việc học tập dưới góc độ động lực và góc độ tâm lí. Trong giáo dục, thứ chúng ta biết cách đánh giá chính xác nhất là IQ. Nhưng biết đâu việc bạn có thể học tốt và sống tốt phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là khả năng tiếp thu nhanh và dễ dàng?”
Sau khi phát hiện ra điều này, cô nghỉ dạy học và tiếp tục học lên cao học để trở thành 1 bác sỹ tâm lý. Cô bắt đầu nghiên cứu về trẻ em và cả người lớn trong các tình huống khó khăn và thách thức để tìm ra ai là người thành công trong hoàn cảnh đó và tại sao họ lại thành công.
Nhóm nghiên cứu của cô đã chọn nghiên cứu các học viên của học viện quân sự West Point, các giáo viên mới vào nghề ở vùng khó khăn, các nhân viên sale ở công ty tư nhân và các em học sinh tham gia thi chính tả Quốc gia.
Trong mỗi nghiên cứu, cô đều muốn tìm hiểu về tác động nào đã khiến trong cùng một môi trường khó khăn như vậy có người thành công bám trụ lại, có người đạt giải cao, cùng công ty nhưng có người kiếm nhiều tiền hơn người khác.
Và cô đã phát hiện ra: Không phải là vẻ ngoài ưa nhìn, thể lực tốt, cũng không phải là IQ hay trí thông minh xã hội (social intelligence) sẽ báo hiệu cho sự thành công mà chính là sự BẾN CHÍ.
Vậy sự BỀN CHÍ là gì?
Trong câu chuyện ngụ ngôn chạy thi của thỏ và rùa, rùa đã chiến thắng nhờ sự bền lòng, vững chí vì mục tiêu. Chú biết mình chạy chậm nên mải miết chạy, kiên định với mục tiêu về đích của mình.
Bền lòng, vững chí hay bền bỉ cũng chính là chìa khóa dẫn bạn tới thành công bởi theo Angela “Sự bền chí bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu dài hạn. Bền chí nghĩa là có sức chịu đựng tốt.
Bền chí là luôn hướng tới tương lai của bạn, ngày này qua ngày khác, không chỉ trong một tuần, không phải trong một tháng mà trong nhiều năm liền, và luôn cố gắng làm việc để biến tương lai đó thành hiện thực. Bền chí nghĩa là sống như thể cuộc đời là một cuộc chạy marathon, chứ không phải một cuộc chạy nước rút.”
Vậy làm thế nào để xây dựng đức tính đó ở một đứa trẻ?
Angela đã thẳng thắn chia sẻ rằng khi các giáo viên và phụ huynh hỏi cô điều này, cô thú thực rằng cô không biết. Tuy nhiên, có một điều cô khẳng định đó là tài năng không giúp bạn trở nên bền bỉ hơn.
Không chỉ cô, khoa học ngày nay cũng chưa đưa ra được một phương pháp cụ thể nào để rèn luyện tính bền bỉ cho trẻ mà chỉ rèn được tính chăm chỉ ở trẻ bằng tư tưởng cầu tiến được phát triển ở đại học Stanford bởi tiến sỹ Carol Dweck
“Quan điểm này nói rằng: khả năng học tập có thể thay đổi được cùng với những nỗ lực của bản thân. Bằng việc trẻ được đọc và học về não bộ và cách nó thay đổi và phát triển khi đối mặt với các thách thức có nhiều khả năng đứa trẻ sẽ trở nên kiên trì hơn mỗi khi chúng thất bại. Bởi chúng không còn tin rằng thất bại đó là vĩnh viễn. Vì vậy tư tưởng cầu tiến là một tư tưởng tuyệt vời cho việc xây dựng tính bền bỉ.”
Kết thúc bài phát biểu của mình, cô Angela đã rút ra kết luận: nếu muốn xây dựng tính bền bỉ ở trẻ, trước hết người lớn cần bền bỉ trong việc tìm tòi và dạy dỗ chúng trước đã.
Hy vọng rằng với những chia sẻ rất cụ thể của Tiến sĩ tâm lý học Angela Lee Duckworth, các bạn sẽ tìm được chìa khóa vàng thành công cho riêng mình và sử dụng nó như một công cụ đắc lực để biến ước mơ và những mục tiêu cuộc sống thành hiện thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét