Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Bàn thờ tổ tiên - nét văn hóa người Việt


Từ xa xưa, bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội. Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống tỏ  lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất.

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ  nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ  quyền xưa. Khi Nho giáo du nhập vào nước ta, chữ hiếu  được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc.


Gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao. Đến thế kỷ XV, Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, nhà Lê đã thể chế hoá việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ). Bộ luật cũng quy định ruộng hương hoả, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán. Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ”.
Ngôi nhà truyền thống của người Việt thường có ba hoặc năm gian, trong đó gian giữa được coi là chỗ trang trọng nhất, là trung tâm của nhà nên bàn thờ thường được lập ở chính giữa gian này.
Những gia đình nghèo khó, với những đồ đạc trong nhà cũng đơn sơ, thì bàn thờ có khi chỉ là vạt phên tre giữa hai cột trong của gian giữa, bên trong có bát  hương nhỏ. Còn ở những gia đình thuộc loại “thường thường bậc trung” trở lên, thì bàn thờ được đóng đàng hoàng. Có gia chủ còn dùng mặt tủ làm bàn thờ hoặc đóng cái giá gác làm lên tường. Cho dù bàn thờ có được thiết kế ra sao thì điều quan trọng nó luôn phải ở vị trí trang trọng, có độ cao thích hợp để khi cúng mọi người tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với tổ tiên.
Trên bàn thờ  có thể có khám, ngai hay đặt bài vị được chạm khá cầu kỳ và sơn thếp cẩn thận. Trước bài vị có một hương án rất cao. Trên hương án này, tại chính giữa là một bát hương để cắm hương khi cúng lễ. Bát hương được chăm nom rất cẩn thận, chu đáo, và không được xê dịch. Đằng sau bát hương là một chiếc kỷ nhỏ, trên kỷ có ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm. Ba đài này đựng ba chén rượu nhỏ lúc cúng lễ. Hàng ngày, đài được đậy nắp để tránh bụi bặm, chỉ mở ra trong những dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một.
Hai bên bát hương là hai cây đèn (hai ngọn đèn dầu) hoặc hai cây nến (ngày nay tại các đô thị, người ta thắp hai cây đèn điện). Gần hai bên bát hương, ngoài hai cây đèn có khi còn có hai con hạc chầu hai bên. Ở mé ngoài hai cây đèn, gần hai đầu hương án là hai ống hương dùng để đựng hương.
Ngoài các đồ thờ trên, còn có một lọ lộc bình hoặc  đôi song bình bày trên bàn thờ để cắm hoa trong những ngày giỗ chạp, ngày Tết. Tấm biển treo cao nằm ngang trên mé trước bàn thờ, trên có những chữ Hán thật lớn, nhiều nhà dùng chữ Nôm (thường là ba, bốn chữ) là hoành phi. Hai bên cột hoặc hai bên tường nhà có treo những câu đối...

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, kiến trúc nhà ở nông thôn ít biến đổi, nên kiểu bàn thờ cổ truyền vẫn phát huy tác dụng, song những ngôi nhà có kiến trúc, nội thất hiện đại ở thành phố thì cách bố trí và các đồ thờ cũng có nhiều biến đổi sao cho phù hợp với toàn cảnh ngôi nhà (chiếc hương án cầu kỳ, những bức hoành phi, câu đối không còn phù hợp với nội thất nhiều gia đình).
Mỗi việc lớn trong nhà (chẳng hạn như: dựng vợ gả chồng cho con cháu; con cháu chuẩn bị đi thi; làm nhà mới; làm ăn; vợ sinh con; lập được công danh; trong nhà có người đau ốm, có người chuẩn bị đi xa, làm việc lớn...), đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Việc hiện nay hầu hết các cặp cô dâu chú rể đều làm lễ vu quy hay nghinh hôn trước bàn thờ gia tiên cũng là một điểm rất độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Mỗi lần cúng tế, tùy theo các gia chủ nghèo, giàu và tùy những buổi lễ, đồ lễ có thể gồm: rượu, hoa quả, vàng hương, xôi chè, oản, cỗ mặn, có khi thêm  đồ hàng mã... Trong những trường hợp cần thiết, đồ lễ có thể chỉ cần một chén nước mưa, một nén hương thắp lên bàn thờ là đủ. Bàn thờ khi làm lễ phải có thắp đèn hay thắp nến. Hương trên bàn thờ bao giờ cũng thắp theo số lẻ (một hoặc ba nén...) và các nén hương phải được cắm ngay ngắn. Khi chân hương trong bát hương đã đầy, gia chủ thắp hương xin phép tổ tiên nhổ chân hương, đem hóa thành tro rồi đổ xuống ao hồ...























































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét