Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

THIỂU SỐ SÁNG TẠO - HỌ CÓ ĐIÊN THẬT KHÔNG?

Ngay cả khi bạn thuộc về thiểu số hoặc đơn độc, sự thật vẫn là sự thật”. ~ Mohandas Gandhi
“Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì, nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại là cố gắng làm vừa lòng mọi người”. ~ Bill Cosby

Từ những đốm lửa đầu tiên
Khoảng những năm 1400, Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha từng có lần yêu cầu mọi người tìm cách dựng quả trứng đứng thẳng trên một đầu của nó mà không được dùng cái gì kê ở dưới. Trong khi tất cả các vị quan đang vò đầu bứt tóc thì một thủy thủ trẻ bước đến, đập vỡ một đầu quả trứng và dựng nó lên một cách nhẹ nhàng. Tất nhiên, ruột trứng chảy hết ra và các quan thì vô cùng tức giận.
Nhưng Nữ hoàng thì không. Người chưa bao giờ nói rằng không được đập vỡ trứng, còn các quan thì “mặc định” như thế.
Và Christopher Columbus - một thủy thủ, bằng cách nghĩ bên ngoài chiếc hộp (lần này có lẽ là bên ngoài cái vỏ trứng), đã giải quyết được vấn đề: Ông được Nữ hoàng cung cấp tàu và tiền để bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình. Trong khi tất cả mọi người lúc đó còn khẳng định thể nào rồi ông cũng đi đến “rìa” thế giới và rơi tõm ra ngoài, thì Columbus đã lên tàu đi vòng quanh thế giới đồng thời vĩnh viễn đi vào lịch sử nhân loại.
Khi Galileo Galilei một lần nữa lên tiếng ủng hộ Thuyết Nhật tâm của Nicolaus Copernicus trước Giáo hội, ông liền bị coi là kẻ tà đạo, dám chống lại chân lý của Thánh Kinh và chịu cảnh tù đày. Nhưng thời gian đã chứng minh ông là một nhà bác học vĩ đại.
Giữa lúc định kiến về phân biện chủng tộc vẫn còn phổ biến trong xã hội Mỹ, Abraham Lincoln xuất hiện táo bạo với cương lĩnh xóa bỏ chế độ nô lệ và trở thành Tổng thống thứ 16. Năm năm sau, ở lần đắc cử thứ hai- khi cuộc nội chiến Bắc Nam vừa kết thúc, ông bị kẻ thù ám sát. Tuy vậy sự dấn thân của Abraham Lincoln đã đủ để không chỉ người Mỹ mà cả thế giới phải ngưỡng mộ ông như một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…
Họ là những ví dụ đầu tiên về lớp người tiên phong, dám suy nghĩ vượt ra khỏi cái hộp (out of the box thinking), vượt ra khỏi giới hạn của định kiến thông thường. Họ chứng minh một cách rõ ràng, không phải lúc nào đa số cũng tạo nên lịch sử. Và ngược lại, đôi khi chính những cá nhân quả cảm dám bảo vệ lý tưởng của mình trước số đông lại là động lực đưa xã hội tiến lên.
Cho tới “suối nguồn
Trong “Một nghiên cứu về Lịch sử” (A Study of History), Arnord J. Toynbee đã nhắc đến những người góp phần vào nền văn minh như một số ít những người sáng tạo, một nhóm nhỏ với tên gọi thiểu số sáng tạo. Bất chấp những phản đối và ngờ vực của đám đông, thiểu số sáng tạo càng ngày càng tiến lên và trở thành những người dẫn dắt xã hội.
Rất nhiều những ví dụ sống động minh chứng cho sức sống bất tận của nhóm người này: 
Trước khi phát minh ra bóng đèn dây tóc “thắp sáng cả thế giới”, Thomas Edison từng bị đuổi học vì thầy giáo cho rằng “học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”; 
Hai anh em nhà Wright tiếp tục chứng minh họ không “lập dị” khi đáp chuyến máy bay đầu tiên của loài người; 
Bất chấp việc các ngân hàng từ chối cấp vốn cho kế hoạch “điên rồ” của mình, Henry Fords vẫn sản xuất ra chiếc ô tô động cơ đốt trong đầu tiên trên thế giới; 
 Steve Jobs, con người sinh ra như để thách thức tất cả những quy luật thông thường, kẻ chấp nhận “thả làm hải tặc còn hơn làm hải quân” cuối cùng đã sống mãi trong lòng những người yêu mến ông; 
Hay Mark Zuckerberg - chàng sinh viên bỏ học tưởng “gàn dở” nhưng đã tạo ra một thế giới “không hề ảo” mà ở đó con người ta có thể làm được những việc họ chưa bao giờ nghĩ tới: kết nối, chia sẻ, cảm thông…tất cả chỉ cần với một thiết bị kết nối Internet.
Ngay cả Nhân vật của Thế kỷ XX theo bình chọn của Tạp chí Times - Albert Einstein cũng thừa nhận: “Tôi đích thực là một kẻ ‘thu mình’, kẻ chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về nhà nước, quê hương, bạn bè… Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên và vô tư, nhưng bù vào đó, anh ta lại luôn độc lập trước những quan điểm, thói quen và sự phán xét của người khác, và không để mình dễ bị chao đảo trên cái nền tảng không lấy gì làm vững chắc đó.”
Dù sự thật, không ít người trong số họ đã phải trả giá cho sự đơn độc chống lại đám đông của mình. Nhưng chính nhờ họ, bánh xe lịch sử đã được mở ra, cao hơn, xa hơn, rộng hơn với những chiều kích mới.
Và câu chuyện niềm tin
Gần đây, người viết được nghe nhiều về khái niệm “khủng hoảng niềm tin”. Từ khủng hoảng kinh tế manh nha dần tới những méo mó của nhiều giá trị hữu hình, dần dần thứ giá trị vô hình là “niềm tin” cũng bị tác động. Trong đó, bộ phận dễ bị tổn thương nhất với ít trải nghiệm không đâu khác chính là lớp trẻ. 
Điều đáng buồn, đáng lẽ đây phải là bộ phận sáng tạo nhất, căng tràn sức sống nhất và tiềm năng nhất cho những điều mới mẻ. Tuy nhiên như lịch sử đã chứng minh, và người viết cũng một lần nữa tin tưởng, bên cạnh những cá nhân đang “khủng hoảng”, rõ ràng vẫn sẽ có những “thiểu số”- vững vàng, kiên định và tiên phong trên hành trình từ nhỏ nhất là thay đổi chính họ cho tới những điều lớn lao hơn.
Cũng như sau đêm đông dài, mùa xuân sẽ luôn trở về. Xin nhắc lại lời khẳng định của Steve Jobs về những con người như thế, hy vọng sự sáng tạo bất tận của họ sẽ tiếp tục lan tỏa.
Và thế giới sẽ tiếp tục được thay đổi - Theo hướng tốt đẹp hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét