Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Đông Chí - Dưới cách nhìn khác của Đạo Phật.

Một năm có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Có 8 tiết chính: Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ Chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, Đông Chí. Năm nay, Đông Chí sắp đến, chúng ta dừng lại đôi chút để xem xét, chiêm nghiệm ý nghĩa của ngày Đông Chí dưới quan điểm của Đạo Phật nhé!



Đông chí 2015 sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 12 dương lịch tức ngày 12 tháng 11 theo âm lịch.
1.Vận khí của Đông Chí ra sao ?
Đông Chí là giữa mùa Đông, là lúc mà Âm Khí thuần toàn ngập tràn vũ trụ, đánh dấu chu kỳ một năm chấm dứt để lập lại mùa Xuân cho năm mới.
Quẻ Phục
Tuy nói là mới giữa mùa Đông, nhưng sức sống của mùa Xuân năm mới đã bắt đầu manh nha ngay từ Đông Chí đây rồi. Dịch Lý tượng trưng sức sống của Đông Chí đó là quẻ PHỤC. Quẻ PHỤC trên có 5 hào ÂM, cuối cùng ở dưới có một hào DƯƠNG.
-- Năm hào ÂM tượng trưng cho thuần Âm,nghĩa là Dương Khí của năm cũ đã hết. Sinh khí của vạn vật đã tàng ẩn, không còn một sức sống gì hiển lộ ra bên ngoài. Năm hào ÂM cũng tượng trưng cho sự tàn lụng, vận hạn, hư vong, chết chóc.
-- Một hào DƯƠNG ở cuối dưới tượng trưng cho một sức sống mới vừa được manh nha khởi lập và vươn lên ngay từ lúc nầy để lập lại một mùa Xuân mới cho vạn vật.
Do đó mà Đạo Phật mới nói rằng Mùa Xuân năm mới đã bắt đầu ngay từ Đông Chí chớ không phải đợi đến lúc giữa đêm Giao thừa mới khởi lập mùa Xuân.

2. Vận khí đó ảnh hưởng đến vạn vật ra sao ?
Đông chí ứng về quẻ Phục. Đó là lúc mà sinh khí vũ trụ hồi phục. Trước ngày Đông Chí một chút là lúc mà vạn vật xem như đang chết cóng, tàn rụi vì mưa bão, gió giông, băng tuyết, thì đến ngày Đông Chí ở dưới lòng đất dương khí bắt đầu phục sinh để chuẩn bị cho trần gian một mùa xuân ấm áp mới, để đem lại cho muôn loài một sức sống mới.
Vận khí đó ảnh hưởng đến muôn vật, mà chúng ta dễ dàng nhận thấy qua các đối tượng như sau :
-- PHỤC đến với Thảo mộc : Đó là lúc mầm non vừa nhú ra ở nách lá, nách cành trong khi thân cây trơ trụi dường như chết. Bên ngoài tuy thấy dường như chết, nhưng mầm sống ẩn tàng bên trong đang nhú lên để ra lá non tua tủa mịn màng.
-- PHỤC đến với nhà Trồng tỉa: Đó là đầu mùa của các nhà trồng tỉa. Đây là lúc mà người ta lo ương hột, chiết cành, đào lỗ, xuống cây để đón mầm sống mới của Dương Khí đang nhô lên trong lòng đất.
-- PHỤC đến với con người: Mấy tháng qua, con người đã từng chịa đựng với mùa Hè oi bức, rồi mùa Thu ảm đạm, u trệ, ẩm ướt, lầy lội, mưa bão, gió giông, mùa Đông u ám, lạnh lẽo, cô quạnh, tàn lụi nay qua Đông Chí lại bắt đầu đón lấy bầu trời trong sáng, khô ráo, nghe như có cái gì hanh thông, nhẹ nhàng, sảng khoái, vui vẻ ở trong lòng. Mọi sinh hoạt ngoài trời đang bắt đầu nhộn nhịp như : đi đường xa, xây cất, du lịch, hội hè,….
-- PHỤC đến với Đạo gia: Đông Chí là mùa phục phát sanh cơ, là chỗ Âm Dương giao thới, là chỗ Kiền Khôn giao hội, là chỗ Long thăng Hổ giáng, là chỗ gặp gỡ của Anh Nhi Xá Nữ. Các Đạo gia nhắm ngay cơ hội đó mà hạ thủ công phu đúng lúc hầu tiếp thu sinh lực của đại vũ tụ đó mà bồi dưỡng tiểu nhân thân.
Các Đạo gia cũng nói:
-- Nhất kiếp tu vạn kiếp hưởng, Nhất thời thu liễm vạn thời xuân. Nghĩa là : tu một kiếp mà hưởng cả muôn kiếp. Hạ thủ công phu đúng lúc chỉ một thời mà hưởng cả vạn thời xuân.
Vậy, trong việc tu hành thế nào là đúng lúc, đúng chỗ, đúng phương pháp.
-- Đông Chí tháng 11 thuộc tháng TÝ. TÝ là đầu của 12 con giáp. TÝ là đầu của 12 năm. Tý là đầu của 12 ngày. TÝ là giờ đầu của 12 giờ. Cho nên mới nói "Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, tu trì vạn pháp Tý qui tông".
Nghĩa là :
Trời có 4 mùa trong năm mà XUÂN là mùa đầu, mùa quí nhất. Vì Xuân thì sinh hóa. Còn việc tu trì tuy có pháp môn, nhưng chỉ có TÝ là quí nhất. Vì TÝ là lúc trở về GỐC.
Vậy, TÝ là PHỤC, là phục phát sanh cơ, là phục mạng qui căn, là phục hồi sinh lực. Phục cũng là qui nguyên phản bổn, hay là phản bổn hoàn nguyên - Phục là trở về gốc, trở về nguồn, mà nguồn gốc đó là Nguyên Khí của con người. TÝ thuộc hành THỦY, thiên nhứt sanh THỦY - Có THỦY rồi mới có vạn vật trong tiến trình tạo thiên lập địa.
Bởi Đông Chí là PHỤC, là TÝ nó quí như vậy đó. Cho nên Đức Tôn Sư mới chọn khí tiết này làm mùa tu hàm dưỡng cho các tịnh trường.

3. Vận khí đó ảnh hưởng đến con người ra sao ?
Quẻ Phục có 6 hào bàn về sự trở về cùng Đạo Lý theo nguyên tắc tu thân của người xưa như sau: " TU THÂN DĨ ĐẠO, TU ĐẠO DĨ NHÂN". Tu thân thì dùng Đạo, Sống Đạo thì dùng Nhân. Mà Nhân nơi đây tức là Nguyên Khí trong con người.
Quẻ PHỤC là hình tượng gợi cho ta tu hành, tu luyện thân tâm để phục hồi Nguyên Khí.
Mùa Đông, cây cối tuy thấy trơ trụi bên ngoài, coi dường như chết là tại vì nó đang thu hút nhựa sống đem vào tàng chứa bên trong để chờ cuối Đông sang Xuân mới phóng phát sinh lực đó cho xanh cành rậm lá.
Theo đó, nếu thảo mộc không hút nhựa trở lại thì không thế nào trở nên tươi tốt lại được.
Con người mà cứ làm việc mãi, bất chấp giờ giấc ngày đêm để nghỉ ngơi phục sức thì không thể nào làm việc lâu bền được.
Vì vậy, mỗi người phải biết trọng ở chỗ biết phục, mà cốt ở chỗ tịnh, tịnh rồi mới có thể cảm. Vì có uống rồi mới có mở, có thở ra rồi mới có thể hít vô và ngược lại.
Mùa Đông tàng nạp là mùa PHỤC của một năm.
Đêm trường tĩnh mịch lặng lẽ là lúc PHỤC của một ngày.
Lòng dục tĩnh lãng vắng lặng là lúc PHỤC của thân tâm con người.
Phục chính là bước đầu của con đường trở lại, là đem cái Chân Khí Tiên Thiên Nguyên Sơ đã bị tiêu tán cho nó trở về gốc, gọi là PHỤC.
Thần khí con người cũng vậy, nếu cứ dùng mãi, phóng tán tiêu hao mãi mà không có lúc lo phục trở lại thì sẽ cạn, cạn thì mau già, dễ bịnh hoạn, mau chết, gọi là già háp, chết non, chết yểu, hưởng dương đó vậy.
Tiểu chân thân của con người là bộ máy nhỏ trong guồng máy lớn của vũ trụ đất trời.
Trời đã tiêu hao sinh lực Dương Khí từ tháng Năm, Quẻ Cấu. Cho đến tháng 10 Quẻ Khôn, thì phải lo thu phục trở lại để làm lại mùa Xuân mới.
Bộ máy nhỏ của con người đã bị tiêu hao từ sau mùa tu Hạ Chí (Cấu) đến tiết cuối Thu Phân (Bát) thì phải lo phục hồi trở lại vào Đông Chí (Phục) để làm lại mùa xuân mới trong tâm hồn. Đây là phép phản bổn hoàn nguyên hay là phản lão hoàn đồng đó vậy.
Guồng máy lớn ngoài trời đã phục phát sanh cơ thì bộ máy nhỏ trong nhân thân cũng phải lo tu cho phục phát sanh cơ đó là thuận thiên, mà thuận thiên thì sống còn. Nếu không làm vậy là nghịch thiên, mà nghịch thiên thì chết mất.
Tóm lại, Đông Chí ứng quẻ Phục. Phục là trên đường hồi phục những gì đã phóng tán tiêu hao.
Phục là trở về đường ngay nẻo chánh.
Phục là trở về cùng Đạo Lý – không xa rời Đạo Lý.
Phục là trở lại Thiên Tâm, Phật Tánh của mình.
Phục là trở về nội thân, bồi dưỡng nội thân.
Phục là trở về Chân Tâm, tìm kiếm Chân Tâm, bồi dưỡng Chân Tâm, phát triển Chân Tâm.
Nếu càng ngóng, nghe, ngó, nghĩ ra ngoài càng nhiều thì càng hao tán ba báu. Càng thâu Thần vào trong thì Thần an, Tâm Định, Trí huệ. Thân thể nhờ đó mà mạnh lành, an vui, hạnh phúc.
Tiết Đông Chí được trải dài 15 ngày từ 22.11 đến mùng 5 tháng chạp. Chúng ta nên khép mình trong thanh tịnh để thu liễm suốt 15 ngày đó.
Vậy nên tém vén gia sự thế nào để cho có nhiều thì giờ tiếp thu Dương khí để hàm dưỡng thân tâm. Bởi vì một năm chỉ có một lần Đông Chí – một tiết rất thích hợp để tu nhất kiếp ngộ nhứt thời – mà nhất thời đó là PHỤC vậy.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét