Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Lars Von Trier: Gã quái kiệt trong làng điện ảnh

Lars Von Trier có lẽ là một trong những đạo diễn gây tranh cãi nhất hiện nay. Phần lớn những khán giả xem phim để giải trí không hề biết ông là ai, thậm chí còn chưa từng nghe tên. Giới mộ điệu thì chia làm nhiều phe: người thì ca ngợi ông như một đạo diễn tiên phong, có sức ảnh hưởng lớn với điện ảnh thế giới. Kẻ thì cho rằng Von Trier chỉ là một gã thích chơi nổi, bốc phét và lập dị. Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận tài năng của Lars Von Trier. Điện ảnh đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, tưởng như “không có gì lạ dưới ánh mặt trời”. Vậy mà, mỗi khi Lars Von Trier ra phim mới, khán giả vẫn phải ngạc nhiên và choáng váng trước sự cực đoan mà ông thể hiện.
Truyền thông vẫn xây dựng hình ảnh Von Trier như một kẻ lập dị, điên khùng. Ông thường xuyên bị trầm cảm cũng như mắc rất nhiều chứng sợ, trong đó nghiêm trọng nhất là chứng sợ máy bay. Cả cuộc đời ông chủ yếu quanh quẩn ở Đan Mạch và mỗi lần đến LHP Cannes ông đều khăng khăng di chuyển bằng ô tô. Ông cũng thường tự kỷ ám thị rằng mình bị ung thư. Trong một bài phỏng vấn, Von Trier từng phát biểu “ Cơ bản thì, tôi sợ mọi thứ trên đời, trừ làm phim”.
Ông bắt đầu làm quen với điện ảnh từ rất sớm. Ở tuổi 11, ông nhận được món quà là một chiếc camera super 8 và bắt đầu quay phim mọi thứ xung quanh. Ông tốt nghiệp Trường điện ảnh quốc gia Đan Mạch và là người khởi xướng cho phong trào Dogme 95. Dogme 95 chỉ tập trung vào câu chuyện, diễn xuất và chủ đề; từ chối những kỹ xảo điện ảnh hoặc kỹ thuật làm phim khác. Các bộ phim sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy tắc đặt ra như chỉ quay ở địa điểm thật, chỉ được dùng máy quay cầm tay, không chấp nhận ánh sáng nhân tạo, không biên tập âm thanh ở khâu hậu kỳ…Phong trào này để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong những tác phẩm thời kỳ đầu của ông.
Mỗi bộ phim của Von Trier là một cuộc tra tấn về thể xác lẫn tinh thần. Phim của ông thường rất dài, bao lực, cay nghiệt và nhiều sex. Ông từng phát biểu “Mỗi bộ phim nên như một viên đá trong giày”. Nó không hề mang đến những trải nghiệm dễ chịu, thư thái. Thậm chí hãy chuẩn bị cho những cơn buồn nôn, ói mửa, những cơn đau đầu dai dằng và ác mộng trường kỳ sau khi xem phim của Von Trier! Ông là một kẻ khiêu khích không khoan nhượng, một kẻ cực đoan không từ thủ đoạn nào để chọc tức khán giả. Có lẽ Von Trier nghĩ rằng một ý niệm cần phải diễn đạt đủ sâu, đủ ám ảnh để bám rễ vào tâm trí người xem.
2
Cảnh trong phim Melancholia

Về cơ bản, Von Trier có rất ít niềm tin vào nhân tính cũng như tính thiện của con người. Khi làm bộ phim Dogville, ông từng chia sẻ: “Quỷ dữ có thể sống dậy ở bất cứ nơi đâu, miễn là hoàn cảnh cho phép”. Phim của ông thường tránh xa các thành phố lớn mà thường lấy bối cảnh ở những nơi hẻo lánh, ít dân cư. Ở đó, dường như tất cả những người đều thuộc mặt nhau. Mới nhìn bề ngoài, đó đều là những cộng đồng thân thiện và ngoan đạo. Người dân trong Breaking the Waves sống khép kín và đi nhà thờ thường xuyên. Người dân trong Dogville sẵn sàng dang tay cưu mang kẻ xa lạ. Nhưng cũng chính những kẻ quê mùa, cục mịch đó có thể tráo trở, giơ nanh vuốt để “làm thịt” con mồi yếu thế hơn mình bất cứ lúc nào.
Melancholia là bộ phim về những ngày cuối cùng trước khi tận thế với rất ít nhân vật. Antichrist kể về một cặp vợ chồng rút vào rừng sâu để tìm sự nguôi ngoai sau cái chết của cậu con trai. Mỗi bộ phim giống như một ca thí nghiệm của Von Trier: ông thả một số cá thể vào một tình huống cố định và xem con người cắn xé đồng loại của mình như thế nào.
Nhân vật chính trong các bộ phim của ông thường là những kẻ ngây thơ, giàu lý tưởng nhưng bị va đập và nghiền nát bởi thực tế. Sẽ có hai trường hợp chính xảy ra: thời kỳ đầu, nhân vật của ông thường phải nhận cái chết. Anh thanh niên người Mỹ trong phim Europa đến Đức với mục đích hàn gắn nỗi buồn chiến tranh. Kết quả anh bị mắc kẹt, giằng xé giữa các âm mưu, bị lợi dụng và trở thành nạn nhân. Breaking the Waves, bộ phim nhận được Giải thưởng lớn ở LHP Cannes 1996, kể về một thiếu phụ ngây thơ sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả ngủ với người khác để cứu được chồng. Dancer in the Dark, bộ phim từng đạt Cành cọ vàng, có nhân vật chính là một phụ nữ mù lòa, bị kết tội sát nhân và xử tử chỉ vì mù quáng muốn cứu con trai bằng mọi giá. Nhân vật chính trong những bộ phim thời kỳ đầu của Von Trier bị trừng phạt vì chính những đức hạnh của mình.
Những phim thời kỳ sau chứng kiến sự chống trả giãy giụa của các nữ chính. Bị dồn nén đến đường cùng, họ vùng dậy, giơ nanh vuốt và phản kháng mãnh liệt. Nhân vật do Nicole Kidman thủ vai trong Dogville tình cờ lưu lạc đến một ngôi làng hẻo lánh. Bị bóc lột sức lao động, bị nhục mạ, bị cưỡng hiếp nhiều lần, cô vẫn câm lặng, cúi đầu chịu đựng như một vị thánh tử vị đạo. Đến phút cuối, sự thật được hé lộ, cô là con gái độc nhất của một ông trùm mafia. Chính cô đã ra lệnh thảm sát cả ngôi làng để ngắn chặn cái ác lây lan sang nơi khác.
3
Phim Antichrist

Nữ chính trong Antichrist là một người vợ bị đè nén, một người mẹ bị mất con. Cô đã quay sang trả thù chính người chồng của mình. Nhân vật của Kirsten Dunst trong Melancholia thì bình tĩnh thậm chí có phần sung sướng chờ đón ngày tận thế. Nhân vật Joe của Nymphomaniac lên án cái xã hội đạo đức giả luôn tìm cách nhục mạ cô. Nghiện sex, nhưng Joe sẵn sàng bắn chết kẻ định lạm dụng tình dục mình. Thế giới trong mắt nhìn của Von Trier không có chỗ cho sự ngây thơ hay lương thiện. Những kẻ lý tưởng hoài bão buộc phải chết. Những kẻ tìm cách thay đổi để tồn tại thì phải đối diện với nỗi cô đơn rợn người.
Nhân vật chính trong các phim của Von Trier luôn luôn cô đơn. Họ lúc nào cũng đứng một mình trong mối tương quan với xã hội. “Như thể là tôi hoàn toàn chỉ có một mình trong vũ trụ này, như thể toàn bộ cơ thể tôi được lấp đầy bởi sự cô đơn và những giọt nước mắt”, “Xin hãy lấp đầy những lỗ hổng của em”. Lời van nài khẩn thiết của Joe trong Nymphomaniac cũng là tâm sự chung của gần như toàn bộ hệ thống nhân vật trong phim Von Trier.
Dễ dàng nhận thấy hình bóng của vị đạo diễn lập dị này trong các nhân vật chính. Xem phim của ông, khán giả thấy một sự vỡ mộng đau đớn của những kẻ muốn sống lương thiện, muốn sống tốt đẹp mà không thể được.
Tư tưởng bi quan yếm thế của Von Trier còn có thể được nhận ra qua khát vọng được “thanh trừng” cái ác. Trong phim của ông, rất dễ gặp những hành động giết chóc. Rất ít chỗ cho sự tha thứ hay từ bi. Trong phim Europa, nhân vật chính từ người muốn xoa dịu nỗi buồn chiến tranh cho nước Đức trở thành kẻ kích hoạt bom cho nổ cả con tàu. Nữ chính trong Dogville quyết định giết sạch cả ngôi làng không từ một ai. Trong Melancholia, Von Trier còn để cho Trái Đất bị hủy diệt hoàn toàn. Dường như, đối với Von Trier, con người đã sa ngã, đã ngày càng lún sâu vào tội lỗi. Con người không thể và cũng không xứng đáng được cứu rỗi. Von Trier từng gây một scandal vạ miệng tại LHP Cannes khi phát biểu rằng phần nào đó ông đồng cảm với Hitler. Nếu là một người theo dõi đầy đủ các phim của ông, sẽ thấy tiết lộ đó không có gì đáng ngạc nhiên hay gây sốc.
100_4117
Nymphomaniac

Song hành với nội dung đầy chất cực đoan là một ngôn ngữ điện ảnh cũng vô cùng dị biệt của Von Trier. Phim của ông thường được chia thành chương hồi như các tiểu thuyết ngày xưa. Những phim thời kì đầu ảnh hưởng nặng bởi phong trào Dogme 95 và thường sử dụng máy quay cầm tay. Hình ảnh rung lắc, trượt nét, tông màu u ám là đặc điểm dễ nhận thấy của những phim thời kì này.
Càng những phim về sau như Antichrist và đặc biệt là Melancholia, Von Trier càng dành nhiều sự trau chuốt cho hình ảnh. Xem phim của ông, khán giả như lạc vào một cơn ác mộng đẹp đẽ và ma mị. Khán giả không thể nào quên cảnh đứa trẻ ngã xuống trên nền tuyết trắng mở đầu cho phim Antichrist. Đã 4 năm kể từ khi Melancholia ra rạp, người xem vẫn nhắc nhở đến phần prolouge, nhân vật của Kirsten Dunst mặc áo cô dâu chạy băng qua khu rừng như một cơn ác mộng hãi hùng trong phim Disney.
4
Phim Breaking The Waves

Đặc biệt ấn tượng là cách Von Trier khắc họa hình ảnh thiên nhiên trong các bộ phim. Nhân vật chính trong phim của ông thường có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Một hình ảnh lặp đi lặp lại từ Europa, đến Antichrist, Nymphomaniac là cảnh nhân vật chính như hòa tan làm một với mặt đất, bãi cỏ. Thiên nhiên trong các phim của Von Trier thường kỳ quái, đáng sợ, gợi những điềm không lành.
Còn quá nhiều điều để nói về Von Trier nhưng trong khuôn khổ một bài báo không thể để cập hết tầm vóc của vị đạo diễn quái kiệt này. Nếu bắt đầu thấy chán với những bộ phim Hollywood cấu trúc 3 hồi, hãy thử đổi vị với phim của ông. Rõ ràng phim của Von Trier là một sự thách đố với khán giả và không phải ai cũng “tiêu hóa” được phong cách làm phim mà ông theo đuổi. Nhưng dù thích hay không thích, dù đồng tình hay không đồng tình, bạn cũng sẽ phải công nhận một điều: gã lập dị này là một đạo diễn thiên tài. Truyền thông cứ tiếp tục chê Lars Von Trier là một kẻ lắm tài nhiều tật, cái mồm làm hại cái thân nhưng không thể phủ nhận rằng: Cannes mà thiếu Von Trier sẽ mất vui hơn rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét