Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Trong đầm gì đẹp bằng sen có phải là “câu ca phản trắc”?

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.      

     là một bài ca dao hết sức quen thuộc với người Việt xưa nay. Bàn về bài ca dao này, nhà thơ Phùng Quán viết:
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm cách của sen
Nhưng tôi vẫn không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân !
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
“Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn”
Tất cả là trong cái chữ “gần”
Chỉ một chữ mà thấu gan, thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
[...]
(“Hoa sen” trích trong Nhớ Phùng Quán, Nxb Trẻ 2003)
     Bài “Hoa sen” của Phùng Quán gợi lên trong ta hình ảnh hoa sen – con người – một đứa con đỏng đảnh, vong ân bội nghĩa. Đất mẹ nghèo khó chắt chiu sinh nở ra sen: đứa con “da trắng tóc dài” đẹp nhất trong đầm – trên đời, đẹp hơn tất cả mọi người. Đứa con xinh đẹp ấy được vật vã sinh ra từ trong gian khó “của giai cấp cùng khổ”. Thế nhưng đứa con xinh đẹp ấy lại tự rời xa đất mẹ, rũ bỏ quá khứ. Nó muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với mẹ cha chỉ vì “xấu hổ”, chỉ vì sợ người đời biết cái nguồn gốc xấu xí “hôi tanh” của mình.
 
     Phải chăng cách tiếp nhận của nhà thơ Phùng Quán về hoa sen là một cách hiểu mới, cách hiểu táo bạo, tiếp cận được thần thái của bài ca? Người đời vẫn thường nhắc“Văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Những lập luận, những biện minh của ông, như: Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen/ Nhị vàng bông trắng lá xanh là do bùn nuôi dưỡng, Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng/ Cũng là xương thịt của bùn tanh, không phải là không có căn cứ. Cách hiểu này, như ông khẳng định ngay từ đầu: Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền/ Và người đời vẫn tin là ca ngợi phẩm cách của sen nhưng ông vẫn cho rằng: câu ca sặc mùi phản trắc. Cây sen tươi đẹp, hoa sen xinh tươi, thơm ngát, thanh tao lớn lên từ bùn lầy nhưng lại quay lưng với bùn lầy – phủ nhận cội nguồn, “bội nghĩa vong ân”. Và nếu vậy, thì đúng như ông khẳng định, câu ca này không thể ở trong kho báu dân gian. Bởi kho báu dân gian chứa những hòn ngọc quý về ngôn từ lẫn ý tưởng, nên không thể dung chứa “đứa con lạc loài phản trắc”.

     Thế nhưng, dường như với người Việt xưa nay, bài ca dao được cả nước lưu truyền này không hề hàm chứa nghĩa “quay lưng phủ nhận quá khứ”, mà hàm nghĩa “ca ngợi phẩm chất của sen” như nhà thơ Phùng Quán nêu ngay từ khổ mở đầu bài “Hoa sen” của ông. Vậy cách hiểu của “đời” – của người Việt xưa nay – có võ đoán không?

     Mở đầu bài ca dao là một câu hỏi tu từ – hỏi nhưng không phải để hỏi mà là để khẳng định: sen là loài hoa đẹp nhất. Và ngay trong câu hỏi tu từ này, từ đẹp được chọn dùng chứ không phải từ xinh. Đẹp và xinh được xem là từ đồng nghĩa không hoàn toàn vì cả hai đều có nghĩa chỉ đặc trưng của đối tượng được đánh giá tốt, đem lại hứng thú đặc biệt, khiến người ta cảm thấy thích thú, nhưng đẹp được dùng khi đối tượng được đánh giá về cả hình thức lẫn nội dung, phẩm chất. Còn xinh lại chỉ được dùng khi đối tượng được đánh giá là yếu tố bên ngoài, yếu tố hình thức. Chọn từ đẹp, tác giả gửi gắm được những điều mà từ xinh chẳng thể nào bao chứa nổi.

    Kết thúc bài ca dao lại là một câu trần thuật phủ định: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Từ phủ định chẳng góp phần làm rõ hơn cái vị thế của người nói ở đây. Người nói không phải là sen, không phải là người trong cuộc tự đánh giá về mình mà là người ngoài cuộc đánh giá. Sen không tự nói về mình mà người khác đánh giá về sen. Đây là sự đánh giá khách quan, không mang tính chủ quan. Ngoài ra, thanh âm của từ chẳng – một nguyên âm ngắn (nguyên âm /ă/) cùng với một thanh thấp, ngắn, không bằng phẳng (thanh hỏi) – như góp phần tăng thêm sức nặng cho sự phủ định kia. Từ chẳng đã mang lại những lượng thông tin bổ sung mà từ “không” không thể có được. Sự phủ định này nhằm để khẳng định phẩm chất của sen “đẹp từ hình thức cho tới nội dung, từ dáng vẻ cho tới phẩm cách”.


     Còn từ gần? Gần có phải là điểm thắt và cũng là điểm mở của cái sự chứa chất của những manh tâm bội nghĩa vong ân vì bùn với sen đâu phải chuyện gần, chính là sen mọc lên từ trong đó như nhà thơ Phùng Quán khẳng định? Quay trở lại câu mở đầu, ta thấy tác giả đã khẳng định ngay từ hai chữ đầu tiên trong đầm gì đẹp bằng sen, trong đầm chứ không phải trong đồng. Như vậy, ngay câu mở đầu, chữ mở đầu cũng là một minh chứng cho thấy sen thành thực, không dối trá. Và tiếp theo ở câu cuối, nếu ta thay thế gần bằng trong hoặc bằng giữa thì đều không ổn vì cả hai từ này đều gây phản cảm do chúng phá vỡ cái mạch chung đã có của bài ca dao: trong khiến cho câu ca bị lặp, giữa thì dễ dẫn đến cảm giác sai lôgic do sự máy móc của chính nó mang lại. Hai chữ trong đầm của câu mở đầu và hai chữ gần bùn của câu kết bài cùng cấu trúc câu hỏi tu từ và câu trần thuật phủ định chỉ gợi liên tưởng đến hình ảnh của sen cùng những loài cây khác, liên tưởng đến một ẩn dụ về môi trường, khó dẫn dắt sự suy diễn theo hướng “sen lớn lên từ bùn rồi quay lại phủ nhận bùn”. Sự suy diễn này, nếu có thì chỉ có thể là kết quả của sự áp đặt từ ngoài vào chứ không thể từ câu chữ của câu ca. 

     Thêm vào đó, hai câu giữa bài 'Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh' là một minh chứng cho sự trung thực, sự thận trọng. Đây là hai câu miêu tả nhưng nội dung thông tin chỉ là một. Nhịp thơ và lối đảo ngược trong cách tả từ ngoài vào: Lá xanh à bông trắng à nhị vàng rồi lại từ trong ra: Nhị vàng à bông trắng à lá xanh khiến người nghe như thấy tác giả đang chỉ ra một cách cụ thể, rạch ròi, phân minh; phân minh đến mức gây cảm giác: người nói đang bóc tách một cách trần trụi, không giấu giếm, không che đậy. Sự bóc tách thành thực ấy càng tôn thêm vẻ đẹp thanh khiết của sen. Khó có thể nói vẻ đẹp tươi tắn, thanh khiết của hoa sen ngời ngời trong từng câu chữ là do sự phối màu tài tình của tác giả hay vì chính bản thân đối tượng sen đẹp, sen xinh mà ra.



     Cách dùng câu hỏi tu từ ngay từ câu mở đầu, lối tả từ lá tới hoa rồi đến nhị và lại đảo ngược từ nhị đến hoa rồi tới lá, kết hợp với câu kết cuối bài theo lối phủ định để mà khẳng định của tác giả dân gian – nhân dân bao đời – cùng hình ảnh bông sen, toà sen chốn Phật đài hay trên bàn thờ của gia đình, trên miếu thờ, đình thờ của dòng họ, xóm làng… đã khiến tuyệt đại bộ phận người Việt xưa cũng như nay đều hiểu bài ca dao ngợi ca vẻ đẹp thanh tao của bông sen, từ đó để ngụ ý ngợi ca phẩm chất cao quý trong sạch của con người. Cảm thức ngôn ngữ cùng với cảm thức văn hoá được thấm nhuần trong huyết quản dường như đã khiến hiếm người Việt, và thậm chí cả người nước ngoài nắm vững ngôn ngữ Việt, văn hoá Việt cũng không hiểu theo nghĩa “bài ca dao hàm chứa thói vô ơn phản trắc…”.

     Mạo muội viết bài viết nhỏ này, người viết mong muốn góp thêm một tiếng nói để góp phần có một cái nhìn công bằng và khách quan khi bình giá bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen.
Phạm Hải Lê
(Sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐHSP TP HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét