CHỮ NÔM VÀ CỐNG HIẾN VỚI VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM
(Chữ Nôm or the Former Vietnamese Script
and Its Past Contributions to Vietnamese Literature)
NGUYỄN KHẮC KHAM
GS. Thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản
Chữ Nôm (chữ = văn tự; và Nôm < nam = phía nam trong tiếng Việt) là tên gọi được người Việt dùng để định danh một trong hai hệ thống văn tự của Việt Nam, được sáng tạo qua việc cải biến chữ Hán. Nó được định danh như thế để đối lập với chữ Hán(1) và chữ Nho (văn tự của các nhà Nho Việt Nam). Trong nội hàm thứ hai, nó có nghĩa là chữ viết thông tục hoặc chữ viết nôm na của nước Việt Nam xưa(2).
Thời điểm ra đời của chữ Nôm đến nay vẫn chưa được xác định dù đã có nhiều tranh luận. Theo Ngô Thì Nhậm 吴 時 任 (1726 - 1780), “quốc âm ta được dùng nhiều từ Thuyên”(3).Thuyên ở đây là Nguyễn Thuyên 阮 詮, một học giả sống vào cuối thế kỉ XIII dưới triều nhà Trần. Ông đỗ Tiến sĩ dưới đời Trần Thái Tông 陳 太 宗 (1225 - 1257). Mùa thu năm 1282, khi đang giữ chức Hình bộ Thượng thư, ông được vua Trần Nhân Tông 陳 仁宗 lệnh cho viết một bài văn đuổi con cá sấu xuất hiện ở sông Hồng. Khi đã đuổi được cá sấu đi, vua ban cho ông đổi từ họ Nguyễn 阮 sang họ Hàn 韓, bởi từng có một sự kiện tương tự xảy ra trước đây ở Trung Quốc đối với thi nhân - học giả Hàn Dũ 韓 愈 (768 - 824). Giai thoại này được ghi lại trongKhâm định Việt sử thông giám cương mục 欽 定 越 史 通 鑑 綱 目, quyển 7, trang 26a(4); cũng theo ghi chép này thì Hàn Thuyên giỏi làm thơ phú, và nhiều người đã học theo ông(5).
Căn cứ vào những thực tế trên, Hàn Thuyên được khẳng định là người sáng tạo ra chữ Nôm. Đó là ý kiến của P. Pelliot(6) và H. Maspero. Maspero, người đã chia sẻ quan điểm với Pelliot, cũng đề cập đến một tấm bia được phát hiện tại núi Hộ Thành 護 城 山 tỉnh Ninh Bình ở miền Bắc Việt Nam(7). Tấm bia này khắc một bài minh có niên đại năm 1343, trong đó có hai mươi chữ Nôm ghi tên làng xã Việt Nam.
Giả thiết trên chưa được các học giả khác thừa nhận. Nguyễn Văn Tố nêu giả thiết rằng chữ Nôm đã tồn tại từ cuối thế kỉ VIII khi danh hiệu Bố Cái đại vương 布 蓋 大 王 được hậu duệ và thần dân dùng để tôn xưng Phùng Hưng, người đã đánh bại chính quyền phương Bắc và nắm quyền cai quản An Nam Đô hộ phủ(8). Đó cũng là quan điểm của Dương Quảng Hàm trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu(9). Giả thiết thứ ba được đề xuất năm 1932 bởi Sở Cuồng, một học giả Việt Nam khác, ông đã cố gắng chứng minh rằng chữ Nôm ra đời ngay từ thời Sĩ Nhiếp [hoặc Tiếp] 士 燮 (187 - 226). Luận cứ của ông chủ yếu dựa trên lời của một nhà Nho Việt Nam dưới triều vua Tự Đức 嗣 德 tên là Nguyễn Văn San 阮 文 珊 cóhiệu là Văn Đa cư sĩ 文 多 居 士. Trong cuốn sách nhan đề Đại Nam quốc ngữ 大 南 國 語 của mình, Nguyễn Văn San nói rằng Sĩ vương là người đầu tiên cố gắng phiên dịch kinh điển Trung Quốc ra tiếng Việt bằng cách sử dụng chữ Hán như là những phù hiệu chỉ âm đọc để ghi từ tiếng Việt bản địa. Trong số những khó khăn mà Sĩ vương gặp phải khi nỗ lực phiên dịch, Nguyễn Văn San trích xuất hai ví dụ: thư cưu 雎 鳩 (tên một loài chim) và dương đào 羊 桃 (quả khế), hai trường hợp mà Sĩ Nhiếp không biết là chim gì và quả gì là tương đương trong tiếng Việt. Sở Cuồng tán thành ý kiến của Văn Đa cư sĩ, cho dù ông lấy làm tiếc vì vị cư sĩ này không đưa ra nguồn dẫn cho ý kiến ấy. Để ủng hộ ý kiến này, Sở Cuồng đề xuất những luận cứ sau:
1) Vào thời Sĩ Nhiếp, khi người Việt lần đầu tiên học chữ Hán, họ có thể chỉ hiểu thông qua tiếng Việt, và thầy dạy chữ Hán phải sử dụng những chữ Hán có âm đọc giống với các từ trong tiếng Việt để dạy người Việt cách đọc một chữ Hán nào đó. Mặt khác, bởi các âm đọc và kí hiệu chữ Hán không thể ghi hết các từ tiếng Việt bản địa, những người Việt học chữ Hán khi ấy phải cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách ghép nhiều bộ phận của các chữ Hán lại với nhau để tạo nên chữ mới trên cơ sở các nguyên tắc cấu tạo chữ Hán như hài thanh, giả tá và hội ý. Có thể chính là nhờ cách này mà chữ Nôm được sáng tạo ra.
2) Hơn nữa, Sĩ Nhiếp vốn người vùng Quảng Tín 廣 信, theo sách Lĩnh ngoại đại đáp 嶺 外 代 答 của Chu Khứ Phi 周 去 非 người đời Tống, thì từ xa xưa đã tồn tại một thứ văn tự bản địa rất giống chữ Nôm Việt, như chữ (= nhỏ), (= yên lặng).
3) Hai chữ tiếng Việt là 布Bố (cha) và 蓋 Cái (mẹ), được tìm thấy trong thụy hiệu Bố Cái đại vương để tôn xưng Phùng Hưng, về mặt lịch sử là những chứng cứ sớm nhất chứng tỏ chữ Nôm đã được sử dụng từ thế kỉ VIII. Muộn hơn nữa, dưới triều nhà Đinh, trong quốc hiệu Việt Nam bấy giờ là Đại Cồ Việt cũng có cả chữ Nôm 瞿 Cồ. Trong thời Trần, chữ Nôm đã được sử dụng rộng rãi với chứng cứ là có một viên quan hành khiển đã dùng chữ Nôm để chú thích các sắc lệnh của triều đình để dân chúng dễ hiểu hơn(10).
Tất cả những ý kiến lược thuật trên đều có cơ sở nào đó. Tuy nhiên chưa ai là ngườicó đủ thẩm quyền để được chấp nhận như là người đưa ra giả thiết cuối cùng về vấn đề thời điểm ra đời của chữ Nôm.
Thực ra, chữ Nôm không phải được sáng tạo ra bởi một cá nhân ở một thời điểm nào trong lịch sử Việt Nam, mà nên coi nó là sản phẩm nảy sinh sau nhiều thế kỉ chuẩn bị bền bỉ và thầm lặng. Đó là kết luận hợp lí nhất được đa số các học giả chấp nhận gần đây khi tiến hành nghiên cứu chữ Nôm.
Như trên đây đã giải thích, chữ Nôm về cơ bản được cấu thành bằng cách cải biên theo kiểu Việt Nam những chữ mượn Hán. Vì vậy, có thể nhận thấy rằng chữ Nôm chỉ ra đời khi hiểu biết về chữ Hán đã đủ rộng rãi ở Việt Nam.
Những người Việt Nam đầu tiên sử dụng thành thạo chữ Hán là một vài trí thức được Hán hóa triệt để. Đó là trường hợp Lí Tiến 李 進, Lí Cầm 李 琴, Trương Trọng 張 重 (thế kỉ II). Sau đó, một vài người trong những trí thức này làm thơ và phú bằng chữ Hán theo lối Trung Quốc. Như trường hợp Phùng Đái Tri 馮 戴 知 được Đường Cao Tổ (618 - 626) khen là hay thơ; hay trường hợp Khương Công Phụ 姜 公 輔 với bài phú còn có thể tìm thấy trong các bộ sưu tập thơ văn Trung Quốc(11).
Trong suốt thời gian từ đời Hán đến đời Đường, rất có thể một số mã chữ Nôm đã được tạo ra để ghi từ bản địa, nhất là tên đất, tên người và tên chức quan ở Việt Nam. Chỉ có một số ít lưu tích của những nỗ lực này còn tồn tại được đến ngày nay. Đó là hai chữ 布 Bố và 蓋 Cái được ghi bằng hai chữ Hán mà âm đọc [Hán] Việt giống với âm đọc của hai từ tương ứng trong tiếng Việt.
Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIII, mặc dù người Việt đã giành lại độc lập dân tộc, nhưng chữ Hán luôn có được một đặc quyền, đặc quyền ấy được củng cố bằng chế độ khoa cử theo mô hình Trung Quốc(12). Với lí do này, trí thức Việt Nam tiếp tục diễn đạt tư tưởng tình cảm của họ bằng chữ Hán. Không chỉ thơ, phú và sử kí, mà cả bố cáo của triều đình, sớ tấu, luật lệ… đều được viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, tất cả tác phẩm viết bằng chữ Hán của những người Việt này có thể không giống với những trí thức Việt Nam đầu tiên kể trên. Hình thức là Trung Quốc nhưng bản chất là Việt Nam. Mặt khác, rất nhiều thể loại văn học Trung Quốc mà các tác giả Việt Nam từng thử sức là những nền tảng cho văn học Nôm của Việt Nam sau này. Đến khi chữ Nôm được đặc biệt quan tâm [nghiên cứu], thì cách dùng quan phương của hai chữ Nôm Bố 布 và Cái 蓋 ở thế kỉ VIII cũng như chữ Cồ 瞿 ở thế kỉ X là những dấu hiệu chắc chắn chứng tỏ một số chữ Nôm đã được người Việt đề xuất muộn nhất là từ thế kỉ VIII đến thế kỉ X. Ngoài những chữ Nôm như Bố, Cái, Cồ, những chữ khác có thể đã được tạo ra trong cùng khoảng thời gian ấy bằng cách sử dụng mặt âm hoặc mặt nghĩa của chữ Hán. Ví dụ, các từ thuần Việt một (số 1) và ta (tôi) lần lượt được ghi bằng hai chữ Hán 没 và 些 đọc theo âm Hán [Việt]. Những từ thuần Việt cày, cấy, ruộng, bếp lần lượt được ghi bằng các chữ Hán 耕, 稼, 田, 灶 và đọc theo nghĩa của các chữ Hán này(13). Còn những chữ Nôm khác có cải tiến hơn (tức là những chữ được tạo ra dựa trên nguyên tắc cấu tạo chữ Hán theo kiểu hội ý và hài thanh) thì phải được sáng tạo muộn hơn, có thể là sau khi cách đọc Hán Việt đã định hình(14).
Tóm lại, chữ Nôm không phải được sáng tạo một cách đột xuất và được Hàn Thuyên sử dụng để làm thơ phú, mà quá trình hình thành của chữ Nôm chắc chắn đã phải trải qua nhiều thế kỉ, bắt đầu muộn nhất là từ thế kỉ VIII trước khi đi đến hoàn tất ở một mức độ nào đó trong triều Trần. Sau đó, qua quá trình sử dụng, chữ Nôm liên tục được cải tiến từ triều Lê sang triều Nguyễn trước khi đạt đến một sự ổn định tương đối như trong các truyện thơ phổ biến như Kim Vân Kiều 金 雲 翹, Lục Vân Tiên 蓼 雲 仙...
Chỉ cần nhìn nhận chữ Nôm qua những kiệt tác văn học Nôm Việt Nam trên, thì thứ văn tự này sẽ không còn khó tưởng tượng và phi lí như một số nhà nghiên cứu đã phê phán. Thực ra, nó được chi phối bởi những quy luật khá nghiêm ngặt, thậm chí cứng nhắc. Trong bài nghiên cứu Foreign borrowings in Vietnamese (Những yếu tố vay mượn từ nước ngoài trong tiếng Việt)(15) trước đây, chúng tôi đã dẫn một số ví dụ về những mô hình chủ yếu của các yếu tố vay mượn này. Nhân đây, dựa trên những nguồn tư liệu được tiếp cận, chúng tôi sẽ cố gắng mô tả một cách đầy đủ nhất theo khả năng của mình về cấu trúc chữ Nôm.
Theo đánh giá rất chính xác của GS. Rokurō Konō, chữ Nôm của Việt Nam thể hiện những tương đồng đáng chú ý với chữ Kana và Kokuji (quốc tự 國 字) của Nhật Bản(16). Dưới đây là một số ví dụ mà ông đã đưa ra. Trong tác phẩm Cổ sự kí (Kojiki, 古 事 記), cả hai cách đọc mượn âm và mượn nghĩa của chữ Hán, điều cũng đã được tận dụng trong chữ Nôm, đều được soạn giả Ōno Yasumaro sử dụng. Như vậy, sự tương ứng về ngữ âm đã được sử dụng trong một số tên riêng như 須 佐 cho “Susa” trong “速 須 佐 之 男 命” hayasusanowo [Tên một vị nam thần trong Kojiki, em trai của nữ thần mặt trời], hay 須 賀 cho /Suga/ trong “須 賀 宮” (cung Suga). Phương pháp [mượn] âm này đã được tiếp thu một cách hoàn hảo trong một bài hát nổi tiếng bắt đầu bằng “yakumo tatu...”. Sự tương ứng về ngữ âm không phải là một chiều hướng lấn át, trừ trường hợp đối với tên riêng hoặc bài hát. Thậm chí trong tên riêng, phương pháp ngữ âm không phải luôn được chấp nhận. “速 須 佐 之 男命” (hayasusanowo) được vay mượn theo phương pháp ngữ nghĩa, trừ chữ 須 佐 /Susa/, đó là một hiện tượng thường thấy như trong những trường hợp 足 名 椎 Asinaduti [tên một vị thần trong Kojiki], 稻 田 宮 主 Inada-no Miyanusi [cung chủ Inada]... Ngoài hai trường hợp kể trên, GS. Rokurō Konō cũng dẫn những trường hợp 今{ima [kim = nay]; 初{fazime [sơ = xưa]; 時{toki [thì = thời gian]; 雲 {kumo [vân = mây]; 歌 {uta [ca = hát]; 神 {kami [thần = thần thánh]; 首{kubi [thủ = đầu]. Người ta đã tìm thấy ở cả Nhật Bản và Việt Nam những chữ hội ý được sáng tạo sau này, như chữ giời (trời) được sáng tạo bằng cách ghép hai thành tố 天 (thiên = trời) và 上 (thượng = bên trên). Những chữ được người Nhật sáng tạo trong Quốc tự, như sasaki [một loại cây được coi là nơi trú ngụ của thần], ?? tauge [con đèo], 杜 mori [rừng rậm, rừng ở đền thờ thần đạo]... đã cho thấy sự phát triển chữ hội ý giống như chữ Nôm giời.
Mặc dù tồn tại những sự tương đồng rõ ràng như trên, nhưng do sự khác biệt giữa tiếng Nhật và tiếng Việt về hệ thống ngữ âm và [sự khác biệt về] ảnh hưởng của chữ Hán trong bối cảnh lịch sử Nhật Bản và Việt Nam, cấu trúc chữ Nôm đã bảo tồn được tính chất sáng tạo độc đáo của nó, được thể hiện một cách rõ ràng, như sẽ trình bày dưới đây, bằng những dạng thức cấu trúc đa dạng. Những chữ Hán được vay mượn trong chữ Nôm nhằm thể hiện một hình vị đơn nhất (single morpheme) trong tiếng Việt có thể được sử dụng ở trạng thái độc lập hoặc kết hợp.
I. Một chữ Hán đơn nhất được dùng để thể hiện:
1) Một hình vị (morpheme) tiếng Việt có nguồn gốc Hán, đọc đúng âm Hán Việt và dùng đúng nghĩa của chữ Hán tương ứng. Ví dụ: 頭 đầu (cái đầu), 袄 áo (cái áo).
2) Một hình vị tiếng Việt có nguồn gốc Hán, giữ nguyên nghĩa của chữ Hán tương ứng, nhưng âm đọc của người Việt hơi khác với âm đọc Hán Việt của chữ Hán tương ứng. Ví dụ: chữ Hán 法, âm Hán Việt đọc là pháp, được dùng để thể hiện hình vị phép (luật pháp, phép tắc) trong tiếng Việt. Chữ Hán 旗, âm Hán Việt đọc là kì, được dùng để thể hiện hình vị cờ (lá cờ) trong tiếng Việt. Chữ Hán 橋, âm Hán Việt đọc là kiều, được dùng để thể hiện hình vị cầu (qua cầu) trong tiếng Việt.
3) Một hình vị tiếng Việt có thể có nguồn gốc Hán, nghĩa giống với nghĩa chữ Hán tương ứng, nhưng âm đọc thì đã thay đổi nhiều so với âm đọc Hán Việt của chữ Hán tương ứng. Ví dụ: chữ Hán 捲, âm Hán Việt đọc là quyển, thường thể hiện hình vị cuốn trong tiếng Việt. Chữ Hán 本, âm Hán Việt đọc là bản, bổn, thường thể hiện hình vị vốn trong tiếng Việt.
4) Một hình vị tiếng Việt có nghĩa giống với chữ Hán tương ứng, nhưng âm đọc hơi khác với âm Hán Việt của chữ Hán đó. Ví dụ: chữ Hán 役, âm Hán Việt đọc là dịch, thường thể hiện hình vị việc trong tiếng Việt.
5) Một hình vị tiếng Việt có cách đọc giống với âm đọc Hán Việt của chữ Hán tương ứng, nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: chữ Hán 戈, âm Hán Việt đọc là qua (cái giáo - binh khí), thường thể hiện hình vị qua (đi qua) trong tiếng Việt. Chữ Hán 没, âm Hán Việt đọc là một (chìm, chìm nghỉm), thường thể hiện hình vị một (số 1) trong tiếng Việt. Trong hai ví dụ trên, âm Hán Việt của các chữ Hán hoàn toàn giống với âm đọc của hình vị trong tiếng Việt mà chữ Nôm thể hiện. Ví dụ: chữ Hán 朱, âm Hán Việt đọc là chu (màu đỏ, màu son), thường thể hiện hình vị cho (đưa cho) trong tiếng Việt. Chữ Hán 箕, âm Hán Việt đọc là ki hoặc cơ (cái sàng, cái rây), thường thể hiện hình vị kia (bên kia) trong tiếng Việt. Trong hai ví dụ này, âm đọc Hán Việt của các chữ Hán gần giống với âm đọc của hình vị trong tiếng Việt được chữ Nôm thể hiện.
Những chữ Nôm thuộc loại 2, 3, 4, 5 trên đây theo cách phân loại của Dương Quảng Hàm(17) đã được Hồ Ngọc Cẩn(18) coi như thuộc về loại chữ Nôm mượn chữ Hán mà âm đọc Hán Việt của chữ Hán đó giống âm đọc [của hình vị] tiếng Việt. Theo Hồ Ngọc Cẩn, sẽ có một số trường hợp tương đồng về âm đọc như sau:
1) Tương đồng về âm đọc giữa âm Hán Việt của một chữ Hán với âm đọc của một hoặc một vài hình vị tiếng Việt, không kể phụ âm đầu. Ví dụ: chữ Hán 板, âm Hán Việt đọc là bản, có thể thể hiện phản trong chữ Nôm.
2) Tương đồng về âm đọc giữa vần, hoặc nguyên âm, nhóm nguyên âm đứng trước phụ âm cuối. Ví dụ: chữ Hán 合, có thể đọc là hợp, hạp, hiệp, hoặc hộp.
3) Đôi khi, âm đọc Hán Việt của chữ Hán thường thể hiện một hình vị tiếng Việt [có âm đọc] khác với âm đọc Hán Việt về cả phụ âm đầu và vần. Ví dụ: chữ Hán 職, âm đọc Hán Việt là chức, có thể thể hiện cả chắc và giấc trong chữ Nôm.
4) Âm đọc được coi là tương đồng mặc dù thanh điệu khác nhau. Ví dụ: chữ Hán 吟, âm đọc Hán Việt là ngâm, thường để thể hiện ngấm, ngẫm, ngậm trong chữ Nôm.
Để hiểu được những ví dụ chữ Nôm đã dẫn trên cũng như những ví dụ tương tự, chúng ta cần biết những phụ âm đầu nào, những nguyên âm hoặc nhóm nguyên âm nào, những vần nào(trong từ Hán Việt tương ứng với một chữ Hán và trong hình vị tiếng Việt được thể hiện qua chữ Nôm) thường được coi là có thể chuyển đổi cho nhau.
A) Những phụ âm đầu có thể chuyển đổi cho nhau để thể hiện [âm đọc] chữ Nôm
a) Các phụ âm đầu b-, ph-, v-. Ví dụ: chữ Hán卜, âm đọc Hán Việt là bốc, có thể thể hiện các hình vị bốc, bói và cả vốc trong tiếng Việt. Chữ Hán 板, âm đọc Hán Việt là bản, có thể thể hiện phản, bản hoặc ván.
b) Các phụ âm đầu c-, k-, gh-, qu- thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 及, âm đọc Hán Việt là cập, có thể thể hiện cấp, gặp hoặc kịp trong chữ Nôm. Chữ Hán 群, âm đọc Hán Việt là quần, có thể thể hiện còn trong chữ Nôm.
c) Các âm đầu d-, t-, v- thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 性, âm đọc Hán Việt là tính hoặc tánh, có thể thể hiện dính trong chữ Nôm. Chữ Hán 停, âm đọc Hán Việt làđình, có thể thể hiện dành hoặc đành trong chữ Nôm.
d) Các phụ âm đầu ch-, gi-, và ít thường xuyên hơn là tr-, x- thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 執, âm đọc Hán Việt là chấp, có thể thể hiện chụp, giúp, xúp và xọp trong chữ Nôm.
e) Các phụ âm đầu l-, r-, tr- thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 律, âm đọc Hán Việt là luật, có thể thể hiện cả lọt, luột, lót, rọt, hoặc trót trong chữ Nôm.
B) Các vần có thể chuyển đổi cho nhau để ghi chữ Nôm
a) ác, ắc, ấc, ức, ước thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 北, âm đọc Hán Việt là bắc, có thể thể hiện bấc, bực, hoặc bước trong chữ Nôm.
b) ach, ếch, iếc, ích thường chuyển đổi cho nhau.Ví dụ: chữ Hán 役, âm đọc Hán Việt là dịch, có thể thể hiện việc trong chữ Nôm. Chữ Hán 赤, âm đọc Hán Việt là xích, có thể thể hiện cả xếch và xệch trong chữ Nôm.
c) ai, ay, ây, oai, oay, uây, oi, ôi, ơi, uôi, ươi,ui, ưi, e, ê, i, ia, đôi khi cả ưa có thể chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 支, âm đọc Hán Việt là chi, có thể thể hiện chia trong chữ Nôm. Chữ Hán 皮, âm đọc Hán Việt là bì, có thể thể hiện cả bề và vừa trong chữ Nôm.
d) am, ăm, âm, em, êm, im, iêm, om, ôm, ơm, um, ươm thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 冘, âm đọc Hán Việt là đam, có thể thể hiện cả đâm, đem, hoặc đơm trong chữ Nôm.
e) an, ăn, ân, en, ên, iên, uyên, in, uân, on, ôn, ươn, ơn, un, ưn, uôn thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 鄰, âm đọc Hán Việt là lân, thường thể hiện lăn trong chữ Nôm(19).
f) ăng, âng, ung, ưng, ương, thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 登, âm đọc Hán Việt là đăng, thường thể hiện dâng hoặc chừng trong chữ Nôm.
g) ong, ông, ung, và đôi khi cả ưng cũng có thể chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 用, âm đọc Hán Việt là dụng, thường thể hiện cả dòng và dùng trong chữ Nôm.
h) anh, ênh, inh, iêng, ang, ưng thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 生, âm đọc Hán Việt là sinh hoặc sanh, thường thể hiện siêng trong chữ Nôm.
i) ao, au, âu, o, ô, ơ, u, ư, ưa, ưu thường chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 牢, âm đọc Hán Việt là lao, thường được dùng trong phép hài thanh để thể hiện lao, lau, trao, hoặctrau(20).
j) ap, ăp, âp, ep, êp, iêp, ip, op, ơp, up, ươp có thể chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 及, âm đọc Hán Việt là cập, dùng để thể hiện gặp, gấp, hoặc kịp trong chữ Nôm.
k) at, ăt, ât, uât, ot, ôt, ơt, ut, ưt, ươt, uôt, it có thể chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 乙, âm đọc Hán Việt là ất, dùng để thể hiện ắt, út, hoặc ít trong chữ Nôm.
l) et, êt, iêt, it có thể chuyển đổi cho nhau. Ví dụ: chữ Hán 歇, âm đọc Hán Việt là hiết, dùng để thể hiện hết hoặc hít trong chữ Nôm.
Lưu ý: trong những dẫn chứng trên, chúng ta thấy rằng một số chữ Nôm được tạo ra không chỉ bằng cách biến đổi phụ âm đầu, mà [biến đổi] cả vần, đôi khi thậm chí [biến đổi] cả thanh điệu. Ví dụ: 及 có thể đọc là cập, gặp, kịp, hoặc kíp; 吟 có thể đọc là ngâm, ngắm, hoặc gẫm.
II. Ghép các chữ Hán để thể hiện chữ Nôm
Khi một chữ Hán với âm đọc Hán Việt hoặc âm đọc gần giống của nó không đủ ghi một chữ Nôm, thì người ta sẽ dùng hai chữ Hán, một chữ làm ý phù, một chữ làm thanh phù. Việc lựa chọn sử dụng chữ Hán nào làm thanh phù sẽ căn cứ theo 12 quy luật về tương đồng âm đọc mà Hồ Ngọc Cẩn đã đưa ra như trình bày trên đây. Đối với ý phù thì có thể lựa chọn cả chữ Hán hoặc bộ thủ Hán. Ví dụ: chữ Nôm (ba, số 3) được cấu tạo bằng thanh phù 巴 (ba) và ý phù 三 (tam, nghĩa là ba, số 3). Chữ Nôm (tay, cái tay) được cấu tạo từ ý phù 手 (thủ= bàn tay) và thanh phù 西 (tây). Chữ Nôm (trăm = 100) được cấu tạo từ ý phù 百 (bách = 100) và thanh phù 林 (lâm). Chữ Nôm (ra, ra ngoài) được cấu tạo từ ý phù 出 (xuất = ra) vàthanh phù (la). Những ví dụ này cho thấy thanh phù có vị trí không cố định. Trên nguyên tắc thì ý phù đứng ở bên tay trái, như trong ví dụ thứ hai [chữ tay].
Tuy nhiên, để đảm bảo mặt thẩm mĩ, ý phù có thể thay đổi vị trí. Vì vậy nó có thể ở bên phải như trong ví dụ thứ nhất [chữ ba], ở phía trên như trong ví dụ thứ ba [chữ trăm], hoặc ở dưới như trong ví dụ thứ tư [chữ ra]. Trong ví dụ thứ tư, cũng do nguyên nhân tương tự, ý phù có thể đứng bên phải (). Trong trường hợp ý phù được cấu tạo bằng một trong 214 bộ thủ Hán thì vị trí của ý phù ấy [trong chữ Nôm] giống với vị trí trong chữ Hán có liên quan. Ví dụ trong chữ Nôm 吶 nói, ý phù 口ở bên trái; trong chữ Nôm quạ, ý phù 鳥 ở bên phải; trong chữ Nôm nong, ý phù 竹ở trên; trong chữ Nôm ???峼lòng, ý phù 心 ở dưới(21). Ngoài ra, trong một số chữ Nôm được cấu tạo bằng hai chữ Hán kết hợp với nhau, cả hai thành tố đó có thể đều chỉ nghĩa. Khi đó ta có chữ thuần Nôm. Như đối với hình vị tiếng Việt trời hoặc giời, người ta dùng chữ Nôm để thể hiện, chữ Nôm này được kết hợp từ hai chữ Hán 天 thiên và 上 thượng, ở đó không có một dấu hiệu gợi âm nào dù nhỏ nhất(22). Một số chữ Nôm có thể bao gồm một ý phù từ chữ Nho (tức chữ Hán) với âm đọc Hán Việt, và một thanh phù là một chữ Nôm ghép. Như với hình vị lời (= lời nói) trong tiếng Việt thì chữ Nôm ghi bằng một chữ phức tạp , trong đó có bộ thủ Hán 口 [khẩu] làm ý phù và chữ Nôm trời(hoặc giời) làm thanh phù(23). Chữ Nôm loại II đều được cấu thành bởi những ý phù và thanh phù mượn từ chữ Hán(24), kể cả những ngoại lệ trên.
Tuy nhiên một số văn bản chữ Nôm, nhất là những văn bản chữ Nôm của các giáo sĩ Công giáo, so với những văn bản sao chép, thể hiện một khuynh hướng duy trì thanh phù bằng cách bỏ ý phù. Hồ Ngọc Cẩn đã trích xuất một ví dụ như sau: nhóm từ có xưa nay được các giáo sĩ Công giáo ghi bằng 固 初 尼, trong khi nó thường được sao chép lại thành 有 固 汖今 尼(theo Hồ Ngọc Cẩn), hoặc thành 固 有 汖 哰 (theo GS. Nguyễn Quang Xỹ và GS. Vũ Văn Kính)(25). Sự giản hóa này trong chữ Nôm nhìn chung có thể được giải thích bằng nhu cầu tiết kiệm thời gian cho người sao chép. Theo Dương Quảng Hàm, động cơ tương tự có thể cũng là cơ sở hình thành những hình dạng chữ Nôm thuần Việt đặc biệt được giản hóa từ chữ Hán. Ví dụ: hình vị tiếng Việt làm được thể hiện bằng , là hình thức giản hóa của chữ Hán 為 (vi = làm); hình vị tiếng Việt là được thể hiện bằng , là hình thức giản hóa từ chữ Hán 羅 (la)(26).
Bổ sung cho những loại chữ Nôm kể trên là những chữ Nôm được tái cấu trúc từ một chữ Hán và chữ Nôm được tái cấu trúc từ một phức hợp nhiều chữ Hán, ở đây cần đặc biệt nhấn mạnh những chữ Nôm 𠀫 𠀪 khề khà, 乒 乓 khệnh khạng(27). Những chữ Nôm độc đáo này được GS. Nguyễn Quang Xỹ và GS. Vũ Văn Kính tìm thấy trong một bài thơ của Cao Bá Quát, thi nhân - học giả dưới triều Tự Đức. Theo các tác giả của Tự điển chữ Nôm, những chữ Nôm này thực sự là thách đố cho việc phân tích cấu trúc của chúng. Cá nhân chúng tôi tự hỏi phải chăng chúng được người Việt Nam sáng tạo dựa trên nguyên tắc tương tự để hình thành cấu trúc của những chữ Hán hiện đại là 乒乓 (pingpang, hoặc pingpong), hay chỉ là một trường hợp [trùng hợp] hoàn toàn ngẫu nhiên(28).
Với cấu trúc như vừa miêu tả(29), chữ Nôm không phải là không còn thiếu sót gì. Sau đây là một số thiếu sót đã được Dương Quảng Hàm chỉ ra.
1) Một hình vị tiếng Việt có thể được thể hiện bằng hai chữ Nôm khác nhau. Ví dụ: đốt khi thì viết là 焠, khi thì viết là 嘥.
2) Một chữ Nôm có thể thể hiện nhiều hình vị khác nhau.
a) Hai từ đồng âm khác nghĩa: từ Hán Việt mãi (mua) và từ Việt bản địa mãi (luôn luôn) có thể được thể hiện bằng một hình chữ 買.
b) Một từ Hán Việt bản (tiền vốn) và một từ Việt bản địa đồng nghĩa nhưng khác âm (vốn) được thể hiện bằng một hình chữ 本.
c) Một từ Hán Việt quần (nhóm, tụi) và một từ Việt bản địa còn (vẫn còn) có âm đọc rất khác nhau nhưng có thể cùng được thể hiện bằng một hình chữ 群.
d) Hai hay nhiều từ có nghĩa khác nhau nhưng âm đọc của một trong số những từ ấy đã gợi âm cho từ hoặc những từ kia, và các từ đó được thể hiện bằng một hình chữ giống nhau. Ví dụ: 買 mãi (mua) khi thì dùng để ghi mãi (luôn luôn), khi thì ghi mới (mới mẻ; vừa mới), cũng có khi ghi mấy (một vài; bao nhiêu).
e) Hai hay nhiều từ tiếng Việt có chung phụ âm cuối hoặc nhóm phụ âm nhưng khác nhau phần phụ âm đầu cùng được thể hiện bằng một hình chữ. Ví dụ: chữ 油, âm đọc Hán Việt là du [nghĩa là dầu mỡ], có thể thể hiện các từ tiếng Việt dầu (dầu mỡ; mặc dầu) hoặc rầu (buồn rầu).
f) Hai hay nhiều từ tiếng Việt có âm đọc tương tự nhau, chỉ khác về thanh điệu, có thể được thể hiện bằng một hình chữ. Ví dụ: chữ 萌, âm đọc Hán Việt là manh (nảy mầm), chữ này không chỉ thể hiện từ Hán Việt là bản thân nó (manh), mà còn thể hiện nhiều từ Việt bản địa khác như manh (mong manh), mảnh (mảnh vỡ), mánh (mánh khóe), mành (buông mành). Trường hợp một chữ Hán dùng để ghi nhiều từ có âm đọc chỉ khác thanh điệu như trên là do số thanh điệu trong tiếng Việt nhiều hơn so với thanh điệu trong tiếng Hán. Điều đó giải thích tại sao để lấp đầy khoảng trống về thanh điệu trong tiếng Hán, người Việt đã sáng tạo ra một số kí hiệu phụ (diacritical marks). Ví dụ như “ク” và “く” đặt ở phía trên bên phải chữ, và bộ 口(khẩu) nhỏ đặt ở phía trên bên trái chữ Hán dùng để thể hiện một từ thuần Việt. Ví dụ: từ mốc (= mốc meo) được ghi bằng chữ Hán 木 (âm đọc Hán Việt là mộc) và một trong ba kí hiệu phụ kể trên, kết quả là chúng ta có , và (30).
Với những thiếu sót trên, chữ Nôm thực sự không thể sánh cùng chữ Quốc ngữ hiện nay (tức chữ cái Latin hóa), đó là một thứ chữ ghi âm ưu việt. Phải thừa nhận rằng, từ rất lâu trước khi người ta phát minh ra hệ thống chữ Quốc ngữ, thì chữ Nôm đã tìm ra những cách riêng của nó để ghi âm tiếng Việt bản địa một cách tương đổi chuẩn xác. Edouard Diguet cho rằng việc tính lưỡng nghĩa (ambiguity) có thể xuất hiện trong chữ viết Latin hóa là do tiếng Việt có quá nhiều từ đồng âm khác nghĩa, nhưng trong chữ Nôm, điều này có thể tránh được(31). Gần đây, GS. Bửu Cầm đã nêu ra những ưu điểm của chữ Nôm với một số ít ngoại lệ, ông đã làm rõ được sự khác nhau giữa các phụ âm đầu d- và gi-, sh- và tr-, giữa các phụ âm cuối -n và -ng, -c(k) và -t(32).
Như vừa trình bày, mặc dù còn vài nhược điểm không thể tránh khỏi, chữ Nôm cũng đã chứng tỏ một số giá trị ngay cả về mặt âm vị học.
Mặt khác, từ cuối thế kỉ XIII đến giữa thế kỉ XX, chữ Nôm đã đóng một vai trò hữu hiệu trong việc ghi chép và lưu truyền văn học Việt Nam.
Lịch sử văn học chữ Nôm Việt Nam trải dài gần bảy thế kỉ, có thể phân thành những thời kì chính sau:
1) Thời Trần - Hồ (thế kỉ XIII - XIV).
2) Thời Lê - Mạc (thế kỉ XV - XVI).
3) Thời Lê Trung hưng hay chiến tranh Nam - Bắc triều (thế kỉ XVII - XVIII).
4) Thời Nguyễn (thế kỉ XIX - nửa đầu thế kỉ XX).
1) Thời Trần - Hồ
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục 欽 定 越 史 通 鑑 綱 目, tác giả đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tác thơ là Nguyễn Thuyên 阮 詮, còn gọi là Hàn Thuyên 韓 詮, và một số tác giả khác được coi là đã nối bước ông, như Nguyễn Sĩ Cố 阮 士 固, Chu An 朱 安. Tương truyền Nguyễn Thuyên có Phi sa tập 披 沙 集, Chu An có Quốc ngữ thi tập 國語 詩 集. Đáng tiếc là cả hai tập thơ Nôm này đều đã mất. Theo Bùi Huy Bích 裴 輝 璧(1744 - 1818), truyện Trê Cóc 鯔 cũng là tác phẩm đời Trần, nhưng niên đại chính xác của câu chuyện ngụ ngôn châm biếm bằng thơ lục bát này đến nay vẫn chưa có những kết luận đủ sức thuyết phục. Ngoài ra truyện thơ Nôm Trinh thử 貞 鼠, Vương Tường truyện 王 嬙 傳, và sáu tác phẩm Nôm khác trong Nguyễn Biểu truyện 阮 表 傳 cũng được đoán định có niên đại từ cuối đời Trần. Tuy nhiên đến nay đã có nhiều tranh luận về niên đại thật của những tác phẩm này(33).
Về các tác phẩm Nôm thời Hậu Trần và thời Hồ, tương truyền năm 1387 dưới triều vua Trần Đế Hiện [tức Trần Phế Đế, tên là 晛 Hiện, tác giả Nguyễn Khắc Kham đọc là Nghiện - ND]), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông 陳 藝 宗 đã ban cho Hồ Quý Li 胡 季 釐 (bấy giờ là Lê Quý Li 梨 季 釐) một thanh kiếm có khắc câu Văn vũ toàn tài quân thần đồng đức 文 武 全 才君臣 同 德(34), Quý Li đã làm bài thơ quốc âm để tỏ lòng biết ơn. Muộn hơn nữa, năm 1437, khi vua Thái Tổ triều Lê muốn xem một số mẫu chỉ dụ và thơ viết bằng chữ Nôm của Hồ Quý Li, thì tương truyền Nguyễn Trãi đã thu thập và dâng vua vài chục tác phẩm của họ Hồ(35).
2) Thời Lê - Mạc
Nguyễn Trãi cũng để lại một số tác phẩm Nôm, đó là: Quốc âm thi tập 國 音 詩 集 [ghi nhầm là Ức Trai thi tập 抑 齋 詩 集- NTC]; một bài thơ tặng đáp bằng quốc âm với Thị Lộ, một người bán chiếu sau đó trở thành vợ lẽ của ông(36); và một cuốn gia huấn viết bằng chữ Nôm, tức Gia huấn ca 家 訓 歌. Bài thơ được coi là ứng khẩu đối đáp với Thị Lộ có lai lịch đáng ngờ. Tương tự, tác phẩm thơ dài 796 dòng Gia huấn ca rất có thể được biên soạn sau này bởi một hay nhiều tác giả kế tiếp nhau. Tác phẩm Nôm duy nhất thực sự của Nguyễn Trãi hiện còn là Quốc âm thi tập 國 音 詩 集, quyển thứ Bảy trong bộ Ức Trai di tập 抑 齋 遺 集(37).
Nếu văn học Nôm đầu triều Lê chỉ được đánh dấu bằng Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và hai bài Thệ ngôn 誓 言 của Lê Lợi mới được Hoàng Xuân Hãn giới thiệu gần đây, thì triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã chứng kiến một sự phồn thịnh khác thường của văn học quốc âm Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông là người có tài thiên bẩm hiếm có về mặt sáng tác thơ, ông cũng rất yêu thích văn chương. Lê Thánh Tông đã sáng lập nhóm văn học được biết đến là Hội Tao đàn (騷 壇) với hai mươi tám đình thần gọi là nhị thập bát tú 二十八宿 do chính ông là nguyên súy, Thân Nhân Trung 申 仁 忠 và Đỗ Nhuận 杜 潤 là phó nguyên súy. Trong Hội Tao đàn, vua và các đình thần đối đáp thơ Nôm, những bài thơ đó sau này được thu thập lại trong Hồng Đức quốc âm thi tập 洪 德 國 音 詩 集 (Hồng Đức là niên hiệu thời Lê Thánh Tông)(38). Ngoài tập thơ trên, cũng cần nhắc đến Hồng Châu quốc ngữ thi tập 洪 州 國 語詩 集 của Lương Nhữ Hộc 梁 汝 鵠, Kim Lăng kí 金 陵 記 của Đỗ Cận 杜 覲. Vào thế kỉ sau đó, dưới triều Mạc, văn học Nôm Việt Nam càng độc đáo hơn với tập thơ trứ danh của Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮 秉 謙 (1492 - 1587) với Bạch Vân thi tập 白 雲 詩 集, Bạch Vân (mây trắng) là tên hiệu của nhà thơ này. Trong số các tác phẩm Nôm triều Mạc, chúng ta còn có thể nhắc đến Đại Đồng phong cảnh phú 大 同 風 景 賦, Tam Ngung động phú 三 嵎 峒 賦, và Tịch cư ninh thể phú 僻 居 寧 體 賦 của Nguyễn Hãng 阮 沆; Sứ Bắc quốc ngữ thi tập 使 北 國 語 詩集, Sứ trình khúc 使 程 曲 Tứ thời khúc 四 時 曲, Tiểu độc lạc phú 小 獨 樂 賦 của Hoàng Sĩ Khải 黃 仕 愷, và cuối cùng là Ngư phủ nhập đào nguyên truyện 漁 父 入 桃 源 傳 của Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬(39).
3) Thời Lê Trung hưng, hay thời chiến tranh Nam - Bắc triều
Từ sau khi Lê Thánh Tông mất năm 1497, nước Đại Việt, tức Việt Nam thời bấy giờ, lâm vào hiểm họa với những vấn đề xã hội và trạng thái bất ổn chính trị thường xuyên, dẫn đến việc Mạc Đăng Dung thoán ngôi năm 1527. Sau triều Mạc ngắn ngủi, chiến tranh nổ ra năm 1627 giữa chúa Trịnh ở miền Bắc [Đàng Ngoài] và chúa Nguyễn ở miền Nam [Đàng Trong], cả hai phe đều xưng là phò tá nhà Lê. Chiến tranh chỉ chấm dứt vào năm 1672 với thỏa thuận lấy Linh Giang làm đường ranh giới giữa hai bên. Nhưng năm 1775, lợi dụng một cuộc khởi nghĩa ở phía Nam là phong trào Tây Sơn, quân Trịnh đã tấn công và chiếm Phú Xuân, thủ phủ của chúa Nguyễn ở miền Nam. Tuy nhiên, cả hai phe Trịnh và Nguyễn về sau đều bị quân Tây Sơn đánh bại. Cuối năm 1787, một trong những thủ lĩnh phong trào Tây Sơn là Nguyễn Huệ đã tự xưng Hoàng đế. Cho dù Hoàng đế Quang Trung đã giành được chiến thắng mang tính lịch sử trước quân Thanh năm 1789, cũng như nhiều thành tựu đáng kể khác, nhưng chính thể Tây Sơn chỉ tồn tại rất ngắn ngủi và kết thúc vào năm 1802 với việc Nguyễn Ánh lên ngôi xưng hiệu là Gia Long sau khi bắt được Hoàng đế triều Tây Sơn khi ấy là Cảnh Thịnh và các em.
Nền tảng xã hội và chính trị của cả một thời kì trải dài từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của văn học Nôm Việt Nam. Hầu hết các tác giả đều là chiến tướng hoặc đình thần, và đều liên quan đến các sự kiện xảy ra trong thời đại của họ. Tất cả các tác giả này đều có viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, họ cũng chọn viết bằng chữ Nôm, điều đó khiến cho họ có thể mở rộng hơn nữa niềm tin chính trị của cá nhân ra khỏi phạm vi hàn lâm truyền thống, và đồng thời khuếch trương tầm ảnh hưởng của họ trong quốc gia. Ngoài những thể văn vay mượn từ Trung Quốc như thơ thất ngôn, phú, kinh nghĩa, văn sách (những thể văn này khi đó vẫn tiếp tục được ưa chuộng), thì những truyện dài bằng thơ lục bát hay song thất lục bát xuất hiện khoảng cuối thế kỉ XVIII đã cụ thể hóa những tư tưởng sáng tạo mới của các tác gia Việt Nam dùng chữ Nôm. Sau đây là những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Nôm Việt Nam trong hai thế kỉ XVII - XVIII của cả miền Bắc, miền Nam và triều Tây Sơn.
a) Về những tác phẩm Nôm ở miền Bắc của chúa Trịnh, chúng ta có thể kể đến: Giai cảnh hứng tình phú 佳 景 興 情 賦, Ngã ba hạc phú của Nguyễn Bá Lân 阮 伯 麟; bản dịchChinh phụ ngâm 征 婦 吟 của Đoàn Thị Điểm 段 氏 點; Cung oán ngâm khúc 宮 怨 吟 曲 của Nguyễn Gia Thiều 阮 嘉 韶; Hoa tiên truyện 花 笺 傳 của Nguyễn Huy Tự 阮 輝 似; Tự tình vãn 敘 情 挽 tức hai bài thơ ngắn của Nguyễn Thị Ngọc Vinh 阮 氏 玉 榮, vương phi của chúa Trịnh Doanh 鄭 楹; Lí triều Đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca 李 朝第 三 皇 太 后 古 錄 神 跡 國 語 演 歌 của Trương Ngọc Trong, ái phi của chúa Trịnh Cương 鄭 木 岡; Ngự đề Thiên hòa doanh bách vịnh thi tập 御 題 天 和 贏 百 詠 詩 集 của chúa Trịnh Căn 鄭 根; Kiền Nguyên thi tập 乾 元 詩 集 của chúa Trịnh Doanh; Tâm thanh tồn dụy tập 心 聲 存 肄 集 của chúa Trịnh Sâm 鄭 森(40).
b) Trong số những tác phẩm Nôm tiêu biểu ở miền Nam của chúa Nguyễn, chúng ta phải kể đến Huê tình truyện 花 情 傳 của Hoàng tử Đán 旦(1699 - 1753), con thứ tám của Hiển Tông Nguyễn Phước Chú 顯 宗 阮 福 澍 [có sách viết là Chu氵周; Ngọa Long cương vãn 臥 龍 崗 挽 và Tư Dung vãn 思 容 挽 của Đào Duy Từ 陶 維 慈; Sãi vãi [仕 娓], một tác phẩm trào phúng của Nguyễn Cư Trinh 阮 居 貞; Song tinh bất dạ truyện 雙 星 不 夜 傳 của Nguyễn Hữu Hào 阮 有 豪…
c) Những tác phẩm Nôm tiêu biểu thời Tây Sơn
Để bổ sung cho những lí do kể trên, những lí do giải thích cho sự phát triển mạnh mẽ của văn học Nôm cuối thế kỉ XVIII, chúng ta cũng phải nhắc đến thiện ý đặc biệt dành cho chữ Nôm dưới thời Tây Sơn, nhất là trong thời gian cai trị ngắn ngủi của Hoàng đế Quang Trung 光中. Sau đây là một số tác phẩm Nôm mà tác giả của chúng hoặc là ủng hộ hoặc là chống đối chính thể Tây Sơn: Hoài Nam khúc 懷 南 曲 của Hoàng Quang 黃 光; Tụng Tây hồ phú 頌 西 湖 賦 của Nguyễn Huy Lượng 阮 輝 湸; Ai tư vãn 哀 思 挽 của công chúa Ngọc Hân 玉 欣, hoàng hậu của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ; Phan Huy Ích 潘 輝 益, cũng để lại một bản dịch Nôm tác phẩm Hán văn Chinh phụ ngâm 征 婦 吟 của Đặng Trần Côn 鄧 陳 琨; Ngôn ẩn thi tập 言 隱詩 集 và Cung oán thi 宮 怨 詩 của Nguyễn Hữu Chỉnh 阮 有 整; Chiến tụng Tây hồ phú 戰 頌 西 湖 賦 và truyện thơ Nôm Sơ kính tân trang 梳 鏡 新 妝 của Phạm Thái 范 彩 (41). Ngoài những tác phẩm Nôm thế kỉ XVII - XVIII kể trên, chúng ta cần đặc biệt nhấn mạnh [hai] tác phẩm: [một là] Thiên Nam minh giám 天 南 明 鑑, tác phẩm diễn ca lịch sử trường thiên khuyết danh theo thể song thất lục bát, mà theo GS. Phạm Văn Diêu thì rất có thể tác phẩm này đã được biên soạn trong khoảng 1623 - 1657(42); [hai là] Thiên Nam ngữ lục 天 南 語 錄, cũng là một tác phẩm diễn ca lịch sử khuyết danh, rất có thể được viết trong khoảng 1787 - 1800 theo Nguyễn Văn Tố, hoặc 1682 - 1709 theo Hoàng Xuân Hãn(43).
4) Văn học Nôm Việt Nam trong thời Nguyễn ([giai đoạn] 1802 - 1862)
Thời kì kéo dài khoảng 60 năm này đã được đánh giá rất chính xác là thời đại hoàng kim của văn học Nôm Việt Nam. Sự nở rộ các tác phẩm Nôm rốt cục chẳng phải vì chính sách văn hóa của triều Nguyễn, triều đại mà ngoài hai vua Gia Long 嘉 隆 và Tự Đức 嗣 德 ra thì không vua nào sáng tác văn thơ Nôm như các chúa Trịnh, mà [Gia Long và Tự Đức] cũng không khuyến khích dân chúng dùng chữ Nôm. Trong một chừng mực nào đó, sự nở rộ ấy vừa là sản phẩm kế thừa, vừa là một kết quả tự nhiên của văn học Nôm thế kỉ XVIII. Nhìn theo khía cạnh khác, nó cho phép ta nghĩ rằng độc giả của văn học Nôm, đặc biệt là truyện thơ Nôm (thơ tự sự) ở Việt Nam chắc chắn đã ngày một nhiều thêm. Dù sao chăng nữa thì sự thật vẫn là phần lớn những kiệt tác văn học Nôm đều được viết trong thời Nguyễn.
Vì độ dài bài viết có hạn, nên chúng tôi sẽ chỉ kể đến một số tên tác phẩm và tác giả mà không có tham vọng trình bày một danh sách toàn diện những tác phẩm văn học Nôm vốn hết sức phong phú được viết trong thế kỉ XIX. Đầu tiên, chiếm một vị trí trang trọng là tác phẩm thơ mang tính toàn dân tộc: Kim Vân Kiều 金 雲 翹 với 3254 dòng thơ lục bát của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Du 阮 攸 (1765 - 1820), tác phẩm này hiện đã được dịch sang nhiều thứ tiếng nước ngoài. Tiếp theo là những tác phẩm Nôm bằng cả thơ hoặc văn xuôi như: Xuân Hương thi tập 春 香 詩 集 của nữ thi nhân Hồ Xuân Hương 胡 春 香 (đầu thế kỉ XIX); Nhị thập tứ hiếu diễn âm 二 十 四 孝 演 音, Phụ châm tiện lãm 婦 箴 便 覽, Sứ trình tiện lãm khúc 使 程便 覽 曲 của Lí Văn Phức 李 文 馥 (1785 - 1840); Mai đình mộng kí 梅 庭 夢 記 của Nguyễn Huy Hổ 阮 輝 琥(1783 - 1841); Kim thạch kì duyên 金 石 奇 緣 của Bùi Hữu Nghĩa 裴 有 義(1807 - 1872); Lục Vân Tiên 蓼 雲 仙, Dương Từ Hà Mậu 楊 徐 荷 茂, Ngư tiều vấn đáp y thuật 漁 樵 問 答 醫 術 của Nguyễn Đình Chiểu 阮 廷 炤(1822 - 1888); Thánh chế Thập điều diễn ca 聖 製 十 條 演 歌, Thánh chế Luận ngữ thích nghĩa ca 聖 製 論 語 釋 義 歌, Thánh chế Tự học giải nghĩa ca 聖 製 字 學 解 義 歌 của vua Tự Đức 嗣 德 (1829 - 1883); những bài thơ đầy cảm hứng chính trị của Tôn Thọ Tường 孫 壽 祥 và Phan Văn Trị 潘 文 值; Chính khí ca 正 氣 歌 của Nguyễn Văn Giai 阮 文 階; Đại Nam quốc sử diễn ca 大 南 國 史 演 歌 của Lê Ngô Cát黎 吳 吉 và Phạm Đình Toái 范 廷 亻 卒; Hạnh thục ca 幸 蜀 歌 của Nguyễn Nhược Thị 阮 若 氏 (1830 - 1909); những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ 阮 公 著 (1778 - 1858), Cao Bá Quát 高 伯 适 (?-1854), Nguyễn Quý Tân 阮 貴 新 (1811 - 1858); v.v…
Cuối cùng, cần đặc biệt kể đến nhiều truyện Nôm khuyết danh như Nhị độ mai 二 度 梅, Tống Trân 宋 珍, Thạch Sanh 石 生, Nữ tú tài 女 秀 才, Phương Hoa 芳 花, Lí công 李 公,Hoàng Trừu 黃 紬, Bích Câu 碧 溝, Phan Trần 潘 陳, Quan Âm Thị Kính 觀 音 氏 敬, Hoa điểu tranh năng 花 鳥 爭 能... và nhiều truyện thơ Nôm cũng như những tác phẩm Nôm khác tiếp tục được sáng tác phần lớn là không công khai ngay cả từ sau năm 1862 đến ít nhất là những năm 1940, cả khi chữ Quốc Ngữ đã được chính thức công nhận là văn tự quan phương(44).
Tất cả những tác phẩm Nôm kể trên đều đã được phiên chuyển toàn bộ hay từng phần sang chữ Latin hóa. Tuy vậy, điều đó đã không xảy ra với một số lượng lớn những tác phẩm Nôm khác hiện lưu trữ tại Việt Nam và một số thư viện nước ngoài(45). Những tác phẩm ấy luôn chờ được các nhà chuyên môn phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ. Mặt khác, những văn bản Nôm đã được phiên chuyển không phải là hoàn toàn không còn thiếu sót trong việc phiên âm. Trong những hoàn cảnh như thế không thể thiếu được ngành văn bản học (textual criticsm), và việc phiên chuyển chỉ tiến triển khi chúng ta đối chiếu được tất cả các dị bản hiện còn, kể cả Nôm và Quốc ngữ. Đúng như GS. Dương Quảng Hàm từng nhận xét: “Một bộ văn học sử Việt Nam chân xác chỉ có thể được biên soạn khi chúng ta đã phiên chuyển và giải mã được tất cả những văn bản chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ”(46). Song, tất cả văn bản Nôm, đặc biệt là những văn bản cần phiên chuyển, lại không chỉ giới hạn trong ngành văn học, mà còn rất nhiều tài liệu Nôm quan trọng liên quan tới lịch sử và folklore của Việt Nam.
Thật ra, chữ Nôm không chỉ được các tác giả Việt Nam dùng để viết văn chương, mà nó còn được những người nước ngoài dùng với nhiều mục đích ngay từ thế kỉ XVII. Ví như trường hợp một người Nhật Bản tên là Kadoya Shichirobei 角 室 七 郎 兵 衛 (tên Việt là Cha Chánh 吒正) đã gửi một bức thư bằng chữ Nôm tới chúa Nguyễn Phước Trăn 阮 福 溱 vào năm 1670 như sau: “翁 門 歲 固 蔑 岄 碎 於 坦 安 南 宜 浪 乑 作 碎 翁 明 廩 油 門 理 時 乑 忌 龍 恩 翁 門 歲” (chú thích: trong nguyên văn viết nhầm chữ “碎”). Phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ là: “Ông muôn tuổi. Có một em tôi [tức Shichirojiro 七 郎 次 郎- NKK] ở đất An Nam nghe rằng đã làm tôi ông, mừng lắm. Dầu muôn lẽ thời đã cậy lòng [hoặc trông - NKK] ơn. Ông muôn tuổi”(46).
Trong thế kỉ XVII, chúng ta cần nhắc đến nhiều bản Nôm chép tay của Đức Cha người Ý là J. Maiorica (1591 – 1651) đã được GS. Hoàng Xuân Hãn tìm thấy trong Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale) ở Paris. Nhan đề của những bản chép tay này đã được GS Hoàng Xuân Hãn phiên âm như sau: 1) Thiên-Chúa Thánh-giáo Hối tội Kinh. 2) Thiên-chúa Thánh-giáo Khải-mông. 3) Ðức Chúa Chi-thu. 4) Truyện Ðức Chúa Chi-thu. 5) Thiên-Chúa Thánh-Mẫu. 6) Các Thánh truyện. 7) Vita sanctorum (không có nhan đề Nôm). 8) Ông Thánh I-na-xu. 9) Ông Thánh Phan-chi-cô Xa-vi-ê truyện. 10) Ngám lễ trong mùa Phục-sinh đến tháng bảy. 11) Những điều ngám trong các lễ trọng. 12) Kinh những lễ mùa Phục sinh(47).
Như vừa trình bày, với những cống hiến vừa phong phú vừa đa dạng cho văn học cổ Việt Nam, chữ Nôm vẫn là công cụ nghiên cứu không thể thiếu được không chỉ đối với những người nghiên cứu ngành văn học cổ Việt Nam mà còn đối với cả những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.(*)
Người dịch: Nguyễn Tuấn Cường
Chú thích:
(*) Nguyên bản bằng tiếng Anh: Chữ Nôm or the Former Vietnamese Script and Its Past Contributions to Vietnamese Literature, đăng trên: Area and Culture Studies 24, Tokyo University of Foreign Studies 1974. Dịch theo bản điện tử do Nguyễn Quang Trung và Lê Văn Đặng thực hiện tháng Sáu năm 2001, đăng tải trên websitehttp://www.viethoc.org/eholdings/current/ CNNKKham-Rev1.pdf,download ngày 2/11/2005. Những phần trong ngoặc vuông […] là của người dịch. Trong nguyên bản, do tác giả sử dụng quá nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Việt [gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ], Nhật, Hàn) nên người dịch đã gặp không ít khó khăn, một số đã được các bạn bè xem giúp, nhưng chắc hẳn còn không ít sai sót. Khi đọc bản dịch, đề nghị quý vị đối chiếu lại với bản điện tử tại địa chỉ mạng đã dẫn.
(1) Việt Hán từ điển tối tân 《越 漢 辭 典 最 新》, Nhà sách Chin Hoa, Saigon, 1961, tr.549: Nôm = 喃 字 {意 印 < 南 國 的 字 >}.
(2) Hội Khai trí Tiến đức khởi thảo, Việt Nam tự điển, Saigon Hanoi, Văn Mới, 1954, tr.370: Nôm = Tiếng nói thông thường của dân Việt Nam đối với chữ Nho.
(3) Ngô Thì Nhậm 吳 時 任: Hải Đông chí lược “海 東 誌 略”.
(4) Nguyễn Ðình Hòa: Chữ Nôm, The Demotic System of Writing in Vietnam [Chữ Nôm, hệ thống chữ viết bình dân ở Việt Nam], Journal of the American Oriental Society. Volume 79, Number 4, Oct. Dec. 1959. tr.271.
(5) 阮詮海陽青林人善為詩賦人多效之後為國音詩曰韓律者以此 [Nguyễn Thuyên người huyện Thanh Lâm tỉnh Hải Dương, giỏi thơ phú, nhiều người bắt chước theo, sau làm thơ quốc âm, từ đó gọi là thơ Hàn luật] (欽定越史通鑑綱目)
(6) P. Pelliot, Première étude sur les sources Annamites de l’histoire d’Annam [Bước đầu nghiên cứu về nguồn gốc An Nam của lịch sử An Nam], BEFEO, t. IV, tr.621.
(7) H. Maspero: Etudes sur la phonétique historique de la langue Annamite. Les initiales [Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng An Nam. Những phụ âm đầu], BEFEO, t. XII, No 1, tr.7, chú thích 1.
(8) Nguyễn Văn Tố: Phan Kế Bính - Việt Hán văn khảo - Etudes sur la littérature Sino-Annamite, 2 edit. Hanoi, Editions du Trung-Bắc tân văn, 1930 in 8, 175 p.) BEFEO, t. XXX, 1930, Nos. 1-2 Janvier-Juin, tr.141-146.
(9) Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ bảy, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1960, tr.101.
(10) Sở Cuồng: Chữ Nôm với chữ Quốc ngữ, Nam Phong, số 172, tháng Năm, 1932, tr.495-498.
(11) Nguyễn Ðổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử, Hàn Thuyên, H. 1942, tr.87-91.
(12) Khoa thi đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức vào năm 1075 trong đời vua Lí Nhân Tông (1072 - 1127), xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ nhất, Trung Bắc tân văn, H. 1920, tr.81.
(13) Nguyễn Quang Xỹ, Vũ Văn Kính: Tự điển chữ Nôm, Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1971.
(14) H.Maspero: Le dialecte de Tch’ang Ngan [Phương ngữ Tràng An (Hà Nội)], BEFEO, 1920.
- Mineya Toru 三根谷徹,《越南漢字音の研究》[Nghiên cứu âm đọc chữ Hán ở Việt Nam], 東洋文庫, 昭和 47 年 3 月 25日.
(15) Nguyễn Khắc Kham: Foreign Borrowings in Vietnamese [Những yếu tố vay mượn từ nước ngoài trong tiếng Việt], Area and Culture Studies, No 19, Tokyo University of Foreign Studies, 1969, tr.142-175.
(16) Rokurō Konō, The Chinese Writing and Its Influence on the Scripts of the Neighbouring Peoples with Special Reference to Korea and Japan [Chữ Hán và ảnh hưởng của nó tới chữ viết của các nước lân cận, đặc biệt là Triều Tiên và Nhật Bản], Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko (The Oriental Library) No27. The Toyo Bunko, Tokyo, 1969. tr.117-123. 《一要解國語》[Nhất yếu giải quốc ngữ], 國文法辭典, 文學博士湯氵尺幸吉郎監介參, 寺瀨光男編, 東京堂出版, tr.66.
(17) Dương Quảng Hàm: Le chữ Nôm ou écriture démotique. Son importance dans l’étude de l’ancienne littérature Annamite [Chữ Nôm, chữ viết đại chúng, và tầm quan trọng của nó đối với nghiên cứu văn học cổ Việt Nam], Bulletin de l’Instruction Publique de l’Indochine No7, Mars 1942. Xin lưu ý: trong bốn loại chữ Nôm đã dẫn, Dương Quảng Hàm cũng trích dẫn chữ 味, âm đọc Hán Việt là vị (hương vị), thường được dùng để thể hiện hình vị tiếng Việt mùi. Tuy nhiên, tác giả này nghĩ rằng chữ Hán đó rất có thể đã được người Việt đọc là mùi ngay từ đầu đời Đường, mô phỏng theo âm đọc của người Hán. (Cũng xem: H. Maspero, Quelques mots Annamites d’origine Chinoise [Một vài từ tiếng An Nam gốc Hán], BEFEO, No3, 1916, tr.35-39). Vậy thì chữ 味 chắc hẳn là một chữ Nôm có niên đại trước thế kỉ VIII.
(18) Hồ Ngọc Cẩn: Văn chương An Nam (Littérature Annamite), Imprimerie de la Société des Missions Etrangères, Hong Kong, 1933. tr.162-166.
(19) Ví dụ này được tôi nêu thay cho chữ 竃, mà theo Hồ Ngọc Cẩn thì được dùng để thể hiện các âm răn, rân, rên trong chữ Nôm.
(20) Ví dụ này được tôi nêu thay cho chữ 墹, mà theo Hồ Ngọc Cẩn thì được dùng để thể hiện các âm lao, lau, trao, trau trong chữ Nôm.
(21) Dương Quảng Hàm, tài liệu đã dẫn, tr.279-279b.
- 三根谷徹,《安南語》[Tiếng An Nam], 世界言語概說下卷, 研究社1955.
- 三根谷徹,《漢字ガら口一マ字へ》[Từ chữ Hán chuyển sang chữ Latin], 月刊百科, 7 No70, 1968. tr.15, 16, 25.
(22) Dương Quảng Hàm, tài liệu đã dẫn, tr.103.
- Nguyễn Ðình Hòa, tài liệu đã dẫn, tr.272.
(23) Dương Quảng Hàm, tài liệu đã dẫn, tr.103.
- Mineya Toru, tài liệu đã dẫn.
(24) Theo GS. Hoàng Xuân Hãn, chữ Nôm trước hết là căn cứ theo nguyên tắc ngữ âm. Chỉ sau này nó mới trở thành chữ biểu ý bằng cách kết hợp hai yếu tố lại với nhau: một thanh phù và một ý phù, nhưng trước giai đoạn cuối này, chữ Nôm đã lợi dụng những kí hiệu đặc biệt thêm vào thanh phù để báo hiệu rằng chữ Hán dùng làm thanh phù đó có nghĩa khác với hình vị tiếng Việt được nó thể hiện trong chữ Nôm. Sau đây là một trích đoạn trong công trình nghiên cứu về tác phẩm Nôm của Maiorica có liên quan đến vấn đề này:
“Người Việt Nam tìm cách cải thiện hệ thống [văn tự của họ] bằng cách tạo nên một hệ thống văn tự thứ hai. Khác với hệ thống thứ nhất, trong hệ thống thứ hai này, người ta ghép vào các con chữ "biểu âm" (phonétique) một kí hiệu đặc biệt mà nghĩa của nó cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Trong cuộc cải tiến cuối cùng, người ta thay thế kí hiệu này bằng một bộ phận biểu ý (partie idéogaphique). Bộ phận biểu ý này là một chữ Hán cùng nghĩa với từ mà người ta muốn ghi hoặc có nghĩa chỉ loại [ở đây là để chỉ các bộ thủ trong tiếng Hán] gần với từ tiếng Việt. Sau đây làm một vài ví dụ minh họa cho phương cách này. Trong tiếng Việt, từ "nam" dùng để chỉ phương Nam. Từ này vay mượn một từ trong tiếng Hán 南 mà ngày nay người ta phát âm là /nán/. Người Việt Nam dùng chữ Hán này để ghi âm từ “nam”. Nhưng trong tiếng Việt, có những từ âm gần với từ “nam” này, chẳng hạn "năm" với hai nghĩa: số năm và năm tháng. Người Việt Nam ghi các âm tiết này bằng từ tiếng Hán chỉ phương Nam [南], đôi khi kèm theo một ký hiệu đặc biệt. Đó là phương thức thuần tuý ngữ âm. Để dễ đọc và dễ hiểu thì nhiều khi người ta gia cố thêm vào con chữ trên hoặc là chữ Hán nghĩa là số năm [tức 五 ngũ > năm], hoặc là chữ Hán nghĩa là năm tháng [tức 年 niên > năm]”.
Về những kí hiệu đặc biệt kể trên, GS. Hoàng Xuân Hãn đã ghi thêm dòng cước chú sau: “Tôi đã phát hiện ra rằng người ta có thể tìm thấy hai trong số bảy ký hiệu này trong các con chữ của (người) Tây Hạ, quốc gia đã từng tồn tại ở phía Đông Bắc Trung Quốc vào thời nhà Đường và tồn tại cho đến cuối triều nhà Tống. Điều này khiến cho tôi nghĩ rằng chữ viết của các quốc gia phụ dung của Trung Quốc trong thời Đường có cùng một nguồn gốc về mặt hành chính”.
Hoàng Xuân Hãn: Giroloam Maiorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conservées à la Bibliothèque Nationale de Paris [Giroloam Maiorica, những tác phẩm tiếng Việt lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris], Archivum Historicum Societatis Iesu Extractum e vol. XXII, 1953. Institutum Historicum S.I. Roma, Borgo Santo Spirito, 5, tr.206. [Trong chú thích số 24 có hai đoạn trích dẫn lời GS Hoàng Xuân Hãn viết bằng tiếng Pháp, được Thạc sĩ Phạm Xuân Thạch chuyển dịch giúp, người dịch chân thành cảm ơn - NTC].
(25) Hồ Ngọc Cẩn, tài liệu đã dẫn, tr.166.
- Nguyễn Quang Xỹ, Vũ Văn Kính, tài liệu đã dẫn, tr.165, 508, 859.
(26) Theo GS Rokurō Konō, hình thức viết tắt của Việt Nam giống với hình thức viết tắt thành của chữ 為 là động từ “ha” trong tiếng Triều Tiên (nghĩa là làm), mà tiếng Triều Tiên cổ đại là “tho”. Ông nói thêm, chữ Nôm là hình thức viết tắt của chữ 羅 dùng thể hiện từ là. Điều này cũng gợi cho chúng ta nhớ đến một dạng viết tắt tương tự trong tiếng Triều Tiên “tho” (,, ). Rokurō Konō, tài liệu đã dẫn, tr.101. Cũng xem: Mineya Toru, Annango [Tiếng An Nam], tr.860.
(27) Nguyễn Quang Xỹ, Vũ Văn Kính, tài liệu đã dẫn, Lời nói đầu, tr.viii.
(28) Kanagae Nobumitsu 鐘ヶ江信光:《中國語辭典 - Zhonguo yu cidian》[Từ điển tiếng Trung Quốc], 大學書林, 昭和四十七年 [1972], tr.612.
(29) Xem chi tiết hơn nữa về cấu trúc chữ Nôm trong:
-聞宥:《論字喃之組織及其與漢字關涉》[Bàn về cấu trúc chữ Nôm và quan hệ của chữ Nôm với chữ Hán], 燕京學報, 第 14 期, 1933, tr.201-242.
-山本達郎:《聞宥氏〈論字喃之組織〉》[Bài viết về cấu trúc chữ Nôm của ông Văn Hựu], 東洋學報, 第12 卷第 2 號, 1935 年.
-陳荆和:《字喃之形態及其產生年代》[Hình thái và niên đại xuất hiện của chữ Nôm], 人文科學論叢,第一輯,台北, 1949 年.
-Bửu Cầm: Dẫn nhập nghiên cứu chữ Nôm, giáo trình cho sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Cũng xem: 聞宥: 當田健次, 字喃研究一聲母(1), 字喃研究一聲母(2) [(người dịch chưa rõ nguồn gốc bài viết này)], 1973, 12言語學論叢卷 (72, 12) (東教大言語學研究會)
(30) Dương Quảng Hàm: Le chữ Nôm ou écritude démotique etc… tr. 283-284a.
(31) Edouard Diguet: De la Langue Annamite Parlée et Ecrite [Ngôn ngữ An Nam, tiếng nói và chữ viết], Revue Indochinoise, Aout, 1905, tr.226-232.
(32) Bửu Cầm, Ưu điểm và khuyết điểm của chữ Nôm, Sài Gòn, 1960, số 1, tr.50-64.
- Maurice Durand, Comptes rendus [Báo cáo], BEFEO, tome L, fasc, No2, 1962, tr.561.
(33) Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Toản: Thi văn Việt Nam (Từ đời Trần đến cuối đời Mạc), Các lớp Trung học. Loại sách học Sông Nhị, H. 1951, tr.19-45.
- Hoàng Xuân Hãn: Nguyễn Biểu, một gương nghĩa liệt và mấy bài thơ cuối đời Trần, Khai trí Tiến đức tập san, 2.3, H. 1941.
- Lãng Hồ: Văn phẩm với thời đại của văn phẩm, Truyện Trê Cóc và Truyện Trinh Thử, Văn hóa nguyệt san, Sài Gòn, Tập XII, Quyển 11 (11-1963), tr.1690-1700.
- Lãng Hồ: Văn phẩm với thời đại của văn phẩm, Truyện Vương Tường, Văn hóa nguyệt san, Sài Gòn, Tập XII, Quyển 12 (12-1963), tr.1893-1898.
- Lãng Hồ: Văn phẩm với thời đại của văn phẩm, những bài thơ văn của Nguyễn Biểu, của vua Trần Trùng Quang và của một vị sư chùa Yên Quốc, Văn hóa nguyệt san, Sài Gòn, Tập XIII, Quyển 1 (1-1964), tr.63-70.
(34) Cũng xem: Shu-King《書經》: 泰誓中, 6: “受有億兆夷民離心離德予有亂臣十人同心同德雖有周親不如仁人” [Kinh Thư, thiên Thái Thệ trung, tiết 6: Vua Trụ có ức triệu dân thường, lòng người chia lìa, đức hạnh chia lìa. Ta có mười bày tôi dẹp loạn cùng lòng dạ, cùng đức hạnh. Trụ dẫu có kẻ bày tôi chí thân cũng chẳng bằng ta có người nhân đức giúp rập], Kinh Thư, bản dịch tiếng Việt của GS. Thẩm Quỳnh, Sài Gòn, 1968, tr.206.
(35) Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, tài liệu đã dẫn, tr.107.
(36) Cũng xem Nguyễn Khắc Kham: Vietnamese Names and Their Peculiarities [Danh nhân Việt Nam và nét riêng của họ], Area and Culture Studies No23, Tokyo University of Foreign Studies, 1973, tr.205, chú thích số 23.
(37) Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Toản, tài liệu đã dẫn, tr.49-69.
- Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Ðiềm: Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập, H. 1956.
- Văn Ðàn tạp chí, số đặc biệt về Nguyễn Trãi, bộ IV, số 10 (3/1-9/1, 1963), một tập hợp công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi và tác phẩm của ông, với những người tham gia như Phạm Đình Tân, Thái Bằng, Vũ Hạnh, Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Khắc Kham, và Nguyễn Trọng Huy (hậu huệ 16 đời của Nguyễn Trãi).
(38) Dương Quảng Hàm, tài liệu đã dẫn, tr.98, 99, 280.
- Nguyễn Ðình Hòa: Book Review: Introduction à la Litterature Vietnamienne by Maurice M. Durand and Nguyễn Trần Huân [Điểm sách Dẫn nhập văn học Việt Nam của Maurice M. Durand và Nguyễn Trần Huân], Journal of American Oriental Society, Vol, 92, Number 2, April-June 1972, tr.364-368.
(39) Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Toản, tài liệu đã dẫn, tr.101-121.
(40)- Dương Quảng Hàm, tài liệu đã dẫn, tr.302-306.
- Nguyễn Văn Tố: Poésies inédites de l’époque des Lê [Thơ ca thời Lê chưa từng được công bố]. Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, Tome XIV, No1, Janvier-Mars 1934, tr.30-36; Tome XIV, No2, Avril-Juin 1934, pp. 182-190; Tome XIV, No3, Juillet-Sept. 1934, tr.460-463.
(41) Sơn Tùng, Hoàng Thúc Trâm: Quốc văn đời Tây Sơn, Sách Hiểu Biết, Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1950, 123 trang.
(42) Phạm Văn Diêu: Thiên Nam minh giám, Văn hóa nguyệt san, Sài Gòn, Loại mới, tập XII, quyển 1, số 77 tháng 1-1963, tr.49-68.
(43) Phạm Văn Diêu: Thiên Nam ngữ lục, VNVHNS. Loại mới, tập XII, quyển 3, số 79, tháng 3, 1963, tr.351-368; quyển 4 số 80, tháng 4, 1963, tr.535-550; số 81, tháng 5, 1963 tr.689-698; số 82, tháng 6, 1963, tr.835-847.
(44) Hạo Nhiên, Nghiêm Toản: Việt Nam văn học sử trích yếu, II, Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1949, tr.7-70
- Thanh Lãng: Khởi thảo văn học sử Việt Nam - văn chương chữ Nôm, (Tựa của GS. Nguyễn Đăng Thục), Sài Gòn, 1953, tr.47-212.
- Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập II, Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1963.
Ghi thêm: tên thật của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan được phỏng đoán lần lượt là Hồ Thị Mai và Nguyễn Thị Hinh, xem: Introduction à la Littérature Vietnamienne [Dẫn nhập văn học Việt Nam] (Collection UNESCO, Introduction aux litteratures Orientales G. Maisonneuve et Larose Paris, 1969) của Maurice M. Durand và Nguyễn Trần Huân, tr.181, 189.
(45) Về bộ sưu tập văn bản Nôm trong Thư viện Quốc gia Pairis, xem: Alexander Barton Woodside, Vietnam and The Chinese Model, A comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the first half of the nineteenth century [Việt Nam với mô hình Trung Hoa, một nghiên cứu so sánh về chính quyền Việt Nam và Trung Hoa nửa đầu thế kỉ XIX], Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts, 1971 tr.323 có viết như sau: “In Paris, the baffling riches of the fascinating collection of Nôm texts at the Bibliothèque Nationale are a challenge to any scholar” [Ở Paris, sự phong phú một cách đáng ngại của những văn bản Nôm trong một bộ sưu tập mê hồn tại Thư viện Quốc gia là một thách thức đối với bất kì nhà nghiên cứu nào].
(46) Dương Quảng Hàm: Le chữ Nôm ou Ecriture demotique…, tr.285.
(47) Kawashima Motojiro: 川島元次郎, 《朱印[船]貿易史》[Lịch sử mậu dịch thuyền Châu Ấn], 大正十年九月十日印刷, 大正十年九月十五日發行, 內外出版株式會社, tr.469.
(48) Hoàng Xuân Hãn: Girolamo Maiorica… tài liệu đã dẫn, tr.208-213./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét