Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

HOÀNH PHI - CÂU ĐỐI TRONG NHÀ CỔ Ở HỘI AN


Hoành phi còn gọi là “hoành biển”, “biển ngạch”... là những bức đại tự thường được treo ngang nên được gọi là hoành (ngang) - Câu đối còn gọi là “đối liễn”, “doanh liễn”... thường được treo thẳng đứng theo các thân cột, tường...

 Từ xa xưa hoành và liễn đã được xem như là một phần “linh hồn không thể thiếu” của bất cứ một di tích cổ xưa nào, trước khi xây dựng các công trình người ta cũng đều chú ý đến phải treo câu có nội dung gì, treo ở đâu...

Hoành phi - câu đối không chỉ là những vật treo để tăng thêm vẽ thẩm mỹ, vẻ trang nghiêm cho di tích mà bản thân nó còn thể hiện sự mong ước của các thế hệ sinh sống trong ngôi nhà. Đồng thời đó là một trong những nguồn tư liệu quý giúp chúng ta nghiên cứu về phong tục tập quán - nề nếp gia phong của một gia đình - dòng họ. Thậm chí thông qua đó còn có thể phần nào đánh giá được những giai đoạn lịch sử của xã hội, những nhân vật liên quan...
Riêng đối với hệ thống di tích ở Hội An, mà nhất là trong các ngôi nhà cổ chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức hoành - câu đối sơn son thếp vàng hay cẩn ốc xà cừ óng ánh kết hợp với những nét chữ “phượng múa rồng bay” được phô bày nơi khách sảnh, gian thờ... Theo lời kể của một số người lớn tuổi ở Hội An, để có được những “tác phẩm” như vậy ông cha họ phải nhờ đến những người rất giỏi về thư pháp cho chữ, thậm chí một số nhà còn xin chữ tận Trung Quốc, Hồngkông... Đặc biệt ở Hội An hiện nay còn lưu giữ được bút tích của một số nhân vật nổi tiếng như Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu với 2 bức hoành “Lai Viễn Kiều” tại Chùa Cầu và bức “Cứu thế độ nhân” ở đình Sơn Phong; Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm(thân sinh của đại thi hàoNguyễn Du) với bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” ở Quan Công miếu; Giải Nguyên Đặng Huy Trứ với bức “Quan ư hải giả nan vi thủy” ở văn thánh miếu Minh Hương hay thủ bút của một số nhân vật nổi tiếng của Trung Hoa trong thời cận đại như: Tôn Khoa (con trai của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên - Tôn Trung Sơn); Vương Vân Ngũ (nhà biên soạn từ điển nổi tiếng); Uông Triệu Tinh...
Chủ nhân của những ngôi nhà cổ ở Hội An chủ yếu là tầng lớp thương nhân, nên những bức hoành mà họ treo trong nhà thường là các bảng hiệu buôn, số còn lại là những hoành phi nơi từ đường của các dòng tộc. Câu đối cũng chủ yếu là những câu chữ Hán được thể hiện trên gỗ với nhiều hình thức như chạm nổi, chạm chìm rồi sơn son thếp vàng hay cẩn ốc xà cừ, chạm hoa văn phụ trợ. Đôi khi câu đối không nhất thiết phải hoàn toàn bằng chữ mà được làm theo dạng nhất thư nhất họa (vừa có chữ viết, vừa có tranh vẽ), bên cạnh đó còn có nhiều câu đối được thể hiện trên kính rồi nhụ màu để tăng vẽ lộng lẫy. Thể chữ được sử dụng phổ biến là chữ chân (khải thư), ngoài ra còn các thể chữ khác như chữ triện (triện thư), chữ lệ(lệ thư), chữ hành (hành thư) và chữ thảo (thảo thư).
Những vẻ đẹp lỗng lẫy mô tả trên đây chỉ là những vẻ đẹp “bề ngoài” của các bức hoành phi - câu đối mà thôi. Theo chúng tôi phần nội dung ẩn ý bên mới là quan trọng và có lẽ đây mới chính là những nguyên do chủ yếu mà các lớp chủ nhân trước đây đã dụng ý khi treo những bức chữ này. Bên cạnh những bảng hiệu lớn của gia đình, chúng tôi thường thấy họ treo các bức hoành mang ý giáo dục con cháu phải biết cần cù chịu khó để giữ cơ đồ của tổ tiên để lại như: “kiệm năng thành” (biết tiết kiệm thời gian, tài của... thì sự nghiệp sẽ thành công); “cần hữu công” (cần cù là có ích); “sáng nghiệp duy nan” (sáng lập cơ nghiệp là rất khó khăn, nên đời sau phải biết trân trọng, giữ gìn); “hữu chí cánh thành” (có chí sẽ thành công). Hay những câu cách ngôn mang tính giáo dục về đạo đức như: “minh đức duy hinh” (chỉ có đức sáng mới để lại tiếng thơm); “tích đức di tôn” (nên tích đức để lại cho con cháu)... Đặc biệt là hệ thống câu đối trong nhà như là những lời cách ngôn, những “khuôn vàng thước ngọc” của các thế hệ đi trước treo lên đó để cầu chúc, tự răn mình và nhắc nhở cháu con. Dân ta luôn coi trọng cội nguồn, gốc tích nên bao giờ bàn thờ gia tiên cũng được bày nơi trang trọng nhất trong nhà và được trang hoàng khá trang nghiêm, lộng lẫy; Sự trang nghiêm lộng lẫy đó rất dễ thấy ở các nhà cổ ở Hội An đó là được chạm trổ tinh vi, kèm theo là có treo nhiều hoành phi - câu đối. Thông qua câu đối này người ta gởi gắm tấm lòng thành kính đến ông và tổ tiên, nguyện cầu nhận được sự phù hộ để con cháu dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức làm rạng rỡ tông môn, những câu thường gặp đó là:
    “Thụ thảo phùng xuân chi diệp mậu; Tổ tông tích đức tử tôn vinh” tạm dịch là “Cây cỏ chào xuân cành lá thắm; Tổ tiên tích đức cháu con vinh”.
Hay những câu có ý nghĩa giáo dục, mong ước cho con cháu luôn đoàn kết, tương thân tương trợ, kề vai sát cánh giúp đỡ lẫn nhau vượt mọi khó khăn để tạo dựng cuộc sống ngày càng phát triển và cùng đồng lòng tri ân tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên như:
Mộc xuất thiên chi do hữu bổn; Thủy lưu vạn phái tố tùng nguyên” tạm dịch là “Cây chung ngàn  nhánh sinh từ gốc; Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn”.
Đời trước mở đường, lớp sau kế tiếp phát huy nề nếp gia phong, gìn giữ bản sắc đó cũng là mong ước của nhiều thế hệ trong gia đình:
 “Hữu khai tất tiên, minh đức viễn hĩ; Khắc xương quyết hậu, kế tự kỳ hoàng chi” tạm dịch là “Lớp trước mở mang, đức sáng lưu truyền vĩnh viễn; Đời sau tiếp nối, phúc cao thừa kế huy hoàng”.
          Bên cạnh những câu liễn mang nội dung thờ gia tiên thì người thương gia luôn mong ước được mua may bán đắt, sinh tài sinh lợi, vàng ngọc đầy nhà nên họ cùng thường treo các câu đối mang nội dung ấy tại phòng khách như:
 “Môn nghinh xuân hạ thu đông phước; Hộ nạp đông tây nam bắc tài” tạm dịch là “Cửa đón xuân hạ thu đông phúc; Nhà tiếp đông tây nam bắc tài” 
Hoặc câu “Tài nguyên quảng tấn lợi hanh thông; Ngũ phúc lâm môn vạn sự hưng” tạm dịch là “Nguồn tài rộng mở lợi hanh thông; Ngũ phúc đến nhà muôn sự hưng”...
 Những câu mang tính khuyên răn con cháu phải cố gắng học hành, chăm lo cần kiệm thì sẽ vinh hiển bản thân và được giàu sang phú quý như:
Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân canh khả phú; Kiệm cần nhị chí, cần năng sáng nghiệm kiệm năng thành” tạm dịch là “Nông học đôi đường, học sớm vinh thân nông sớm phú; Kiệm cần hai chữ, cần cù sáng nghiệp kiệm thành công”. Hoặc khuyên các chàng sĩ tử học trò hãy ra công gắng sức học tập mai sau gặp vận rồng mây, công danh đỗ đạt; trước là vinh hiển tấm thân, sau làm rạng rỡ tông môn được mở mày mở mặt với bàng quan thiên hạ “Thập niên song hạ vô nhân vấn; Nhất cử thành danh thiên hạ tri” tạm dịch là “Mười năm đèn sách không ai hỏi; Thi trúng thành danh thiên hạ hay”.
Trong các ngôi nhà cổ ở Hội An thường có một phần nhà cầu gọi là kiều gia, đây vừa là đoạn nhà nối liên kết giữa nhà trước và nhà sau đồng thời cũng có tác dụng như một thư phòng là nơi đọc sách, viết chữ hay ngắm trăng, ngắm sao vào những đêm trăng thanh gió mát, nên tại đây cũng thường bày biện trang nhã và treo các câu đối mang tính giáo dục hoặc u nhàn như là:
Thư sơn hữu lộ cần vi kính, học hải vô nhai khổ tác chu” Tạm dịch là “núi sách có đường, biết cần cù sẽ tìm ra đường ấy; biển học vô bờ, khổ luyện sẽ là con thuyền đưa về bến thành công
          Hoặc: “Quân tử tâm năng khuất năng thân tùy cơ ứng biến; Thiên hạ sự vô nan vô dị hữu chí cánh thành”. Tạm dịch là: “Lòng người quân tử phải biết duỗi co tùy lúc và phải biết tùy cơ ứng biến; Việc trong thiên hạ không khó cũng không dễ miễn có chí tất sẽ thành công”.
Trên đây là một số giới thiệu khái quát về hoành phi - câu đối trong nhà cổ ở Hội An, đây mới chỉ là một bộ phận nhỏ trong hệ thống di tích kiến trúc của địa phương. Nhưng thông qua đó, phần nào chúng ta cũng có thể thấy được vai trò quan trong của những bức hoành phi - câu đối trong di tích nói chung, nhà cổ nói riêng. Bởi vì bản thân nó không chỉ là vật trang trí góp phần làm tăng vẻ thẩm mỹ, vẻ trang nghiêm cho di tích mà hoành phi - câu đối còn chuyển tải nhiều ý nghĩa khác như giá trị văn học, lịch sử - văn hóa, triết học, giáo dục ... Đây chính là một đề tài nghiên cứu khá lý thú cho những nhà chuyên môn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét