Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

LỤC TỔ-LÀNG ĐÌNH BẢNG.



Sử làng đã ghi: Trong cơn Minh hỏa đầu thế kỷ 15, giặc Minh xân lược nước ta, dân làng phải phiêu tán khắp nơi, làng xóm tiêu điều xơ xác, rừng rậm âm u... sau chiến thắng của Bình Định vương Lê Lợi (năm 1428), chính quyền Lê sơ đã giúp dân hồi cơ tạo lập lại quê hương bản quán. Lúc đó, trong làng có 6 cụ đứng đầu các họ Nguyễn, Trần, Lê, Ngô, Đỗ, Đặng đã kêu gọi bà con tá túc ở Cẩm Giang trở về xây dựng lại làng cũ. Nhân dân Cẩm Giang đã giúp đỡ dân Đình Bảng trong công cuộc tái thiết lại làng. Mối tình kết nghĩa "chạ anh - chạ em" giữa Đình Bảng và Cẩm Giang được nảy sinh từ đấy.
Sáu cụ Tổ (Lục Tổ), đó là các cụ: Nguyễn Tự Thọ, Trần Hữu Bảo, Lê Kim Toán, Ngô Văn Chừng, Đỗ Cư Tính và Đặng Văn Thái (1). Ở sau đình làng có tháp Lục Tổ để ghi nhớ công ơn sáu cụ tôt đã tái lập lại làng nhà.
Làng Đình Bảng - Cổ Pháp xưa - nơi sinh ra Thái tổ Lý Công Uẩn, vậy họ Lý thế nào?
Sử sách đã ghi: "Lý Chiêu Thánh lên ngôi được hơn một năm, đến năm 1226 trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi sang họ nguyễn để dứt lòng dân thương nhớ".
Thời ấy có câu ca dao theo kiểu sấm truyền:
Bao giờ rừng Báng hết cây,
Tào Khê hết nước Lý nay lại về.
Gần bảy tám trăm năm, thời gian dài dằng dặc...bao giờ rừng Báng hết cây được? Bao giờ Tào Khê hết được nước? Hy vọng tưởng như vô vọng...
Trần Thủ Độ đặt ra mưu tế Tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Đường (làng Cói) dùng máy ngầm đặt dưới rạp tế, chôn sống hầu hết Tôn thất nhà Lý, rồi bắt họ Lý đổi sang họ Nguyễn (lấy cớ tổ nhà Trần tên là Trần Lý). Rồi hình như ám ảnh bởi câu ca dao trên, vua Minh Mạng đời nhà Nguyễn đã sai đào sâu sông Đuống để triệt "Long Mạch" của họ Lý (do các thầy địa lý tán: "Sông Thiên Đức là minh đường của ngôi mả Tổ nhà Lý của trạch địa "Bát Diệp Liên Hoa" ở trong rừng Báng". Âm mưu đào sâu cho "hết" nước, vì hết "nước" thì hết "vua".
Thật là ngu xuẩn. Xưa nay thường là mưu sự tại nhân còn thành sự tại thiên kia. Ngay trên tạp chí Tri Tân thời Pháp thuộc (trước 1945) một nhà sử học Việt Nam đã đưa tin: "Cháu đời thứ 23 của vua Lý Anh Tông là Lý Tích Mô dòng dõi Lý Long Tường ở Triều Tiên làm tướng giúp vua Triều Tiên đánh thắng quân Nguyên Mông (ngang thời Hưng Đạo Vương). Có hai vị Tôn thất nhà Lý lánh nạn sang Cao Ly, sau con cháu có nhiều người thành đạt".
Sau bao năm tháng thì bãi bể trở thành nương dâu, vật đổi sao dời. Bây giờ thì Rừng Báng đã hết cây (2), ngòi Tào Khê cũng đã cạn chỉ còn lại dấu tích... và tính từ năm 1226 Đô đốc Lý Long Tường đến năm 1994 ứng với sự kiện Lý Xương Căn (3) từ Nam Triêu Tiên về thăm quê... Ngài đã tặng tổng bí thư Đỗ Mười một bức trướng, có đề:
"Thân tại dị vực sổ vạn lý
Hồn lưu Tổ quốc Hà Bắc thành"
Dịch: Thân ở nơi xa muôn vạn dặm
Hồn lưu Tổ quốc xứ Hà Bắc
Ở Nam Triều Tiên còn có một dòng họ Lý gốc Việt thứ hai: Đó là họ Lý Tinh Thiện mà ông Tổ là Hoàng tử Lý Dương Côn, em vua Lý Thần Tông sang Cao Ly vào thế kỷ 12 trước Lý Long Tường, (ông tổ họ Lý Hoa Sơn) khoảng một thế kỷ. Sau một thời gian cư trú hòa nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly, cháu đời thứ 6 của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn có công lớn dẹp phản loạn, phò vua Minh Tông và giữ chức Tể tướng Cao Ly 14 năm (Sự tích ghi trong bộ "Cao Ly sử")
Chao ôi! con người ta ai cũng có ông bà tổ tiên. Tìm lại cội nguồn để phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, mở cửa giao lưu hòa nhập, âu cũng là đức tính tốt đẹp của người Kẻ Báng - Đình Bảng ta nói riêng, củ người Việt Nam nói chung xưa nay đều thế.
--------------------------------------------------------------------------------------
(1) - Một số ý kiến mới cho biết tên của cụ tổ họ Đặng là Đặng Văn Thai và cụ tổ họ Ngô là Ngô Văn Chừng. 3 vị thần Hoàng làng đang thờ tự trước đây được thờ ở một ngôi miếu ở ngoài cổng Đình. Và chỉ có một vị thần Hoàng làng là cụ Lê Thạc Tân - làm quan triều Lê Sơ.
(2) - Ngày 12/2/2012 sau hơn 100 năm lưu lạc, 60 cây Báng được Tướng Nguyễn Quang Bắc (con trai nguyên chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo) mang về từ Sơn Tây và Hòa Bình về trồng trên nền rừng Báng xưa.
(3) Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của Thái tổ Lý Công Uẩn - đã nhập quốc tịch Việt Nam ngày 16/10/2009. Thân mẫu của ông mới qua đời, được an táng tại nghĩa trang An Lạc Viên phường Đình Bảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét