- Chuyện vợ chồng là chuyện đông tây kim cổ đều bàn đến, nhưng tính thời sự của nó thì chưa bao giờ nguội. Ngày nay người ta bàn đến chuyện vợ chồng là những kinh nghiệm trong chốn phòng the cũng như các vấn đề liên quan đến sức khỏe, hoặc là chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”,.v.v… Thời xa xưa, cổ nhân nhắc đến chuyện này về cơ bản cũng không rời những điều trên, nhưng quan trọng trên hết chính là “Lễ”, hay gọi là “phu phụ chi luân”.
Tương truyền vào thời Tây Chu (Trung Quốc), phong khí quốc gia không còn thuần hậu, tục cưới xin cũng hỗn loạn. Chu Công là người phò tá Thiên tử chế định lễ giáo, nhận thấy cần phải chế định lễ nghi trong việc cưới xin cho thống nhất. Ông đề cập đến bảy bước trong hôn sự gồm:
Nạp thái: Nhà trai nhà gái trao nhau lễ vật.
Vấn danh: Nhà trai hỏi tên tuổi nhà gái để bói lành dữ và chọn ngày thành hôn.
Nạp cát: Trước khi trao sính lễ cho nhà gái, nhà trai cần bói xem điềm lành dữ ra sao rồi đưa lễ cho bên nhà gái, sau đó quyết định ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ.
Nạp trưng: Sau khi đã chọn được ngày lành tháng tốt rồi, nhà trai tiến hành mang sính lễ đến trao cho nhà gái.
Thỉnh kỳ: Sau khi trao sính lễ cho nhà gái, nhà trai bói được ngày lành, nhờ người mai mối đến nhà gái thông báo ngày chính thức thành hôn.
Thân nghênh: Nhà trai đến nhà gái rước tân nương về nhà để tiến hành giao bái.
Đôn luân: Giao bái xong, tân lang đưa tân nương vào động phòng, tiến hành nghi thức cuối cùng để chứng minh rằng hai người chính thức trở thành vợ chồng, đó chính là “chuyện ấy”.
Phu thê giao bái (tranh cắt giấy truyền thống Trung Hoa) |
Bảy bước đó gọi là “sĩ hôn nghĩa thất lễ” (7 nghi thức trong việc cưới xin của kẻ sĩ quân tử). Và để rõ hơn, ông cùng với thê tử của mình bèn đích thân diễn và giải thích các nghi lễ đó. Nhưng diễn đến bước cuối cùng là “đôn luân” thì thê tử của Chu Công cự tuyệt không diễn. “Đôn luân” tức là “gắng sức đề cao luân lý vợ chồng”, cũng có nghĩa là chuyện quan hệ phòng the. Trong tình thế bị thê tử cự tuyệt, ông không biết phải làm thế nào để làm rõ vấn đề này. May sao ông thấy con trai mình là Bá Cầm nghịch chơi mấy quả bầu hồ lô, thử ghép hai nửa quả lại thành một, ông chợt nảy ra ý hay. Hôm sau ông gọi các con cháu của các sĩ quân tử đến lớp và giảng giải về “sĩ hôn nghĩa thất lễ”; giảng đến “đôn luân”, ông đem hai nửa quả bầu hồ lô (vốn được cắt từ một quả) lấy làm ví dụ. Ý nghĩa là, khi chưa được cắt ra thì vốn là một thể thống nhất, sau khi cắt làm đôi tức là phân biệt nam với nữ, “đôn luân” cũng như là ghép hai nửa quả bầu thành một thể thống nhất vậy. Theo nghi thức thì nam trên nữ dưới, lấy hình tượng trời che đất chở mà hóa sinh vạn vật, âm dương hài hòa, càn khôn có thứ tự, duy trì cương thường mà sinh con sinh cháu. Từ đấy về sau, chuyện hôn sự đều y theo bảy nghi thức trên mà tiến hành, hai mảnh của quả bầu hồ lô vì thế trở thành vật lễ.
Đến thời kỳ Xuân Thu, lễ băng nhạc hoại, nghi lễ hôn sự mà Chu Công chế định ra cũng bị phế bỏ, Khổng Tử vì thế mà sửa lại điển lễ. Sửa đến “đôn luân”, Khổng Tử thấy không cần phải đưa nghi thức này vào lễ mà lược bỏ đi, “thất lễ” của Chu Công khi ấy chỉ còn “lục lễ” (6 nghi thức). Nhưng trong dân gian vẫn làm theo lệ cũ tương truyền mà vẫn dùng bầu hồ lô trong hôn lễ, Khổng Tử bèn thuận theo ý dân mà lại đưa bầu hồ lô vào trong Lễ, gọi là “hợp cẩn” (Chén cẩn. Cẩn là quả bầu, bổ làm đôi cho cô dâu chú rể mỗi người cầm một nửa rót rượu mời nhau), nhưng lúc này quả bầu không được coi là đồ lễ khí chính thức.
Chuyện vợ chồng từ những bước khởi đầu đã cần đến bao nhiêu điển lễ như vậy, còn các bước tiếp theo thì sao? Đã thành vợ thành chồng thì nhất thiết việc giữ gìn và duy trì đạo vợ chồng là điều phải đặt lên hàng đầu, đó chính là cái Chu Công gọi là “đôn luân”. Trong quan niệm của Nho gia, “bách hạnh hiếu vi đại” (trăm đức hạnh thì điều hiếu là to lớn), mà hiếu cũng có nhiều hình thức, trong đó sinh con cái nối dõi tông đường là vô cùng quan trọng. Sinh con cần phải có sự kết hợp của người nam và người nữ, nhưng vốn người khác với thú vật ở chỗ biết hành xử sao cho có lễ. Vì thế mà từ xưa, vợ chồng dù thân nhưng đối đãi không được suồng sã, thậm chí chuyện quan hệ chốn phòng the cũng không ngoài lễ nghĩa.
Phùng Mộng Long thời Minh trong cuốn “Cổ kim đàm khái” có ghi:
“Tiết Xương Tự người thời Đường gặp thê tử của mình luôn luôn có lễ, đầu tiên sai đứa hầu gái đến thông ngôn với thê tử hai ba lần, sau đó cầm đuốc đến phòng, đàm luận những điều cao nhã, uống trà và ăn hoa quả rồi lui. Nếu có muốn ở lại phòng thê tử thì phải thỉnh với thê tử rằng: “Xương Tự coi việc có con nối dõi là đại sự, bèn muốn thử một cuộc gặp gỡ hoan lạc xem sao”. Đợi đứa hầu gái báo lại rằng được thì mới vào, lễ chính là ở chỗ đó.”
Ngày nay không còn cách thức cư xử giữa vợ chồng như vậy nữa, mà thay vào đó là cách thức giáo dục ứng xử trong quan hệ vợ chồng. Nhức nhối hơn cả là vấn đề bạo hành gia đình và quan hệ ngoài luồng. Xưa trọng nam khinh nữ, không sai, tiếng nói của người phụ nữ hầu như không có, nhưng trong đạo nghĩa vợ chồng, phu xướng phụ tùy, gia đình hòa mục luôn được đặt lên hàng đầu. Tôi cũng nhân vì nói chuyện trao đổi với bằng hữu về vấn đề này mà viết mấy dòng tản mạn trên.
Nguồn http://nguoihieuco.blogspot.com/2014/03/tan-man-chuyen-vo-chong-trong-quan-niem.html#ixzz3D1k0DUsz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét