Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Đạo Học


DẠY VÀ HỌC. Lão Tử là nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại, một trong những người thầy lớn nhất của mọi thời đại. Trong biển học tri thức mênh mông, Lão Tử đã trao truyền lại cho đời sau kho báu Đạo Đức Kinh vô giá chỉ vẻn vẹn trên 5000 chữ  nhưng chứa đựng túi khôn của nhân loại. Những lời vàng cách đây hơn hai ngàn năm đến nay vẫn vằng vặc như sao Mai mới mọc. Bốn chữ “biết đúng, biết đủ” (tri túc, tri chỉ) là tinh hoa của phương pháp học tập cổ điển và hiện đại (đạo học) và phép xử thế,. Đó cũng là căn bản của phép quyền biến và sự cương nhu.  Lão Tử viết trong chương 67 (đại ý của lời văn được diễn đạt theo lối mới): “Ta nắm lấy ba phép báu:  thứ nhất là nhân từ , thứ nhì là tiết kiệm, thứ ba là khiêm nhu, không tranh với người khác. Ta biết nhân từ thì được dũng cảm; biết tiết kiệm thì được rộng rãi; biết khiêm nhu không tranh đoạt người thì được tôn vinh.” Tôi duyên may được đọc một số sách của các tác giả đáng kính và mừng được tiếp xúc với một số người bạn biết trọng vốn cổ văn hoá phương Đông đã khuyến khích lập thư mục này như là một cách để tự học và cùng học.  Người ta biết rất ít về cuộc đời Lão Tử nhưng bộ sách Đạo Đức Kinh lại được luận bàn sôi nổi suốt trên hai nghìn năm qua. Tác phẩm này được nhiều nhà nghiên cứu Trung Hoa và Đông Phương, Tây Phương coi là một kỳ thư hiếm thấy trong lịch sử nhân loại tương tự Kinh Dịch. Tôi tán đồng với anh Nguyễn Quốc Toàn là khởi đầu hãy nghiên cứu “Đạo Đức Kinh và Đạo Giáo“. Tiếp đến là “Lão Tử túi khôn của nhân loại và “Lão Tử tri túc tri chỉ” của Vương Tuệ Mẫn. Sau đó mới nhàn đàm dần vào bên trong …  
Anh Nguyễn Quốc Toàn (Bulukhin) đã trả lời ba câu hỏi của bạn Tudinhuong: 1) Đạo Đức kinh có phải là Đạo giáo không? 2) Người Việt Nam hình như đa số theo Đạo giáo? 3) Đạo thờ Tổ tiên Ông bà có phải là một hình thức của Đạo giáo?  
1) Đạo Đức Kinh là học thuyết của Lão Tử xuất hiện vào thời Chiến Quốc bên Tàu. Chữ đạo mới đầu trỏ một dường đi, sau đó trỏ cái lí phải theo, như đạo làm người, đạo làm con…sau cùng mở rộng ra nữa để trỏ luật, trật tự thiên nhiên. Và Lão tử đã chọn chữ đạo để chỉ bản nguyên vũ trụ. Thực ra ông không chọn được từ nào thích hợp hơn, chữ đạo là để dùng tạm, bởi vậy mở đầu Đạo đức kinh ông viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” nghĩa là: Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải đạo vĩnh cữu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó (đạo) thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến”. Với Lão tử thì đạo có trước thượng đế : “Ngô bất tri thùy chi tử, tượng đế chi tiên”, nghĩa là: Ta không biết nó con ai, có lẽ nó có trước thượng đế. Về cái dụng của  đạo Lão tử nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật ” tức là Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật.Chữ đức trong đạo đức kinh khác với đức trong nho giáo mà ta từng biết như: Đức trị, tứ đức tam tòng, đức hạnh … Đức của Lão tử là biểu hiện cụ thể của đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật nhưng làm cho vật nào thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ  là do đức. “Đạo sinh ra nó (vạn vật), đức chứa đựng nó, làm cho nó lớn, làm cho nó sống, làm cho nó hiện ra hình, làm cho nó thành ra chất, và nuôi nấng che chở cho nó” (Đạo sinh chi, đức xúc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi) . Nhìn chung Học thuyết của Lão tử mang tính vô thần, trời có sau đạo, chủ trương sùng thượng tự nhiên, cho tự nhiên là hoàn hảo tột bực, là năng lực vô biên, một “thần khí” mà loài người buộc phải tuân theo không được trái lại, không được tìm cách sửa đổi. Từ đó ông chủ trương vô vi, không phải không làm gì cả mà phải làm theo quy luật tự nhiên.
2) Đạo giáo : Sau Lão tử, đến lượt Trang tử (369-286 trước Tây lịch) cho rằng người biết được học thuyết Đạo đức kinh của Lão là người nắm được thiên cơ,  người ấy gọi là chân nhân. Chân nhân là người xuất thế thoát tục, ngao du đây đó, sống với trăng sao, sông nước, cây cỏ, luyện thuốc linh đan uống vào cho trường sinh bất tử, đạt được ý  đó là tiên ( 仙 ). (Tiên gồm bộ nhân 亻là người, đứng bên trái chữ sơn  山  là núi, ý rằng tiên là người ở trên núi). Thế là từ một học thuyết triết học của Lão tử nói về sự hình thành trời đất muôn vật được gọi là Đạo đức kinh,  biến thành một tín ngưỡng tôn giáo gọi là Đạo giáo, lấy phép tu thành tiên,  kéo dài cuộc sống bất tử làm mục đích. Đạo giáo có hai khuynh hướng , Đạo giáo thần tiên và đạo giáo phù thủy,
* Đạo giáo thần tiên lấy phép tu tiên, luyện đan, kéo dài sự sống làm mục đích. Đại biểu của phải này là Cát Hồng (283- 343 tr  Tây lịch)
 Cúng giải sao hạn
* Đạo giáo phù thủy dùng phù phép vẽ bùa trên nước gọi là bùa thủy hoặc phù thủy. Cũng có thể vẽ bùa trên giấy hoặc trên vải, cùng nhiều phép hô phong hoán vũ kêu gọi âm binh…Đại diện cho khuynh hướng này là Vu Cát sống trong đời Đông Hán, triều vua Thuận Đế ( 126-144)
Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ II. Ở Trung Hoa, sau khi Hán Linh đế băng hà, xã hội rối loạn, riêng có Giao Chỉ là đang yên ổn. Người phương Bắc qua Giao chỉ lánh nạn rất đông trong đó có nhiều thuật sĩ của hai khuynh hướng Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Nhiều quan lại Trung Hoa sang ta cai trị đều sính phương thuật, điển hình là Cao Biền đời Đường  từng lùng tìm yểm huyệt, hy vọng cắt đứt các long mạch  để hòng triệt nguồn nhân tài Việt Nam. Tuy Đạo giáo tôn Lão tử làm giáo chủ nhưng phương pháp tu hành thì chống  lại giáo lý của Đạo đức kinh. Trong khi Lão tử chủ trương sùng thượng tự nhiên, xem sống chết là quy luật thì Đạo giáo tu tiên, luyện linh đan để  được trường sinh bất tử.
Đến nay ở Việt Nam vẫn còn hiện tượng như đồng bóng, đội bát nhang, bùa chú… nhưng đó là di sản của tín ngưỡng dân gian truyền thống. Đạo giáo như một tôn giáo đã lâu không còn tồn tại nữa. Bởi vậy không thể nói “Đa số người Việt Nam theo Đạo giáo”. Theo thống kê năm 2009 thì 7,93% dân Việt Nam theo Phật giáo, và 6,61% theo Thiên chúa giáo, đây là hai đạo lớn nhất Việt Nam hiện nay.
3) Thờ cúng ông bà: Trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt nên người xưa thần thánh hóa nó thành khái niệm “linh hồn”, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Người Việt tin rằng xác thân của tổ tiên, ông bà ở nơi chín suối, nhưng linh hồn vẫn thường xuyên đi về thăm nom phù hộ cho con cháu, đấy là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nó có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á và là nét đặc trưng cho vùng văn hóa này. Theo nhà nghiên cứu người Nga G.G. Stratanovich thì nó phổ biến và phát triển hơn cả ở người Việt. Đối với người Việt, nó gần như thở thành một tôn giáo, ngay cả những người không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà. Người miền Nam gọi là  Đạo ông bà. Nguyễn Đình Chiễu viết trong Lục Vân Tiên:
Thà đui mà giữ ĐẠO NHÀ
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ
                                                              Bàn thờ gia tiên
Như vậy tín ngưỡng thờ tổ tiên, (hay xem là Đạo ông bà đi chăng nữa) thì nó không liên quan gì đến Đạo giáo – một thứ biến thể Đạo đức kinh  của Lão tử – chuyên tu  tiên, luyện linh đan để trường sinh bất tử, hoặc phù phép đồng bóng  làm những điều kì dị, không có căn cứ khoa học .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét