Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Tranh dân gian Đông Hồ tứ quý

Như các bạn đã biết, tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là những bức tranh có kích thước nhỏ lẻ như: Hứng dừa, Đánh ghen, Đàn gà, Chăn trâu thổi sáo,...hay những cặp tranh như Vinh hoa - Phú quý, Ông tơ - Bà nguyệt,...mà tranh dân gian Đông Hồ còn có không ít những bộ tranh tứ quý – bốn bức khổ lớn. Tranh tứ quý thường giàu tính lãng lãng mạn, đường nét tinh tế, sang trọng, tranh khổ lớn nên rất phù hợp với những gian nhà rộng rãi, khang trang.

Sau đây, tôi xin giới thiệu một số bộ tranh tứ quý của nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế được bán tại Siêu thị tranh AmiA.

Một vài nét về tranh "Tứ quý":

Tranh tứ quý là một dòng tranh trong tranh dân gian Đông Hồ. Tranh thường vẽ cảnh bốn mùa xuân hạ thu đông tượng trưng cho bốn quý của một năm. Tranh thường được treo ở phòng khách, phòng làm việc theo thứ tự: tùng cúc trúc mai từ phải sang trái. Dân gian giải thích cách treo như vậy sẽ xua tan được cái giá lạnh của mùa đông, đón sự ấm ấp của mùa xuân vào nhà.

Tranh dân gian Đông Hồ tứ quý

Tranh Tứ quý (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng). Mỗi loài hoa, loài cây lại tương ứng với một loài chim. Vẽ hoa ấy phải đi với chim ấy mới là đúng quy tắc, đúng luật. Như vẽ hoa mai phải vẽ với chim khổng tước (mai/điểu), hoa hồng với chim công (hồng/công), hoa cúc với gà (kê/cúc), cây thông với chim hạc (tùng/hạc) v.v...
 

Tranh dân gian đông hồ tứ quý bình

Ý nghĩa: Trên mỗi bức tranh vẽ bình hoa, cây hoa, chim chóc theo mùa và mỗi bức đều được đề một câu thơ nêu bật chủ đề. Tranh và thơ hòa quyện với nhau như một thể hữu cơ. Thơ là tranh bằng lời. Tranh là thơ bằng đường nét. Có nhiều tác giả vẽ tranh Tứ quý. Mỗi người vẽ lại thay đổi đôi chút về mẫu mã. Thơ đề tranh do đó có nhiều bài như:
 
"Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch 
Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kỳ 
Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc 
Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi"

Tranh dân gian Đông Hồ tứ quý

Chính vì ý nghĩa đó nên Tranh dân gian Đông Hồ - Tứ quý thường được mua về để treo ở đại sảnh hay phòng khách của các văn phòng, công ty để trang trí. Những "đại gia" cũng tìm kiếm những bức tranh tứ quý này để thể hiện đẳng cấp, sự "độc" và sự hiểu biết của mình.

Tranh dân gian Đông Hồ tứ quý

Bộ tranh tứ quý có hai loại: tranh tứ quý trắng và tranh tứ quý màu. Tranh tứ quý trắng là nhứng bộ tranh được in bản nét màu đen thể hiện cảnh vật, hoa lá tượng trưng cho các mùa trong năm còn những bộ tranh tứ quý màu là những bộ tranh được in bản nét màu đen, sau đó tô màu hóa học thì tranh mới có màu tươi sang như vậy. Đây là sự cải tiến sau này của những người làm tranh, làm cho màu sắc của tranh Đông Hồ thêm phong phú.
 

Vài nét về Làng tranh dân gian Đông Hồ


Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.

"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tương trong
Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"
                                                   Thơ Hoàng Cầm

Làng tranh dân gian Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.

Quanh năm rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước đến làng tranh Đông Hồ thăm và mua tranh Đông Hồ làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho cách phòng khách, hoặc phòng ăn lớn. Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ đường gần nhất du khách thường đi là xuôi theo đường Quốc lộ số 5 (đường đi Hải Phòng) đến ga Phú Thụy, cách Hà Nội chừng 15 km thì rẽ trái, đi chừng 18 km nữa, qua các địa danh khá nổi tiếng của huyện Gia Lâm (Hà Nội) như phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu (Thuận Thành-Bắc Ninh) là đến phố Hồ-huyện lỵ Thuận Thành. Rẽ trái thêm 2 km là đến làng Hồ. Cũng có thể đi hết phố Hồ, lên đê rẽ trái, gặp điếm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ dẫn đường xuống làng Đông Hồ.

Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét