Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Tống cựu nghinh tân


Văn Thành Lê
Những tờ lịch tháng Chạp càng vơi dần thì không khí càng đầy thêm chất… Tết. Dòng người tất bật ngược xuôi trên mọi nẻo đường, từ nội đô đến nông thôn thời phố hóa, ai cũng nao nao một tâm trạng được lặp lại mỗi năm một lần khi càng đến gần khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới.
1. Làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, có một ngôi nhà tuổi tính bằng thế kỷ, ngay gian giữa có một hoành phi ghi ba chữ Hán đại tự “Tích Thiện đường”. Tháng Chạp, ngôi nhà càng trở nên cổ kính, trầm mặc hơn khi những vạt nắng nhạt nhòa trên ngọn cây mai cổ trước sân. Anh Đỗ Hữu Minh, cháu bốn đời của vị chủ nhân tạo lập ngôi nhà gần hai trăm năm trước, sau khi hương đèn lễ phẩm đưa ông Táo về trời, lại tất bật những công việc theo lệ thường hằng năm để chuẩn bị đón giao thừa.
Cây mai cổ mấy năm trước từng soi mình trên mặt nước hồ tiểu cảnh giữa sân, Tết này tuy có thua hoa hơn mấy Tết trước nhưng được cái là vươn thẳng những cành nhánh khẳng khiu như muốn chạm đến mái ngói rêu phong bên kia khoảnh sân rộng. Hồ tiểu cảnh được làm thời cụ cố anh Minh, giờ đã được san lấp, hòn giả sơn được chuyển qua dựng bên phải ngôi nhà. Anh bảo, thay đổi một chút cho sân rộng hơn và cho hợp với phong thủy - tả Thanh long, hữu Bạch hổ - nói nôm na là bên trái xây hồ, bên phải dựng núi.

Hát tuồng là một trong những cái cũ không bao giờ lỗi thời trong đời sống người dân.TRONG ẢNH: Một cảnh trong đêm diễn tuồng mừng năm mới Giáp Ngọ 2014 tại đình Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Mẹ anh, một trong những con dâu khéo nghề nữ công gia chánh làng Thái Lai, mấy năm trước còn làm mấy thứ bánh cổ truyền, trong đó không thể thiếu bánh tổ - loại bánh dâng cúng tổ tiên ngày tết. Mấy năm nay, sau khi bước qua tuổi bát tuần, bà đã “rửa tay gác kiếm” và con cháu 27 – 28 tháng Chạp về ăn bữa cơm “tống cựu” cuối năm đã không còn mang về nhà riêng của mình chiếc bánh có hình chiếc tổ chim xinh xắn để làm của lễ “nghênh tân” đầu năm.
Anh Minh lo dọn dẹp, trang trí tươm tất từ trong nội thất ra đến ngoại vi ngôi nhà cụ cố mình để lại. Tối ba mươi, sắp đặt lễ phẩm đâu vào đó, anh lên hương đèn rồi trịnh trọng dâng lễ. Đúng giao thừa, chiêng trống các đình làng, chùa chiền quanh vùng gióng lên rộn rã, báo hiệu thời khắc thiêng liêng đã về. Mỗi năm mỗi già đi một tuổi, nhưng chừng như kỳ vọng về những điều tốt đẹp nhất, bình yên nhất mỗi khi Tết đến xuân về vẫn mãi trẻ trung trong cảm thức của anh.
2. Tống cựu nghinh (nghênh) tân vốn nghĩa là đưa cái cũ đi, đón cái mới đến. Các cụ bảo, muốn đón được cái mới thì người đón trước hết phải dọn mình sạch sẽ, tinh tươm, gác lại tất cả những âu lo, bực dọc. Tập tục “tống cựu nghênh tân” thường được chuẩn bị từ sau khi tiễn ông Táo về trời. Đó là lúc mọi người, mọi nhà thu dọn thật sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn thức ăn; vứt bỏ mọi thứ xui xẻo, tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và giành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới.
Một anh bạn giờ mở hiệu kinh doanh bên nước bạn Lào, trước làm nghề thợ mộc, từng là hàng xóm của người viết. “Thợ rèn ăn dao luộc”, câu nói dân gian này nó vận vào đời anh khi Tết nọ, anh đóng nhiều bộ bàn ghế cho thiên hạ “nghênh tân”, nhưng bản thân mình thì chiều 30 vẫn không có được một bộ bàn cho ra hồn để đón năm mới. Hì hục cưa đẽo, đến gần nửa đêm mới xong cái bàn gọi là, anh chỉ vừa kịp tắm táp một chút là pháo giao thừa nổ vang. Sáng mồng Một bạn bè đến thăm, thấy mọi người mắt tròn mắt dẹt trước bộ bàn từ-trên-trời-rơi-xuống, anh cười: Thì cũng phải có cái chi đó “nghênh tân” với thiên hạ chứ!
Tết đó, bạn tôi chỉ độc được bộ bàn nghênh tân, còn nhà cửa thì dọn dẹp qua loa, không có thời gian hớt tóc nên “đầu như đống rơm” đúng theo nghĩa đen cách ví von dân gian. Hơn 30 năm rồi, mỗi lần nhớ đến giao thừa lặng lẽ năm nọ anh không khỏi chạnh lòng. Cũng may là lần đó còn kịp dội được mấy gáo nước để “tẩy trần” trước phút bước sang năm mới – anh nhớ lại, chứ không thì... Có lẽ nhớ mãi cái lần dội nước ngay sát giao thừa mà những năm đón tết Bunpimay của người Lào, anh là một trong những người Việt trên đất nước hoa Chăm-pa nhiệt thành nhất khi tham gia té nước để cầu may mắn, bình yên cho cả năm.
3. Cả nghìn năm rồi, người Việt có lệ đốt hương, xông trầm lúc giao thừa để tống cựu nghinh tân theo truyền thống của dân tộc. Giới tao nhân mặc khách còn làm những câu đối Tết, qua đó giãi bày cảm nhận của mình về buổi giao thừa cũ – mới.
Nguyễn Công Trứ, nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ lỗi lạc, cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp; được thăng quan tiến chức nhiều lần nhưng cũng bị giáng phạt lắm lúc. “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”. Câu đối ông viết (không rõ là từ thuở hàn vi hay trong một lần bị giáng chức) toát lên một thần thái tự tin, lạc quan vào vận hạn đời mình, rằng cái cũ xui rủi sẽ rời xa và cái mới may mắn sẽ đến.
Để đón cái mới may mắn, các cụ dặn con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói những câu thiếu văn hóa… Người lớn cũng không được quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành. Bởi, muốn được ông Phúc vào nhà phải có thái độ cầu thị: giơ tay bồng.
Câu đối Tết của Phạm Trần Anh
Tống cựu nghinh tân, không phải hiểu theo nghĩa cái gì cũ cũng tiễn đưa mà phải tiễn đưa có chọn lọc. Ví như trò dân gian hát bài chòi, một loại hình văn hóa dân gian xứ Quảng, ngày Tết chơi một hội bài không phải là chuyện ăn thua mà là cầu may đầu năm. Hay như hát tuồng (dân gian miền Trung quen gọi là hát bộ hay hát bội), các đình làng có điều kiện rước đoàn hát về phục vụ để bà con ghiền thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc này có điều kiện làm một cuộc “bói tuồng” đầu năm.
Cũ hay mới, cái gì hợp với lòng người, thuận theo lẽ trời và an theo cuộc đất sẽ mãi bền vững cùng thời gian. Con người lúc nào cũng mong ước những điều tốt lành nhất mỗi khi đất trời vào xuân. Như Ernest Hemingway từng viết, “Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt; hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa”, mỗi lần Tết đến, hãy trải lòng ra cùng với đất trời để mùa xuân luôn trổ hoa hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét