phần 1: Thư pháp là gì?
Thư pháp là cách thức thể hiện tâm trạng và cảm xúc của người viết thông con chữ, không chỉ đơn thuần chữ đẹp, được viết bằng cọ gọi là thư pháp. Muốn có một tác phẩm thư pháp đẹp, có chiều sâu, tác phẩm phải chứa đựng thông điệp của người viết và bảo tính mỹ thuật của chữ viết qua: nét chữ , cách thức trình bày , hình dáng câu chữ , màu sắc ….Vì vậy ta có thể gọi thư pháp là cách biểu lộ tâm ý của người viết thông qua ngôn ngữ viết hay có thể gọi là môn nghệ thuật biểu lộ tâm – ý của con người thông qua ngôn ngữ viết.
Có thể nói, thư pháp đã trở thành một môn nghệ thuật dùng để thể hiện tâm tư tình cảm của con người, chứa đựng giá trị truyền thống dân tộc mang tính chất giáo dục con người về đạo đức, nhân sinh quan trong cuộc sống.
phần 2: Sơ lược về thư pháp của các nước
Thư pháp không phải là nét văn hóa chỉ riêng Trung Quốc có mà thư pháp từ xa xưa đã xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới với dưới nhiều dạng thể hiện và tên gọi khác nhau– Đối với Trung Quốc: Thư pháp là phương tiện để truyền tải tâm ý của người viết, song hành cùng tranh thủy mặc, thư pháp được xem là một môn nghệ thuật đỉnh cao và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
– Nhật Bản: Thư pháp ở Nhật Bản được xem như là một loại hình nghệ thuật siêu phàm, thanh thoát và thường do các thiền sư thể hiện, được gọi là thư đạo luôn gắn liền với nghệ thuật thiền đạo, trọng ý hơn trọng hình.
Tác giả Takeda Souun
– Các quốc gia hồi giáo: Điển hình là thư pháp Ả Rập, một khía cạnh của nghệ thuật Hồi giáo đã được phát triển song song với đạo Hồi và ngôn ngữ Ả Rập.
Luôn gắn liền với các trang trí nghệ thuật Hồi giáo trên tường và trần của các nhà thờ Hồi giáo cũng như trang trí và trình bày các trang kinh sách
– Các nước phương Tây: Thư pháp phương Tây có phong cách khác. Con chữ được viết nắn nót theo chuẩn mực và tỷ lệ,trình bày rõ ràng và nhằm nhấn mạnh những chủ đề cần thiết.Thư pháp phương Tây được thể hiện bằng nhiều phương tiện: bút sắt, cọ, thước, compa, êke…
phần 3: Quá trình hình thành thư pháp chữ Việt
1. Nguồn gốc:Thư pháp Chữ Việt bắt đầu từ thư pháp chữ Hán, trong thời kỳ Bắc thuộc người Hán đã truyền bá văn hóa và cả chữ viết vào nước ta, trong đó có cả nghệ thuật thư pháp, trải qua hàng nghìn năm thư pháp chữ Hán tại nước ta cũng phát triển rộng rãi. Đến khi chữ Quốc Ngữ ra đời dần thay thế cho chữ Hán thì thư pháp chữ Quốc Ngữ từ đó cũng được hình thành.
Nhà thơ Đông Hồ được xem là người đầu tiên sử dụng cọ mực Tàu viết chữ quốc ngữ, gọi là thư pháp chữ quốc ngữ và ông cũng là người phổ biến thư pháp chữ quốc ngữ.
Những tác phẩm thư pháp mà ông để lại, có thể chưa hòan chỉnh mỹ mãn về một khía cạnh nào đó và cũng như không thấy một lý luận, một nghiên cứu nào về thư pháp Việt của ông. Nhưng chúng ta ghi nhận được những công lao đóng góp, một sự đam mê và hoài bão lớn về lối chơi chữ nghệ thuật đặc biệt này. Có thể khi sinh thời cụ Đông Hồ viết thư pháp Việt như một sở thích, một thú chơi tao nhã và là một hình thức để ông truyền bá thơ văn và chữ Quốc ngữ thông qua nghệ thuật thư pháp. Nhưng những viên gạch đầu tiên ông đặt cho chúng ta, vô hình chung đã trở thành một bộ môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích đến ngày hôm nay. Vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nhiều người trong giới thư pháp đã cảm kích và xem ông như một vị “Tổ”của bộ môn để tôn thờ.…
2. Đặc điểm thư pháp chữ Việt:
– Thư pháp chữ Việt dễ dàng thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tự do sáng tạo không ràng buộc trong khuôn khổ như chữ Hán, nhưng phải luôn giữ vững cấu trúc của chữ.
– Là chữ Latin không phải chữ tượng hình như chữ Hán nên khó biểu đạt được tâm ý và nội dung của câu chữ, chính vì vậy người viết thường cố tình tạo nên những tác phẩm mang hình ảnh cần biểu đạt mà dễ làm mất đi cấu trúc chính của chữ khiến người xem khó đọc được
3. Ảnh hưởng của thư pháp chữ Việt đến đời sống văn hóa dân tộc:
Phong trào thư pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ trong cả nước, nhiều câu lạc bộ thư pháp được ra đời tạo thêm sân chơi mới cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thanh thiếu niên rất đam mê môn nghệ thuật này.
Nhiều cuộc triển lãm về thư pháp cũng giúp ích cho việc sáng tạo và phát triển không ngừng của môn nghệ thuật truyền thống này, giúp thư pháp đi sâu vào đời sống thực tại.
Đi đến đâu trên đất nước Việt chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tác phẩm thư pháp: biển hiệu, tiêu đề trên bao bì của một số loại sản phẩm, trên bìa các sách, trong đền chùa, trong các quán cà phê,…
4. Các lối viết trong thư pháp chữ Việt:
– Chữ chân phương: là lối viết chữ phổ biến nhất, chữ viết rõ ràng, dễ đọc, nét bút có sự uyển chuyển đậm nhạt khác nhau nhưng không làm mất đi cấu trúc chính của chữ. Chính vì đặc điểm dễ đọc, dễ viết như thế mà lối viết thư pháp chân phương phát triển mạnh và phổ biến nhất.
– Chữ cách điệu: cách thể hiện chữ thành những hình tượng khác nhau, có thể biến hóa con chữ để mang những hình ảnh mà người viết muốn miêu tả, đánh lừa thị giác của người xem vì tác phẩm nặng về hình hơn chữ.Ở lối viết chữ này tuy rằng khó đọc nhưng người xem có thể cảm nhận được ý của tác giả qua những hình ảnh ẩn trong tác phẩm.
– Chữ Thảo: là cách viết thể hiện cái hồn chữ nhiều hơn là ý, viết phóng túng khiến người xem khó nhận biết, luôn chứa đựng nội lực của người viết.Cách viết theo lối thảo người thưởng lãm phải mất một lúc khá lâu để hiểu hoặc thậm chí là không thể đọc được chữ mà tác giả viết nên.
– Chữ mộc: là kiểu chữ viết ngược dùng để khắc trên bảng in gỗ, người xem phải soi vào gương để đọc được. Có trường phái về chữ Mộc riêng, tạo hình thể chữ quốc ngữ gần giống như chữ Hán về cách viết, và được viết theo từng bộ cụ thể, người xem ngỡ là chữ Hán và phải đọc ngược.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét