Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

BIẾT ĐỦ, BIẾT DỪNG


      

TRI TÚC

Tác giả: Triết học

TRI TÚC:
biết đủ, biết cái mức coi như là đủ, không để lòng ham muốn vượt quá mức đó. Lão Tử trong "Đạo đức kinh" (chương 44) nhấn mạnh đức tính này: "tri túc bất nhục". "Biết đủ", tức biết vui ở những thứ mình đang có, không buông thả theo lòng ham muốn của con người, thường không bao giờ thoả mãn, cứ được cái này lại muốn cái khác. Không TT, không làm chủ được lòng ham muốn sẽ đi đến sự nhục nhã, nhục nhã vì thất bại do việc làm quá sức mình, tệ hại hơn, là nhục nhã vì lương tâm và xã hội lên án nếu làm trái với pháp luật. Tiếp liền với câu "tri túc bất nhục", Lão Tử (Laozi) còn viết "tri chỉ bất dãi, khả dĩ trường cửu" (biết dừng lại sẽ không nguy hại, có thể lâu bền). "Biết ngừng lại" tức là biết chế ngự dục vọng, không để sự ham muốn lôi cuốn mình, có thế mới vững bền cuộc sống.
     "Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đài, khả dĩ trường cửu."
(Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy mà có thể sống lâu được. - Đạo đức kinh, chương 43)        
     Chuyện xưa kể rằng: ở miếu Hoàn Công nước Lỗ có một cái lọ, để không thì nghiêng, đổ quá nước thì đổ, đổ nước vừa đủ thì đứng, không nghiêng, không đổ. Đó chính là tri túc, tri chỉ ( biết đủ, biết dừng) vậy và điều này cũng  là then chốt đạo xử thế của Lão Tử. Ngày nay không ít người trong chúng ta cũng lấy đó làm câu tự răn mình.
Tuy vậy cũng có người lại nói biết thế nào là đủ, biết bao nhiêu là vừa; “biết đủ, biết dừng” là...kìm hãm sự phát triển. Thì đó cũng là một cách nghĩ, một quan niệm sống mà chưa hẳn đã là cá biệt trong đời sống hiện nay.
Bây giờ nhìn ra xung quanh cũng thấy nhiều sự ham hố quá mức, kể từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Chốn ăn chơi lắm kẻ không “biết đủ, biết dừng” dẫn tới say xỉn bét nhè, bệ rạc, mất tư cách. Cũng có người nhờ ngồi ở vị trí “ban phát ân huệ” nên quanh năm suốt tháng được đệ tử cung phụng, đón rước thưởng thức đủ thứ sơn hào hải vị tưởng lấy đó làm sung sướng ai dè do không “biết đủ biết dừng” nên cuối cùng rước bệnh, thậm chí là rước họa vào thân. “Bệnh vào từ miệng” là thế. Chốn quan trường không hiếm người ngồi ở ghế cao rồi lại muốn cao hơn nhưng vì tài hèn, sức mọn nên phải dùng tới những ngón tiểu xảo, tiểu nhân dẫn tới thân bại danh liệt.  
Như vậy xem ra cái gì quá đều hỏng cả.
Lại nhớ câu Lão Tử: họa mạc đại ư bất tri túc/ không họa nào lớn bằng không biết đủ. Tuy nhiên “biết đủ, biết dừng” thật không dễ chút nào!
Ở đây không có ý lạm bàn về triết thuyết Lão Tử, việc ấy là của những bậc thức giả, ‘thiên kinh vạn quyển”, mà chỉ là  đôi điều nghĩ ngợi lan man, tự nhủ lòng mình “tri túc chi túc”/ biết đủ thì đủ, đừng ham hố quá, vậy thôi!
Chợt nhớ trong bài thơ “Thất cửu”, Bác Hồ cũng từng viết: “Tự cung thanh đạm tinh thần sảng/ Tố sự ung dung nhật nguyệt trường”( Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung- Xuân Thủy dịch). Phải chăng, ở Bác đó cũng chính là một sự “tri túc”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét