Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Tìm hiểu học thuyết của Trang-tử

    I.  Sự tích Trang-tử
Sự tích của Trang-tử, chúng ta không thể biết được một cách rõ ràng. Theo Sử Ký của Tư-Mã Thiên, Trang-tử tên là Chu, người huyện Mông, nhưng không thấy nói là người nước nào? Có thuyết cho xứ Mông thuộc nước Lương, có thuyết lại cho là thuộc nước Tống. Về sau, Mã Tự Luân nghiên cứu kỹ hai thuyết trên, kết luận rằng Trang-tử là người nước Tống, không biết rõ sinh năm nào, chỉ biết ông sống vào khoảng 370 đến 298 trước KN, tức là 200 năm sau Lão-tử (Lão-tử sinh 570 tr KN). Sử Ký ghi Trang-tử là người đồng thời với Mạnh-tử, Huệ Thi, Lương Huệ vương, Tề Tuyên vương (đồng thời với Aristode, Epicure bên Âu Châu). Người ta  cũng biết ông là bạn thân của Huệ Thi, và ông chết sau Huệ Thi cũng vào khoảng giữa thời Huệ Thi và Công Tôn Long. 
Sở Uy vương nghe tài Trang-tử, sai hai đại phu đến mời ông ra làm quan. Trang-tử hỏi: 'Tôi nghe vua Sở có một con thần quy (rùa thần) chết đã 3 ngàn năm, vua Sở quý và cất ở trên miếu đường. Theo các ông con nghĩ,  thần quy ấy nên chịu chết để lưu xương mình cho người sau quí trọng hay thà sống để  kéo lê cái đuôi mình trong bùn?' Hai vị đại phu đáp: 'Thà sống để kéo đuôi mình trong bùn còn hơn'. Trang-tử liền nói: 'Thôi quí vị về đi... Tôi cũng chịu lê cái đuôi của mình trong bùn'.

    II. Sách của Trang-tử 
Thời gian Trang-tử đến ở ẩn tại núi Nam Hoa, thuộc quận Tế âm, châu Tào, người đương thời gọi ông Nam Hoa. Vì thế tác phẩm của ông có tên là Trang-tử, mà cũng gọi là Nam Hoa kinh.
 Theo Nghệ Văn chí trong sách Hán thư, thì sách Nam Hoa Kinh của Trang- tử nguyên có 52 thiên, nhưng hiện nay chỉ thấy còn 33 thiên, phân thành: Nội thiên; Ngoại thiên; Tạp thiên  (theo bản của Quách Tượng, là bản thông hành hiện nay):
Nội thiên gồm có 7 thiên: Tiêu Diêu Du, Tề Vật Luận, Dưỡng Sinh Chủ, Nhân Gian Thế, Đức Sung Phù, Đại Tông Sư, Ứng  Đế Vương;
Ngoại Thiên gồm có 15 thiên: Biền Thiên, Mã Đề, Khứ Cự, Tại Hựu, Thiên Địa, Thiên Đạo, Thiên Vận, Khắc Ý, Thiện Tánh, Thu Thủy, Chí Lạc, Đạt Sinh, Sơn Mộc, Điền Tử Phương, Tri Bắc Du.
Tạp Thiên gồm có 11 thiên: Canh Táng Sở, Từ Vô Quỷ, Tắc Dương, Ngoại Vật, Ngụ Ngôn, Nhượng Vương, Đạo Chích, Duyệt Kiếm, Ngư Phụ, Liệt Ngự Khấu, Thiên Hạ.
 Trong số 33 thiên ấy, 7 thiên Nội thiên đáng tin cậy hơn cả, mặc dầu đã bị người sau viết thêm ít nhiều vào . Ngoại thiên và Tạp thiên thì không thể tin cậy cho lắm: Đại để ba thiên Thu Thủy, Canh Tang Sở, Ngụ Ngôn là những tài liệu khá đáng tin, còn các thiên Nhượng Vương, Duyệt Kiếm, Đạo Chích, Ngư Phụ văn bút rất kém, đều là giả thác vào. Thiên cuối  là Thiên Hạ thì tuyệt diệu, bình luận triết học Trang tử một cách tinh tường, nhưng lại không phải là tác phẩm của Trang-tử.

    III. Học thuyết của Trang-tử 
Nhân sinh luận của Đạo gia tới Trang-tử thì hoàn tất : Trang-tử chịu ảnh hưởng thuyết 'tự nhiên' và 'vô vi' của Lão tử, thuyết ' tề vạn vật dĩ vi thủ ' (coi luật vạn vật bằng nhau là quan trọng nhất) của Điền Biền, Thận Đáo và thuyết ' thiên địa nhất thễ' của Huệ Thi, gom cả lại thành một hệ thống phong phú, rồi phát huy thêm, đưa tới một cảnh giới siêu hình huyền bí.
Trong 33 thiên của Nam Hoa Kinh, tuy nghĩa lý đều sâu rộng, song chỉ có 7 thiên đầu của Nội Thiên bao quát được tất cả yếu chỉ của toàn học thuyết của Trang-tử, nhất là ba thiên: Tiêu Diêu Du bàn về tự do tuyệt đối, Tề Vật Luận nói về bình đẳng tuyệt đối, Dưỡng Sinh Chủ  đề ra thuật dưỡng sinh trường thọ. 
 
1- Tiêu Diêu (tự do tuyệt đối)
Lão-tử và Trang-tử giống nhau về quan niệm Đạo và Đức, và cả hai đều chống đối tư tưởng truyền thống và chế độ đương thời. Vì vậy mà sử gia Tư- Mã Thiên mệnh danh cho học phái nầy là Đạo Đức Gia, vì hai quan niệm Đạo và Đức là nền tảng chung của Đạo học. Tuy nhiên Lão-tử và Trang-tử vẫn có những điểm khác nhau:
Lão-tử  nhấn mạnh về Đạo,  đưa ra một mẫu thể chế  vô vi nhi trị, đề nghị với các vua đương thời cai trị bằng cách không làm gì cả, nghĩa là không can thiệp, cản trở, để cho Đạo Trời tự nhiên phát triễn, 'không tranh mà thắng, không nói mà có người theo, không gọi mà tất cả tự đến, thoải mái mà xong việc một cách tốt đẹp', trong khuôn khổ một nước nhỏ, dân số  ít và dân trí không mở mang. 
Còn Trang-tử  nhấn mạnh về sự phân biệt giữa thiên nhiên và nhân tạo.  Ông quan niệm Đạo là Nguyên Lý sinh ra Trời Đất Vạn Vật, 'tự bản, tư căn', tự mình là gốc, là rễ của mình, vô thủy vô chung, trường tồn bất biến, vạn vật dựa vào đó mà sinh hóa không dừng, và  Đức là cái Đạo biểu hiện nơi mỗi vật, mỗi người, và ông cho rằng trong mỗi người, mỗi vật đều có tính-tự-nhiên, (nature, essence) chẳng hạn như tính-tự-nhiên của lửa là nóng, của băng giá là lạnh, của nước là chảy xuống thấp, của khói là bốc lên cao, v.v... 
a) Thuận theo tính-tự-nhiên của mình thì được tự do', được tiêu diêu rong chơi thoải mái, hưởng nhàn , hoàn toàn theo sở thích của mình, tức là có hạnh phúc ngay tại cõi đời nầy. Tiêu dao tuyệt đối là trạng thái hòa đồng với Đạo, mục đích cuối cùng của học thuyết của Trang-tử. (Tiêu Diêu Du). 
       Chẳng hạn, bé nhỏ như con ve, chim cưu, quyết bay vụt lên cây phương du, hoặc to lớn  như chim bằng vượt cao chín vạn dặm, bay sang biển Nam, mỗi con đều thuận theo tính-tự-nhiên mà bay lên cho đúng với khả năng do Đạo phú cho, đều có thể tiêu diêu, thảnh thơi tự tại như nhau. Như vậy thì tuy 'lớn nhỏ, bay cao bay thấp có khác nhau, nhưng theo Trang-tử, cái việc thuận theo bản tính, mà bay cho đúng với khả năng mình đạt đến tiêu diêu (hay tiêu dao) vẫn là một'. 
            b) Không chịu đựng các 'bất đồng tự nhiên' làm mất tự do. Theo ông, tính-tự-nhiên và thể chất của vạn vật không đồng nhau, trời sinh ra mỗi vật lớn nhỏ, khôn ngu, lanh chậm, cao thấp, hiền dữ... khác nhau, và mỗi vật lại đều có chỗ nhận cho là đẹp, là tốt, là hay riêng cho mình.  Đó là những 'bất đồng tự nhiên'. Trang-tử phản đối những luật lệ, thể chế chính trị, xã hội, luân lý, học thuyết do con Người tạo ra (nhân tạo) để kiềm chế, tiêu diệt bản cái  tính-tự-nhiên ấy của ta (thiên nhiên). Các chế độ chế độ chính trị, xã hội, luân lý, học thuyế theo hữu vi đều định ra một 'cái tốt' để làm tiêu chuẩn chung cho mọi tư tưởng, mọi nếp sống, khiến mọi người phải theo đó mà hành động, tức là không biết chịu đựng những 'chỗ bất đồng tự nhiên', mà lại  cưỡng ép cho thành 'đồng nhau' một cách nhân tạo, buộc con người sống theo cái thích chí do luật pháp, thể chế bày ra bắt tất cả mọi người trong nước làm theo, không được sống theo cái sở thích riêng của mình. Vì vậy, Trang-tử, khuyến cáo không được đem 'Người mà giết Trời, đem nhân tạo mà giết thiên nhiên'.
Thật ra, các bậc 'thánh nhân' khi lập ra những các thứ qui tắc, chế độ khiến cho mọi người phải phục tùng theo, chỗ dụng tâm của họ thường không phải là không có lý do chánh đáng và tốt đẹp, chỗ dụng ý của họ thường không phải là không thực tình yêu người, nhưng yêu như vậy là yêu theo sở thích riêng của mình, mà làm đau khổ cho vật mình yêu, thành ra đưa đến kết quả trái ngược với nguyên ý của mình, như trong chuyện 'Lỗ Hầu nuôi chim' sau đây: 
'Ngày xưa có con chim quí đến đậu ở cửa thành nước Lỗ... Lỗ Hầu ngự ra nghênh tiếp, rước về chuốc rượu ở đền Thái Miếu, ra lệnh tấu nhạc Cửu thiều cho nó vui, giết trâu bò mời nó ăn...Chim ấy nhìn dớn dác, bộ sầu bi, không dám ăn, dám uống. Cách ba ngày thì chết.' (Chi Lạc)

2-  Tề Vật  (bình đẳng tuyệt đối)
a)- Tự do và bình đẳng . Tự do và bình đẳng liên kết chặt chẽ với nhau. 'Đã chủ trương tự do tuyệt đối, thì phải có bình đẳng tuyệt đối. Thật vậy, nếu không thừa nhận bình đẳng tuyệt đối, tức là cho rằng giữa người và người, giữa vật và vật, có cái nầy hay hơn cái kia, hoặc có cái kia hơn cái nầy. Một khi đã nhận cái nầy hơn cái kia, người kia giỏi hơn người nầy, thì người giỏi thường cho rằng mình có phận sự làm thế nào cho người không giỏi phải trở thành giỏi, theo quan niệm chủ quan tạm thời của mình. Như thế, là có sự cưỡng ép kẻ khác phải sống theo quan niệm về điều 'Phải, Quấy' theo ta, không được sống tự do theo cái sống của họ, và ta đã trắng trợn không nhận có tự do của con người. Phải chăng đó là một hành động có tính cách chuyên chế. 
Có cái 'phải' đối với ta ngày nay, nhưng qua ngày mai nó sẽ không còn 'phải' nữa. Có món 'hạp' với ta nhưng không 'hạp' với người khác. Nhưng sai lầm và nguy hiểm là khi nào ta nhận đó là một chân lý tuyệt đối, nghĩa là một chân lý bất di bất dịch, chung cho bất cứ ở thời gian nào, hay không gian nào. Cho nên Trang-tử đã nói: 'Có chỗ ưa ghét, có chỗ lấy bỏ, thì không còn gọi là tự do tuyệt đối nữa'.
Người thật sự tự do, biết trọng sự tiêu diêu rong chơi, thỏa thích tự tại theo tính-tự-nhiên, là người phải biết 'bình đẳng' xem thị phi, thiện ác, đúng sai, phải quấy... ngang bằng nhau, không chịu sống nô lệ theo bất cứ bảng giá trị về thị phi, thiện ác, sai đúng, phải quấy... của một chế độ luân lý, chính trị, giáo thuyết nào cả. 
b) Nhãn quan xuất thế. Cũng nên biết rằng họ không phải là người 'vô luân lý' (immoral) như người ta đã hiểu lầm, mà họ là một hạng người đã vượt lên trên tất cả mọi thứ luân lý tầm thường chật hẹp,  không còn tư tâm, tư dục nữa, nghĩa là hạng  người vô kỷ, vô công, vô danh (Theo Trang-tử có ba hạng người siêu đẳng: Chí nhân là người không còn thấy cái Ta, thần nhân là không trọng việc lập công, thánh nhân là người không cần nổi danh).
Quan niệm về Bình đẳng của Trang-tử không giống với quan niệm thông thường của người đời.   Bình đẳng của người đời là một thứ bình đẳng hình thức máy móc, hiểu theo nghĩa nông cạn là san bằng mọi sự vật, dùng những luật lệ, luân lý, xã hội, chính trị, học thuyết để đè nén, tiêu diệt  các 'bất bình đẳng tự nhiên' như vừa nói trên đây,. Còn quan niệm về bình đẳng của Trang-tử, là phải biết 'chịu đựng' sự 'bất bình đẳng tự nhiên' ấy, (mà dù có muốn tiêu diệt cho hết các 'bất bình đẳng tự nhiên' ấy cũng không được) , và  để mỗi vật tự do sống thuận theo cái sống tự nhiên của nó. 
Tóm lại , bất đồng trong bẩm sinh, thể chất tự nhiên, nhưng trong phạm vi bản ngã, loài người vẫn 'đồng nhau' trong việc sống thuận theo tính-tự-nhiên của mỗi người. Chẳng hạn như:  
Vật, có loài thọ cả ngàn năm, có loài thọ có một năm, một ngày, nhưng mỗi loài đều sống thuận với cái tuổi thọ tự nhiên của nó... Chim, có con bay ngàn dặm, có con bay vài chục dặm, cũng là bay hết cái sức tự nhiên của nó. Người sống dưới bùn thì đau, trạch thì không. Người ở trên cây thì run, khỉ thì không, mỗi sinh vật đều sống thuận với môi sinh tự nhiên của mình.  Mỗi vật có cái hợp với nó, có cái đẹp của nó, cái thích của nó, không thể nhất thiết như nhau đưọc, mà cũng không thể phân biệt so sánh hơn kém được: tức là ngang bằng nhau, cho nên gọi là  Tề Vật. 
c)-  Tề Vật hiểu theo thuyết Thiên quân .
 Về Tề Vật Luận, Trang-tử đã diễn giải thêm như sau: 
Vạn vật vốn tự sinh, tự hóa, hễ động là có biến hóa, không lúc nào là không xê dịch, không biết đâu là khởi điểm, không biết đâu là cùng tận, ở đâu mà lại, rồi lại sẽ đi đến đâu, không biết đâu là manh mối cả. Cuối cùng, một khi phồn thịnh, vật nào cũng trở về nguồn gốc của mình. Sự biến hóa giống như cái bánh xe quay tròn, nên Trang-tử gọi là 'Thiên quân'. (Quân' là cái bánh xe xoay tròn mà người thợ nung đồ gốm dùng để chế tạo đất sét thành những đồ vật hình tròn). Người xét Đạo, hễ xét đến gốc của nó, thấy đi đến vô cùng, tìm đến cái ngọn của nó, thấy không bao giờ dứt. Không cùng, không dứt, gốc, ngọn không phân biệt rõ ràng được, thì còn biết bàn nói vào đâu được nữa?' (Tắc Dưong). 
Đối với nhân sự cũng thế,  tất cả những cái mà ta tưởng thuờng trái ngược nhau, thật ra chỉ là hai mặt của một thực thể: tốt xấu, lành dữ, rủi may, thiện ác... cũng như âm và dương là hai phương diện của Đạo duy nhất. Theo thuyết Thiên Quân, trong mỗi cặp (coi như một thực thể):  Phải-Quấy, Lớn-Nhỏ, Sanh-Tử, Dài-Ngắn, Cao-Thắp, Thành- Hoại... các thành tố đều nối tiếp nhau theo vòng tròn, không sao biết được đâu là chỗ khởi đầu, đâu là chỗ tận cùng của các thành tố trong mỗi cặp, nên không sao phân biệt được ranh giới giữa hai thành tố, và cũng không phân biệt được tính chất của hai thành tố (thành tố nầy bắt đầu từ lúc nào? Chấm dứt vào lúc nào? trong cái nầy có lẫn lộn cái kia, trong cái kia có lẫn lộn cái nầy, 'Phải' bắt đầu từ đâu? 'Quấy' bắt đầu từ đâu? trong cái 'Phải' có cái 'Quấy', trong cái 'Quấy' có cái 'Phải', v.v...). Cho nên thiên Thu Thủy nói: 'Lấy Đạo mà xem, thì vật không có chi là quí, là tiện, là nhiều, là ít cả... chỉ có Một mà thôi. (trong một thực thể, một cặp mà thôi). Lấy chỗ sai biệt mà xét, nhận thấy lớn, mà cho là lớn, thì vạn vật, không vật nào là không lớn. Nhận thấy nhỏ mà cho là nhỏ, thì thì vạn vật, không vật nào là không nhỏ... Lấy xu hướng mà xét, nhận  cho phải là phải, thì vạn vật, không vật nào là không phải. Nhận cho quấy là quấy, thì vạn vật, không vật nào là không quấy'. 
Phải, Quấy, hữu dụng, vô dụng... cũng do cái chủ quan của mỗi người, cũng theo cái vật ta đem ra dùng làm tiêu chuẩn để so sánh. Huệ Thi (bạn thân của Trang-tử) đã từng dẫn chứng các điều nầy dễ hiểu hơn như sau: Xét về phương diện tương đối, thì trời cao, đất thấp, núi cao hơn đồi. Nhưng so với cái vô cùng của vũ trụ, thì cái cao của trời, đất, núi, đồi đều không đáng kể. Và hôm nay là hôm qua của ngày mai, còn đối với ngày mai, thì hôm nay là hôm qua. Cũng như trai gái đồng nhau vì cả hai đều là loài người, nhưng khác nhau là vì trai thuộc giống đực, gái thuộc giống cái, v.v...
       Hồ Thích từng lấy một 'trùng ngôn' nói về triết học nầy của Trang-tử như sau : 'Thí dụ tôi bảo tôi cao hơn anh năm phân. Anh lại bảo anh cao hơn tôi năm phân. Tôi và anh cãi vả nhau không thôi. Trang-tử đi ngang qua phân giải rằng : 'Hai bạn không cần tranh luận hon nữa, vì lúc nãy tôi ở trên tháp Eiffel nhìn hai bạn, tôi không thấy ai cao thấp cả. Như vậy cần gì phải tranh luận vô ích ? Chi bằng nên xem bằng nhau là hơn cả ' (Trung quốc triết học sử , s.đ.d., trg 525)
Chúng ta có thể cho rằng những điều của Trang-tử và Huệ Thi nói trên đây không xa thuyết 'tương đối luận' (relativisme) ngày nay. Theo Tương-đối-luận,  thì không có gì là cao thấp tuyệt đối, không có gì là dài ngắn tuyệt đối, không có gì là lớn nhỏ tuyệt đối... Những từ Lớn-Nhỏ, Sanh-Tử, Dài-Ngắn, Cao- Thắp... đều toàn là tương đối mà thôi và ở Trang-tữ được nhìn với một nhãn quan xuất thế vượt lên trên mà nhìn xuống (voir du haut).
d- Các vấn đề thuôc cận Tề Vật . 

Bàn về Tề Vật,  thường có những nhận xét  thuộc cận như sau:

1/- Mộng với thực không khác nhau: Xưa Trang-Chu mơ thấy mình hóa ra bướm, vui thích với phận làm bướm, quên mình là Trang Chu. Chợt tỉnh, thấy mình là Trang Chu. Chu và bướm ắt phải có Tánh Phận khác nhau.' 'Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu?',  một câu hỏi có thể bao trùm 'Vật ngã bình đẳng'. Sự hỗn họp giữ Ta (Trang Chu) và Vật (bướm) hồn nhiên đến không biết đâu là Thực, đâu là Mộng. Như vậy  Mộng cũng là Thực, Thực cũng là Mộng. Ta cũng là Vật, Vật cũng là Ta. Ta và Vật là Một. 
       Có thuyết cho rằng: theo Trang-tử, đời người là hư vô (như thuyết Nhà Phật) chẳng qua cũng chỉ là một giấc mộng dài mà thôi!  Hay đây còn là một triết lý  'Ở cảnh nào, vui thỏa với cảnh ấy': 'Khi làm bướm thì cảm thấy vui thỏa với đời con bướm; khi làm người thì vui thỏa với đời con người', không nên đứng núi nầy trông núi nọ !

2/- Sống chết, chưa hẳn bên nào hơn bên nào: ' Lệ Cơ, con một vị phong nhân xứ Ngải, gả cho vua nước Tần. Khi về nhà chồng, lụy ướt dầm bâu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi cao lương mỹ vị, thì lại hối hận giọt lệ ngày xưa. Ta biết đâu kẻ chết lại không hối hận vì mình đã mong được sống thêm' (Tề Vật Luận). Nếu ta cho hình thức sống hiện nay là đáng vui mừng, thì sau khi chết, chỗ ta sẽ được hình thức mới, biết đâu ở đấy không có chỗ đáng vui mừng như bây giờ, hoặc hơn bây giờ ? Bậc chân nhân ngày xưa, 'không ham sống, không ghét chết, ra không vui, về không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi,  luôn luôn an thời xử thuận', vì vậy mới dứt khoát được vấn đề sinh tử.

3/- Dưỡng sinh, trường thọ - Trong đạo Tề Vật, ở cảnh sống nào phải biết thuận vui với cảnh sống ấy. Nhưng nếu đang sống, mà không dưỡng sinh để bị tật bệnh đau khổ, tức là không biết thuận theo tính-tự-nhiên của sự sống, như thế có phải là trái với đạo Tề Vật không?  Người tự do không bị ràng buộc theo luật pháp, luân lý, chế độ, xã hội bên ngoài, song cũng không khỏi không bị ràng buộc với cái sợ già, sợ bệnh, sợ chết. Thật ra, già không đáng sợ, chỉ sợ già mà đầy bệnh tật. Vì vậy muốn được hạnh phúc, cũng phải biết thuật dưỡng sinh. Người xưa có câu: 'Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người'.  Phép dưỡng sinh chiếm địa vị quan trọng  trong học thuyết Trang-tử, về sau, phái Đạo gia khai thác nó, lập ra thành một học phái đặc biệt gọi là phái 'trường sinh cửu thị '. 
Theo thuật dưỡng sinh, không vui, không buồn, lúc nào cũng an thời, xử thuận, như vậy là huyền giải, nghĩa là cởi được cái ách bị treo ngược, thoát khỏi các khổ não, chẳng những không còn tình mà cũng không còn biết cảm xúc nữa. Đến mức 'bậc chí nhân thật là thần diệu, chằm cháy mà không làm cho thấy nóng, sông ngòi băng cứng lại mà không làm cho thấy lạnh, sấm sét phá núi, gió to dậy biển mà không làm cho sợ' (Tề vật luận). Luyện tới mức không còn cảm xúc đã là cao thật, nhưng vẫn còn có thể tiến hơn được nữa, bậc chí nhân có thể: 'Cưỡi  mây khi, cưỡi rồng bay, ... cưỡi mặt trời mặt trăng mà tiêu dao ngoài cõi bốn bể, ở khắp trong vũ  trụ ' (Ứng Đế Vương). 
Có lẽ trong đoạn nầy Trang tử muốn dùng những văn ảnh 'thậm xưng' để diễn tả  trạng thái tinh thần của hạng người đã siêu thoát; nhưng nhiều Đạo gia đời Tần và đời Hán đã hiểu theo nghĩa khác và tin rằng khéo tu dưỡng thì có thể thành Tiên được, nên biến Đạo giáo thành một môn học huyền bí luyện phép trường sinh bất tử. Phải chăng họ đã quên, không để ý đến lời khuyên của Trang- tử: 'Dùng lời để diễn ý, được ý hãy quên lời '(Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn). 
 
  IV. Lý tưởng của Trang học: Thần hóa  
Theo Trang-tử, có hai trình độ hiểu biết: Cái biết thông thường của lý trí, của giới nhị nguyên  phân biệt thị phi, sai đúng, thiện ác, rủi may... Và cái biết thứ hai của giới  nhất nguyên, người đạt đến trình độ nhất nguyên không phải là người không biết thị phi, mà là người đã vượt lên trên mọi thị phi. Không biết thị phi và vượt lên thị phi là hai điều khác nhau xa. Cái tri thức thông thường sắc giới không làm sao hiểu được chân lý tuyệt đối. Nên Trang-tử đề xướng 'khử tri ' và 'bỏ phế thông minh'. Không thể dùng sách vở mà tìm Đạo. Những điều trong sách vở ngày xưa thường chỉ là những cặn bã của cổ nhân.  Lý luận, biện thuyết đều vô ích, trái lại chỉ làm cho ta thêm tăm tối, cho thần minh mờ ám. Cái học mà Trang-tử khuyên ta là 'cái học không sao học được', đó là cái học thuần túy siêu hình, một thứ tâm học hoàn toàn để đi đến thần hóa  hoàn toàn, là mục đích tối cao của đời sống con người mà Đạo gia thực hiện bằng phương pháp 'tọa vong'.
       Trừ đôi khi gặp  trường hợp có 'hốt nhiên giác ngộ ' tức là chỉ nhờ một lời nói, mà công phu dự bị lâu dài trong vô thức bỗng được đắc ngộ, mau lẹ, chớp nhoáng, làm biến đòi hẳn tâm thần , trí não con người.
Còn thông thường, quá trình của con đường đến 'thần hóa 'gồm có hai giai đoạn chính như sau:
a)- Giai đoạn dự bị . Bắt đầu bằng 'tâm trai ' (trong lòng / trong sạch), sống giản dị cho tâm tri đồng nhất với mọi vật, cho lòng được trống không, hư tịnh, từ bỏ, không còn bị ảnh hưởng của ngoại vật. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, chịu đựng một tranh chấp khổng lồ trong nội tâm, giữa cái 'ta xã hội ' và cái 'chân thể của ta', giữa cái mà Trang-tử gọi là 'Thiên' và 'Nhân' (Trời và Người). Từ 'Nhân' chỉ những ước lệ, giả tạo ràng buộc con người, những cái mà Nho gia gọi là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... luân lý, đạo đức, v.v... đã áp đặt.
Ta phải 'tọa vong' (ngồi / quên), 'vong thị phi, vong thiện ác', quên sự phải, quấy, thiện ác, tức là đã Biết, rồi sau mới Vượt Lên sự hiểu biết mà Quên hết. Muốn giải thoát con người, trước hết phải trải qua giai đoạn nhận thực rõ ràng bản ngã của mình. Chống đối, đả kích  của Trang-tử chẳng qua là 'việc làm của một con gà con' đến thời kỳ trứng nở, là phá vở cái vỏ trứng để giải thoát. Thế thôi !
b)- Giai đoạn giải thoát . gồm có hai thời kỳ:
1/- Thời kỳ nhị nguyên: tiến đến sự thực hiện tạo thành một bản ngã đầy đủ, trong nội tâm  phân chia giữa tâm và tri, anh và tôi, thiện và ác, đúng và sai... theo lại lối nhị nguyên. Bước đầu của sự thực hiện tạo thành bản ngã, là dám suy nghĩ theo mình, độc lập tân kỳ, sáng tạo tự do. Bước thứ hai là ngày nào, khi bản ngã phát triển đến mức cùng tột, ta bỗng cảm thấy mình đang bị ràng buộc trong những công trình sáng tạo của mình, tức là cảm thấy  bị nô lệ theo những giá trị giả tạo mà chính mình đặt bày ra. 
2/- Thời kỳ nhất nguyên: Bãy giờ ta mới bắt đầu Vượt Lên trên cái bản ngã ảo tưởng của mình mà bước sang con đường giải thoát nhất nguyên,  quay trở lại nguồn Sống Một, con đường hợp nhất những gì đã bị phân chia. Đó là con đường Giải thoát, nhưng cũng chưa phải là đến được sự thực hiện siêu nhân, mà chỉ đến sự thực hiện trạng thái tự nhiên của một con người 'viên mãn' (đầy đủ trọn vẹn), một con người 'vô ngã ', nói theo Trang-tử, của một 'chân nhân' (con người thật). Phải trải qua một cuộc 'đại cách mạng tư tường', xáo trộn, lật ngược tất cả mọi vấn đề  thường thức trong đời, mới mong phá tan được các ác tập suy nghĩ theo nhị nguyên, để nhận cho rõ được chân tướng của sự vật.
 Nhìn chung,  giai đoạn 'Dự bị' và giai đoạn 'Giải thoát' trong quá trình đi đến 'thần hóa' trên đây là hai thế giới riêng biệt và nghịch hẳn nhau. Thế giới trước, người ta gọi là 'tiến', thì thế giới sau phải gọi là 'thối ', từ thế giới nầy bước sang qua thế giới bên kia, Nhà Phật gọi là 'đáo bỉ ngạn' (đến bờ bên kia: paramita).  Hai thế giới khác nhau, sự hoạt động tri thức cũng phải khác nhau. Ở thế giới đầu nhị nguyên thì phải dùng lý trí, nhưng khi bước sang ngưõng cửa của thế giới nhất nguyên thì không  dùng tri thức nữa, mà phải dùng một năng khiếu khác là trực giác (intuition), Trang-tử gọi là 'đại tri ', Nhà Phật gọi là 'bát nhã ' (Prajna) hay 'trí tuệ bát nhã '. Như vậy nhãn quan của người đã bước sang giai đoạn giải thoát là một nhãn quan nghịch hẳn với nhãn quan của người còn ở trong giai đoạn dự bị, cố chấp một cái TA  riêng biệt.

 V- Kết luận.
1- Trang-tử đại văn hào
     a) Bút pháp - Trang tử là một văn gia vĩ đại nhất Trung quốc thời xưa. Kim Thánh Thán đời Minh xếp Nam Hoa Kinh làm đệ nhất tài tử (văn phẩm hay nhất). Các văn hào đời Đường, Tống như Hàn Dũ, Liễu Tông nguyên, Tô Đông Pha... đều tôn sùng, ca tụng, bút pháp của nhà phê bình nầy rõ rệt cũng chịu ảnh hưởng của họ Trang.
Lời văn của Trang-tử gồm có ba cách: ngụ ngôn, trùng ngôn và chi ngôn. Ngụ ngôn: vốn đời không có các người ấy, việc ấy, mà hư cấu đặt nên chuyện. Trùng ngôn: lời ấy, việc ấy vốn không phải của người xưa, nhưng Trang-tử bịa ra rồi đem gán cho họ, thí dụ như trong sách Trang-tử, có những lời nói mang nặng tinh thần Đạo gia, lại được thốt ra từ miệng của Trọng Ni (Khổng-tử) và Nhan Hồi. Chí ngôn: buộc miệng nói luôn, chẳng kể phải trái như: Có chim bằng, cá côn, lớn không biết mấy nghìn dặm, có cây đại xuân lấy tám nghìn năm làm mùa xuân, tám nghìn năm làm mùa thu, có người đàn ông nước Vệ cực kỳ xấu xí, mà đàn ông nào ở với nó, nhớ mãi không thôi, đàn bà nào thấy nó, về xin cha mẹ rằng thà làm vợ bé của nó, hơn làm vợ lớn kẻ khác... 
Những hình ảnh kỳ dị ấy lan tràn cùng với sự bao la, bát ngát của thể văn, ẩn hiện theo với sự đứt nối cúa mạch văn, đã cực tả được cái tinh thần khoáng đạt, siêu thoát, cái vẻ thần bí, vi huyền của học thuyết đạo gia.
Với thiện ý muốn thức tỉnh thế nhân, Trang-tử cũng như một số các Đạo gia khác, nhất là các Thiền gia, thường dùng ngôn ngữ trịch thượng, táo bạo, không hòa nhã, thiếu khiêm tốn, để có thể gây xúc động mạnh, cho ngưới nghe phải có phản ứng, chứ không cầu việc làm vui lòng, ru ngủ bản ngã của người nghe. Va chạm nặng nề đối với thành kiến cố hữu là một trong những phương pháp giúp cho kẻ khác dễ giác ngộ. Phương pháp nầy là môn sở trường  của Phật giáo Thiền tông và Phật giáo Kim Cương Thừa (Vajara Yana)  ở Tây Tạng, thường dùng để giác ngộ các môn đồ của họ. Riêng các giáo chủ Kim Cương Thừa đã cảnh giác rằng việc truyền dạy không phân biệt thiện ác theo lối nhất nguyên, chỉ giành cho những kẻ đạt đã đến đến trình độ thượng thặng, nhưng cũng  phải  có một 'gu ru' (sư phụ) theo dõi hướng dẫn thưòng xuyên. Còn với các tín đồ thường, thì bắt buộc vẫn phải phân biệt thiện ác rõ ràng để tránh được mọi ngộ nhận, xuyên tạc sai lầm có thể bị lạc sa vào đường sa đọa.
       b) Cách biện luận - Theo lời phê bình trong Thiên Hạ, thiên chót của Nam Hoa Kinh, thì Trang-tử 'thường đem những thuyết vu khoác, những điều hoang đường, lời lẽ không đầu mối, không bờ bến, thời thường thả rông ra không cần giữ gìn, lại tự chẳng thấy mình là kỳ dị. Cho người đời là đắm chìm, dơ đục, không thể bàn việc đứng đắn với họ Trang được, lại đem giọng chí ngôn mà phô diễn, đem giọng trùng ngôn mà nói thật, đem giọng ngụ ngôn mà bàn rộng. Riêng đi lại với trời đất, tinh thần mà không ngạo nghễ với muôn vật. Không chê trách phải trái, cùng ở với thế gian.'
 Trang tử chuyên dùng những mẩu chuyện ẩn dụ, qua những đối thoại có thật hay hư cấu, một cách văn vẻ, sống động và dí dỏm, như trong chuyện 'Trang tử biện nạn với Huệ Thi ' sau đây:
'Một hôm Trang tử và Huệ Thi đứng chơi trên cầu thành Hào. Trang tử nói:  Cá dưới nước bơi lội thung dung. Cá vui đó?
Huệ Thi hỏi: Ông không phải là cá sao biết cá vui?
Trang tử: Ông không phải tôi,  sao biết tôi không biết ?
Huệ Thi: Tôi không phải ông, nên không thể biết được ông biết, còn ông không phải cá, ông cũng không biết được cái vui của cá.
Trang tử nói:   Xin xét lại câu hỏi đầu. Ông hỏi tôi làm sao biết được cá vui ? Đã biết là tôi biết, thì ông mới có hỏi 'làm sao mà biết? Thì đây, làm thế nầy: Tôi đứng trên hào thành mà biết được. (Thu Thủy)

2- Trang-tử tư tưởng gia
       a)Về tư tưởng, nhận thức . 
Bàn về Trang-tử, nhiều người thường tự hỏi thật ra học thuật của Tran-tử có tính cách thế nào?  Tất nhiên không thể không nhìn nhận rằng học thuật của ông quả có tính cách tiêu cực: hô hào bỏ những đức tính như nhân, nghĩa, trí tuệ cần thiết cho cuộc sống cọng đồng; chịu an phận, bằng lòng với số mệnh; không có tinh thần tranh đua, bàn cãi là những điều cần thiết cho sự tiến bộ; bỏ hết trí xảo, kỹ nghệ, thương mãi là những điều không thể thực hiện. Thời đại nầy không ai lại nghe theo để đi ngược thời gian, để trở về xã hội nguyên thủy.  Chính các học giả Trung quốc, như Hồ Thích chẳng hạn, đã nhìn nhận rằng: 'Học thuyết của Trang-tử, thật ra, là một trở lực cho sự tiến bộ xã hội và tiến bộ học thuật' (Hồ Thích, Trung quốc Triết học sử, bản dịch Huỳnh Minh Đức, trg 526).
Nhưng theo Nguyễn Hiến Lê, sự cống hiến về nhân sinh quan của Trang-tử mới đáng kể hơn. Tư tưởng của ông kỳ lạ, đặc thù mà không phong phú bằng Tuân-tử chẳng hạn, vì Trang-tử không nói nhiều. Tuy vậy địa vị của ông rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung quốc, ngang hàng với Mạnh-tử, hơn Tuân-tử, Mặc-tử. Nhờ ông mà tư tưởng của Lão tử mới được phổ biến. Chỉ có giới trí thức mới quí những câu cách ngôn của Lão- tử, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những ngụ ngôn của Trang-tử. Do đó tên của Trang-tử gắn liền với tên của Lão tử, và cả hai có công làm cho dân tộc Trung quốc giảm bớt óc thực tế, yêu thiên nhiên hơn, khoan dung, khoáng đạt hơn, yêu tự do, bình đẳng một cách sâu sắc và nghệ thuật hơn.   
Chúng ta không lấy làm lạ ngày nay các dân thừa hưởng văn minh La Hi lại muốn tìm hiểu Lão Trang. Chẳng những bọn híp-pi thích đọc Đạo Đức Kinh, mà  ngay cả một số nhà  khoa học  như  Victor  C. Ferkins  trong tác phẩm  Technological Man (1969), Lynton K. Caldwell trong In defense of Earth  (India University Press 1972) cũng đề nghị trở về sống thiên nhiên như Trang-tử nữa. (Nguyễn Hiến Lê, Trang-tử và Nam Hoa Kinh, Nxb Văn hóa Thông tin, 1994, trang 141)

       b)Về xã hội, chính tri- 

Lão-tử chủ trương cai trị hữu vi, còn Trang-tử ra mặt phản đối, căm thù, nguyền rủa bọn vua quan hữu vi: 'Kẻ trộm của thì bị tử hình, kẻ trộm nước thì được làm vua chư hầu'. Nhưng tuy ở giữa đời, song Trang-tử lúc nào cũng như sống trên mây trên gió, chỉ lo việc đạt cho được trình độ thần hóa, với chủ trương thuận theo tính-tự-nhiên, hòa mình với thiên nhiên đến mức cực đoan để được tự do, bình đẳng hạnh phúc tuyệt đối, ngoài lề của xã hội.
Trang-tử đã thần bí hóa hệ thống tư tưởng của Đạo gia. Nhưng chủ trương vô vi cũng như thái độ phản đối của Lão tử và Trang-tử chống chính sách áp bức bóc lột của các nhà cầm quyền, trong các thế kỷ trước đây đã được  dùng làm vũ khí tinh thần tập họp người Hoa, cũng như người Việt, khởi nghĩa tranh đấu mong giải thoát dân tộc, đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét