Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Mê tín dị đoan và khoa học tâm linh, đâu là khoảng cách?

Thực tế cuộc sống đã cho thấy, tùy thuộc vào việc con người ta tin tưởng vào cái gì mà trong nhận thức các hành động, hiện tượng đối với người đó có thể bị lên án là mê tín dị đoan hay trái lại được coi là tín ngưỡng, khoa học tâm linh chính đáng. Trong phạm trù tâm linh, thậm chí có  trình độ giáo dục, bằng cấp văn hóa, kiến thức khoa học… đôi khi cũng bị ảnh hưởng của mê tín dị đoan huyễn hoặc. Vậy thực chất giữa mê tín dị đoan và khoa học tâm linh có hay không những khoảng cách và nếu có thì làm thế nào để nhận ra những khoảng cách này?
Mê tín dị đoan
Theo tập quán của người Ấn Độ, khi một người đàn bà gặp phải khó khăn lúc lâm bồn thì chỉ cần uống một chén nước đã được mẹ chồng nhúng ngón chân cái vào sẽ có thể sinh nở dễ dàng và nhanh chóng. Còn ở các nước Phương đông trong đó có Việt Nam người ta tin: Các yếu tố ngày, giờ và năm sinh của mỗi người có ảnh hưởng quyết định đến tương lai, sự nghiệp, tình cảnh gia đình và cả tuổi thọ của người đó. Đặc biệt là quan niệm nếu hai người nam, nữ sinh ra vào những năm “kỵ” nhau mà kết hôn với nhau thì sẽ không có hạnh phúc, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng một trong hai người còn có thể chết sớm (Sớm hơn so với “tuổi thọ” của họ trường hợp nếu không lấy nhau). Dễ thấy hơn là trong các đám tang, các lễ cúng, người ta đốt vàng mã với những hình tượng quần áo, giày dép, tiền bạc, ngựa xe, nhà cửa, v.v. làm bằng chất liệu giấy để gửi cho những người đã chết ở cõi khác sử dụng… Tất cả những điều này nói chung được gọi là mê tín.
image0023 Mê tín dị đoan và khoa học tâm linh, đâu là khoảng cách?
Người dân dâng đô la trong lễ hội bà chúa kho.
“Mê tín dị đoan là một niềm tin hay ý niệm, không dựa trên lý do, kiến thức, kinh nghiệm gì cả” (wikipedia). Khi con người ta tin rằng một hiện tượng xảy ra là hậu quả của một hiện tượng khác, trong khi thật ra không có mối liên hệ nguyên nhân hệ quả nào giữa các hiện tượng này. Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều khi người ta cố gắng làm hoặc tránh làm một hành động gì đó với niềm tin để một sự việc gì đó khác sẽ xảy ra hoặc không xảy ra. Dần dà người đó trở nên bị lệ thuộc bởi chính những lối suy nghĩ, những niềm tin mà bản thân họ đã gây dựng. Theo Voltaire: “Một người mê tín cũng như một kẻ nô lệ bị trói buộc bởi những nỗi lo sợ vô cớ do chính mình áp đặt”.
Nói về nguồn gốc, mê tín dị đoan được sinh ra và tích lũy lại từ sự thiếu hiểu biết của con người trong những niên đại mà khoa học chưa phát triển, khi con người ta không thể tìm ra được cách lí giải khoa học và thỏa đáng cho những hiện tượng xảy ra xung quanh. Ví dụ: Tại sao khi thì săn bắt được nhiều thú rừng, khi thì không? Tại sao tháng trước làm gì cũng suôn sẻ, tháng này làm gì cũng đổ bể? Tại sao nếu buổi sớm ra khỏi nhà hay xuất hành đi làm việc gì quan trọng mà chạm vía đàn bà thì lại gặp vận xui?… Thậm chí cho đến ngày nay nhiều câu hỏi tương tự vẫn chưa thể được trả lời  bởi khoa học và sự sợ hãi về các hiện tượng thiên nhiên và “siêu nhiên” vẫn còn tác động mãnh liệt trong tiềm thức con người. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, những người có nghề nghiệp càng nguy hiểm, càng bấp bênh, càng tùy thuộc vào thiên nhiên thì thường càng có nhiều thủ tục mê tín gắn liền vào cách thức, lề lối sinh sống hàng ngày của họ.  Dần dần mê tín dị đoan trở thành những thói quen phiền toái, tốn kém, tuy vậy người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi để có thể cảm thấy “an toàn” hơn.
Tuy nhiên dù là có nguồn gốc từ đâu thì mê tín dị đoan vẫn rất nguy hiểm, nó không mang tính chất cục bộ, quốc gia mà nó mang tính chất toàn cầu hóa và phủ rộng trên phạm vi toàn thế giới. Nó không chỉ có ở Việt Nam hay Mỹ mà nó tồn tại ở hầu khắp các quốc gia. Với nhiều hình thái khác nhau, hàng ngày nó ràng buộc chi phối ý nghĩ và hành động của công dân trên hầu khắp thế giới là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí, phiền toái, tốn kém, đi ngược lại với tiến trình phát triển của xã hội. Trước sau là những điều cần phải lên án, bài trừ.
Khoa học tâm linh
Bên cạnh mê tín dị đoan có một phạm trù khác đó là “ Khoa học tâm linh” mà tiêu biểu nhất là ở Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, địa điểm được coi là nơi hội tụ của nhiều nhà ngoại cảm với khả năng đặc biệt, nơi phát triển “khoa học tâm linh” nghiêm túc, bài bản nhất với tư cách như các bộ môn.
Có nhiều ý kiến cho rằng: sau chiến tranh, do nhu cầu tìm kiếm người thân bị chết hoặc mất tích của các gia đình đòi hỏi cần đến sự giúp sức của những người có khả năng đặc biệt, các nhà ngoại cảm. Trong khi đó có khá nhiều bằng chứng thuyết phục về khả năng kỳ lạ của các nhà ngoại cảm trong mối liên hệ, giao thiệp với các vong linh, những người đã khuất. Nên sau rất nhiều sự kiện có thật, với sự tham gia của các nhà ngoại cảm nhiều hài cốt liệt sỹ được tìm thấy và xác định thân nhân. Tính cho đến nay những nhà ngoại cảm thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển tiềm năng con người đã giúp tìm được hơn mười ngàn bộ hài cốt liệt sĩ quy tập về nghĩa trang, và cũng đã thành công trong việc tìm lại mộ của một số danh nhân như tướng quân Hoàng Công Chất, nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến, nhà văn Nam Cao, nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh….
image0031 Mê tín dị đoan và khoa học tâm linh, đâu là khoảng cách?
Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người
Theo một số nguồn tin chúng tôi ghi nhận được.Trong năm 2010 Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người  đã tư vấn các biện pháp, phương thức tìm mộ và giới thiệu các nhà ngoại cảm tin cậy giúp đỡ hàng trăm gia đình, trong đó nhiều gia đình tìm được mộ người thân, gia tiên, liệt sỹ bị thất lạc. Nhiều đoàn khảo sát của Trung tâm này đã được tổ chức và thu về kết quả tốt đẹp. Thậm chí nhiều nguồn tin khẳng định: Mặc dù khoa học chưa thể chứng minh hay lý giải nhưng sự thật nhìn thấy là bằng nhiều phương pháp khác nhau các cộng tác viên và các bộ môn của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã tìm được tổng số trên 12 nghìn mộ liệt sỹ, mộ dân. Kèm theo đó là việc mở rộng nghiên cứu ứng dụng những khả năng đặc biệt để chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Các kết quả chữa bệnh của các nhà ngoại cảm bước đầu cho thấy kết quả thu được rất hiệu quả, ít tốn kém đối với các ca bệnh như ung thư, tâm thần, liệt, câm, hiếm muộn, nhiễm chất độc da cam ảnh hưởng đến sinh sản, miễn dịch, tai biến, suy thận, và nhiều bệnh lạ khác mà y học hiện đại chưa giải quyết được. Điều này ít nhiều đặt ra hi vọng về những phương pháp chữa bệnh đặc biệt, giúp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, chữa bệnh cho nhân dân.

Đâu là khoảng cách?
Voltaire cho rằng trên thế giới có hai nhóm người: “một nhóm không mê tín, một nhóm mê tín; và phần đông ai cũng nghĩ là mình thuộc về nhóm thứ nhất.” Bởi vậy cho nên mặc dù mê tín rõ ràng người ta vẫn có cách lý giải cho bản thân mình, ít ai công nhận mình là người mê tín hoặc có hành vi mê tín dị đoan.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Tiền phong về lý do giải nghệ, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng chia sẻ rất thật: “Người ta thường đòi hỏi nhà ngoại cảm phải chính xác tuyệt đối nhưng trên thực tế thì không có gì tuyệt đối cả. Không riêng gì tôi mà rất nhiều các nhà ngoại cảm khác đã bị chỉ trích nếu chẳng may có sai sót. Chính điều đó khiến chúng tôi mất hết nhiệt huyết.” Như vậy để thấy thực ra chính cái mà chúng ta hay gọi là Khoa học tâm linh vẫn là một điều may rủi, khó lý giải. Việc có hay không, còn hay mất khả năng đặc biệt chỉ có bản thân nhà ngoại cảm mới biết được. Các nhà ngoại cảm cũng lên tiếng mong muốn dư luận chấp nhận những sai sót (một điều tối kị trong khoa học). Vậy vấn đề đặt ra: đâu là khoảng cách giữa khoa học và khoa học tâm linh?
Khoảng cách mong manh giữa “mê tín dị đoan” và “khoa học tâm linh” ngày càng đẩy con người ta vào trạng thái mông lung hơn nhiều khi không thể phân biệt được tách bạch. Chính lối suy nghĩ nhập nhằng, bán tín bán nghi cộng với sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của một số người đã tạo công ăn việc làm cho không ít “thầy cúng dởm”, những kẻ thực chẳng có tài cán, năng lực gì đặc biệt ngoài việc uốn ba tấc lưỡi lừa phỉnh lấy tiền của những người mặt mũi xám ngoách vì khiếp sợ khi nghe lời tuyên bố của thầy: “ Thầy bảo thật, năm nay trong nhà có cái hạn lớn lắm, thằng con lớn trong nhà tuấn tú thế mà năm nay không tai nạn xe cộ thì cũng bị ngã lầu, biết đường thì cầu cúng đi cho nó…. Thầy biết thì thầy bảo, thầy ăn lộc thánh, thầy giúp cho!”.
Hiện nay ở một số vùng quê nghề bói toán trở nên phát triển mạnh. Có những nơi một xã có nghìn nóc nhà mà có đến bốn năm thầy, xã nào ít cũng phải có hai ba thầy chủ chốt. Ấy vậy mà công việc của các thầy đều “phát”, thụ lộc mấy năm các thầy đều dựng được nhà lầu, bét cũng phải có cái xe “guây an pha” không thì đều phải tay ga, vàng đeo rủng riểng. Các thầy xoay sở kiểu gì mà hay vậy? Hỏi ra mới biết, từ nhà buôn cá, buôn tôm đến trí thức giáo viên, từ dân đen cho đến cán bộ cứ xếp hàng quỳ mọp, khấn vái liên tục ở điện nhà các thầy, bảo sao các thầy không giàu nhanh cho được?!
Trong khi khoa học chưa phát triển đủ để giải thích tất cả các sự việc, các yếu tố trong vũ trụ, trong khi con người vẫn miệt mài đi tìm những thắc mắc, những bí ẩn thỏa mãn sự tò mò và hiếu kỳ vô bờ bến của mình thì những điều huyễn hoặc vẫn sẽ tồn tại. Nếu như những điều kỳ lạ như những dự cảm, những khả năng giao tiếp âm dương… vô hại, giúp ích cho cuộc sống của nhiều người thì thiết nghĩ cũng chẳng có lý do gì mà không tôn trọng và thậm chí là có thể phát triển “những khả năng đặc biệt” giúp ích xã hội. Ngược lại nếu chỉ là trò bịp bợm, lừa gạt dựa trên lòng tin, sự thiếu hiểu biết và hiếu kỳ của con người để kiếm lợi thì phải dứt khoát bài trừ bằng những biện pháp cứng rắn, nghiêm trị hơn.
Điều 247 Bộ Luật Hình sự năm 1999, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Cương quyết bài trừ mê tín dị đoan
Theo Luật sư Đào Duy Hoằng (Văn phòng luật sư Trường tín): Việc hành nghề mê tín dị đoan là trực tiếp xâm hại đến trật tự xã hội, nếp sống văn minh, trong nhiều trường hợp còn đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân. Nhằm giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước đã mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, trong đó có nội dung đấu tranh phòng, chống và từng bước loại trừ mê tín, dị đoan ra khỏi đời sống xã hội. Đồng thời, xác định việc hành nghề mê tín, dị đoan là một tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội).
Cũng theo ông Đào Duy Hoằng: Tất cả những người từ 16 tuổi trở lên đều có đủ năng lực trách nhiệm về “tội hành nghề mê tín, dị đoan”. Mặt khác để nhận biết “tội hành nghề mê tín, dị đoan” cần nắm vững một số vấn đề liên quan đến tội phạm này. Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm, theo các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999, người phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan là người dùng những thủ đoạn lừa bịp, lợi dụng sự lạc hậu của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc các mục đích khác. Hành nghề mê tín dị đoan là hành nghề dưới các hình thức như bói toán, lên đồng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác, gây ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, trật tự công cộng hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác. (Bói toán là đoán những việc của quá khứ, hiện tại và tương lai của người khác, không có căn cứ khoa học; lên đồng là hình thức mê tín dị đoan mà người nào đó làm giả như có thần thánh, ma quỷ nhập vào mình rồi phán bảo những điều nhảm nhí để người khác tin theo; các hình thức mê tín dị đoan khác như: xem số, gọi hồn, xem tướng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang…). Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm, tội hành nghề mê tín, dị đoan được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp (mục đích, động cơ phạm tội là vụ lợi cá nhân).
Tóm lại việc bài trừ mê tín dị đoan là một nhiệm vụ quan trọng không thể lơ là, chậm trễ. Đây là một việc mất rất nhiều thời gian vì ý thức dẫn đến những hành vi này đã ăn sâu gốc rễ vào đầu óc các “tín đồ tâm linh” song không phải vì vậy mà không thể bài trừ mê tín. Mà nó đòi hỏi nhiều biện pháp cương quyết, cứng rắn và lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác của mỗi người trong cộng đồng, vượt lên chính nỗi lo sợ, hồ nghi của bản thân để có một đời sống tinh thần lành mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét