Phân tích trước hết là phân chia cái toàn thể của đối tượng nghiên cứu thành những bộ phận, những mặt, những yếu tố cấu thành giản đơn hơn để nghiên cứu, phát hiện ra từng thuộc tính và bản chất của từng yếu tố đó, và từ đó giúp chúng ta hiểu được đối tượng nghiên cứu một cách mạch lạc hơn, hiểu được cái chung phức tạp từ những yếu tố bộ phận ấy.
Khi chúng ta đứng trước một đối tượng nghiên cứu, chúng ta cảm giác được nhiều hiện tượng đan xen nhau, chồng chéo nhau làm lu mờ bản chất của nó.Vậy muốn hiểu được bản chất của một đối tượng nghiên cứu chúng ta cần phải phân chia nó theo cấp bậc.
Nhiệm vụ của phân tích là thông qua cái riêng để tìm ra được cái chung, thông qua hiện tượng để tìm ra bản chất, thông qua cái đặc thù để tìm ra cái phổ biến.
Khi phân chia đối tượng nghiên cứu cần phải:
+ Xác định tiêu thức để phân chia.
+ Chọn điểm xuất phát để nghiên cứu.
+ Xuất phát từ mục đích nghiên cứu để tìm thuộc tính riêng và chung.
Bước tiếp theo của phân tích là tổng hợp. Tổng hợp là quá trình ngược với quá trình phân tích, nhưng lại hỗ trợ cho quá trình phân tích để tìm ra cái chung cái khái quát.
Từ những kết quả nghiên cứu từng mặt, phải tổng hợp lại để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn cái chung, tìm ra được bản chất, quy luật vận động của đối tượng nghiên cứu.
Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp gắn bó chặt chẽ quy định và bổ sung cho nhau trong nghiên cứu, và có cơ sở khách quan trong cấu tạo, trong tính quy luật của bản thân sự vật. Trong phân tích, việc xây dựng một cách đúng đắn tiêu thức phân loại làm cơ sở khoa học hình thành đối tượng nghiên cứu bộ phận ấy, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong nghiên cứu tổng hợp vai trò quan trọng thuộc về khả năng liên kết các kết quả cụ thể( có lúc ngược nhau) từ sự phân tích, khả năng trìu tượng, khái quát nắm bắt được mặt định tính từ rất nhiều khía cạnh định lượng khác nhau.
Với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật do tính chính xác quy định, mặt phân tích định lượng có vai trò khá quyết định kết quả nghiên cứu. Quá trình tổng hợp, định tính ở đây hoặc giả là những phán đoán, dự báo thiên tai, chỉ đạo cả quá trình nghiên cứu, hoặc giả là những kết luận rút ra từ phân tích định lượng.Trong các ngành khoa học xã hội - nhân văn, sự hạn chế độ chính xác trong phân tích định lượng làm cho kết quả nghiên cứu lệ thuộc rất nhiều vào tổng hợp, định tính. Song chính đặc điểm này dễ làm cho kết quả nghiên cứu bị sai lệch do những sai lầm chủ quan duy ý chí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét