MẤY NGUYÊN TẮC VỀ KHOA HỌC CON NGƯỜI
TRẦN VĂN TOÀN
Mấy ý kiến sau đây không đứng trong phạm vi khoa học, không có tham vọng chỉ bảo cho các nhà khoa học phải làm thế này hay thế kia để đạt tới chân lý. Mà chỉ bảo làm sao được, trong khi có nhiều khoa học nghiên cứu theo nhiều phương pháp những đối vật khác nhau, với những kết quả có tính cách tạm thời, trong khi có lẽ chẳng có ai quán xuyến được tất cả các khoa học, và nhất là trong khi người ta chưa hẳn là đã đồng ý với nhau để hiểu thế nào là khoa học, thế nào là chân lý.
Bài viết này thuộc về phạm vi tri-thức-luận (épistémologie), hiểu theo một nghĩa có định giới hạn hẳn hoi. Nó không có ý bàn về bất cứ tri thức nào, nhưng có ý bàn riêng về tri thức khoa học, hiểu theo quan niệm của các nhà nghiên cứu khoa học. Vì thế không phải bất cứ cái gì mà người này hay người kia gọi là khoa học, để cho nó có uy tín, đều là khoa học theo như nghĩa đó. Một ví dụ : khi Friedrich Engels, người đồng chí của Karl Marx, gọi học thuyết cộng sản là « xã hội chủ nghĩa có tính cánh khoa học ». Lại một ví dụ khác : ngày nay khi nhà Phật truyền bá đạo Phật cho người Âu Mỹ đã quen với tư tưởng và hoạt động khoa học từ nhiều thế kỷ, thì thay vì nói rằng đạo Phật là một triết học hay là một tôn giáo, thì có một số Phật tử lại quả quyết rằng đạo Phật là một khoa học căn cứ vào kinh nghiệm. Nói như thế là có ý cao tuyên rằng các học thuyết ấy là chân lý vững bền, đồng thời cũng chủ trương rằng ai không theo như thế thì hoặc là đi ra ngoài hướng đi của lịch sử, hoặc là còn đang ở trong tình trạng « vô minh ». Nói vậy, nhưng ai nấy đều thừa biết rằng các chủ trương ấy không phải là khoa học và tự nó cũng chẳng phát sinh ra được khoa học nào như các môn toán học, vật lý học hay là hóa học.
Triết gia Karl Popper chủ trương một cách khiêm tốn rằng những mệnh đề khoa học chỉ là những điều phỏng đoán (conjectures) chưa bị thực nghiệm đánh đổ. Nếu hiểu khoa học như thế theo tiêu chuẩn của Popper [1]– như sẽ nói tới sau đây – thì chưa chắc người ta đã tranh nhau để giới thiệu lập trường của mình như là khoa học !
Vì thế thiết tưởng cần phải xác định quan niệm về khoa học và về chân lý, để tránh cho người nghe khỏi bị lầm, nếu không phải là bị lừa. Muốn tránh không lẫn lộn tất cả thì chỉ có một cách là phân biệt. Vậy bài này sẽ đề cập đến những khái niệm có sẵn – nhưng thường không nói ra – khi người ta đi vào tri thức khoa học. Ta sẽ nói tới khái niệm chân lý ; rồi đến khái niệm khoa học ; sau đó thì nói qua về khoa học về thiên nhiên ; và sau cùng thì đề cập đến khoa học về con người.
1. KHÁI NIỆM CHÂN LÝ
Ta thường nghe những người có ăn học nói rằng : Chân, Thiện, Mỹ, là ba mục tiêu của đời người. Một là biếtsự thật, biết thế nào là chân lý ; hai là làm điều lành, điều thiện ; ba là cảm cái đẹp, thẩm mỹ. Nhưng đó là nói một cách tổng quát, trừu tượng, chứ thực ra trong đời sống thường nhật người ta quen theo đuổi những cái cụ thể hơn, ví dụ như tìm những cái gì hữu ích, hữu hiệu, những cái làm cho mình sung sướng thoải mái, và cho rằng như thế là phải. Chữ phải ở đây lại có nhiều nghĩa : có thể có nghĩa là đúng, đúng thật, chứ không sai, không giả ; nhưng lại cũng có nghĩa là không trái, không đi ngược lại luân thường đạo lý hay phong tục tập quán. Dùng chữ phải như thế là thiếu minh bạch. Đã thế vấn đề lại còn mơ hồ hơn nữa, nếu ta thêm vào đó một vài quan niệm bí hiểm, chủ trương rằng cái mà phàm nhân cho là cái có, cái thật, thì tựu trung, đối với những vị thượng trí siêu phàm, cũng chỉ là cái không, cái giả, y như trong giấc mộng của Trang Chu, người trong cuộc không có cách biết đâu là thực, đâu là hư, đâu là sắc, đâu là không . Nếu quả là như thế thì vấn đề chân lý thành ra vô nghĩa, mà rồi cũng không có cơ sở gì để đặt vấn đề khoa học nữa.
Nhưng chẳng lẽ lại không có chân lý ?
Nói rằng không có chân lý, đó là một câu nói tự mâu thuẫn (self defaiting utterance). Nhà tư tưởng Aâu châu Thomas người thành Aquino (Ý, 1225-1274) lập luận như sau : « Có chân lý, đó là sự hiển nhiên, vì ai nói rằng không có chân lý thì chính người ấy đã thừa nhận rằng có chân lý rồi ; thực vậy, nếu không có chân lý, thì ít ra cũng có một điều thật, đó là câu « không có chân lý » ; một khi đã nhận một điều gì là thật, thì cũng phải nhận là có chân lý » [2]. Vì thế khi người ta chỉ theo đuổi những cái hữu ích, hữu hiệu, làm cho mình được sung sướng hạnh phúc, thì tuy không nói ra, người ta vẫn đinh ninh rằng có thật như vậy.
Nhưng chưa hết vấn đề. Vì ai cũng thấy rằng có nhiều thứ chân lý khác nhau, chống chọi nhau, như chân lý trong đời sốâng thường nhật, chân lý khoa học, chân lý triết học, chân lý tôn giáo, nghĩa là có nhiều phạm vi chân lý khác nhau, căn cứ vào những tiêu chuẩn khác nhau. Nếu không biết phân biệt như thế thì rất dễ gây ra cạnh tranh một cách thật là vô lý và nguy hiểm : nếu ta phải, thì người khác sai ; nếâu họ không theo như ta, thì một là ngu dốt, hai là cố chấp ; ngu dốt thì phải được dạy bảo, cố chấp thì phải trừng trị ! Biết bao nhiêu bạo động đã được áp dụng vì người ta theo luận điệu như thế.
Muốn phân biệt thì thiết tưởng phải chia ra hai loại chân lý.
Loai thứ nhất gồm những chân lý thuộc về phạm vi tri thức khoa học về sự vật[3], có thể minh chứng[4] hay làcó thể kiểm chứng[5]. Những chân lý loại này có tính cách phổ thông, nó là của chung mọi người, chứ không phải là của riêng ai. Cho nên không ai hi sinh mạng sống của mình để bênh vực cho một chân lý như « hai với hai là bốn », cũng không ai dùng tuyên truyền hay võ lực để cổ võ cho chân lý ấy. Muốn thuyết phục người khác, chỉ có một cách là minh chứng hay kiểm chứng mà thôi.
Loại thứ hai gồm những chân lý thuộc về phạm vi hành động, nó là động lực cho sự dấn thân của người ta trên bình diện đạo đức hay là tôn giáo, ví dụ như lòng trung với vua, với nước, với vợ, với chồng, với bằng hữu, lòng hiếu với cha mẹ, v.v. Thái độ trung thành là do ý chí con người có lập trường, muốn làm chủ tương lai của mình, chứ không tùy gió phất cờ, không tùy theo nước xuôi dòng, không chịu để cho các biến cố ngoại lai hoàn toàn định hình cho vận mệnh của mình. Những chân lý ấy làm cho người ta sống có ý nghĩa, nhưng lại không có tính cách phổ thông, không minh chứng được, không kiểm chứng được. Muốn thuyết phục được người khác, chỉ có một cách là đem thân ra, đem nếp sống của mình ra mà chứng thực. Tuy vậy nếu phải bỏ nó, người ta có cảm giác như là đánh mất một phần bản thân mình, vì thế người ta rất dám hi sinh mạng sống để giữ lấy lập trường của mình. Đây là loại chân lý gắn liền với bản thân, nhưng không phải vì thế mà người ta không quan tâm đến các chân lý khách quan, minh chứng được hay kiểm chứng được. Chính vì lẫn lộn hai phạm vi, và vì không thuyết phục nổi người khác, cho nên trong phạm vi này người ta hay có khuynh hướng muốn dùng võ lực để bó buộc người khác theo lập trường của mình, như người nhà quê ta thường nói : già đòn non nhẽ (lẽ).
Sau khi phân biệt hai loại chân lý, cần phải xác định tiêu chuẩn để nhận ra chân lý. Người ta thường đưa ra mấy tiêu chuẩn, như : sự việc hiển nhiên, trực giác của cá nhân, mọi người đồng ý vì cùng có trực giác và cùng lý luận như nhau, uy tín của sư phụ có cao kiến hơn mình, v.v. Sau đây chỉ xin đặt vấn đề về tri thức khoa học mà thôi.
2. KHÁI NIỆM KHOA HỌC
Như vừa nói trên đây, nếu không tin là có chân lý thì không thể đặt vấn đề tri thức khoa học, vì khoa học nhằm biết đích xác sự vật. Tuy vậy giữa cái lý tưởng khoa học và những cái sở đắc của khoa học, thì ai cũng thấy là có chênh lệch rất nhiều. Vì thế khi nói đến khoa học, cần phải phân biệt cho rõ là mình nói về cái lý tưởng khoa học, hay là về những điều sở đắc cụ thể của khoa học. Sau đây sẽ nói về lý tưởng khoa học và về các loại khoa học khác nhau. Tiếp theo đó sẽ xem các loại khoa học làm thế nào để đạt đích.
Khái niệm khoa học đã được thành hình trong lịch sử tư tưởng Aâu châu, như là một lý tưởng mà các khoa học về các đối vật khác nhau phải nhằm tới.
Nói chung thì các dân tộc đều nhận định rằng có cái biết hời hợt trong đời sống hằng ngày, và có cái biết sâu xa, đi thấu vào chân tướng hay là chân tính của sự vật. Người Hi-lạp thời Thượng-cổ gọi cái trước là đoxa, tức là dư-luận, vì nó hay thay đổi, không vững chắc, và họ gọi cái sau là êpistêmê, nghĩa là tri thức hay là khoa học, và quan niệm rằng nó là tri thức có nền tảng, vững chắc và bất biến. Người La-tinh dịch là scientia, chữscience của người Anh người Pháp, hay chữ Wissenschaft của người Đức cũng là theo quan niệm đó. Triết gia Platon (429-347 trước TLKN) chủ trương rằng chỉ những tri thức về những đối vật hằng-hữu, bất biến, như những Ý-tưởng, Ý-niệm, mới có thể gọi là khoa học ; còn kiến thức về những đồ vật hay đối vật luôn luôn biến đổi, vô thường, thì không thể gọi đó là khoa học được.
Tiếp theo quan niệm phổ thông đó thì khái niệm khoa học đã được người Aâu châu dần dần xác định.
Vào thời Cận-đại, lúc mà khoa học bắt đầu được thành hình với những qui tắc rõ rệt, thì Descartes (1596-1650), vừa là triết gia vừa là nhà khoa học, định nghĩa trong sách Những qui tắc hướng dẫn trí khôn như sau : « Qui tắc thứ II : Khoa học là tri thức vững chắc và hiển nhiên »[6]. Ông lý luận tiếp như sau : « Thực vậy, nếu ta áp dụng đúng qui tắc đó thì những cái mà ta có thể nghiên cứu một cách khoa học thực ra chẳng có là bao nhiêu (…) Nếu tôi suy luận đúng, thì trong các môn học mà ta biết, ta chỉ có thể áp dụng qui tắc đó vào môn số-học, và kỷ-hà-học (hình-học) mà thôi » (tr 40). Lý do là « vì hai môn đó có đối vật đơn thuần, không có thể bị kinh nghiệm pha vào làm cho kém phần chắc chắn, và vì hai môn đó hoàn toàn chỉ là một chuỗi những hậu quả mà ta lý luận ra » (tr 41). Như thế có nghĩa là đối với Descartes chỉ có những môn học về hình thức lý tưởng (sciences formelles), như toán học và luận-lý-học, không có nội dung vật chất, mới đáng gọi là khoa học. Thật đúng như quan niệm của Platon : tri thức về vật chất khả giác không thể gọi là khoa học được, vì nó ở trong phạm vi vô thường, không có gì là chắc chắn.
Nói thế nhưng Descartes không phải là không biết đến các môn như vật-lý-học, v.v. Oâng kết luận qui tắc thứ II như sau : «Thực ra kết luận ở đây không phải là : chỉ cần học số học và hình học mà thôi, nhưng làthế này : những ai muốn tìm con đường đi thẳng tới chân lý thì không được quan tâm đến những cái gì mà mình không có thể biết chắc được như trong những lập luận minh chứng của số-học và hình-học » (tr 42).
Có thể nói là khoa học do người Aâu châu quan niệm thì dựa vào căn bản triếât học của Platon. Vẫn biết là khoa học có tính cách thực nghiệm, nhưng kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thường nhật, tự nó không đưa tới khoa học. Lý do là vì nó ở trong phạm vi vô thường, luôn luôn biến đổi, có chồng chất mãi lên cũng không bao giờ cùng, không bao giờ đưa tới kết quả vững chắc. Muốn thế, phải vượt lên trên những đối vật vô thường, để tổng-quát-hóa thành những đối vật lý tưởng, bất biến, rồi xác định liên quan, để đoán ra một thế giới lý tưởng. Như vậy, tuy không phải là đối vật lý tưởng, như trong toán-học và luận-lý-học, nhưng những đối vật của khoa học thực nghiệm cũng gần giống như thế, vì chúng là những đối vật lý-tưởng-hóa.
Chính vì tri thức khoa học là một cấu trúc lý tưởng, được xây dựng lên từ các sự kiện đa tạp và vô thường, cho nên không thể coi nó là phản ảnh của sự vật trong đầu óc của ta. Đi xa hơn tí nữa, ta có thể nói rằng khoa học tự xây dựng nên chân lý của nó, bằng cách tựa vào các sự kiện vô thường mà lập ra sự kiện lý tưởng, có ranh giới được xác định rõ ràng, rồi đặt ra tiêu chuẩn làm việc, tìm ra các định luật là liên quan lý tưởng giữa các sự kiện ấy, và tiêu chuẩn kiểm chứng, sao cho mọi người có thể đồng ý được.
Như vậy, tuy gọi là khoa học thực nghiệm, nhưng cái đặc sắc của khoa học là tính cách lý tưởng, tổng quát. Muốn tới lý tưởng ấy thì phải đưa thực nghiệm lại gần toán pháp. Cho nên từ thời Phục-hưng, khoa học của người Aâu châu đã theo quan niệm của Descartes và Galilei (nhà toán học, vật lý học và thiên văn học, 1564-1642) và chủ trương dùng các cơ cấu toán pháp để lên khuôn cho thực tại, nghĩa là dùng phép đo lường để mô tả sự vật, viết lên thành những con số, rồi so sánh các con số để nhận ra tỷ lệ, và đưa các tỷ lệ chung lên thành định luật khoa học. Đo lường ở đây là đo lường thể chất bên ngoài của sự vật, và đo lường theo ba phương hướng : về không gian thì đo xem dài vắên là bao nhiêu phân, về trọng lượng thì đo xem nặng nhẹ là bao nhiêu gờ-ram, về thời gian thì đo xem lâu mau là bao nhiêu giây đồng hồ. Người Pháp nói rằng như thế là theo hệ thống CGS (centimètre, gramme, seconde).
Nói thế khác, các hiện tượng trong trời đất, thay vì được xét về phẩm thể (qualité) để xem nó là gì, thì từ nay được mô tả theo lượng thể (quantité) để biết nó là bao nhiêu. Như thế tức là hạn chế những yếu tố do cảm giác chủ quan về phẩm thể, như : nóng-lạnh, mau-chậm, nặng-nhẹ, xanh-đỏ, sáng-tối, vì rằng những cảm giác ấy có tính cách tương đối, người này không cảm thấy như người kia, lại mơ hồ ; muốn rõ ràng thì phải nói : nóng bao nhiêu độ, tốc độ một giờ là bao nhiêu cây số, nặng bao nhiêu cân, tần số làn sóng điện tử là bao nhiêu, v.v. Càng hạn chế được yếu tố chủ quan thì người ta càng dễ đồng ý với nhau hơn, và đó là một thành phần của khái niệm « khách quan » trong khoa học.
Phép đo lường lại chuyển những nguyên lý tổng quát thành những định luật xác đáng, ví dụ thay vì nói một cách chung chung, một cách mơ hồ, theo như nguyên lý nhân quả (principe de causalité), mà ai nấy đều thừa nhận[7], rằng : cái gì cũng có nguyên nhân, thì xướng ra định luật nhân quả (lois causales), nói rõ là nguyên nhân loại A này thì đưa tới hậu quả loại B kia, theo tỷ lệ như thế nào, rồi đặt ra cách thức kiểm chứng. Cũng cần phải nói thêm là vì có nhiều thứ đối vật nghiên cứu, cho nên người ta phân loại ra làm nhiều thứ khoa học theo những phương pháp khác nhau. Nói rõ hơn, khoa học về con người, linh ư vạn vật, tất nhiên là phải khác khoa học về sự vật vô linh[8].
Từ hơn 20 thế kỷ, người Aâu châu đã phân loại các môn học theo nhiều kiểu, và có những kiểu rất phiền toái. Sau đây chỉ xin đan cử ra ba lối phân loại vừa có ý vị, vừa gần chúng ta hơn.
Thứ nhất : Auguste Comte (1798-1857). Oâng này là người Pháp, đã viết Khóa trình về triết học thực nghiệm (Cours de philosophie positive), trong đó các khoa học được phân loại vừa theo thứ tự xuấât hiện trong thời gian, vừa theo thứ tự tiến triển. Cái ưu điểm của ông là đã để ý đến thứ tự, phải có cái đơn sơ ra trước, rồi mới có cái phức tạp đến sau. Kết quả như sau :
1) Toán học (mathématique),
2) Thiên văn học (astronomie),
3) Vật lý học (physique),
4) Hóa học (chimie),
5) Sinh lý học (physiologie),
6) Xã-hội vật-lý-học (physique sociale) hay là xã hội học (sociologie).
Điều đáng chú ý là ông gọi ba môn, thiên-văn-học, vật-lý-học và hóa-học là khoa học về những vật vô-cơ-thể, và gọi hai môn sinh-lý-học và xã-hội-học là khoa học về những vật hữu-cơ thể.
Thứ hai : Jean Piaget là nhà tâm-lý-học Thụy-sĩ đã nghiên cứu về tâm-lý-học và về luận-lý-học, ông lấy lại các khoa học do Comte đã liệt kê, nhưng ông nới rộng toán-học thành ra một ngành bao gồm cả toán học lẫn luận-lý-học, lại nới rộng sinh-lý-học ra thành sinh-vật-học (biologie), rồi thêm vào sổ đó một khoa học mới, mà ông là chuyên gia, đó là tâm-lý-học (psychologie), đồng thời xếp 7 khoa học đó làm 4 loại là :
I- Luận-lý-học và toán-học,
II- Vật-lý-học và hóa-học,
III- Sinh-vật-học,
IV- Tâm-lý-học và xã-hội-học (tức là hai khoa học về con người).
Thứ ba : Jean Ladrière, triết gia đương thời, người Bỉ, cựu giáo sư tại Louvain, chuyên về triết lý khoa học [9][9]. Oâng này căn cứ vào lối phân loại của Piaget, nhưng ông gọi loại I của Piaget là những khoa học về hình-thức lý tưởng (sciences formelles), xếp loại II và loại III thành một loại mới và gọi là những khoa học vừa thực nghiệm vừa có hình thức lý tưởng (sciences empirico-formelles)[10] [10], còn loại IV là khoa học về con người thì gọi chung là các khoa học thuyên-thích (sciences herméneutiques). Cái đặc điểm của khoa học về con người « linh ư vạn vật » là ở chỗ bao giờ cũng phải thuyên thích, phải giải thích, phải tìm hiểu ý bên trong (ý kiến, ý định, ý nghĩa) thì mới hiểu được tác động và cử chỉ quan sát được ở bên ngoài. Tóm lại có ba loại khoa học như sau :
I- Khoa học về hình-thức lý-tưởng,
II- Khoa học về thiên nhiên, vừa thực nghiệm, vừa có hình thức lý tưởng,
III- Khoa học thuyên-thích, tức là khoa học về con người.
Cái ưu điểm của lối phân loại này là vừa đơn giản, lại vừa nói lên được cái đặc sắc của mỗi loại khoa học nói chung, và của khoa học về con người nói riêng. Nhưng thiết tưởng trong khoa học loại II về thiên nhiên, cũng cần phải theo như Jean Piaget mà phân biệt những vật vô cơ thể với những vật hữu cơ thể, nhất là những vật có cảm giác và biết tự động như loài vật.
3. KHOA HỌC VỀ THIÊN NHIÊN
Ở đây ta không đề cập đến các khoa học về hình thức lý tưởng, nhằm suy luận sao cho tránh được mâu thuẫn, theo nguyên lý phi mâu thuẫn (principe de non-contradiction), nhưng tự nó không cho ta biết gì cụ thể về thế giới hình sắc. Tuy nhiên cần phải có hệ thống toán học và luận lý học làm như rường cột, như bộ xương, thì mới có thể tổ chức những sự kiện rời rạc, vô thường, mà ta quan sát được trong thế giới hình sắc, thành ra một thế giới « hữu thường », vận chuyển đều đều, làm cho ta có thể tính toán để thực hiện các dự định trong đời sống thường nhật.
Thực ra, trong đời sống thường nhật, con người ta đã nhận ra là các sự vật trong trời đất không phải là hoàn toàn vô thường, nhưng vận chuyển một cách khá đều đều, và mình theo như thế mà trù tính, mà đặt ra kế hoạch hành động. Như thế sống đã là tìm cách vượt lên trên những yếu tố hỗn độn và vô thường. Tiếp theo vào đó, khoa học về thiên nhiên một đàng thì quan sát kinh nghiệm cho có qui củ, một đàng thì tìm hiểu cho rõ tính cách đều đều đó, theo phương pháp lý sự, để đùưa ra những định luật. Cho nên khoa học về thiên nhiên là loại khoa học về những sự vật vô-linh ở bên ngoài con người, nó vừa phải có tính cách thực nghiệm, lại vừa phải có hình thức lý tưởng.
Về mặt hình thức thì dĩ nhiên là phải theo nguyên lý phi mâu thuẫn giữa các hiện tượng đồng thời xảy ra. Nhưng giữa các hiện tượng không đồng thời, thì người ta phải tìm cho ra mạch lạc, phải nhận xét rằng có cái này thì mới có cái kia, có nguyên nhân thì có hậu quả, cho nên ai muốn được hậu quả thì phải đặt ra nguyên nhân. Chứ nếu bất cứ cái gì cũng có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân, thì thế giới hỗn độn, không sao hiểu được. Như thế có nghĩa là nguyên lý nhân quả (principe de causalité) đã sẵn được mọi người công nhận và áp dụng trong đời sống, trước khi nhà Phật nêu ra như là một lý thuyết mới mẻ.
Nguyên lý nhân quả nói lên rằng : không có cái gì mà không có nguyên nhân, hay nói thế khác : cái gì cũng có nguyên nhân. Đây là một nguyên lý (principe), tức là cái lẽ mà ta nhận ngay từ đầu, chứ không phải là một định luật (loi) mà ta căn cứ vào thực nghiệm mà lập nên, vì lý do là chưa có ai quan sát được tất cả các sự kiện trong trời đất, để rồi chứng thực rằng cái gì cũng có nguyên nhân.
Nhưng, như đã nói vắn tắt trên đây, nếu chỉ biết có nguyên lý nhân quả thì vẫn còn là mơ hồ, chưa có thể tới khoa học được. Thực vậy, tuy ai cũng nhận rằng có quả thì phải có nhân, nhưng như thế thì ngay trong đời sống thường nhật cũng chưa đi đến đâu cả, vì người ta có thể từ một hậu quả mà luận bừa bãi ra một nguyên nhân không đâu, ví dụ như nói rằng mình phải tai ương là vì, như người ta thường nói : « ra đường gặp gái » ; ví dụ khác : người trong làng bị ốm đau là vì khi người Pháp xây đường xe lửa đã chạm vào « long mạch », v.v. Vấn đề là phải tìm cho ra đích xác và có chứng cớ quả nào thì nhân nào, nhân nào thì quả nào. Nhưng như thế cũng lại chưa đi đến đâu, vì nếu mỗi quả có riêng nhân của nó, thì kinh nghiệm quá khứ không có thể cho ta biết được liên quan giữa những nhân và quả sẽ có trong tương lai, nhất là nếu liên quan nhân quả chỉ là ngẫu nhiên, vô thường hay là thất thường, nay thế này mai thế khác.
Vì thế muốn có khoa học thì nguyên lý nhân quả phải đi kèm một nguyên lý khác, mà tôi tạm gọi đó là nguyên lý hữu thường hay là hữu luật (principe de légalité), theo nguyên lý này ta tiên nhận rằng vạn vật vận chuyển một cách điều hòa. Hai nguyên lý đó hợp với nhau làm thành nguyên lý tất-định (principe du déterminisme), có thế người ta mới có ý kiến là đi tìm những định luật (lois) điều khiển vạn vật. Cần phải nói ngay rằng như thế là ta quan niệm sự vật có thể được xếp thành từng loại, và định luật sẽ nói lên rằng những nhân thuộc về loại này thì sinh ra những quả thuộc về loại kia ; chứ nếu cho rằng mỗi sự vật là riêng biệt, không có gì chung với một sự vật nào khác, thì việc tìm định luật chung cũng thành ra vô nghĩa.
Đó là những nguyên lý làm nền tảng cho hoạt động khoa học về thiên nhiên. Nhưng tôi xin dừng lại ở đây, chứ không đi vào chi tiết của hoạt động riêng cho từng khoa học, không đi vào phương pháp thực nghiệm, quan sát, thành lập các định luật nhân quả, thí nghiệm để thử xem có đúng hay không, rồi thu các định luật đã được kiểm chứng vào trong một lý thuyết (théorie), vì đó là thuộc về phạm vi của môn tri-thức-luận, hay là khoa-học-luận (épistémologie).
Tuy khoa học bắt đầu từ nguyên lý nhân quả, nhưng cũng chính vì tính cách thực nghiệm, thực dụng, của nó, cho nên người ta sinh ra nghi kỵ chính cái khái niệm nhân-quả, nhân sinh ra quả. Vì lẽ rằng cái nguyên nhân đã là hậu quảø của một nguyên nhân trước, và cái hậu quả lại có thể thành nguyên nhân cho hậu quả khác ; rồi thêm vào đó, một sự kiệân xảy ra lại thường có nhiều hiện tượng đi trước, cho nên không thể nói đích xác cái gì là nguyên nhân, cái gì là hậu quả. Thành ra người ta ngại không muốn dùng khái niệm nhân quả vì nó có tính cách siêu hình, và thường dùng khái niệm điều kiện (condition) : cái đi trước (antécédent) là điều kiện để có cái đi sau (conséquent). Rồi người ta phân biệt ra hai thứ điều kiện : điều kiện cần thiết, không có không được (condition nécessaire, condition sine qua non) và điều kiện vừa đủ (condition suffisante). muốn làm ra một hiện tượng, thì phải đặt ra được điều kiện vừa đủ làm ra nó ; còn khi muốn tránh một hiện tượng, thì chỉ cần thiếu đi một (trong nhiều) điều kiện cần thiết [11][11].
Đến đây thiết tưởng cũng nên nói thêm ít nhiều về chủ trương của Karl Popper vềû chân lý khoa học thực nghiệm. Nhà khoa học định rõ giới hạn sự kiện mình quan sát, rồi sau khi đã quan sát một số sự kiện thì dùng phép qui nạp (induction) mà đặt ra một định luật tổng quát có giá trị đối với tất cả các sự kiện cùng một loại như thế. Ai cũng nhận ngay ra rằng những sự kiện đã quan sát được, so với các sự kiện đã và sẽ xảy ra mà mình không thể quan sát được, thì chỉ là một phần rất nhỏ, xét về mặt thống kê thì thật là không đáng kể, nhưng chính vì theo nguyên lý hữu thường, theo nguyên lý tất định, nhà khoa học đoán rằng định luật khoa học đó có thể có giá trị tổng quát cho tất cả các sự kiện cùng loại.
Đoán như thế, nhưng không thể biết chắc được, cho nên phải tiếp tục thí nghiệm để thử xem có đúng thật hay không, nhưng thí nghiệm bao nhiêu đi nữa thì vẫn không sao thử được tất cả các sự kiện. Dĩ nhiên là khi gặp một sự kiện không theo như định luật ấy, thì định luật phải đưa ra xét lại. Vì thế, về mặt lý thuyết thì Popper nói đúng : định luật chỉ là một điều phỏng đoán chưa bị kinh nghiệm lay đổ. Những điều sở đắc của khoa học không có tính cách chắc chắn như những luật toán pháp. Thế mới hay : lý tưởng khoa học đề ra thì thật là cao, nhưng khi nhìn về những điều sở đắc của khoa học thì các nhà khoa học đều có thái độ khiêm tốn, không dám cho là chân lý vĩnh viễn.
Nhưng lạ thay : trong thực hành thì ta cứ dùng các định luật như thế mà tạo ra máy móc hữu hiệu, làm tầu bè làm hỏa tiễn đưa lên cung trăng. Đó mới là điều huyền diệu, không biết vì đâu mà giữa trí óc của ta và thế giới bên ngoài hình như có tương ứng. Nhưng tuy vậy ta cũng phải khó nhọc mới tìm ra các định luật khoa học, cho nên không thể nói một cách duy tâm rằng sự vật bên ngoài chỉ là do trí óc ta tạo nên.
Nhận xét về khoa học thiên nhiên
Điều nhận xét thứ nhất là : khi đo lường người ta chỉ xét đến trọng lượng, hình thể trong không gian và thời gian, cho nên các sự vật rất khác nhau đều được nhìn theo một quan điểm như nhau. Ví dụ khi học về tốc độ của một vật từ trên cao rơi xuống, thì không cần phải phân biệt vật ấây là một hòn đá, một quả tạ, một quả bom, hay là một con vật sống động.
Điều nhận xét thứ hai là khi nhìn tất cả mọi vật như là đồ vật hay là sự vật (objet), hạn chế những cảm giác chủ quan, thì, như đã nói trên đây, người ta dễ đi đến chỗ đồng ý với nhau, cho nên coi như thế là cái nhìn khách quan (objectivité). Do đó, vì lý do ngôn ngữ, người Aâu châu thường có khuynh hướng cho rằng khi nghiên cứu về con vật hay con người, thì chỉ cần đo lường dài vắn, nặng nhẹ, mau chậm, như đồ vật (objet), mà không xét gì đến cảm giác và tư tưởng, thì mới là khách quan (objectif). Vì thế khi học về con người thì có một số nhà tâm lý học thuộc nhóm « duy cử động » (behaviourism) chủ trương là chỉ đo lường bên ngoài một cách « khách quan », chứ không được đoán xét gì về nội tâm « chủ quan », vả lại làm gì có nội tâm !
Thực ra « chủ quan » là thái độ « duy tâm » hay « duy thức » của ta, khi ta cho rằng vạn vật bên ngoài chỉ là do cái « tâm » của ta tạo ra [12] chứ không có thật như thế, hay là khi ta gán cho sự vật bên ngoài những tình cảm và dự định của ta, như khi một thi-gia, mà tôi không nhớ tên, viết : « Lá sen tan tác trong đầm, Nặng mang giọt ngọc âm thầm khóc hoa ». Nhưng nếu đối vật mà ta nghiên cứu lại không phải là một đồ vật, một sự vật, mà là một nhân vật, có cảm giác, có tư tưởng, biết đối thoại với ta, và đôi khi còn biết ngấm ngầm chống đối và hại ta, thì chẳng lẽ cứ đo lường thể chất bên ngoài như một đồ vật mới là khách quan ? Nói cho cùng thì nếu trong đời sống thường nhật ta đối thoại với người khác, coi họ là có ý kiến, có tư tưởng, có dự định, có ẩn ý nhiều khi khó mà đoán cho ra, mà khi nghiên cứu ta lại cứ nhất định coi họ như chỉ là đồ vật, thì chính cái thái độ ấy của ta là chủ quan, nếu đó không phải là vì ta muốn tránh một vấn đề khó giải quyết.
Trước khi bàn tới khoa học về con người, thiết tưởng cần phải phân biệt ra hai hạng khoa học về thiên nhiên, như Jean Piaget đã làm, nghĩa là phân biệt những vật hữu-cơ-thể ra ngoài những vật vô-cơ-thể. Những vật vô cơ thể thì thuộïc về phạm vi vật lý học, gồm từ thiên văn học (về những vật rất lớn) cho đến hóa học và nguyên tử học (về những vật rất nhỏ). Còn những vật hữu cơ thể thì thuộc về sinh vật học. Vẫn biết là có một số người cho rằng sinh vật học chỉ là một loại vật lý học và hóa học mà thôi, vì lẽ có thể dùng các khoa học đó để giải thích bộ xương khớp xương, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, v.v. Nhưng khi giải thích thái độ, cử chỉ, hoạt động của con vật đi tìm mồi, chạy trốn khi bị nguy, giao cấu để sinh sôi nảy nở, thì không dễ gì. Chẳng lẽ loài vật tìm đến gần nhau là theo luật « vạn vật tương hấp » (attraction universelle), tùy theo trọng lượng nhiều ít và tùy theo quãng cách xa hay gần ? Ví dụ chẳng lẽ người thiếu nữ càng nặng đồng cân và càng xít lại gần, thì càng có « sức hấp dẫn » ?
Vì thế khi bàn về nếp sống của các sinh vật – con người là một sinh vật – nhấät là về loài vật, thì nhà sinh vật học người Đức là Jakob von Uexkuell (1864-1944)[13] [13] chủ trương rằng muốn hiểu được nếp sống và môi trường sinh hoạt của loài vật, thì không thể coi chúng, theo như quan niệm của triết gia René Descartes (1596-1650), như là những cái máy vận chuyển theo như các định luật nhân quả của vật lý học và hóa học, nhưng phải giải thích bằng một yếu tố mới, đó là « ý nghĩa ». Nói thế khác : loài vật không sống động trong môi trường sinh hoạt của chúng tùy theo các đặc tính vật lý học và hóa học của sự vật chung quanh, nhưng theo như ý nghĩa của các sự vật ấy đối với các bộ máy sinh lý của chúng. Như thế mỗi sự vật bên ngoài đều mang theo một ý nghĩa, mà ý nghĩa thì tùy theo liên quan của nó với cơ thể và nếp sống của con vật. Khi giác quan cho biết được hình sắc sự vật như thế nọ thế kia, thì con vật nhận ra nhiều ý nghĩa : thứ này có nghĩa là « thức ăn thức uống », thứ kia có nghĩa là « kẻ thù nguy hiểm », thứ khác có nghĩa là « bạn đường để sinh con đẻ cái », thứ khác nữa thì có nghĩa là « môi trường thuậïn tiện để sinh hoạt », thế rồi nó theo như ý nghĩa đó mà vận dụng cơ thể cho thích hợp, để đạt tới mục đích, như vồ mồi, chạy trốn hay chống cự, giao cấu, v.v. Những ý nghĩa đó như gắn liền mãi với bản năng sinh tồn của mỗi giống vật.
Thoạt nhìn vào thế giới, ta có thể nghĩ rằng loài người và loài vật đều sống trong cùng một thế giới như nhau, nhưng thực ra vì cơ thể và nếp sống khác nhau, vì giác quan không nhiều như nhau và không có tầm cảm giác như nhau, cho nên không thấy được một thế giới như nhau, và các sự vật cũng không có ý nghĩa như nhau. Cho nên mỗi giống vật thì lại có một thế giới ý nghĩa khác nhau (Bản Đức văn, trang 105-119 ; Bản dịch Pháp văn, trang 85-92). Một ví dụ : nhà côn trùng học Henri Fabre (1823-1915) có nhận xét một điều kỳ lạvề một loại côn trùng : sau khi giao cấu thì con cái xé xác con đực ra mà ăn ngon lành, mà con đực cũng không chống cự (Đức, trang 134 ; Pháp, trang 123) ; thế nghĩa là lúc trước thì nó nhìn con đực như là « bạn đường để sinh con đẻ cái », lúc sau thì nó nhìn con đực như là « thức ăn », và vận dụng cơ thể đáp ứng với mỗi trường hợp, tuy rằng các đặc tính về mặt vật lý học và hóa học của con đực kể là vẫn thế.
4. KHOA HỌC VỀ CON NGƯỜI – KHOA HỌC THUYEN THICH
Đây là phần chính trong bài này, vì thế cần phải bàn rộng ra theo hai phương hướng : trong phạm vi đời sống thường nhật thì ta tìm hiểu cho ra, còn trên bình diện khoa học thì ta tìm biết cho rõ.
4.1- Tìm hiểu cho ra
Con người là một động vật, cho nên cũng nhận ra được trong môi trường sinh hoạt một thế giới ý nghĩa tự nhiên gắn liền với nếp sống sinh lý của mình. Nghĩa là tự nhiên biết nhận ra thức ăn mà tìm, nhận ra nguy hiểm mà tránh, nhận ra thù dịch mà chống cự, v.v. Đó là về ý nghĩa tự nhiên.
Nhưng thêm vào đó, chính vì con người tạo ra văn hóa, tạo ra ý nghĩa, cho nên đã gài thêm vào trong thế giới tự nhiên không biết bao nhiêu là dự định, là ý nghĩa, lại thay hình đổi dạng cho sự vật để nó thực hiện những tương quan của mình đối với thiên nhiên, đối với người đồng loại và nhằm cả tới thế giới bên kia nữa. Thế giới của con người thật là mênh mông, vì nó bao trùm cả thể chất bên ngoài lẫn ý nghĩa mà mình đặt vào bên trong sự vật. Vì thế không thể hiểu được con người, nếu chỉ biết đo lường và giải thích thể chất bên ngoài theo luật nhân quả, nếu không tìm ra ý nghĩa và mục đích của hoạt động.
Ý nghĩa và dự định của con người được thực hiện một cách rõ rệt nhất là trong thế giới các dụng cụ, từ dụng cụ đơn sơ như cái gậy, cho đến những dụng cụ rất tinh xảo như xe ô tô, máy bay, máy điện toán. Dụng cụ là vật chất, nhưng được đưa về phía con người, về phía chủ thể, vì nó thực hiện dự định của ta. Ta tạo ra dụng cụ là có ý để làm cái này hay cái kia. Vì thế ta thương lấy công dụng của nó mà đặt tên cho nó, ví dụ như : cái máy đánh chữ, cái kéo cắt tóc, v.v. Các dụng cụ là như đồ phụ tùng nối dài thân thể của ta, để cho ta nhìn xa thấy rộng, và để cho tầm hoạt động của ta càng ngày càng lớn và càng hữu hiệu. Karl Marx gọi thế giới dụng cụ là thân thể vô cơ thể của con người. Nhưng chưa hết. Các cử chỉ của ta, như cúi đầu, vênh mặt, lườm nguýt, cũng được xã hội định hình để nói lên thái độ kính trọng, khinh bỉ, yêu thương, chê ghét v.v.của ta. Nhưng các hình thức ấy tùy thuộc rất nhiều vào môi trường văn hóa và lịch sử. Sau cùng ta có thể thêm vào đó tất cả các định chế điều hành đời sống xã hội. Tất cả những cái đó thì triết gia Hegel gọi là tinh thần dưới hình thức khách quan (objektiver Geist). Người ta nhìn thấy cái chất thể bên ngoài, đồng thời cũng nhận ra cái ý nghĩa, cái tinh thần bên trong.
Có thể nói : con người ta không phản ứng theo như sự kiện vật lý học, nhưng theo như ý nghĩa mình nhận ra. Vì thế muốn hiểu con người, phải biết cách tìm ra ý nghĩa bên trong, và đó là phép thuyên thích[14]. Khoa học về con người là khoa học thuyên thích.
Có vấn đề như thế là vì ý nghĩa không gắn liền hẳn với cử chỉ hay lời nói, như mặt phải và mặt trái của một tấm vải. Ví dụ : một nắm tay giơ lên có thể là cử chỉ đe dọa, nhưng cũng có thể là lối chào thân mật của người vô sản. Đã thế, người ta lại còn có thể lừa đối nhau : người ta có thể cúi rạp trước mặt người cao cấp để kính trọng, nhưng cũng có thể là giả vờ như thế. Thực vậy, con người không phải là đồ vật, nó thế nào thì cứ thế ấy ; con người là chủ thể, có nội tâm và làm chủ nếp sống. Hơn nữa, người ta có thể hiểu sai, hiểu lầm, lại cũng có thể cố tình nói dối người khác[15]. Cho nên dĩ nhiên là tìm hiểu con người thì khó hơn là tìm hiểu sự vật. Có lẽ vì thế mà một số nhà khoa học cho rằng cứ coi con người như là sự vật (objet), vận chuyển theo như những luật nhân quả tất định, chứ không coi là chủ thể có nội tâm và tự do, thì không có vấn đề rắc rối lôi thôi. Nhưng nếu không coi con người là chủ thể, mà coi là sự vật, thì sao có thể nói là biết một cách khách quan (cũng gọi là objectif !) được ?
Nói thế không có nghĩa là ta không bao giờ hiểu được người khác. Vẫn biết là ta có thể hiểu lầm, nhưng không phải hiểu lầm tất cả, vì nếu vậy thì làm sao người ta có thể chung sống với nhau được ?
Có một điều nên chú ý ngay, là thường thường ta hiểu khá đúng tư tưởng người khác theo phương pháp suy bụng ta ra bụng người. Nghĩa là ta xem người khác ăn nói hay có cử chỉ như thế nào, rồi ta tự đặt mình vào vị trí của họ : nếu ta ăn nói hay có cử chỉ như thế vì ta có ý định hay mục địch nào, thì ta hiểu rằng họ cũng có ý định hay mục địch như thế. Nếu ta đối thoại thành công, thì đó là dấu chỉ ta đã hiểu ra được ý kiến người khác. Cho nên muốn hiểu người khác, ta không thể đứng hẳn ra ngoài như khách bàng quan. Nếu ta chưa bao giờ có những cảm nghiệm, những tư tưởng như người khác, thì rất khó mà hiểu được. Nếu ta chủ trương rằng chỉ cần quan sát cử chỉ khách quan của người khác, chứ đừng xét đến ý kiến chủ quan của họ, thì ta lại càng chủ quan hơn nữa, vì ta gán cho người khác những ý kiến của ta về cử chỉ của họ vậy.
Phép thuyên thích là phương pháp tìm hiểu cho đúng ý. Phạm vi quan trọng nhất cần áp dụng phép thuyên thích là phạm vi lời nói và chữ viết. Xét chung thì ý nghĩa của lời nói tùy thuộc vào ngôn từ và vào cách đặt câu, nhưng ý nghĩa của ngôn từ cũng hay thay đổi tùy địa phương và tùy thời đại. Đã thế lại còn tùy vào ý định hay là ẩn ý của người nói, và vào lối hiểu của người nghe. Cùng đưa ra một câu, người ta có thể nói thật, nhưng cũng có thể nói dối, nói đùa, nói phét, nói chơi, rồi người nghe lại cũng tùy hoàn cảnh mà hiểu đúng hay hiểu sai, có khi vì đang có mặc cảm cho nên lại hiểu rằng người ta nói kháy mình, v.v. Người Việt ta ít ra cũng quen phân biệt nghĩa đen với nghĩa bóng, và khi nghe kể truyện ngụ ngôn, thì có lẽ không ai tò mò hỏi loài vật sao lại biết nói như người.
Ở Âu châu, phép thuyên thích được thành hình trong khi người theo đạo Thiên Chúa tìm hiểu ý nghĩa của Thánh-kinh. Cần phải nói ngay là họ không coi Thánh-kinh như là những câu thần chú được ban hành, cứ việc đọc lên cho đúng là tự nhiên có hiệu quả, được phúc và tránh được tai ương. Họ biết là Thánh-kinh được viết ra trong một ngôn ngữ, trong một thời đại, để nói lên niềm tin đã được phát triển qua những hoàn cảnh lịch sử như thế nào. Vì ngôn từ có thể thay đổi nội dung qua các thời đại, cho nên muốn hiểu cho đúng ý, cần phải biết câu văn viết vào thời nào, ai viết, và viết cho ai, với mục đích nào[16]. Lại ngay từ buổi đầu người ta đã biết rằng có những đoạn văn không thể hiểu theo nghĩa đen được, vì nó vô lý sự, và phải hiểu theo nghĩa bóng, và có khi còn phải tìm cho ra ý nghĩa sâu xa nữa.
Một điều rất quan trọng là từ đây, khi tìm hiểu một đoạn văn, trong Thánh kinh hay ở đâu cũng thế, người ta phải phân biệt các thể văn, như : văn tả chân, văn kể truyện, văn chép sử, thơ văn tán tụng, văn nghị luận, văn pháp luật, văn châm ngôn dạy khôn ngoan, văn truyện ngụ ngôn, văn thơ tình, văn khuyên nhủ, văn hịch tướng sĩ, văn xách động quần chúng, v.v. Mỗi thể văn có lý sự riêng, có mục đích riêng, có thể thức trình bày riêng. Nếu không phân biệt những điều như thế, ta sẽ vô tình hay hữu ý hiểu sai, và có thể vu oan cho người khác, gán cho họ những điều không có thực.
Lý thuyết thuyên thích được thành hình một cách có qui củ trước đây chừøng hai thế kỷ, nhất là từ Friedrich Schleiermacher (1768-1834), nhà thần học và triết gia người Đức[17].
4.2- Tìm biết cho rõ
Nếu trong đời sống thường nhật, muốn chung sống được với người đồng loại, ta đã phải hiểu cho ra ý định, dự định – dĩ nhiên là chủ quan – của người khác, thì không có lý gì, khi khoa học muốn biết cho rõ, lại có thể coi con người như chỉ là đồ vật có thể đo lường được, chứ không phải là chủ thể có ý định, có dự định và hoạt động tự do theo lý do (motivations) và theo mục đích (buts) mình lựa chọn.
Nhưng biết thể chất bên ngoài thì dễ, mà biết dự định, lý do và mục đích trong nội tâm của người trong cuộc thì khó, vì như vừa nói trước đây, ý nghĩa ở mặt trong và cử chỉ ở mặt ngoài không gắùn liền với nhau như hai mặt phải trái của tấm vải. Liên quan giữa hai mặt, nếu không hẳn là vô thường, thì cũng hay có tính cách thất thường. Mà đã thất thường, thì sao có thể đi tới khoa học được ? Vì thế, trong thiên nhiên, cũng như trong nếp sống của con người, tuy ta thấy được nhiều yếu tố thất thường, nhưng vẫn nhận ra rằng thế giới có thứ tự[18] , nghĩa là có những yếu tố hữu thường làm cho người ta có thể tính toán dự định để cùng sinh tồn với nhau. Khoa học về con người chỉ có thể có, nếu người ta nhận định như thế và nhất định tìm biết cho rõ cái thứ tự, cái trật tự lý tưởng của thế giới của con người.
Vấn đề ở đây là làm sao đặt ra được liên quan giữa những yếu tố đo lường được ở bên ngoài với những yếu tố thuộc phạm vi nội tâm. Những yếu tố này thuộc nhiều loại, cho nên có thể phân biệt ra làm nhiều loại khoa học khác nhau về con người, ví dụ như tâm lý học, xã hội học, sử học, kinh tế học, ngôn ngữ học, và cả tôn giáo học nữa. Mỗi loại khoa học như thế đều có phạm vi riêng, nhằm một ý hướng (intentionnalité) riêng, tuy có thể có liên quan với nhau, nhưng không thể giảm trừ một phạm vi nào đó vào một phạm vi khác. Ví dụ : Feuerbach và Freud (ông tổ của khoa phân-tâm) cho rằng tôn giáo chẳng qua chỉ là một ý thức sai lầm về thực tại, cho nên chỉ là một vấn đề tâm lý học mà thôi. Có người khác cho rằng tôn giáo là ước vọng muốn giải thích vũ trụ, hay là vì sợ chết, sợ bơ vơ trong cõi trần ai này, như thế cũng lại là một vấn đề tâm lý học nữa. Marx cho rằng tôn giáo là ý thức phản ảnh của sự vong-thân trong kinh tế, cho nên chỉ là một vấn đề kinh tế học. Có người cho rằng các lễ hội tôn giáo chỉ là để xiết chặt tình liên đới trong cộng đồng, để cùng nhau giải lao, cho nên chỉ là một vấn đề xã hội học. Cũng dễ hiểu : theo phương pháp suy bụng ta ra bụng người, nếu ta không có cảm nghiệm tôn giáo như người khác, thì tất nhiên ta rất dễ hiểu lạc đi như thế[19]. Dù sao, nếu từ đầu ta đã cho rằng tôn giáo chỉ là ảo tưởng sai lầm, chỉ là ác ý hại nhân, mà không có gì là thành tâm thiện chí, thì làm gì có tôn giáo mà nghiên cứu ?
Ở đây ta phân biệt thế thôi, chứ không đi vào chi tiết rất phiền tạp của từng khoa. Ta chỉ muốn nêu lên một vài nguyên tắc chung chung thôi.
Nguyên tắc thứ nhất : Các sự kiện về con người có thể chất bên ngoài, có thể đo lường được như trong khoa học về thiên nhiên, thì có thể dùng nguyên lý nhân quả, nguyên lý hữu luật, nguyên lý tất định để giải thích. Nhưng con người là linh ư vạn vật, là chủ thể có tự do, biết đặt ra mục đích và hoạch định ra các phương tiện để đạt đích. Đó là điều không thể bỏ qua.
Nguyên tắc thứ hai : Chính vì có tự do hành động như thế, cho nên mặt trong và mặt ngoài của hành động không hẳn đi đôi với nhau một cách tất nhiên[20]. Muốn có khoa học, cần phải làm sao bỏ bớt được cái tính cách thất thường trong liên quan giữa mặt trong và mặt ngoài, giữa lý do và mục đích bên trong và hành động bên ngoài. Vì thế, thay vì lấy con người cụ thể thất thường làm đối vật, thì nhà khoa học xây dựng nên con người lý tưởng hữu thường làm đối vật nghiên cứu.
Điểm này cần được giải thích. Một đàng thì con người ta ai nấy đều khác nhau, có lúc nhỏ có lúc lớn, lĩnh hội dần dần được một nền giáo dục, có những cảm nghiệm và kinh nghiệm khác nhau tùy theo hoàn cảnh,tùy tuổi tác, rồi hoạt động theo như lý tưởng hay dục vọng khác nhau. Một hành động (action) có thể là do nhiềunguyên nhân (causes) ngoại lai thúc đẩy, do nhiều lý do (motifs) bên trong làm động lực, và có thể đưa tới nhiều mục đích (buts). Ngược lại, một lý do, một mục đích lại có thể được thực hiện trong nhiều hành động khác nhau. Lẽ thường là như thế, và trong đời sống ta tùy cơ ứng biến được.
Nhưng trong khoa học, ta tìm biết hoạt động của người ta một cách tổng quát, để hiểu biết cho rõ, đưa ra những định luật, để có thể trù tính kế hoạch, tránh được những điều bất ngờ. Vì thế nhà khoa học quan niệm ra một thứ hành động lý tưởng : cứ lý mà xét – nghĩa là không xét đến cái tự do hay là tự tiện thay đổi – thìmỗi hành động chỉ nhằm tới một mục đích, và chỉ do một lý do điều động. Như thế tức là đã coi là con người có nội tâm, hoạt động có lý do và mục đích, chứ không phải chỉ là một đồ vật do nguyên nhân ngoại lai thúc đẩy. Nhưng đó là hiểu chung chung vậy, hiểu theo lẽ thường có tính cách thống kê, chứ chưa chắc đã có thể áp dụng vào từng trường hợp cá biệt. Nói thế khác, ở đây con người quả thật là có nội tâm, nhưng mới chỉ là con người còn vô danh (anonyme) chứ chưa thật có tự do, có nhân cách (personnalité)
Triết gia Alfred Schuetz (1899-1959 ) quan niệm con người lý tưởng (personal ideal type) của nhà khoa học như là một cấâu trúc thuần lý, như là một con nộm vận chuyển một cách hợp lý, mà không bị yếu tố chủ quan nào xáo trộn. Vì là lý tưởng, chứ không phải là thực trạng trong đời sống thường nhật, cho nên con nộm ấy là bất di bất dịch, nó cứ như thế mãi, không có sinh ra, không lớn lên, cũng không chết ; nó không có hi vọng gì, không có sợ sệt gì, không quên gì cả, không sai lầm, không có tự do ; nó chỉ vận chuyển theo như những lý do, những hoàn cảnh, những mục đích và phương tiện mà nhà khoa học đã đặt vào trong nó[21]. Nhìn vào thế giới con người, ta thấy như có sẵn một số vai trò (rôles), mỗi vai trò gồm một hành động do một lý do điều động và nhằm tới một mục đích. Có những vai trò cho từng phạm vi như : tâm lý học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học, tôn giáo học, v.v. Làm như thế khoa học về con người có thể giải thích một cách hợp lý nếp sống của con người theo một tỷ số thống kê khá cao. Nhưng chỉ giải thích được, khi mà ai nấy đều hành động theo đúng như con người lý tưởng mà nhà khoa học đặt ra.
Có những chính khách muốn dùng những điều sở đắc của khoa học về con người để tổ chức một cuộc tham khảo dân ý, hay một cuộc chiến tranh cho hợp lý, có tính cách khoa học. Nhưng kếât quả nhiều khi cho ta thấây rằng cá nhân còn hành động theo nhiều lý do mà mình không ngờ đến.
Cũng nên thêm rằng khó mà nói được rằng kết quả của hành động chứng tỏ là ta đã nghĩ đúng. Vì, như đã nói trước đây, người ta phản ứng, không phải là theo như sự kiện khách quan, nhưng là theo như điều mình nghĩ về sự việc trước mắt, nghĩ sai hay đúng cũng vậy. Do đó khi người ta muốn cho quần chúng theo mình, thì thường tung ra kế hoạch chiêu hàng, kế hoạch tuyên truyền, bất chấp là mình nói đúng một phần, nói sai hai phần, và dìm đi một phần khác.
Ngoài ra lập trưởng của người quan sát lại còn có thể làm thay đổi cả đối vật mình quan sát. Ví dụ : khi quan sát cử chỉ của anh Tý, mà tôi đã sẵn có ý nghi kỵ anh ta là phường phản trắc, thì dĩ nhiên là tôi sẽ giải thích cử chỉ của anh ấy theo một chiều : nếu thấy anh ấy làm một điều mập mờ không rõ, thì tôi cho rằng nghi kỵ anh ấy là phải, nếu thấy anh ấy có cử chỉ đầy thiện cảm, thì tôi cho rằng anh ấy đang tìm cách che đậy cái ác ý của mình ; nếu tôi lại ra mặt nghi kỵ, thì cho dù anh ấy có cố gắng mấy để tỏ thiện chí, thì tôi cũng không đổi ý kiến, và rồi kết cục thì anh ấy thành ra thù địch với tôi; và đến đây thì tôi có thể xoa tay mà nói rằng ngay từ đầu tôi đã biếât anh ấy là thế nào rồi !
TẠM KẾT LUẬN
Xin tạm kết luận về khoa học về con người :
Một là : ngoài công việc đo lường thể chất bên ngoài, khoa học về con người không thể không chú trọng đến ý tưởng (ý nghĩa, dự định, mục đích) trong nội tâm của người trong cuộc.
Hai là : khoa hoc về con người cần phải đào sâu về phương pháp thuyên thích, nhất là nghiên cứu về ngôn ngữ và về các công dụng của ngôn ngữ. Nhưng đây lại là một vấn đề khác, tế nhị hơn, mà ta không đề cập được trong giới hạn bài này.
Nguồn: http://conggiaovietnam.net
[1] « Khoa học không phải là một hệ thống gồm những mệnh đề chắc chắn hay là đã được thiết lập vững chãi, cũng không phải là một hệ thống đang đều đều tiến tới trạng thái cuối cùng. Khoa học của chúng ta không phải là một tri thức (êpistêmê) : nó không bao giờ có thể có tham vọng là mình đã tới được chân lý, hay là tới được cái có lẽ thế (probabilité), là một cái tạm coi như chân lý … Thực ra chúng ta không biết được, nhưng chỉ phỏng đoán được. Và chính những lập trường không có tính cách khoa học, như siêu hình học (tuy có thể lấy sinh lý học mà giải thích được), làm cho ta tin vào các định luật mà ta tìm ra và đề cao, tin rằng rằng thế giới vận chuyển điều hòa, những lập trường ấy chỉ lối cho ta phỏng đoán » (Dịch theo bản Pháp văn La logique de la découverte scientifique, Paris, Nxb Payot, 1973, tr 284).
[2] Sách Thần học tổng luận (Summa theologica), Phần I, Vấn đề 2, Thiên 3, Vấn nạn 3.
[3] Tiếng Pháp là « objectives », nghĩa là có tính cách khách quan.
[4] Tiếng Pháp là « démontrables ». Đó là những chân lý về toán-học hay là luận-lý-học.
[5] Tiếng Pháp là « vérifiables ». Đó là những chân lý về các khoa học thiên nhiên, như vật-lý-học, hóa-học, sinh-vật-học.
[6] Sách viết bằng tiếng La-tinh tên là Regulae ad directionem ingenii (tiếng Pháp là : Règles pour la direction de l’esprit) đã được xuất bản năm 1701, nghĩa là 50 năm sau khi tác giả từ trần. Đoạn văn này là dẫn theo bộ sách Oeuvres et lettres (Tác phẩm và thư tín), tủ sách Pléiades, Paris 1952, tr 39.
[7] Chứ không phải là lý thuyết riêng của nhà Phật. Nguyên lý nhân quả tự nó chưa phải là khoa học : người ta thường nói : « Ở hiền gặp lành », « Ác giả ác báo », nhưng đó là nói chung chung, không rõ rệt, lại nhiều khi không đúng nữa. Ngoài ra, khi bị ốm đau hay rủi ro, người ta thường vội tìm ra những nguyên nhân không đâu, ví dụ như : « tại đái vào gốc cây đa thần » mà không có kiểm chứng gì cả.
[8] Muốn có ý kiến tổng quát về vấn đề, có thể tham khảo cuốn sách tập thể, dầy 1345 trang, Luận-lý-học và tri thức khoa học (Logique et connaissance scientifique,), do nhà tâm lý học Thụy-sĩ Jean Piaget chủ trương, xuất bản tại Paris năm 1967 trong tủø sách bách-khoa Encyclopédie de la Pléiade
[9] Xem : « Sciences et discours rationnel », trong Enzyclopaedia Universalis, tập 14, tr 754-757. Giáo sư Ladrière đã quá cố cách đâ ít lâu (chú thích năm 2007).
[10] Như đã nói trên đây, khoa học không thể dừng lại ở đợt kinh nghiệm chủ quan hay là thực nghiệm khách quan, mà còn phải dùng phép đo lường, và dùng đến toán pháp để đưa ra công thức các định luật và các lý thuyết.
[11] Ví dụ : ai cũng biết rằng nhà cháy là vì có người châm lửa, và vì có dưỡng-khí trong không khí. Vì thế muốn không cháy nhà thì chỉ cần không có người châm lửa, hay là … rút hết dưỡng-khí trong không khí đi ! Ta biết rằng ngày nay trong lý thuyêt vật lý học, người ta chủ trương rằng trong phạm vi những vật nhỏ hơn cấp nguyên tử, thì các định luật không còn có tính cách tất định, nhưng chỉ có giá trị thống kê mà thôi, cho đến nỗi dám nói rằng nồi nước để trên bếp lửa, thường thì thành nước nóng, nhưng không phải là không có thể thành nước đá. Tuy vậy trong đời sống thường nhật các thứ máy móc xe cộ ta dùng một cách rất hữu hiệu đều tựa vào các định luật có giá trị thống kê của khoa học cả.
[12] Đó là lý thuyết vậy thôi, vì lẽ người ta phải sống trong thế giới này đã, rồi mới bày ra lập luận « cao siêu » như thế. Chứ chẳng có ai bắt đầu từ cái « tâm » của mình rồi đặt ra tất cả thế giới bên ngoài bao giờ cả. Để tránh cái khó khăn đó, người ta đưa ra chủ trương rằng cái « tâm » đã tạo ra thế giới này một cách vô ý thức, trước khi ta có ý thức. Nhưng đã vô ý thức như vậy thì làm sao mà ta lại ý thức, lại biết được ?
[13] Trong cuốn sách Streifzuege durch die Umwelten von Tieren und Menschen – Bedeutungslehre , Hamburg, Rowohlts deutsche Enzyklopaedie, 1956; bản dịch Pháp văn là Mondes animaux et monde humain,suivi de Théorie de la signification (Thế giới loài vật và thế giới con người – Lý thuyết về ý nghĩa), Paris, NXB Gonthier, 1965.
[14] Herméneutique, do từ ngữ Hi lạp Hermeneia, người Pháp dịch là Interprétation, giải nghĩa, tìm ra ý nghĩa bên trong.
[15] Những ai quen với tiểu thuyết Tàu, đều hiểu thế nào là vai trò của mưu sĩ, đếu hiểu thế nào là « mỹ nhân kế », là « khổ nhục kế ».
[16] Muốn tránh những vấn đề khó giải quyết, người ta thường cho rằng đó là lời thần dạy, thánh phán, không ai được thay đổi hay là phiên dịch gì cả.
[17] Xem : Franz Mussner, Histoire de l’hermeéneutique, Paris NXB Cerf, 1972. Phong trào được phát triển sâu rộng trong tác phẩm của một vài triết gia đương thời, như Paul Ricoeur ở Pháp và Hans Georg Gadamer và Juergen Habermas ở Đức.
[18] Người Hi-lạp gọi thế giới là Kosmos, chữ này có nghĩa là Thứ tự, vì họ quan niệm rằng thế giới có thứ tự hẳn hoi ; còn người La-tinh thì dùng chữ Mundus, có nghĩa là gọn ghẽ sạch sẽ, để gọi thế giới (tiếng Pháp làMonde).
[19] Thực ra hai chữ « tôn giáo » lại cũng được dùng để chỉ vô số thái độ và thực hành rất khác nhau như : thần thoại, phù thủy pháp môn, lễ bái cúng tế, những suy luận về nguyên lý tối cao, v.v. Ngoài ra lại có người cho rằng tôn giáo là gồm tất cả những gì phi-lý, vô-lý, nghịch-lý hay là ngoại-lý. Ở Aâu Mỹ, nhất là ở Hoa kỳngày nay có vô số người bày đặt ra những thuyết, những hội mà nội dung rất mơ hồ, rồi gọi tất cả là tôn giáo, là giáo hội. Nhà nước không còn biếât thực hư ra sao nữa. Cho nên cái mà người này cho là tôn giáo thì chưa chắc đã là cái mà người khác hiểu là tôn giáo. Aáy là không nói đến những người dùng chiêu bài tôn giáo để che đậy cho hoạt động chính trị, hay là hoạt động kinh tài. Vấn đề quả là phiền tạp.
[20] Có người cho rằng chi bằng chủ trương con người không có tự do, mà hoàn toàn do các yếu tố ngoại lai, do các yếu tố đã có trước (trong kiếp trước ?) định hình, thì hết vấn đề rắc rối. Nhưng nếu con người không có tự do, thì không có trách nhiệm gì, và vì thế xã hội không thể thưởng công ai hay là phạt tội ai cả.
[21] Xem Collected Papers, tập II, Den Haag, 1964, trang 81-88.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét