Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

M ạ n h - t ử ( 372 - 289 tr. TL)

1-  Thời đại Mạnh-tử
    Sau khi Khổng-tử qua đời (479 tr.TL), bảy chục môn đệ phân tán, đem Khổng học đi thuyết phục từ vua chư hầu nầy đến vua chư hầu khác. Một số người tài giỏi được mời làm cố vấn, thượng thư. Những người quan trọng khác trở thành thân tín, thầy học các đại thần, số còn lại bỏ đi ở ẩn biệt tích luôn, không ai gặp lại. Trong thời gian gọi là Chiến Quốc nầy (453-221 tr.TL), các nước chư hầu khắp nơi gây hấn đánh nhau, chiến tranh loạn lạc. Khổng giáo suy vi, chỉ có trong hai nước Tề và Lỗ truyền thống bác học còn duy trì được. Dưới thời các vua Vệ (357-320 tr. TL) và vua Tề Tuyên vương (319-301 tr. TL) có hai Nho gia là Mạnh-tử và Tuân-tử 6  tiếp tục nghiên cứu nối chí Khổng-tử, được người đương thời hâm mộ. Mạnh-tử nhận xét thời cuộc lúc bấy giờ rằng: «Mãi đến nay, chẳng có bậc Thánh vương ra đời, các vua chư hầu thì luông tuồng,  hàng trí thức thì mạnh ai nấy bàn ngang luận càn, học thuyết của Dương Châu 7 và Mặc Địch  8 lan tràn khắp thiên hạ. Thiên hạ nói năng bàn bạc, nếu không xu hương theo họ Dương thì cũng theo về họ Mặc. Phái họ Dương chỉ chấp lấy mình mà thôi, đó là phái không vua. Phái họ Mặc thương tất cả mọi người như nhau, đó là phái không cha. Không vua, không cha, đó là cầm thú vậy» (MT, Đằng Văn công, hạ t. 9).
Mạnh-tử suốt đời ôm ấp chí nguyện kếâ nghiệp Khổng-tử để phát huy Nho giáo: «Thời xưa ông Vũ dẹp nạn hồng thủy mà thiên hạ bình, ông Chu công thu phục di địch, đuổi loài mãnh thú mà trăm họ yên, đức Khổng-tử viết xong Kinh Xuân thu mà loạn thần, tặc tử sợ... Nay ta cũng muốn sửa chính lòng người, ngăn chận tà thuyết, chống cự nết xấu, diệt trừ lời dâm, để nối nghiệp ba đấng thánh đó. Ta há thích tranh luận đâu ? Chẳng qua bất đắc dĩ mà thôi.» (MT, Đằng Văn công, hạ t.9).

Tiểu sử của Mạnh-tử
    Mạnh-tử họ Mạnh, tên Kha, sinh năm thứ 4 đời Chu Uy Liệt vương, (200 năm sau Khổng-tử), mất năm thứ 26 đời Chu Nản vương, thọ 84 tuổi. Tổ tiên dòng dõi của Mạnh Tôn, họ vua nước Lỗ, sau dời sang nước Trâu, nên Mạnh-tử  là người nước Trâu, (nay là huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông), một nước nhỏ gần nước Lổ, quê của Khổng tử.     Tương truyền cha có tên là Kích hay Liệu, tự  là Công Nghi, mẹ họ Chương hoặc Lý. Phụ thân mất năm Mạnh-tử mới 3 tuổi, việc nuôi dạy ông do bà mẹ đảm đương một cách rất chu đáo. Bà dời nhà ba lần để chọn chỗ có láng giềng tốt cho con bắt chước. Mạnh-tử đang đọc sách, chợt ngừng không đọc nữa, Mẹ thấy thế liền lấy dao cắt đứt tấm vải đang  dệt, bảo rằng : «Con lơ là việc học cũng giống mẹ cắt đứt tấm vải nầy « Từ đó Mạnh-tử trở nên siêng học. Cũng tương truyền một hôm Mạnh-tử thấy vợ ngồi mình trần trong phòng, liền nặng nề trách vợï vô lễ, muốn bỏ. Bà mẹ nói : «Theo phép tu thân, khi qua phòng phải nói lớn tiếng để báo trước, khi vào phòng phải nhìn xuống để không tỏ ý muốn trông thấy lỗi lầm người khác. Như vậy là chính con phạm lỗi, tại sao còn trách vợ». Mạnh-tử liền nhận lỗi và bỏ ý định ly dị vợ.
    Khi trưởng thành, Mạnh-tử thụ giáo với môn nhân của Tử Tư là cháu của Khổng-tử, Tử Tử lại thụ giáo với Tăng-tử học trò của Khổng-tử. Vào khoảng 40 tuổi, Mạnh-tử có làm quan với vua Trâu Mục công, nhưng thấy không được trọng dụng nên rời Trâu sang Tề. Được vua Tề mời hội kiến, ông cố thuyết phục vua thi hành nhân chính. Tin tưởng rằng nước Tề đất rộng, người nhiều, vua không phải là người không tốt, Mạnh-tử có ý định ở lại, mong có dịp thi thố tài năng. Chẳng may Mạnh mẫu từ trần, ông phải về Lỗ cư tang 3 năm. Khi trở về Tề thì ông đã ngoài 50 tuổi. Thấy Tề Tuyên vương trễ nải triều chính, ông từ chức khách khanh, trở về Trâu. Ít lâu, ông sang nước Tống, nhưng cũng không đắc chí. Nghe nói vua Lương Huệ vương  đang chiêu hiền nạp sĩ, ông có ý định trở về Trâu rồi sang Lương. Đằng Văn công khi còn là thế tử từng quen biết Mạnh-tử tại Tống, lúc làm vua liền mời sang Đằng. Nhận thấy Đằng là một nước nhỏ, lại luôn bị hai nước Tề, Sở uy hiếp, không phải là nơi khả dĩ hành đạo, Mạnh-tử liền sang Lương. Lúc nầy ông đã 60 tuổi. Lương Huệ vương tuy rất kính trọng Mạnh-tử, nhưng cho thuyết nhân nghĩa của ông là vu khoát, khó thi hành. Huệ vương mất, Tương vương nối ngôi. Sau một lần hội kiến, Mạnh-tử biết cũng không thể làm gì được nữa, liền trở về Trâu. Rồiù sang Lỗ gặp vua Lỗ Bình công, nhưng bị kẻ tiểâu nhân là Tang Thương ngăn trở, nên không được dùng, ông  quyết định về  ở hẳn tại quê nhà. 
Lúc nầy ông được 70 tuổi, Mạnh-tử cùng các đệ tử Vạn Chương, Công Tôn Sửu làm công việc trước tác, có để lại sách Mạnh-tử gồm 7 thiên. Ngoài ra còn có Ngoại thư gồm 4 thiên là Tính Thiện, Biện văn, Thuyết Hiếu kinh và Vi chính. Nhưng theo Triệu Kỳ đời Hán, 4 thiên đó là của người sau mô phỏng mà làm ra. Những bản Mạnh-tử truyền lại đến nay đều căn cứ vào bản họ Triệu, còn 4 thiên Ngoại thư bị thất truyền.

Sách Mạnh-tử 
Sách Mạnh-tử ghi chép việc Mạnh-tử du lịch các nước và lời đối đáp của ông với các vua chư hầu cùng ngưòi đương thời, gồm có 7 thiên, Lương Huệ vương, Công Tôn Sửu, Đằng Văn  công, Ly Lâu, Vạn Chương, Cáo-tử, Tận Tâm. Mỗi thiên chia làm hai phần thượng và hạ. Chu Hi đời Tống xếp sách Mạnh-tử cùng với Luận Ngữ, Đại học và Trung Dung làm Tứ Thư.

  2. Học thuyết của Mạnh-tử
Điễm chính của học thuyết của Mạnh-tử là chủ trương «tính thiện», phản đối các chủ trương «tính ác» của Tuân Tử, «kiêm ái» của Mạc Địch, và «vị kỷ» của Dương Chu, để đề xướng chính sách Nhân Nghĩa. Tại sao phải ngăn chận các thuyết Tuân, Mặc, Chu ? Vì các tính ấy trái với bản tính con người. Tại sao nên thi hành nhân nghĩa ? Vì nhân nghĩa nằm sẵn trong nhân tính, chỉ cần biết làm cho khuyếch trương, sung mãn là đem lại hiệu quả tốt.

a-Tính Thiện - Tồn tâm 
Mạnh-tử cho rằng loài ngươiø bản tính thiện do trời sinh ra. Phàm những giống đồng loại đều mang một bản chất giống nhau. Tại sao đối với con người, ta lại nghi ngờ về điểm ấy ?  Các bậc thánh nhân và chúng ta đều đồng loại, cho nên Long-tử nói rằng : «Dù không biết ni tấc của bàn chân mà đan dép rơm, ta cũng biết chắc rằng không thể nào có thể biến thành cái giỏ». Những chiếc dép đồng dạng với nhau, vì các bàn chân của người trong thiên hạ đều giống nhau... (Cáûo tử,thg t.7). Và tâm mọi người đều giống nhau, đều có mối thiện đoan (đầu mối thiện), trong đó có cái gọi là lương tri,  việc không suy nghĩ mà biết được, và lương năng việc không học mà làm được (MT, Tận Tâm thg t. 15) . Khi có dịp kích thích là phát ra ngay, không cần phải đợi giáo dục. Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn đối với kẻ khác... Một số người thấy một đứa bé sắp té xuống giếng, họ đều động lòng trắc ẩn... kẻ nào không có lòng trắc ẩn chẳng phải là người, kẻ nào không có lòng hổ thẹn chẳng phải là người, kẻ nào không có lòng từ nhượng chẳng phải là người, kẻ nào không có lòng phải trái chẳng phải là người. Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân. Lòng hổ thẹn là đầu mối của nghĩa. Lòng từ nhượng là đầu mối của lễ. Lòng phải trái là đầu mối của trí. Con người có đủ bốn đầu mối nhân, nghĩa, lễ, trí chẳng khác nào thân thể có tứ chi. (MT, Công Tôn Sửu, thg t. 7). Mạnh-tử cho rằng tính người vốn thiện và có sẵn các đầu mối của nhân, nghĩa, lễ, trí, vậy phải « tồn tâm » nghĩa là giữ tâm cho trong sạch, khỏi bị tư dục làm mờ ám.
    Tính thiện con người ví như tính của nước vốn luôn luôn chảy xuống thấp. Người không bao giờ bất thiện, nước không bao giờ không chảy xuống. Nay dùng áp lực đè xuống, ắt nước sẽ vọt lên khỏi trán ; dùng cách ngăn chận lại, nước sẽ dâng lên đến núi. Đó há là tính của nước ư ? Vì theo cái thế mà phải như vậy. Con người nếu buộc làm điều bất thiện, thì cái tính của họ cũng phản ứng tương tự. (MT, Cáo tử, thg t.2) Tuy vậy hoàn cảnh xung quanh có ảnh hưởng đến cá nhân (hợp với phong tràò sinh vật tiến hóa luận ngày nay). Nhưng nếu có người tự bỏ phế cái khả năng tính hướng thiện của mình thì tất cả đều hỏng. Kẻ tự làm hư hại mình thì không thể ngồi nói chuyện với họ; kẻ tự bỏ phế mình thì không thể cọng tác với họ. Lời mà không hợp vơiù lễ nghĩa gọi là tự làm hư hại. Bản thân của mình không thể ở theo điều nhân nghĩa, gọi là tự bỏ phế. (MT, Ly Lâu, thg t.10).

b- Chủ nghĩa bình đẳng
Mạnh-tử rất tin tính người vốn thiện, lại cho rằng mọi người đều có đủ lương tri  và lương năng,  mọi «thiện đoan», nên ông nói : Vạn vật đều đầy đủ trong con người. Nếu Nho học của Đại học và của Trung Dung đề cao địa vị con người, thì  đến Mạnh-tử vấn đề quyền của con người được ông xem là quan trọng. Vì xem nhân cách con người là quan trọng như thế, và vì tin vào nhân tính toàn thiện, Mạnh-tử nêu lên «chủ nghĩa bình đẳng». Ông nói : « Thánh nhân dữ ngã đồng loại giả » Thánh nhân đồng loại với chúng ta. Vua Nghiêu và vua Thuấn cũng giống như mọi người thôi, ta cũng là người, nếu cố gắng thì ta cũng như Ngài. (MT, Cáo Tử, thg t.7)
Trong phạm vi chính trị, chủ trương của Mạnh-tử thiên về dân quyền: «Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh» (Dân là quí nhất, rồi đến xã tắc, bậc vua chúa không quan trọng) (MT, Tận Tâm hạ, tiết 14). Dân vi quí, nên Mạnh-tử khuyên các vua không nên làm chậm trễ công việc làm ăn của dân... Theo Mạnh-tử, nếu «dân thường có của cải bền vững thì có lòng dạ vững bền, nếu họ không có của cải bền vững thì họ trở nên buông lung, tà vạy, xa xỉ, chẳng có việc ác nào mà chẳng dám làm. Đến khi họ vướng vào vòng tù tội, nhà cầm quyền cứ chiếu luật pháp mà hành hình họ. Đó là nhà cầm quyền bủa lưới dân. Nếu có một bậc nhân đức ngự trên ngôi vị, bậc ấy há nỡ lòng nào bủa lưới dân sao ?  Vậy nên bậc vua hiền thì giữ mình khiêm cung, ăn xài tiết kiệm, có lễ độ với kẻ bề tôi, và lấy thuế dân có chừng mực». (MT, Đằng Văn công thg t.3)
Mạnh Tử đã từng nói thẳng với Tề Tuyên Vương rằng: «Vua mà coi tôi như tay chân, ắt tôi sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi tôi như chó ngựa, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi tôi như bùn rác, ắt tôi sẽ coi vua như kẻ cướp, kẻ thù» (MT, Ly Lâu hạ, tiết 3). Về vấn đề tôi giết vua, Tề Tuyên Vương chất vấn Mạnh Tử: « Thành Thang đuổi vua Kiệt, Võ Vương đánh vua Trụ, có thật như vậy chăng?» Mạnh Tử đáp: «Trong sử sách có chép như vậy.» Tuyên Vương hỏi tiếp: «Bề tôi mà giết vua có nên chăng?» Mạnh Tử đáp rằng: «Kẻ làm hại đức nhân, gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ Vương giết một người thường là Trụ, chớ tôi chưa hề nghe giết vua» (MT, Lương Huệ Vương hạ, tiết 8).  Rỗi Mạnh-tử có lần nói toạc ra : «Tru kỳ quân, điếu kỳ dân. Như thì vũ giáng, dân đại duyệt», Giết vua cứu dân, bá tánh mừng rỡ như mưa tuôn phải lúc (MT, Đằng Văn công, hạ t.5). 
    [Xưa vua Kiệt, vua Trụ vì hoang dâm vô đạo, không làm tròn sứ mạng trị quốc an dân Trời giao phó cho, Trời thu hồi sứ mệnh lại. Thành Thang đứng lên giết vua Kiệt, Võ Vương đứng lên diệt vua Trụ. Tư Mã Thiên, sử gia Trung Hoa, gọi đó là cách mệnh (cách: lột bỏ; mệnh: sứ mệnh)].

c- Khí hạo nhiên 

Trượng phu - Mạnh-tử cho rằng : Chí khí là tâm trí và khí lực của con người có liên quan với nhau. Chí là cao vọng, lòng mong muốn và hành động bền bỉ của con người, khí là sức mạnh vô hình, hùng hậu tự nhiên, là cái khí hạo nhiên Trời phú cho con người. Các bậc chánh trực, đạo đức, chí sĩ, biết lấy sự ngay thẳng mà nuôi dưỡng, nên phát hiện được cái khí hạo nhiên tiềm ẩn Trời phú cho mọi người (MT, Công Tôn Sửu, thg t.2). 
    Mạnh-tử đưa ra một mẫu người trượng phu, đó là một kẻ sĩ, một người quân tử có nhân cách thanh cao, làm được phần nào đức Nhân, mà lại có thêm sức mạnh của khí hạo nhiên nữa, nên thấy kẻ khác nguy nan, thì can đảm liều thân cứu giúp, thấy món lợi thì nhớ đến việc Nghĩa. 
    «Ở nơi rộng lớn nhất trong thiên hạ, đứng chỗ chính đáng nhất trong thiên hạ, đi con đường lớn nhất trong thiên hạ ; lúc đắc chí thì cùng dân hợp sức hành đạo, lúc không đắc chí thì tự đi theo con đường của mình. Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất : Giàu có không làm cho hoang dâm, nghèo khó không làm cho đổi chí, uy vũ không làm cho khuất phục,  đó mới là bậc đại trượng phu ». 

d- Xuất xử - Tùy thời quyền biến  

Về xuất xử, theo Mạnh-tử nhận xét : «Ông Bá Di, vua chẳng đáng thờ thì chẳng thờ, dân chẳng đáng trị thì chẳng trị. Trái lại, ông Y Doãn cho rằng vua nào chẳng phải là vua mình phục sự được? dân nào chẳng phải là dân mình sai khiến được ? Trời vốn sanh ta là người trong bậc tiên giác, ta phải theo đạo lý của ta mà giác ngộ cho dân chúng, nếu để dân khốn khổ là trách nhiệm của mình.  Vậy, Y Doãn là bậc thánh có «đức trọng nhiệm». Cái trách nhiệm mình đứng ra gánh vác thiên hạ nặng nề như thế! Còn ông Huệ xứ Liễu Hạ chẳng lấy làm xấu hổ mà phục sự một vua ô trược. Dẫu làm một chức quan nhỏ thấp, ông cũng chẳng chê. Ba ông tuy đi khác đường với nhau, nhưng mục đích vẫn là một. Đó là nói về lòng Nhân vậy. Người quân tử chỉ chú mục điều nhân mà thôi. Còn về hành động cần chi phải giống nhau. (MT, Cáo Tử, ha. t.6).  
Để giải thích hành động của Y Doãn, Mạnh-tử nói : Nếu không nhận định để phân biệt được điều lớn điều nhỏ, điều quan trọng điều thứ yếu, thì khiến ta cho « dĩ tiểu dịch đại» : dùng cái nhỏ bỏ cái lớùn  (Lương Huệ Vương Thg t. 7). Trái lại, Y Doãn không câu nệ thành kiến việc làm quan với bạo chúa (điều không quan trọng lắm) mà ra làm quan để thực hiện chữ Nhân (điều rất quan trọng) là biết chấp trung quyền biến. Mạnh-tử còn bàn rõ thêm : «Tử Mạc, một bậc hiền nhân nước Lỗ, giữ chủ nghĩa «chấp trung». Chấp trung gần với đạo lý. Nhưng nếu chấp trung mà chẳng biết quyền biến (không biết tùy nghi mà hành động cho hợp thờøi) như vậy cũng như chấp nhất (tức là khư khư câu nệ một bề mà thôi). Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến thiên lệch làm hại đạo lý. Kẻ hành động theo một bề thì bỏ hỏng cả trăm bề. (MT, Tận Tâm thg t.26). 
Thuần Vu Khôn (một nhà biện thuyết nước Tề) hỏi : «Theo lễ giáo, nam nữ thụ thụ bất thân, nay chị dâu đang chớùi với dưới nước, ta có đưa tay cứu vớt không ?»  Mạnh-tử trả lời : «Thấy chị dâu sắp chết đuối mà không cứu thì không phải là người. Đưa tay ra cứu là phép quyền biến vậy. (MT, Ly Lâu thg, t.17)
Nhưng  không phải ai cũng đủ tài trí, khả năng như Y Doãn, Quản Trọng, thời vua vô đạo mà ra làm quan để cảm hóa hôn bạo quân, cầm quyền, cứu nước giúp dân được. Hay cuối cùng, nếu không bị tù đày làm nô lệ như Cơ Tử, bị thảm sát như Tử Can đời Trụ Vương, thì cũng bị cưỡng ép làm tay sai của bạo chúa để sát hại dân lành, mà Mạnh-tử gọi bọn tay sai ấy là dân tặc nghĩa là giặc cướp dân. Mạnh-tử bảo : «Những người thờ vua đời nay đều nói rằng : «Tôi có thể giúp vua mở mang ruộng đất và làm cho kho tàng nhà vua được đầy đủ». Đời nay người ta khen là lương thần, đời xưa người ta chê là dân tặc. Nếu nhà vua không qui hướng theo đạo đức, chẳng lập chí làm Nhân, mà mình ra làm việc, tức là tìm cách làm giàu cho một người tên là Kiệt vậy». (MT, Tận Tâm thg t.26).
Nói một cách đơn giản hơn, nếu nhà cầm quyền bạo ngược mà mình ra cọng tác (hay để cho bị ép ra cọng tác) tức là đồng phạm trong việc sát hại dân chúng. Vì vậy khi nói đến việc chấp trung quyền biến (như trường hợp Y Doãn, Quản Trọng), Mạnh-tử đã cân nhắc kỹ danh từ mà viết rõ «chấp trung vi CẬN chi » nghĩa là «chủ trương chấp trung GẦN với đạo lý » mà thôi, chớ chưa phải thật sự là đạo lý đúng với danh vị ấy.
        
 Khổng-tử và Mạnh-tử

1.- Cùng một sứ mạng giáo hóa
Ở thời loạn lạc như Xuân thu Chiến quốc, người ta thường nghĩ rằng  một hành động đạo đức và không vụ lợi như các nhà Khổng Nho chỉ có thể bắt nguồn từ một ý tưởng điên rồ mà thôi. Mạnh-tử đơn thương độc mã đứng ra biện hộï cho học thuyết nhân bản cao thượng của Khổng-tử, một học thuyết mà người thời ấyï cho là không tưởng. Mạnh-tử cũng «biết rằng công việc của mình làm chẳng hợp vơiù thời thế, mà vẫn cứ làm mãi», như lời viên quan giữ cửa ải quan Thạch môn nước Tề ngày xưa, đã phê bình Khổng-tử với thầy Tử Lộ (LN, XIV Hiến Văn t. 41). Bình sinh Mạnh-tử vẫn tự hào là nối chí Khổng-tử trong sứ mạng  dùng đức Nhân mà giáo hóa  người đời để làm cho xã hội được chỉnh đốn, thanh bình, và dân chúng được no cơm ấm áo.

2.- Nâng cao giá trị con người
Nhưng nếu Khổng-tử chủ trương tôn trọng nhân vị con người, đưa ra những phương pháp nhân bản sửa đổi lối cai trị mà ông cho là mục nát, thì Mạnh-tử đề nghị một thể chế mới trong đó trọng dân, khinh quân, chủ trương tôn trọng giá trị, quyền lợi của cá nhân, và nếu cần thì thay đổi các nhà cầm quyền theo cách mạng Thang Võ, thuận theo lòng dân và ý trời diệt hôn quân, thay thế bằng một minh quân. Gọi là «cách mạng» nhưng thật ra chỉ là một cuộc đảo chánh, vì ở đây chưa có vấn để sửa đổi thể chế một cách sâu rộng triệt để.
Khổng-tử đề xuất ngưởi quân tử, nhân cách thanh cao, tròn phần nào đức Nhân, Mạnh-tử đề xuất người trượng phu là người quân tử có thêm đức Nghĩa, thấy người hoạn nạn liều mình cứu giúp.

3- Về vấn để nội hiện
Không-tử và Mạnh-tử đều đi sâu vào lòng con người. Theo Khổng-tử, mọi người đều có lòng trắc  ẩn, đó là hướng về đức Nhân, và không biết hổ thẹn là không phải con người : kẻ sĩ trước hết phải biết liêm sỉ (hổ thẹn), bang vô đạo mà ra làm quan là sỉ nhục (hổ thẹn) dùng đức Nhân đối với dân phạm pháp, thì dân sẽ biết hổ thẹn (ăn năn) và trở nên thiện. Mạnh-tử cũng lập lại như thế và thêm : Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân. Lòng hổ thẹn là đầu mối của nghĩa. Lòng từ nhượng là đầu mối của lễ. Lòng phải trái là đầu mối của trí. Khổng-tử bảo biết được lòng mình, sẽ biết được Trời, Mạnh-tử cũng nói : « Hễ mình hết lòng, hết dạ, thì mới biết được bản tính của mình. Mà biết được bản tính của mình là biết được Trời rồi đó ». (MT, ch. VII, Tận tâm, thượng, t.1). Về tính người, Khổng-tử nói : « Tính tương cận, tập tương viễn » nghĩa là tính con người khi mới sinh gần giống nhau,  do tập tánh và thói quen mà lần lần khác nhau ». Mạnh-tử cho rằng tính người vốn thiện và có sẵn các đầu mối của nhân, nghĩa, lễ, trí, vậy phải « tồn tâm » nghĩa là giữ tâm cho trong sạch, khỏi bị tư dục làm mờ ám các đầu mối ấy. Cái tâm ấy là lương tâm. có lương tâm thì có lương tri, cái khả năng biết hay làm một cách tự nhiên và đúng đắn. Đó là một phát minh lớn của Mạnh-tử,  Thuyết tính thiện, tồn tâm sau nầy gây nên nhiều cuộc biện luận, ảnh hưởng rất lớn đến triết học đời Tống, đời Minh.û
4? Chính sách cai trị -Trọng tâm thuyết chính trị của Khổng-tử ở chỗ «chính giả chính dã»,ø việc gì cũng phải chính danh để rồi đạt đến lý tưởng chính trị «quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tửû » mà Khổng-tử đã đề ra để bảo vệ qui củ, đạo đức. Còn trung tâm điểm học thuyết «chính trị» của Mạnh-tử khác với chữ  «chính» trong triết học chính trị của Khổng-tử, là nhằm tranh đấu cho bá tính được hưởng mọi điều lợi lạc. 
Với các vua chúa thời bấy giơ,ø đại khái ông bảo rằng : Ngài ưa sắc đẹp cũng không hại, ư thích của cải cũng không hại, ưa thích ruộng đất, đi săn cũng không hại, ưa thích du ngoạn cũng không hại. Nhưng trong lúc ưa sắc đẹp ngài nên nhớ trong nước đang có cảnh chồng vợ phân ly, trong lúc ưa thích của cải ngài nên nhớ trong nước có cảnh lầm than đói rét, trong săn bắn giải trí, ngài nên nhớ trong nước đang có cảnh cha con, anh em, chồng vợ chia ly đau khổ. Nói tóm lại ngài cần nên suy xét chín chắn việc làm của ngài và như vậy ngài nên thi hành chính sách «nhân chính». (Lương Huệ vương, hạ t.5). 
Mạnh-tử phân biệt rất nghiêm khắc hai chữ «nghĩa» và «lợi» khi Lương Huệ vương hỏi Mạnh-tử : «Ông từ xa đến, ắt có phương pháp gì làm lợi ích cho nước tôi ?» Mạnh-tử đáp : «Vua cần gì nói lợi, hãy nói việc Nhân Nghĩa mà thôi ! Nếu ở trên, nhà vua nói rằng có cách gì lợi cho nước ta, kế đó hàng đại phu  nói có cách gì lợi cho gia tộc ta, sau đó hàng sĩ và bình dân nói có cách gì lợi cho thân phận ta. Như vậy, từ trên xuống dưới đều tranh nhau vì mối lợi, ất vận nước phải lâm nguy ! » (Lương Huệ vương, thg t.1). Chữ «lợi» của Mạnh-tử dùng ở đây là chữ lợi thuộc «ích kỷ, tự tư, tự lợi». Có lẽ các vua chúa thời ấy chỉ lo mưu lợi giàu sang cho cá nhân mình mà thôi, nên Mạnh-tử mới nói như thế.
Vậy nếu dùng danh từø triết học Tây phương, chúng ta có thể gán cho Khổng tử chữ «paternalisme » (chính sách phụ tính),  và gán cho Mạnh-tử  chữ «maternalisme » (chính sách mẫu tính). Chính sách người cha muốn cho con trở nên người đứng đắn, có quy củ, có đạo đức. Chính sách người mẹ muốn cho con được an vui, sung sướng,  có hạnh phúc.
5- Phương pháp biện luận -  Về phương pháp biện luận, Mạnh-tử và Luận Ngữ có phần khác hẳn nhau : Mạnh-tử tự cho một sứ mạng quảng diễn, tranh đấu bảo vệ học thuyết của đức Khổng bằng những lập luận cụ thể, vững chắc, với một kỹ thuật biện bác sắc bén, trả lời tất cả những phê phán, chỉ trích, chống lại tất cả mọi người. Cho nên ông thường dẫn ví dụ cụ thể rõ ràng hơn về những vấn đề mà Khổng-tử chỉ mới trực cảm mà thôi. Chẳng hạn về hai chính sách cai trị dùng đức Nhân và cai trị dùng bạo lực, trong Luận Ngữø Khổng-tử  trình bày sơ qua với Quí Khương Tử: «Ông muốn cai trị cần chi phải dùng sự chém giết. Nếu ông làm thiện thì dân chúng sẽ trở nên thiện hết»  (LN, XIV Nhan Uyên, t. 18), Mạnh-tử quảng diễn ý ấy lại bằng cách đưa ra một hình ảnh sống động : 
«Mạnh-tử đến yết kiến Lương Tương vương, khi ra về nói với xung quanh : «Ở xa, trông ông ấy không có khí tượng một nhà vua, đến gần cũng không có vẻ oai nghiêm để kính sợ. Bỗng nhiên, vua hỏi ta : «Thiên hạ đang chiến tranh loạn lạc, làm sao cho yên ?» Ta đáp : «Muốn cho yên, cần phải gom về một mối». ? Vua hỏi tiếp : «Ai có tài thống nhất ?» Ta đáp : «Vị vua nào không ham giết người mới có thể gom về một mối. » Lại hỏi : « Biết có ai được như thế chăng ?» Ta đáp : «Đó là người thiên hạ thảy đều qui phục. Nầy, nhà vua có biết mạ chăng ? Tháng 7, tháng 8, nếu trời hạn thì mạ khô héo. Thình lình, mưa to thì mạ mọc lên phơi phới. Lúc ấy có ai ngăn nỗi sức nẩy nở của mạ được chăng ? Hiện nay, trong thiên hạ chẳng có một bậc vua nào mà không ham giết người. Thoảng hoặc như có một vị vua nào (có lòng Nhân) chẳng ham giết người hại chúng, thì mọi người trong thiên hạ ắt sẽ quay đầu ngưõng cổ trông về vị ấy, tràn trề hi vọng. Nếu được như vậy, dân chúng sẽ qui phục theo vị ấy, cũng như nước theo chỗ thấp mà chảy xuống vậy. Trong lúc nước ầm ầm chảy xuống thấp, ai có thể ngăn nỗi sức ấy chăng ?» (MT, Lương Huệ vương, thg t.6)
Khổng-tử trong Luận Ngữ hay trong Kinh Dịch, có một lối biện luận đặc biệât là không đưa ra một nguyên lý trừu tượng tổng quát mà chỉ đưa ra những lời giải đáp thích ứng với từng trường hợp cá nhân riêng rẻ. Chẳng hạn như cùng một câu hỏi: “Như tôi nghe được điều phải thì nên làm liền chăng?” Với Tử Lộ, Khổng-tử đáp:” Ngươi còn cha, anh (phải hỏi lại đã), lẽ nào nghe được mà làm liền.” Với Nhiễm Hữu, Khổng-tử đáp: “Nghe được thì nên làm liền”. Công Tây Hoa hỏi vì sao trả lời khác nhau như thế, Khổng-tử đáp: “Tánh Nhiễm Hữu do dự dễ thối chí, nên phải đôn tới, tánh Tử Lộ gan dạ háo thắng nên phải triệt thối lại” (L.N., chg. 11, Tiên Tấn, t. 21).     
    Sự suy diễn khoa học thiết yếu của Tây phương chỉ đúng với những hiện tượng vô tri. Một khái niệm trừu tượng và bất di bất dịch của họ khó có thể đem áp dụng một cách chính xác, máy móc cho tất cả các trường hợp cụ thể và biến đổi thường xuyên của một ý thức con người đương đầu với cuộc sống thực tế phức tạp luôn luôn biến chuyển được. Còn vũ trụ của Nho giáo Đông phương là một toàn bộ cụ thể không thể phân tách ra, mà mỗi một cá nhân là một thành tố. Vũ trụ ấy được cấu tạo từ hai yếu tố căn bản là âm và dương đối lập nhau, nhưng không thể tách rời hẳn ra, mà nhất thiết phải bổ túc cho nhau: trong âm có dương, trong dương có âm, trong cái nóng có cái lạnh, trong cái tốt có cái xấu, trong cái đúng có cái sai... Tóm lại, “thiên đạo phối họp âm và dương, địa đạo phối hợp nhu và cương, nhân đạo phối họp nhân và nghĩa, hay tình và lý “ 
Chính tinh thần tổng hợp ấy đã chi phối mọi ý thức, thái độ, lời lẽ hay ứng xử của các nhà Nho ngày xưa. Họ thường đưa ra những phán quyết lẫn lộn các thành tố chính diện (dương) và phản diện (âm) của một vấn đề, có thể bị xem như là trái ngược, mâu thuẩn nhau, như là nói nước đôi, làm cho độc giả chưa quen thuộc với lối lập ngôn ấy khó phân biệt được đó là khẳng định hay phủ định rành rọt như trong luận lý Tây phương. 
Cũng như một số triết gia Đông, Tây khác, Nho gia ý thức rằng trong tâm tư con người có một cái gì khó tả nên lời và không thể hình dung được. Khổng-tử trong Kinh Dịch (Hệ Từ thượng, chương 1, tiết 13), đã xác nhận rằng: «Ngôn ngữ bất năng hoàn toàn biểu đạt tư tưởng» nghĩa là ngôn ngữ không thể nào biễu đạt tư tưởng một cách hoàn toàn được.  Điểm đặc thù nhất của Nho giáo là trên hướng vận hành đạt đến đức Nhân, lý tưởng tối thượng không nói nên lời, không hình dung được của Nho giáo ấy, Khổng-tữ đã thực hiện một công cuộc truy tầm chân lý siêu hình qua hai dạng chức năng khác biệt mà song hành nhau: 
- Dạng thần cảm siêu hình hướng nội đảm bảo nền đạo đức chính thống thể hiện trong một trạng thái hòa bình không thể tả được, cũng không hình dung nổi, và hài hòa với Chân Lý nguyên sơ nhằm làm nổi bật khát vọng căn bản của toàn thể nhân loại. Cái khó tả nên lời, cái không thể hình dung được ấy, là một cái gì thuộc về duy nhất mà lại vô cùng, một cái gì cho phép đi sâu một cách dễ dàng vào tâm khảm của mỗi cá nhân duy nhất và đặc thù của vũ trụ, một cái gì gợi hứng cho ta để có một giải pháp duy nhất cho một vấn đề duy nhất của một cá nhân duy nhất trên thế gian nầy, một cái gì nhờ đó mà góp phần thực hiện một cách dung dị, tự nhiên sự hoàn thiện nội tại của tất cả mọi người.
- Dạng suy luận nghi nghĩa các nan đề (casuiste) trong phạm trù sinh hoạt hữu giác cơ năng hướng ngoại nhằm vào thế giới của kinh ngiệm nhân sinh, để làm sáng tỏ một kinh nghiệm bao quát bằng một kinh nghiệm cá biệt cụ thể hạn hẹp hơn. Nói một cách khác là thử khám phá một chân lý thích ứng trong mỗi kinh nghiệm, mỗi trường hợp duy nhất cá biệt nhất của từng vấn đề khó xử nhân sinh để làm sáng tỏ một chân lý bao quát hơn. Suy luận về các trường hợp khó xửû không phải chỉ là một vận dụng trí tuệ thuần túy, mà tiên quyết đòi hỏi một công trình tìm hiểu về xã hội, nhất là về lịch sử sâu rộng, một kho tàng kinh nghiệm sống để nhận thức được nên xử lý thế nào cho thích ứng với lý tưởng của Nho gia..
Trong chiều hướng ngoại suy luận nghi nghĩa về nan đề «thế nào là đức Nhân» chẳng hạn, suốt trong Luận Ngữ, Khổng-tử không hề đưa ra một định nghĩa tổng quát rõ ràng, dứt khoát thế nào là nhân, mà chỉ trình bày ra những tương quan giữa nhân với nghĩa, với lễ, với trí, với tín..., (tổng hợp đối chiếu từng cặp đức hạnh, theo luật âm dương) để gián tiếp dẫn khởi đến một ý niệm tổng quát về “đức nhân”, nhằm khêu gợi một cách thiết thực các lý tưởng đạo đức trong mỗi cá nhân tùy kheo khả năng có thật của y, tức là khích động làm phát sinh trong mỗi cá nhân một thái độ mặc nhiên thích hợp, giúp cho họ hành động mềm dẻo và hữu hiệu trong một thế giới nhân loại biến chuyển không ngừng.


    Khổng-tử là một hiện tượng văn hóa hòa lẫn với vận mệnh của cả nền văn minh Trung Hoa. Hiện tượng nầy xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước Tây lịch, kéo dài suốt trong hai ngàn năm trăm năm cho đến ngày nay, trải qua bao nhiêu lần biến đổi, còn sống sót lại sau bao nỗi thăng trầm.     
Nếu Khổng-tử là một trong những người có tên tuổi còn sót lại từ toàn bộ văn hóa Trung quốc, nếu ông đã trở thành một nhân vật của văn hóa phổ biến ngang hàng với Thích Ca, Socrate, Jésus ..., là vì  với Khổng-tử đã xảy ra một sự kiện quyết định, một nhảy vọt về phẩm chất, không phải chỉ trong lịch sử văn hóa Trung quốc, mà còn trong phạm trù « suy nghĩ của con người về con người ».     Khổng-tử đánh dấu một đột xuất lớn của triết học Trung quốc song hành với ba nền văn minh lớn khác của đệ nhất thiên niên trước Tây lịch, của «thời đại trục» gồm các Hy Lạp, Hébreu và Ấn Độ. Cũng như trường hợp của Thích Ca, hay của các nhà tư tưởng trứ danh trước Socrate, người ta có cảm tưởng đối với Khổng-tử vận mệnh đã được tiền định rồi : vận mệnh của tư tưởng dân tộc Hoa từ nay đại thể đã gạch sẵn, không ai có thể suy tư khác hẳn đi hơn được.
    Nhưng sự nổi danh của Khổng-tử  không khỏi có phần ngược đời : khác với các nhân vật Ấn Độ hay Hy Lạp đương thời, Khổng-tử vốn không phải là một triết gia của một hệ thống tư tưởng,  mà cũng không phải là người sáng lập một tổ chức thuộc linh hay một tôn giáo. Mới nhìn qua thì tư tưởng của ông xem như tầm thường, những lời giáo hóa của ông đều làø những điều đương nhiên, không có gì mới lạ, và chính ông cũng xem cuộc đời mình không mấy thành công, nếu không phải là thất bại. 
Vậy tầm vóc đặc thù của Khổng-tử ở chỗ nào ? Phải chăng ở chỗ ông đã đặt nền móng cho một công trình tìm hiểu, khám phá con người, để tìm hiểu kẻ khác, rồi để đồng nhất với vạn vật và Trời mà về sau, trên nền móng ấy Mạnh-tử sẽ đưa vào một khí hướng mạnh mẽ tranh đấu cho dân quyền, cho bình đẳng, cho dân sinh, ởÛ chỗ đã hình thành con người Trung Hoa cho trên hai ngàn năm, và hơn nữa, ở chỗ lần đầu tiên đã đề xướng một quan niệm đạo đức nhân bản của con Người trong tính chất nguyên vẹn và phổ biến của nó, một dạng thể Khôn Ngoan không đòi hỏi quảng diễn trừu tượng mà chú trọng đến thực hành, tùy thời ứng xử, chừng mực, nhằm thực hiện cho được  đức Nhân là lý tưởng tối thượng của con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét