Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Bàn về chữ viết hoành phi, câu đối ở những nơi thờ tự

 Những năm gần đây, nhiều đình, chùa, đền miếu, nhà thờ của các dòng họ được trùng tu, tôn tạo hoặc xây mới ngày càng nhiều. Ngoài các hạng mục xây dựng còn có cấu trúc hoành phi, câu đối. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân ta. Nó vừa có ý nghĩa tôn vinh công đức của tổ tiên, của các thiên thần, nhân thần; vừa thể hiện tính nhân văn, sự tri ân đối với các bậc tiền nhân. Mặt khác, hoành phi, câu đối còn là vật trang trí làm tăng thêm vẻ đẹp ở những nơi thờ phụng.
Tuy nhiên, chữ viết trên các bức hoành phi, câu đối thờ ngày nay nên thể hiện bằng chữ Nho (chữ Hán) hay chữ Quốc ngữ (chữ Việt) cũng nên bàn cho thấu lẽ, bởi hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau. Gần đây chúng tôi được mời tham gia soạn thảo hoành phi (đại tự), câu đối cho các đền, các nhà tưởng niệm, các nhà thờ đại tộc. Trước khi tiến hành soạn thảo, các cơ quan chủ quản thường mở các cuộc hội thảo đề ra yêu cầu nội dung và bàn xem hoành phi, câu đối nên viết loại chữ gì? Tuy chi tiết bàn luận mỗi nơi một khác nhưng chung quy có ba luồng ý kiến:
Một là: câu đối ở những nơi thờ tự tôn nghiêm phải viết bằng chữ Hán vì chữ Hán vừa thâm thúy, vừa rộng nghĩa. Từ bao đời nay ở các đình, chùa, đền, miếu đều viết bằng chữ Hán vì vậy chúng ta nên viết theo truyền thống của tổ tiên.
Hai là: Câu đối thời nay nên viết bằng chữ Việt. Chữ Việt vừa đại chúng, vừa thể hiện tính dân tộc. Bất kỳ người Việt Nam nào cũng có thể đọc và hiểu được nội dung. Nếu viết bằng chữ Hán thì ngày nay còn mấy ai biết, nên chẳng có ý nghĩa gì.
Ba là: Nên viết cả hai loại chữ, bằng cách sau mỗi chữ Hán lại phiên âm một chữ Việt ở dưới.
Trước khi trình bày quan điểm của mình, chúng tôi xin trao đổi sơ qua về hai loại chữ Hán và chữ Việt:
Chữ viết chỉ là ký hiệu của âm thanh, là vỏ vật chất của tư duy ngôn ngữ. Bởi vậy không thể nói: chữ Hán thâm thúy hơn, rộng nghĩa hơn chữ Việt. Thực ra chữ Hán là loại chữ không tiên tiến, không khoa học như hệ chữ La-tinh. Chữ Hán do người Trung Quốc sáng tạo cách đây hơn 4.000 năm, là loại chữ tượng hình được ghép theo bộ. Nhiều chữ có tới gần 40 nét nên rất rườm rà, khó viết, khó học, khó nhớ vì học chữ nào phải nhớ tự dạng của chữ đó, nó không có vần luật như hệ chữ La-tinh. Ông Quách Mạt Nhược, nhà văn hóa lớn của Trung Quốc đã nói: “Chữ Trung Quốc làm cho nhiều người Trung Quốc mù chữ”. Do thấy được những nhược điểm đó nên từ nhiều năm nay, người Trung Quốc đã cải tiến dần chữ viết. Từ lối viết phồn thể (viết đủ nét) sang lối viết giản thể (bỏ bớt nét cho gọn). Ta thấy câu đối ở các đình, chùa, đền, miếu nước ta được viết bằng chữ Hán vì hàng ngàn năm trước tổ tiên ta học chữ Hán nên câu đối thời đó viết bằng chữ Hán là điều đương nhiên.
Chữ Việt của chúng ta mới ra đời vào thế kỷ 17. Do nhu cầu truyền đạo nên các giáo sĩ phương Tây đã dựa vào hệ chữ La-tinh để ghi âm tiếng nói của người Việt rồi sáng tạo ra chữ viết. Người có công lớn trong việc sáng tạo chữ Việt là giáo sĩ A-lếch-xăng-đơ Rốt (Alexande Rohdes). Mốc đánh dấu sự ra đời của chữ Việt là năm 1651. Đó là năm cuốn “Tự điển An Nam” được in lần đầu tiên tại La-mã. Từ đó đến nay, chữ Việt đã được cải tiến, hoàn thiện dần. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), chữ Việt trở thành Quốc tự. Ngày nay, chữ Việt có đủ khả năng diễn đạt mọi thuật ngữ khoa học, mọi ý tưởng của con người. Vì vậy chữ Việt được đánh giá là một trong những loại chữ tiên tiến và khoa học. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Tiếng nói và chữ viết của chúng ta rất giàu đẹp, chúng ta cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Theo thiển nghĩ của chúng tôi: Những đền, đài, miếu mạo hoặc các nhà thờ họ nay mới có điều kiện xây dựng thì nên viết bằng chữ Việt vừa thể hiện tính đại chúng, vừa thể hiện ý thức dân tộc để mỗi khi nhân dân đến thắp hương, vãn cảnh nhìn vào hoành phi, câu đối đều có thể đọc được, hiểu được nội dung, ý nghĩa.
Một số người lại đề nghị: Câu đối nên viết bằng chữ Hán nhưng dưới mỗi chữ Hán nên phiên âm chữ Việt. Ý kiến này lại càng rườm rà không thể thực hiện được vì nếu phiên âm thì cũng chỉ biết âm đó là gì, còn nghĩa của chữ đó và nội dung ý nghĩa của cả câu cũng không thể biết. Ví dụ đôi câu đối ở thượng điện đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Quyết, thành phố Vinh viết bằng chữ Hán như sau:
         
         
Phiên âm:
Đôn bản quốc vô du dân dã vô khoáng thổ
Ức mạt nhân đô vụ nghiệp xã bất hoang điền.
Nếu chỉ phiên âm như trên thì cũng chẳng mấy ai hiểu. Nếu dịch cho đủ nghĩa thì không đủ diện tích. Nghĩa của đôi câu đối trên nếu lược dịch phải là: “Phải coi trọng nghề nông thì nước không có dân du cư đồng không bị bỏ hóa; Cần hạn chế sự yếu kém thì dân sẽ chăm lo nghề nghiệp làng xã không còn ruộng hoang”. Đây là đôi câu đối có ý nghĩa khuyến nông của thời Quang Trung.
Tóm lại, hoành phi, câu đối ở những nơi thờ tự có tính chất văn hóa tâm linh nên cần bàn bạc phân tích sao cho phù hợp từng thời điểm, từng vị trí. Nếu thấy viết bằng chữ Việt tiện lợi hơn, dễ hiểu hơn, đại chúng hơn thì chúng ta không nên câu nệ, cố chấp. Nếu cứ thủ cựu viết bằng chữ Hán thì hóa ra chữ Việt của chúng ta không đẹp bằng chữ Hán, không trong sáng bằng chữ Hán, không xứng đáng đặt ở những nơi thờ tự tôn nghiêm hay sao? Vì những lẽ đó nên chúng tôi viết bài này để trao đổi với đông đảo bạn đọc.
Nguyễn Xuân Tính






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét