Có lẽ khi phải phân biệt 2 dòng xe SUV và Crossover thì nhiều người cũng thấy bối rối.
Về hình dáng bề ngoài, 2 loại này nhìn cũng na ná như nhau: gầm cao, dáng khỏe, 4+1 cửa, 5-7 chỗ. Thực tế thì Crossover (còn gọi là CUV) có nhiều đặc điểm của SUV, nên việc khó phân biệt, hay nhiều khi gọi nhầm cũng là chuyện dễ hiểu. Gọi nhiều thành quen, nên với nhiều người 2 khái niệm này chỉ là 1.
Thực tế thì không phải vậy.
Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt SUV và Crossover dựa trên những đặc trưng của 2 dòng xe phổ biến này.
Kết cấu khung xe khác nhau
Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa 2 “anh em” chính là kết cấu khung xe.
Xe SUV truyền thống có thân ở trên khung (body on frame), tương tự như ở xe tải hạng nhẹ. Loại khung này gồm thân vỏ xe rời đặt trên hệ thống sắc-xi (chassis). Khi đó, thân xe và sắc-xi được sản xuất riêng, rồi mới lắp ráp với nhau.
Trong khi đó, “người em” Crossover lại có kết cấu thân liền khối (unibody), tương tự như của dòng xe sedan. Nghĩa là thân vỏ xe liền khối với khung gầm. Bạn có thấy trong hình minh họa dưới đây.
Kết cấu thân ở trên khung | Kết cấu thân liền khối |
Hiện kết cấu “thân ở trên khung” không còn dùng nhiều cho dòng SUV cỡ nhỏ. Những mẫu xe gần đây như Mazda CX-5, Ford Escape, Honda CR-V, Kia Sportage, Hyundai Tucson …thực chất thuộc nhóm Crossover. Nhưng ở đâu đó bạn có thể vẫn nghe thấy nhân viên bán hàng marketing rằng đó là những xe SUV. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên vì đó là kỹ thuật chào hàng, người mua cứ nên tìm hiểu xem xét kỹ!
Kết cấu khung xe khác nhau đem lại những đặc tính và ưu nhược điểm riêng cho 2 dòng xe, tôi đi vào từng điểm một trong phần tiếp.
Không gian hữu dụng
Do SUV chia sẻ một phần thân dưới cho khung tải và hệ thống treo phụ thuộc phía sau, nên có nhược điểm là nặng, cồng kềnh, và giảm bớt không gian chuyên chở so với Crossover cùng phân khúc.
Trong khi đó, Crossover giống sedan, khung gầm liên với vỏ xe nên xe gọn nhẹ, không gian hữu dụng lớn hơn. Nhưng nhược điểm của khung gầm liền khối là tiếng ồn, rung từ lốp vào khoang người ngồi nghe rõ hơn SUV.
Khả năng vượt địa hình
Hệ thống khung gầm bằng thép cứng (giống xe tải) giúp tránh vặn xoắn trên địa hình khó, tăng khả năng chịu tải, giảm thiểu độ ổn và tác dụng của mặt đường lên khoang xe.
Vì thế, Xe SUV có khả năng tốt hơn trong việc chở tải, kéo theo tải (xe khác), và vượt địa hình xấu (off-road). Và đây cũng là đặc điểm nổi trội của dòng xe thể thao đa dụng này.
Tính an toàn
Với kết cấu “unibody” như những chiếc sedan, không phải chia sẻ nhiều phần thân dưới cho khung tải và kết cấu hệ thống treo như SUV, xe Crossover có điều kiện hạ chiều cao và trọng tâm thân xe.
Ngoài ra, crossover sử dụng hệ thống treo độc lập cả trước và sau trong khi SUV thì sử dụng hệ thống treo phụ thuộc phía sau tương tự xe tải. Điều này làm tác động từ mặt đường lên thân xe trên hai loại xe này khác nhau: crossover có khả năng điều khiển ổn định, ít bồng bềnh, cảm nhận êm ái, cảm giác lái tốt hơn so với SUV, nguy cơ tai nạn lăn nghiêng hoặc lật xe khi cua gấp hay bị mất lái cũng thấp hơn SUV.
Tiêu hao nhiên liệu
Do kết cấu thân vỏ và khung gầm liền khối, trọng lượng của xe Crossover nói chung thấp hơn, nên thường được lắp động cơ nhỏ hơn, và nhờ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn SUV cùng phân khúc.
---------------------
Như vậy mặc dù hình thức có vẻ giống nhau, nhưng thực ra lại có sự khác nhau lớn về kết cấu xe, từ đó dẫn tới nhiều đặc tính khác nhau khi phân biệt SUV và Crossover.
Các hãng hiện nay đưa ra nhiều mẫu xe mới với sự hỗ trợ của công nghệ mới để khắc phục nhược điểm của mỗi loại. Lựa chọn thế nào là tùy theo nhu cầu sử dụng của bạn. Dù thế nào bạn cũng nên có cơ sở để xem xét và so sánh. Và đó cũng là mục đích khi tôi viết bài này.
Hy vọng bạn đọc tìm thấy thông tin hữu ích. Nếu đúng vậy thì nhớ Like động viên tôi nhé. Cám ơn bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét