Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

CHỮ PHẬT


Chữ Phật được hình thành từ:  (nhân) nghĩa là người + 弓 (cung) cái cung + 丿(phiệt) nét + (cổn) nét sổ = Phật 
* 人 (nhân) : Người trí thức giàu lòng nhân ái
*弓 (cung): Cung tên Ngài gát lại đi tu
*丿丨 Đôi kiếm này chọc thủng mây mù. (đôi kiếm)= trí tuệ, (mây mù)=Vô minh phiền não. Dùng trí tuệ diệt trừ vô minh phiền não.

* 佛 Phật trí tuệ trăng soi hiển hiện (Những bộ chữ Hán ở trên hợp lại thành chữ Phật) cho nên có bài thơ như sau:
 “Người trí thức giàu lòng nhân ái
Cung tên đành gát lại đi tu
Đôi kiếm này chọc thủng mây mù 
Phật trí tuệ trăng soi hiển hiện”

1- 人 (nhân) : Người trí thức giàu lòng nhân ái

          Đức Phật là bậc biểu trưng cho đức tính Từ bi (compassion: Karuṇā). Ngài xót thương chúng sinh trong cõi Tà-bà ngũ trược khổ đau. Ngài thị hiện xuống trần gian mục đích duy nhất là: “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài ra đời chỉ bày chúng sinh thấy được Phật tính nơi tâm. 

          Hoàng hậu Māyā nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà, khai bên hông hữu của bà, Ngài thị hiện từ cõi trời Đâu-Suất (Tushita) và Đản sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) thuộc nước Nepal ngày nay. Ngài sống và lớn lên tại kinh thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Tên của Ngài là Thái tử Siddhattha (Tất-Đạt-Đa) con của vua Suddhodhana (Tịnh Phạn Vương) và Mẹ là Hoàng hậu Maya, Ngài sinh vào dòng tộc Sakya (dòng họ Thích).

          Voi trắng: Con voi là biểu trưng cho Bồ Tát Hộ Minh. Màu trắng biểu trung cho sự thanh tịnh và thanh khiết. Điều này với ý nghĩa là Bồ Tát là bậc tu chứng thánh quả diệt trừ phiền não khổ đau, Tâm thanh tịnh không còn nhiễm ô. 

          Sáu Ngà: Biểu trưng cho Lục-Độ-Ba-La-Mật (Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, và Trí Tuệ). Vì Bồ tát tu Lục độ ba la mật. Do đó Ngài Bồ tát Hộ Minh thị hiện con voi trắng sáu ngà, để cho thấy rằng Ngài là một vị Bồ Tát từ cõi trời thị hiện xuống độ sanh ở Ta-bà.

          Khai bên hông hữu: Bên hữu là biểu trưng cho chánh Đạo, chỉ cho chân lý,. Ý nghĩa Ngài thị hiện xuống Ta-bà với mục đích cao cả: “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.

          Thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa). Ngài Đản sinh tại vườn Lâm-Tỳ-Ni. Ngài Đản sinh từ nách bên tay phải của hoàng hậu Māyā. Ngài Đi trên bảy đóa hoa sen và đứng trên hoa sen thứ 7. Một tay chỉ lên trời, tay chỉ đất Ngài nói câu:  “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn” 
Ý nghĩa: Thị hiện từ nách bên tay phải.

          Bởi vì cái tay tượng trưng cho thân cây, bàn tay tượng trưng cho cành và lá. Cái nách hoàng hậu Māyā tượng trưng cho cái gốc cây. Như vậy, cái tay là tượng trưng cho giáo Pháp, giáo Pháp của Phật được chia làm Ngũ thừa giáo, năm ngón tay tượng trưng cho Ngũ thừa giáo (Nhân thừa, Thiên thừa, Thinh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa,). Năm ngón tay từ một cánh tay sinh ra, cho nên từ năm thừa này cứu cánh còn lại một Phật thừa, (ý nghĩa này trong Kinh Pháp Hoa).

           Bên phải là biểu trưng cho giáo Pháp của Ngài là Chánh Đạo là chân lý ở cõi đời này. “Tay phải chỉ Trời”: “bên phải” tượng trưng cho chánh Đạo, là chân lý, là lẽ phải, là thiện pháp. Nếu chúng sinh nào tu tập thiện nghiệp được sinh về cảnh giới an lành được đi lên, cho nên tay phải của Thái tử Tất Đạt Đa chỉ Thiên. Đó là thuận theo lẽ phải, chân lý của chánh Đạo

          “Tay trái chỉ đất”: “bên trái” là chỉ sự sai trái, là đều không đúng chân lý, không thuận theo lý Đạo. Nếu chúng sinh sống tạo nghiệp ác, làm điều sai quấy, hại mình hại người, phải trả nghiệp báo đọa xuống những cảnh giới thấp hơn (như Địa Ngục, Ngã quỷ, Súc sinh …cho nên tay trái chỉ xuống đất.

"Thiên thượng Thiên hạ duy Ngã độc tôn" không phải dịch theo ý nghĩa trên trời, dưới đất chỉ có Ta là trên hết, thì không đúng với chân lý của Đạo Phật. vì đạo Phật chủ trương tinh thần “vô ngã”. Chẳng có lý do nào đức Phật mới Đản sinh tự nâng bản ngã của Ngài. Cho nên câu nói của Ngài có ý nghĩa trên trời dưới đất chỉ có "Pháp Thân Chân Ngã" là trên hết. Chữ “Ngã” trong câu nói của Ngài là "Pháp Thân Chân Ngã" cũng chính là “Phật tính”, là trí tuệ sáng suốt vốn có của mỗi chúng sinh, hay còn gọi là Như Lai Tạng tánh, là Chân Như.

                Ý nghĩa  hoa sen biểu trưng bảy đặc tính của đức Phật.

                  Hoa Sen: có 7 đặc tính sau:
                  1. Thanh tịnh trong nhiễm ô.
          Hoa Sen mọc từ chốn bùn nhơ, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ý nghĩa này sự thị hiện của Phật và Bồ Tát vào đời độ sinh không đắm nhiễm theo đời. Bồ Tát Hộ Minh từ cõi trời Đâu Suất thị hiện xuống Ta-bà độ sinh, thái tử Siddhattha Ngài là Thái tử đông cung, sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, địa vị cao sang, biết bao nhiêu cung phi mỹ nữ hầu hạ, sống trong nhung lụa chăn ấm nệm êm. Nhưng Ngài không đắm nhiễm những thứ ngũ dục đó. Ngài từ bỏ tất cả xuất gia để tìm ra Ánh đạo vàng giải thoát cho chúng sinh
·                    2. Nhân quả đồng thời:
Trong hoa sen có hạt sen, Trong hạt sen có hoa sen trong đó. Tức là trong chúng sinh có Phật tính, trong thái tử Siddhattha có Phật Thích Ca. Phật cũng từ Thái tử Siddhattha mà thành.
·                    3  Giáo lý đạo Phật là chân lý, ngoại đạo khó phá hoại.
Hương thơm của hoa sen, không có ong bướm bay đậu để hút mật và làm hại tàn áu. Mà hoa sen  tự tàn héo theo lý tự nhiên của vô thường. Sinh, trụ, dị diệt 
·                    4. Đạo Phật là Đạo giải thoát, siêu xuất thế gian.
Hoa sen từ chốn bùn nhơ vươn lên khỏi mặt nước, tỏa ngát hương cho đời. Ý nghĩa này như Thái tử Siddhattha vượt kinh thành Kapilavatthu ra khỏi nhà thế tục đi xuất gia, khai sáng đạo Phật. Mang lại niềm an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho chúng sinh muôn loài
Hoa sen tinh khiết chốn bùn nhơ
Thoát lên mặt nước tự bao giờ
Tỏa hương thơm ngát chân thiện mỹ
Tô điểm trần gian đẹp nên thơ

·                    5. Ly sắc dục.
Hoa sen không làm trang sức cho nữ giới. Thông thường ít thấy nữ giới trang điểm bằng trên thân thể bằng hoa sen, điều này ý nghĩa đức Phật xa lìa nữ giới
·                    6.  Đạo Phật là đạo của Trí Tuệ.
Hoa sen nở trong ban đêm hoặc lúc bình minh vừa ló dạng. Đạo Phật là biểu trưng cho ánh sáng của trí tuệ. Nếu lìa đêm tối thì ngọn đèn vô giá trị, Nếu lìa phiền não không thể tu giác ngộ, “phiền não tức Bồ đề”, điều này cũng chứng minh rằng: đức Phật Thích Ca thành Đạo lúc bình minh ló dạng. Ngài thành đạo trong cõi Ta bà khổ đau. Nên đạo Phật mới có giá trị đối với nhân loại đến ngày hôm nay, nếu xa lìa đời thì không có Đạo
·                    7. Biểu thị “Tánh Không”- Nhất thừa Giáo.
Mỗi nhánh sen chỉ nở một hoa sen. Mục đích rốt ráo của đạo Phật là Nhất Thừa Giáo. Tất cả chúng sinh sẽ thành Phật trong tương lai, vì trong mỗi chúng sinh đều có Phật tính, Phật dạy rằng: “Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Biểu trưng Tánh không của đạo Phật:  vì ở bên trong thân cây sen trống rỗng, đó là biểu thị tánh không.

Thái tử Siddhattha bước qua sáu hoa sen và đứng trên hoa sen thứ bảy.

          Có rất nhiều ý kiến cho rằng: sáu hoa sen trước là chỉ cho lục đạo luân hồi (Thiên, Nhân, A Tu La, Địa ngục, Ngã quỷ và Súc sanh). Ngài đã bước qua, khỏi 6 hoa sen tức là đời này Ngài chấm dứt sinh tử luân hồi. Ngài đứng trên hoa sen thứ 7 là quả vi Phật. Nhưng có thuyết lại cho rằng: 6 hoa sen trước là chỉ cho 6 vị Phật quá khứ. Hoa sen thứ 7 là Phật hiện tại. 6 Hoa sen trước tượng trưng cho sáu vị Phật quá khứ (1. Tỳ Bà Thi, 2 Thi Khí, 3 Tỳ Xá Phù, 4 Câu Lưu Tôn, 5 Câu Na Hàm Mâu Ni, 6 Phật Ca Diếp Ba, 7 Phật Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật hiện tại) (Kinh Địa Tạng).

          Có người cho rằng con số 7 là con số viên dung tròn đầy. Ví dụ lấy 1 cái gì hình tròn, để bảy cái ly vào thành hình tròn khép kín, nếu 6 cái thì sẽ thiếu trống chính giữa, nếu 8 cái ly thì sẽ bị méo, vì thế con số bảy là con số viên dung tròn đầy biểu thị cho sự thị hiện của đức Phật là đấng giác Ngộ hoàn toàn ( tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn).

2-  弓 (cung): Cung tên Ngài, gát lại đi tu.

Ngài thị hiện ra đời và sống tại kinh thành Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ). Đến tuổi trưởng thành Ngài kết hôn với công chúa Yasodhahara (Da-Du-Đà-La) có người con Rahula (La-Hầu-La). Ngài là một vị Thái tử đông cung sống trong sự giàu sang phú quý nhung gấm nệm êm, văn võ song toàn. 

Cung tên Ngài gác lại đi tu. Sau khi Ngài chứng kiến cảnh: (sanh, lão, bệnh, tử) ở bốn cửa thành (Đông, Tây, Nam, Bắc). Ngài vượt thành xuất gia, sáu năm khổ hạnh rừng già tại Uruvela (Khổ-hạnh-lâm). Ngài tu ép xác mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, sau đó Ngài thấy không tìm ra Đạo giải thoát. Ngài vượt qua sông Ni-Liên-Thiền. 

Tại đây Ngài đã kiệt sức, được nàng Sujāta dâng bát sữa. Sau đó Ngài đến cội Bồ đề ở (Gaya thuộc bang Bihar của Ấn Độ ngày nay). Sau đó Ngài ngồi thiền nhập định trong 49 ngày. Ngài chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lúc đó Ngài 35 tuổi.

3-  丿丨 Đôi kiếm này chọc thủng mây mù.

Đôi kiếm biểu trưng cho phước và tuệ của Ngài để diệt trừ phiền não vô minh ở trong tâm. Ngài chứng thành Phật danh hiệu Thích Ca Mâu Ni.
4-    Phật trí tuệ trăng soi hiển hiện
          Phật : Nghĩa là Phật đà: Bậc tu Giác ngộ hoàn toàn đầy đủ ba đức tính .

Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn, “Giác hạnh viên mãn”: ở đây còn có nghĩa là những chúng sinh có duyên với đức Phật, được đức Phật độ tận. 

          Còn nghĩa khác nữa là, chúng sinh ở đây chỉ cho phiền não ở trong tâm. 

Đức Phật diệt trừ hết tất cả phiền não (độ tận chúng sinh) bấy giờ thành chánh Giác dưới cội Bồ đề, sau đó 49 năm Ngài thuyết Pháp độ sinh thoát khổ đau.

Phật còn biểu trưng cho ánh trăng tuệ Gíac hiển hiện giữa hư không.

 10 ĐIỀU TÂM NIỆM

1- Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh.

2- Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.

3- Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.

4- Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường.

5- Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thị thường kiêu ngạo.

6- Giao tiếp đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.

7- Với người đừng mong thuận chiều ý mình, vì được thuận chiều  ý mình thì tất sanh tự kiêu.

8- Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đáp trả là thi ân mà có mưu tính.

9- Thấy lợi đừng nhúng tay, nhúng tay thì hắc ám tâm trí.

10- Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài.

           Phật Đà thiết lập Chánh Pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế nên, ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả.

phật bà nghìn mắt nghìn tay

            Truyền thuyết kể lại rằng: xưa kia, công chúa Diệu Thiện con của vua Diệu Trang, sau khi đắc đạo thành Phật, nàng liền xuống địa ngục để giải cứu cho vua cho khi đó đang bị đày đọa ở dưới 18 tầng địa ngục.Trên đường xuống địa ngục, nàng gặp nhiều ngạ quỷ <quỷ đói>,chúng nhất định đòi ăn thịt nàng, nàng cầu xin nhưng chúng ko nghe.

Diệu Thiện liền lấy dao cắt 1 cánh tay của mình làm thịt cho lũ ngạ quỷ ăn.Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của nàng, lũ ngạ quỷ cho nàng đi qua.

Sau khi cứu độ vua cha,nàng trở lại nhân gian.

Lúc này, nhà vua trẻ mới lên ngôi <là 1 người bạn với nàng> định làm 1 món quà tặng nàng, biết được việc đó, nhà vua liền sai người làm 1 cánh tay bằng ngọc quý để tặng nàng. 

Nhân dân trong vùng,mỗi người hoặc mỗi nhà cũng đem tặng nàng 1 món quà.Và điều trùng hợp là mỗi món quà là 1 cánh tay bằng ngọc.

Nhà vua truyền lệnh,tìm thợ tạc tượng nàng, và gắn những cánh tay đó vào tượng.

Từ đó ,hình tượng quan thế âm bồ tát có nghìn tay nghìn mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét