Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Một số dữ kiện để hiểu thêm về tên gọi Giao Chỉ

“Giao Chỉ, xưa là Giao Châu, phía Đông Nam kề gần với biển, tiếp giáp với Chiêm Thành, phía Tây thông với Bạch Y Man, phía Bắc chạm đến Khâm Châu”

Giao Chỉ vốn là đất Nam Việt thời sơ Hán. Vào năm 140-86 Tr.CN, vua Hán Vũ Đế bình định Nam Việt, chia đất thành 9 quận, Giao Chỉ là 1 trong 9 quận đó, và đặt quan Thứ sử Giao Chỉ làm thủ lĩnh, vì thể nên gọi chung cả đất này là Giao Chỉ. Đến đời vua Đường Cao Tông, “Giao Châu” hay “Giao Chỉ” đều dùng để gọi biên quận của nhà Hán. Năm 670, nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ để cai quản Giao Chỉ. Từ đấy về sau đất Giao Chỉ bao gồm vùng Tam Giác Châu, hầu như là toàn bộ vùng Đông Kinh (tức Hà Nội) ngày nay. 

Chín quận thời Hán Vũ Đế bao gồm: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Nhật Nam được thành lập sau khi nhà Tây Hán chiếm được thêm vùng đất phía nam quận Cửu Chân), Đạm Nhĩ, Châu Nhai (Đạm Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông). 

Sách Hán thư – Địa lý chí chú thích rằng, 9 quận trên đều thuộc Giao Châu. Tuy nhiên, Nhan Sư Cổ lại dẫn lời Hồ Quảng rằng: “Nhà Hán sau khi bình định được đất Nam Việt thì đặt Giao Chỉ thứ sử để phân biệt với các châu khác”, vì thế mà trước thời Hán vẫn chưa có tên gọi Giao Châu.

Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương cuối thời Nam bắc Triều thì ghi chép rằng: “Rợ nước ấy chân rất to, ngón chân thì bị choãi ra, hai chân chụm vào nhau thì hai ngón sẽ giao nhau” vì thế mà gọi là Giao Chỉ 交阯, thời xưa 阯 và  趾 dùng thông nhau, đều có nghĩa là ngón chân.
Ngón chân cái giao nhau khi chụm lại
Chân giao chỉ (ảnh: internet)
Sách Hán quan nghi của Ưng Thiệu viết: “Dân ấy khai hoang ở phương bắc, sau bèn di chuyển xuống phía nam đặt cơ chỉ cho con cháu ở đó”, vì thế cũng gọi là Giao Chỉ, nhưng đây dùng với nghĩa là đi giao xuống phương nam để tạo nền móng.

Sách Thông điển của Đỗ Hựu chép: “Giống người ở vùng cực Nam, trán thì xăm trổ, chân thì giao nhau”

Ngoài ra, Giao Chỉ còn được nhắc đến trong một số thư tịch cổ khác như: 

Thượng thư – Nghiêu điển có ghi chép về Nam Giao

Mặc Tử - Tiết dụng thiên:” Xưa vua Nghiêu cai quản thiên hạ, phía Nam thì vỗ vễ Giao Chỉ, phía Bắc hàng phục U Đô, cho đến cả vùng Đông Tây là nơi mặt trời lặn mọc cũng không đâu không quy thuận.”

Đại Đái lễ kí – Thiếu văn thiên:” Xưa vua Thuấn dùng đức trời để nối nghiệp vua Nghiêu, đi tuần thú để hàng phục U Đô, phía Nam thì vỗ về Giao Chỉ.”

Lã Thị Xuân Thu và Sử kí đều ghi việc vua Vũ nhà hạ trị yên nước lũ thì ra sức vỗ về Giao Chỉ ở phía Nam.


Nguồn http://nguoihieuco.blogspot.com/2013/01/mot-so-du-kien-e-hieu-them-ve-ten-goi.html#ixzz3D1gd2DX6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét